Giải cứu nhóm thiếu niên ở quán phở Lý Quốc Sư, TP HCM

14:13 10/03/2016
Vừa "chân ướt, chân ráo" ở Bến xe Miền Đông (TP HCM), em Nguyễn Hà Xuân Lộc (15 tuổi, quê tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) lục túi áo chỉ còn vỏn vẹn 20.000đồng. Do không đủ tiền bắt xe về nhà, em Lộc đã bị một gã xe ôm ở trong bến dụ dỗ giới thiệu việc làm với thu nhập cao. Tuy nhiên, gã này đã chở Lộc đến bán với giá 600.000đồng cho quán phở Lý Quốc Sư thuộc phường Bình An, quận 2, TP HCM.


Gặp phải kẻ bất lương

Sau khi trốn thoát khỏi quán phở, Lộc đã được Công an phường Tân Phú (quận 9, TP Hồ Chí Minh) thông báo cho gia đình đến đón trở về. Đến nhà, Lộc ám ảnh không dám thò chân ra ngoài đường vì hoảng loạn tâm lý và sợ bị chủ quán phở cho người bắt trở lại. Vài ngày sau đó, người nhà Lộc mới thông tin cho chúng tôi biết và có cuộc gặp gỡ em để tìm hiểu nguồn cơn của sự việc.

Em Lộc run rẩy kể lại: "Ngày 21-1, em từ huyện Phú Giáo (Bình Dương) lên Bến xe Miền Đông bắt xe về tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tới bến xe, em phát hiện trong túi chỉ còn 20.000 đồng nên không đủ tiền mua vé xe, cũng không có số điện thoại của chị gái ở gần đó. Sau đó, em vào một tiệm internet gần bến xe nhắn tin cho người nhà kêu chị gái đón về.

Chờ mãi không thấy, em ra lại cổng chính của bến xe. Lúc này, một tài xế xe ôm luống tuổi, dáng người đậm, đi tới giới thiệu việc làm ở một quán phở. Em nghĩ rằng sẽ đến đây làm vài ngày để có tiền về nhà nên đồng ý. Trên đường đi, ông ta nói ở đó người ta trả lương 3,7 triệu đồng/tháng. Đến quán phở Lý Quốc Sư trên đường Trần Não thuộc phường Bình An thì ông ấy vào nói chuyện với người thân của chủ quán một lúc rồi lấy 600.000đồng ra về".

Cổng giữa Bến xe Miền Đông luôn xô bồ bởi những người xe ôm không mặc đồng phục.

"Ở đây, họ nói em làm việc mấy ngày cũng được. Đêm đó đi ngủ, em bất ngờ thấy họ đánh mấy thiếu niên làm trước đó nên sợ hãi và tìm cách bỏ trốn. Em nói chuyện với những người cũ ở đó về ý định bỏ trốn thì bị một nhân viên thông báo với ông chủ. Hôm sau, người thanh niên quản lý đe dọa em rằng: "Mày phải làm ở đây một năm rồi tao mới thả về. Mày mà bỏ trốn coi chừng đó. Mày vô làm, tao chưa đụng đến móng chân móng tay, nếu mày bỏ trốn thì tao bắt lại đánh đập như những thằng kia". Nói rồi người này vạch áo của một nhân viên cho em xem các vết sẹo để dằn mặt", Lộc kể tiếp.

Em Lộc cho biết thêm, quá trình làm việc ở đây, nếu nhân viên nào phục vụ không tốt sẽ bị những kẻ mặt mày bặm trợn lôi xuống đằng sau, nơi làm thịt bò để đánh (vì dưới đó kín, khách hoặc người ngoài không biết được - PV). Đánh xong, họ bắt nhân viên lên làm việc bình thường với mặt mày tươi tỉnh, nếu ủ rũ sẽ bị lôi xuống đánh tiếp.

Một nhân viên nói, có ngày rửa hết chén rồi nhưng rửa cái thau đựng chén không sạch thì bị bảo kê ở đó ụp cả thau nước vào mặt. Trong quán, có 5 nhân viên thì có một người lớn tuổi, ông này cũng bị đánh. Có những đứa trẻ ở quán vì chịu không nổi nên đã bỏ trốn và đều bị bắt trở lại, rồi bị một số đối tượng dùng dây điện gấp lại làm 4 đánh túi bụi.

