Gắng sức để Đất Mũi bình yên

10:00 12/02/2016
Kể nét đặc thù của vùng đất thiêng ở cực Nam của Tổ quốc, Đại tá Phạm Thành Sỹ - Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau cho biết, ấy là địa bàn rộng hơn 13% diện tích của cả miền Tây Nam Bộ, ba mặt giáp biển, hệ thống sông rạch chằng chịt, dài hơn 7.000km, theo đó là mật độ phương tiện trên mặt sông dày đặc ở mức… nhất thế giới.

Chính đặc thù này mà cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát đường thủy (PC68) luôn vất vả, thường xuyên “ăn Tết” ở dưới sông. Đáng mừng là các anh luôn chủ động, nỗ lực không ngừng, lấy gian nan để thử sức mình.

Theo phương tiện tuần tra xuôi về Đất Mũi, cảm nhận không khí của Tết con khỉ đang đến rất gần; song chúng tôi cũng tận mắt thấy, tận tai nghe sự vất vả của lực lượng Cảnh sát đường thủy nơi cuối đất. 10 tuyến sông chính mà các anh trực tiếp đảm trách dài gần 340km. Để tuần tra, kiểm soát (TT, KS) khép kín địa bàn, là cả một vấn đề.

Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Cà Mau luôn thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát trên sông.

Sông nước mênh mông. Mùa này, di chuyển hàng trăm kilomet, chưa nói tới cái nắng, mới chỉ gió thôi đã làm rát cả mặt. Hôm tôi đi, gió chướng thổi phần phật. Dù tay cố bám chặt, ngực tì sát vào thân ca nô nhưng mỗi khi ca nô nhảy sóng, tôi có cảm giác xương cột sống mình bị gãy...

Là một trong những cán bộ có thâm niên của đơn vị PC68, từng nhiều lần “ăn Tết” ở dưới sông, Trung tá Lê Minh Bàn – Phó trưởng Phòng PC68 cho biết chuyện tuần tra trên sông kể cả ngày cũng không hết. Ban ngày đã vất vả, ban đêm còn vất vả trăm bề; rồi nắng, mưa, bão bùng, khi trốn vào rừng đước, khi lội hàng cây số trên bãi bồi...

Được hỏi chuyện đang khiến các anh bức xúc nhất, Trung tá Bàn cho biết, vài năm gần đây, vào thời điểm mùa khô, diễn biến bồi lắng cục bộ trên một số tuyến huyết mạch đã gây khó khăn cho phương tiện vận tải lớn. Anh cho biết, trên tuyến từ ngã ba Chùa đi Năm Căn – Đất Mũi (dài 110km), các phương tiện sợ nhất là đoạn cạn 10km từ vàm Tân Hưng đến Chà Là.

Trên tuyến từ cống Lương Thế Trân đến ngã ba Cỏ Xước (10km), điểm cạn nằm ngay đầu kênh Lương Thế Trân và kéo dài tới ngã ba Tắc Thủ thuộc tuyến cửa sông Ông Đốc - Cái Bát (dài 95km).  “Diễn biến cạn, hẹp lòng sông diễn ra khá nhanh trong khoảng 2 năm trở lại đây. Nhiều phương tiện, nhất là sà lan không biết điều này nên bị mắc cạn, phải đợi nước lên mới đi tiếp được. Để hạn chế tình trạng này tái diễn, chúng tôi đã duy trì lực lượng có khi 24/24h để điều tiết” – Trung tá Bàn cho biết.

 Trở lại chuyện phương tiện dưới mặt sông dày đặc, Thiếu tá Võ Thanh Phong – Đội trưởng Đội Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, người có 4 năm được điều động về huyện chót cùng trên bộ cực Nam của Tổ quốc, kể từ khi Ngọc Hiển chưa được chia tách, còn chung với Năm Căn, đường bộ chưa liền mạch, mỗi nhà dân có vài ba phương tiện thủy là chuyện bình thường.

Tại xã Đất Mũi, xe máy đếm được trên đầu ngón tay, trong khi vỏ lãi có đến hàng ngàn chiếc. Thêm vào đó là đò dọc, đò ngang, ca nô phục vụ du khách đi tham quan Mũi Cà Mau. Ngày Tết, mặt sông chộn rộn, có nơi gần như đặc nước bởi đủ loại phương tiện thủy ngược xuôi. Giờ thì đã khác đi rất nhiều.

