Đức - Mỹ tranh cãi về hợp tác mạng 5G với Huawei
Hãng tin Reuters đưa tin, hôm 12-3, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố nước này sẽ thiết lập tiêu chuẩn bảo mật riêng cho mạng di động 5G mới. Theo quan điểm của người đứng đầu chính phủ Đức, yếu tố bảo mật đặc biệt quan trọng và lĩnh vực kỹ thuật số cũng là một mối quan tâm hàng đầu đối với Đức.
Vì vậy, khi triển khai mạng di động 5G mới, Đức sẽ thiết lập các tiêu chuẩn riêng cho mình và thảo luận về những khúc mắc với các đối tác ở châu Âu cũng như các cơ quan thích hợp ở Mỹ".
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố nước này sẽ thiết lập tiêu chuẩn bảo mật riêng cho mạng di động 5G mới. |
Trước đó 5 ngày, khi được hỏi về việc Berlin có kế hoạch cấm Tập đoàn Huawei của Trung Quốc tham gia xây dựng mạng 5G ở Đức hay không, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier khẳng định: "Berlin không có kế hoạch cấm Tập đoàn Huawei của Trung Quốc tham gia xây dựng mạng 5G ở Đức nhưng sẽ siết chặt các tiêu chí an ninh đối với tất cả các nhà cung cấp. Cụ thể, chính phủ Đức sẽ sửa đổi quy định pháp luật để đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm sử dụng trong mạng 5G được kiểm duyệt an ninh và không vi phạm các quy định bảo vệ dữ liệu".
Thông báo này được đưa ra vào thời điểm mà Mỹ đang ráo riết kêu gọi các đồng minh cấm Huawei tham gia thiết lập mạng 5G tại nước mình hay không, vì các lo ngại an ninh và tình báo. Thậm chí, hôm 11-3, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell còn gửi một bức thư tới Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier nêu rõ, Mỹ có thể hạn chế chia sẻ thông tin với cơ quan an ninh Đức nếu quốc gia này sử dụng công nghệ của Huawei.
Đại sứ Richard Grenell lập luận rằng, Huawei là một đối tác thiếu tin cậy để xây dựng mạng không dây thế hệ mới 5G và rằng luật pháp Trung Quốc quy định, các công ty Trung Quốc phải hỗ trợ các cơ quan an ninh nước này khi được yêu cầu và các cuộc điều tra về phần mềm của Huawei không thể đảm bảo chắc chắn rằng sẽ không có nguy cơ bị tấn công về an ninh.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng tuyên bố, việc các nước đồng minh sử dụng thiết bị của Huawei sẽ khiến Washington gặp khó khăn hơn trong quan hệ đối tác với những nước này.
Đồng quan điểm này, Tổng thư ký khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng, sự gia tăng quan ngại về việc Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng khiến các quốc gia đồng minh cần cùng nhau xử lý.
Đáng nói là các quốc gia đồng minh của Mỹ ở châu Âu hiện vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào các thông tin về khủng bố và các mối đe dọa khác do Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) và các cơ quan tình báo khác của Mỹ cung cấp.
Cho đến nay, Huawei vẫn liên tục bác bỏ việc tham gia hoạt động tình báo cho bất kỳ chính phủ nào. Tập đoàn này còn quyết định kiện chính phủ Mỹ vi phạm Hiến pháp Mỹ vì cấm các cơ quan chính phủ mua thiết bị của Huawei.
Tập đoàn Huawei đang trong "tầm ngắm" của Mỹ. |
Đơn kiện này hiện đã được nộp lên toà án Mỹ, tập trung vào điều khoản trong Đạo luật Uỷ quyền quốc phòng (NDAA) với mục 889 cấm các cơ quan chính phủ mua sắm phần cứng viễn thông do Huawei và một công ty Trung Quốc khác là ZTE cung cấp.
Chủ tịch Tập đoàn Huawei Quách Bình còn nhấn mạnh: "Cáo buộc an ninh của Mỹ nhằm vào thiết bị 5G của chúng tôi là không có căn cứ. Chúng tôi không làm điều gì xấu. Tôi xin nói rõ là Huawei chưa và sẽ không bao giờ sử dụng các bí mật của mình và cũng sẽ không bao giờ cho phép bất cứ ai làm như vậy trên thiết bị của mình".