Bên cạnh đó, chủ quán còn cấm tất cả các nhân viên phục vụ sử dụng điện thoại. Tiếp đến, cấm được đi ra khỏi quán như bị giam lỏng. Ở quán lúc nào cũng có tay quản lý và 3 đối tượng "bảo kê". Những đồ ăn, uống hay quần áo mặc thì đều được chủ quán hay quản lý mua về cho dùng. Thức ăn chính cho các thiếu niên chủ yếu là món phở bán ở quán. Nhiều đồ ăn hết hạn khác cũng được đưa ra cho nhân viên ăn. Về thời gian làm việc, buổi sáng từ 4h30’ đến 12h30’ trưa. Sau đó, nghỉ đến 17h rồi làm việc đến 24h đêm. Những giờ còn lại là của ca khác.

Mưu trí thoát khỏi "động quỷ"

Sau thời gian làm việc, biết được thông tin về việc nhân viên bị đánh, chửi bới nếu không phục vụ tốt, Lộc đã tự vạch kế hoạch bỏ trốn. Khoảng 12 giờ ngày 25-1, khi vừa giao ca thì Lộc lấy đồ đi tắm rồi giả vờ đi ngủ để tìm cách bỏ trốn. Rút kinh nghiệm của nhiều nhân viên khác từng bỏ trốn bị bắt, do quay lại Bến xe Miền Đông thì bị gã xe ôm bất lương đã biết mặt. Các đối tượng này báo cho chủ quán và lúc đó tay quản lý kéo theo cả đám tay chân đến bắt lại đem về đánh một trận thừa sống thiếu chết. Theo đó, Lộc đã bắt xe buýt ra hướng Suối Tiên.

Chị Hà Thị Thu Huệ (SN 1993, chị ruột cùng mẹ khác cha với Lộc) chia sẻ: "Chiều 21-1, tôi nhận được thông tin của người nhà nói Lộc đã đến Bến xe Miền Đông nên chạy xe tới đón. Đến nơi thì không gặp được Lộc. Biết em thích chơi điện tử, tôi đã đến các tiệm internet gần đó hỏi thăm và được một chủ tiệm nói có thấy Lộc đến nhưng chỉ một lúc rồi đi đâu không rõ.

Trở lại bến xe, mấy bác xe ôm đều nói không biết. Tôi đi tìm em trai suốt 4 ngày đêm nhưng không gặp, trong đó 3 lần đến Bến xe Miền Đông, một lần lên huyện Phú Giáo và rà soát tất cả những mối quan hệ thân quen. Còn ở nhà, mẹ tôi như ngồi trên đống lửa và khóc suốt ngày. Mọi người nghĩ rằng, em Lộc còn quá nhỏ, có thể bị kẻ xấu bắt cóc bán sang Trung Quốc.

"Sau khi trốn khỏi quán, em chạy ra đường xa lộ Hà Nội, thì gặp được một người đàn ông tốt bụng chở đến quận 1 đón xe buýt đi Suối Tiên. Lúc xe buýt đi ngang qua cầu Sài Gòn, gần đường Trần Não, em sợ quá, ngồi sụp xuống dưới hàng ghế trốn vì sợ có người của quán nhìn thấy mặt bắt lại. Đến gần Suối Tiên, em gặp được một anh dân phòng và nhờ chở đến trụ sở cơ quan Công an gần nhất. Đến Công an phường Tân Phú (quận 9), các anh đã gọi điện về nhà em thông báo cho gia đình đến đón", Lộc kể về quá trình đào tẩu.

Chị Huệ nhớ lại: "Đến 17h cùng ngày, tôi nhận được điện thoại của gia đình và đến Công an phường Tân Phú. Khi đó, tôi thấy Lộc rất hoảng sợ, khóc ròng rã. Hai chị em ôm lấy nhau khóc nức nở. Trước đó, tôi cũng nghĩ Lộc đi lạc, sợ bị người xấu bắt cóc . Cứ nhắm mắt, tôi lại mơ thấy em trai mình gặp nạn. Kể cả lúc nhận được tin báo, tôi còn nghi ngờ tính chính xác của thông tin. Thấy được em rồi mới yên tâm.