Trước hôm “nhảy” ca nô về Đất Mũi, chúng tôi được con số thống kê từ Sở GTVT cho biết tổng phương tiện thủy dân dụng của Cà Mau hiện khoảng 70.000, giảm gần 30.000 chiếc so với 10 năm trước. Phương tiện đò dọc và đặc biệt là ca nô cao tốc trên một số tuyến cố định (TP Cà Mau đi Đất Mũi, đi Rạch Gốc, đi Vàm Đầm) cũng chỉ còn khoảng 20 chiếc, giảm hai phần ba.

Hệ thống giao thông trên bộ phát triển, phương tiện thủy dân dụng giảm, song con số 70.000 vừa kể vẫn ở mức nhiều nhất nước. Điều đáng ngại là chỉ hơn 40% số lượng phương tiện có đăng ký, đăng kiểm; ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn nhiều điều phải nói. Đây là điều trực tiếp khiến lực lượng làm nhiệm vụ trên mặt sông luôn vất vả, suy tư.

Hơn một ngày lênh đênh trên sóng nước Cà Mau, chúng tôi được nghe kể nhiều về những người luôn lấy mặt sông yên bình làm thước đo cho mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Không phải chỉ lãnh đạo đơn vị như Đại tá Nguyễn Hùng Thắng, Trung tá Lê Minh Bàn, tại các trạm Hòa Trung, Thới Bình, Năm Căn, Sông Đốc, chúng tôi được nghe các anh kể chuyện sông nước ro ro và rành rẽ như thuộc lòng bàn tay chính mình.

Chúng tôi cũng được nghe những trăn trở của các anh về tình trạng vi phạm hành lang luồng tàu chạy, người dân vẫn còn cất nhà lấn ra mặt sông, vẫn còn bao chiếm luồng lạch để nuôi thủy sản. Đan xen vào đó là tấm lòng của các anh dành cho người dân. Các anh bộc bạch rằng, các hình thức mưu sinh trên sông như đặt lú, nò, chất chà, gây mất ATGT trên mặt sông thì dễ giải quyết.

Nhưng riêng với đáy cá, do đây là nghề truyền thống của nhiều gia đình nên các anh đã tham gia khảo sát kỹ càng, tham mưu đề xuất giúp bà con có lộ trình chuyển đổi nghề tùy từng trường hợp. “Nói thì nghe đơn giản nhưng bắt tay vào thực hiện không dễ chút nào. Đảm bảo an toàn cho sông nước là chuyện phải làm, nhưng một khi đụng đến chén cơm, manh áo của người dân thì phải làm sao cho thấu tình, đạt lý, đảm bảo không gây xáo trộn đời sống của bà con” - Trung tá Lê Minh Bàn bộc bạch.

Trước khi chia tay đơn vị, chúng tôi còn được nghe kể về một “mặt trận” khác của các anh cũng không kém cam go, quyết liệt. Đó là công tác tấn công, trấn áp tội phạm trên sông. Thiếu tá Phong kể tội phạm, nhất là đối tượng trộm luôn rình rập trong bóng đêm.

Trước khi hoạt động, các đối tượng cũng điều nghiên kỹ càng về quy luật TT, KS của các anh. Khu vực nào mà các anh ít đi qua là các đối tượng mon men hoạt động. Khi bị phát hiện, có khi đối tượng chống trả quyết liệt lại các anh để tháo chạy. “Ở miệt này, có khi chiếc vỏ lãi, miệng đáy là tài sản lớn nhất, là kế sinh nhai của gia đình hai ba thế hệ.

Nếu tài sản ấy bị trộm rinh mất là cả một vấn đề cho bà con. Cảm nhận được thực tế đó nên anh em chúng tôi luôn gắng sức, nêu cao tinh thần trách nhiệm trên từng tuyến sông, chủ động tấn công tội phạm, không phụ lòng tin của người dân Đất Mũi đối với mình” - Thiếu tá Phong bày tỏ.

Thái Bình

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文