Về đến nhà, nghe Lộc kể chuyện bị gã xe ôm chở đến bán cho quán phở để làm việc như vậy nên rất hoang mang. Lúc đầu, tôi dự định không đưa sự việc này lên báo vì sợ. Nhưng thấy còn những đứa trẻ khác đang bị "giam lỏng" ở đó, lại thêm gã xe ôm bất lương kia nữa nên quyết định nhờ báo chí lên tiếng nhằm giải thoát cho các em".

Nói về sự việc này, đồng chí Nguyễn Xuân Tản, Công an phường Tân Phú cho biết: "Chiều ngày 25-1, chúng tôi đã tiếp nhận một thiếu niên tên Lộc, khoảng 14 - 15 tuổi từ một anh dân phòng của phường Hiệp Phú đưa đến. Có thể do sợ hãi, Lộc nói đi lạc mà không nói mình vừa trốn thoát khỏi quán phở.

Vài ngày sau đó được biết, sở dĩ lúc đó Lộc nói mình đi lạc chỉ mong được gia đình đón về. Em không dám nói từng bị một tài xế xe ôm bán vào quán phở vì sợ gặp lại đám người của quán. Ngoài Lộc, vẫn còn mấy nhân viên đang làm việc ở quán phở gồm, B.C.N (khoảng 16 tuổi, quê Tây Ninh), N.V.T (15 tuổi, ngụ Phan Rí, Bình Thuận), N.Đ.A (15 tuổi, quê Hà Nội)...

Hàng loạt sai phạm bị phát hiện

Từ lời khai của em Lộc, Công an quận 2, UBND quận 2 và phường Bình An đã phối hợp với các cơ quan chức năng khác nhanh chóng vào cuộc, giải cứu thành công thêm 5 thiếu niên khác trong độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi đang làm việc cho quán phở. Sau đó, hai em đã được gia đình đón về, còn 3 em được UBND quận 2 gửi đến học nghề tại Trung tâm giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên TP.Hồ Chí Minh. Đáng lưu ý, trong vụ việc này cơ quan Công an đã phát hiện loại bột hóa chất trong quán phở nghi dùng tẩy trắng thịt.

Một số nạn nhân tại cơ quan Công an.

Trung tá Nguyễn Minh Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 2 cho biết: Ngay khi báo chí thông tin, Công an quận 2 đã tiến hành kiểm tra hành chính quán phở này. Qua đó, lực lượng chức năng xác định, chủ quán tên Nguyễn Văn Vịnh (SN 1983), còn trên giấy phép hoạt động kinh doanh thực tế mang tên Nguyễn Thị T (SN 1982, quê quán Thái Bình, vợ Vịnh). Tiếp đó, chúng tôi mời chủ quán, các nhân viên và những em nhỏ trên về trụ sở cơ quan Công an để lấy lời khai.

Tại cơ quan điều tra, Vịnh khai nhận có thuê Phạm Hồng Khanh, Lê Việt Thắng, Trương Văn Chung (có mối quan hệ cậu vợ, cháu ruột và người cùng quê với Vịnh) làm việc. Hàng ngày, cả ba người này còn đi giao thịt cho các quán phở khác. Đồng thời, họ cũng có nhiệm vụ canh giữ, trông coi quán phở Lý Quốc Sư cho vợ chồng Vịnh.

Ngoài ra, 5 nhân viên phục vụ "nhí" cũng được Vịnh thỏa thuận bằng miệng làm việc với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng và không có hợp đồng lao động. Các nhân viên phục vụ này gồm, N.H.K (SN 1998, ngụ quận 2), B.C.N (SN 2000, quê Tây Ninh), V.Q.H (SN 2000, quê Cà Mau), N.Đ.A (SN 2001, quê Nghệ An) và P.V.T (SN 2001, quê Bình Thuận). Thêm nữa là em Lộc đã trốn thoát.

Ngày 19-2, hai em là N.H.K và V.Q.H đã được cơ quan điều tra liên hệ với gia đình để bảo lãnh đón các em về nhà. Còn 3 em là B.C.N, N.Đ.A và P.V.T được Công an quận 2 bàn giao cho UBND phường Bình An. Sau khi không liên hệ được với gia đình, UBND phường Bình An đã phối hợp với Phòng Lao động Thương binh-Xã hội quận 2 gửi các em đến Trung tâm giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên TP.Hồ Chí Minh để nơi đây đào tạo, dạy nghề cho các em trong thời gian tiếp tục xác minh thông tin người thân.

Nói về vấn đề này, Trung tá Khương Sỹ Kiên, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận 2 xác nhận: "Trong buổi kiểm tra hành chính, chúng tôi còn phát hiện quán phở Lý Quốc Sư mắc nhiều sai phạm khác.

Cụ thể như, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đã hết hạn; nhân viên không được tập huấn về an toàn thực phẩm đầy đủ; nhân viên chế biến thức ăn không mặc bảo hộ lao động; rác thải không được thu dọn, nơi để rác thải, chất ăn thừa không có nắp đậy; nguyên liệu chế biến không có nguồn gốc, chứng từ, không có kiểm dịch…. Riêng về nguyên liệu chế biến 440,5kg thịt bò, xương bò và thịt gà không có nguồn gốc, xuất xứ cũng như không có kiểm dịch. Bên cạnh đó, lực lượng Công an đã bất ngờ phát hiện 9,5kg chất bột màu trắng mà chủ quán khai nhận dùng để tẩy trắng thịt…”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Hồng Nguyệt, Chủ tịch UBND phường Bình An  cho biết: Từ thông tin về em Lộc bị bán cho quán phở, chính quyền địa phương đã lập tức vào cuộc cùng với Công an quận 2. Qua ghi nhận, tất cả 5 em đang làm việc dưới 18 tuổi và cho rằng tự bỏ nhà đi, được những người chạy xe ôm đến giới thiệu việc làm rồi đưa đến quán phở Lý Quốc Sư. Còn chủ quán khai nhận đã thỏa thuận trả lương 2,5 triệu đồng/tháng cho các em và sẽ trả khi nào các em về quê (làm đúng 1 năm) hoặc nghỉ việc thì mới được nhận tiền công. Thời gian làm việc được chia làm 2 ca, một người làm việc 12 giờ /ngày.

"Cơ quan điều tra đã thu hồi được 84,5 triệu đồng từ chủ quán phở Lý Quốc Sư là số tiền công lao động của 5 thiếu niên. Một phần tiền công lao động của hai em được gia đình đón về cũng đã được lực lượng Công an bàn giao cho gia đình các em. Còn phần tiền của 3 em khác, phía Công an cũng đang liên hệ với người thân, nơi mà các em mong muốn được về rồi bàn giao lại cho gia đình quản lý. Nếu chúng tôi không vào cuộc sớm, không biết khi nào khoản tiền công mới đến tay các em", Trung tá Sơn trăn trở.

Đức Mừng-Thiên Hùng

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.

Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước có nhiều hoạt động hướng về Điện Biên Phủ, bộ phim tài liệu nghệ thuật "CAND trong khúc tráng ca Điện Biên Phủ" lần đầu tiên kết hợp giữa những thước phim tài liệu, đan xen thực cảnh - cách làm phim mới trong truyền thông hiện đại, với những cảnh quay ở Điện Biên Phủ, một số tỉnh, thành của Việt Nam và Pháp, đã ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng.

Ngày 7/5, lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chính thức diễn ra, bắt đầu chặng đường mới với không ít thách thức nhưng cũng nhiều hy vọng, nhất là khi tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với ông theo thời gian vẫn liên tục ở mức cao.

Theo dự báo, hôm nay thời tiết tại hầu khắp các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 50 mm. TP Điện Biên Phủ khả năng có mưa, nhiệt độ dao động từ 20-32 độ C.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi, Phó giám đốc - Phụ trách Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai (60-01S) để phục vụ công tác mở rộng điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文