Giải mã cuộc chuyển giao quyền lực trong 24h ở Pháp

08:30 07/07/2020
Tổng thống Emmanuel Macron đang định hình lại nội các của mình, bắt đầu bằng việc bãi nhiệm Thủ tướng nổi tiếng đã theo ông trong 3 năm Edouard Philippe, thay thế bằng nhà kỹ trị Jean Castex, người mang hy vọng sẽ giúp nước Pháp thoát khỏi tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ hiện nay.

Khởi đầu mới

Sự xáo trộn trong Chính phủ Pháp bắt đầu vào ngày 3-7 khi Điện Elysee cho biết Thủ tướng Edouard Philippe bất ngờ nộp đơn xin từ chức của toàn bộ nội các chính phủ lên Tổng thống Emmanuel Macron và được chấp nhận. Chưa đầy 24h sau, Thủ tướng mới được ấn định, đó là ông Jean Castex, người điều phối các hoạt động tái mở cửa của Chính phủ Pháp sau giai đoạn cách ly vì dịch COVID-19 từ hồi tháng 4. Theo đánh giá của đài France24, ông Jean Castex là một ngôi sao đang lên trong chính trường Pháp khi ông nắm vị trí chủ chốt trong chính phủ để giải quyết các vấn đề liên quan đến đại dịch và ổn định kinh tế.

Tân Thủ tướng Pháp tốt nghiệp ngành Lịch sử tại Đại học Toulouse II năm 1982, trước khi theo học Viện Nghiên cứu chính trị Paris vào năm 1986 và lấy bằng Thạc sĩ Luật công đúng 1 năm sau đó. Ông còn theo học Trường Hành chính quốc gia (ENA) rồi làm việc tại Tòa kiểm toán trong vai trò kiểm toán viên vào năm 1991, tư vấn viên vào năm 1994 và chuyên viên vào năm 2008. Tiếp đó, ông Jean Castex từng giữ chức Chủ tịch các vấn đề sức khỏe và giáo dục của tỉnh Var vào năm 1996, Giám đốc Sở Cảnh sát Vaucluse (1999-2001); phụ trách công quỹ ở thành phố Alsace (2001-2005). Từ năm 2008, ông là Thị trưởng thành phố Prades thuộc tỉnh Pyrénées-Orientales và vừa tái đắc cử hồi tháng 3-2020.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và cựu Thủ tướng Edouard Philippe. Ảnh: Reuters

So với người tiền nhiệm, Jean Castex cũng là một người "kỳ cựu" đối với Tổng thống Nicolas Sarkozy. Ông từng là trợ lý cho ông Nicolas Sarkozy từ năm 2011-2012, thành viên hội đồng nhân dân tỉnh Languedoc-Roussillon (2012-2015) và sau đó là thành viên hội đồng nhân dân tỉnh Pyrénées-Orientales. Tháng 9-2017, ông giữ chức Trưởng đoàn Pháp đăng cai Thế vận hội mùa hè Paris 2024 và Thế vận hội dành cho người khuyết tật 2024, đồng thời là Giám đốc Cơ quan thể thao quốc gia. 

GS Andrew Smith thuộc ĐH Chichester (Anh) nhận định, diễn biến nói trên của chính trường Pháp tuy không gây bất ngờ nhiều bởi dự định cải tổ nội các đã được Tổng thống Emmanuel Macron thông báo trước đó nhiều tuần nhưng cũng gây xáo trộn không nhỏ. Bởi lẽ, người ta ít nghĩ đến khả năng ông Edouard Philippe sẽ bị thay thế. 

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây ở Pháp cho thấy, ông Edouard Philippe nhận được mức tín nhiệm khá cao với 43% (tăng 16 điểm trong vòng 4 tháng qua và cao hơn nhiều con số 35% ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron) khi được đánh giá là đã chỉ đạo các chiến dịch phòng, chống COVID-19 hiệu quả. Thậm chí, trong vòng 2 cuộc bầu cử địa phương tại Pháp diễn ra hôm 28-6, ông Edouard Philippe cũng được bầu làm Thị trưởng thành phố Le Havre với số phiếu 59%.

Vì thế, với việc đặt ông Jean Castex vào vị trí Thủ tướng, người đứng đầu Điện Elysee được cho là đang chuẩn bị cho "hướng đi mới" mà ông từng nhiều lần hứa hẹn sẽ diễn ra vào hai năm cuối nhiệm kỳ Tổng thống. "Chúng ta cũng thường nghe ông Macron nói là ông ấy muốn trực tiếp hoặc chí ít là trực tiếp giám sát mọi việc. 

Với trường hợp của ông Castex, giữa hai người này ít nhiều đã làm việc chung với nhau nên có thể sẽ khiến công việc trở nên hiệu quả hơn", GS Andrew Smith nhận định. Ngoài ra, việc ông Jean Castex trở thành tân Thủ tướng cũng cho thấy mục tiêu chính trong giai đoạn tới của Paris là khôi phục kinh tế, ổn định xã hội sau đại dịch. "Tổng thống Macron muốn dùng một nhân vật có thành tích tốt trong xử lý COVID-19 để lấy lại uy tín cho chính quyền", GS Andrew Smith nhận xét thêm. 

Ông Edouard Philippe đã trúng cử vị trí Thị trưởng tại thành phố quê hương Le Havre. ảnh: Getty

Bước đệm cho cuộc đấu tranh cử

Tuy nhiên, cũng có nhà phân tích cho rằng, sự lựa chọn Thủ tướng mới là một tính toán chiến lược của ông Emmanuel Macron cho cuộc tái tranh cử Tổng thống vào năm 2022. Nghĩa là, sa thải ông Edouard Philippe là cách tốt nhất để Tổng thống loại bỏ một đối thủ tiềm năng trong nỗ lực có một khởi đầu mới sau khi dịch COVID-19 tấn công mạnh vào Pháp. Thực tế đến nay, cựu Thủ tướng Edouard Philippe là nhà lãnh đạo duy nhất của Pháp nổi lên từ dịch COVID-19 với uy tín được tăng cường mạnh mẽ. 

"Bằng cách đẩy ông Edouard Philippe ra, ông Emmanuel Macron đang đi được lại câu ngạn ngữ rằng, trong chính trị, tốt hơn là giữ đối thủ trong tầm tay", hãng CNN bình luận và cho rằng, Tổng thống Pháp đã có động thái đối mặt với tình trạng khẩn cấp về kinh tế do COVID-19 gây ra, bởi sự hỗ trợ công khai của chính ông và bởi sự gia tăng phổ biến đối với đảng Xanh trong cuộc bỏ phiếu địa phương hôm 28-6.

Chưa đầy 24h sau khi ông Edouard Philippe từ chức, Tổng thống Emmanuel Macron đã bổ nhiệm ông Jean Castex vào vị trí Thủ tướng. ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, chính cựu Thủ tướng Edouard Philippe cũng đã thúc đẩy những tin đồn rằng ông có thể bị sa thải hoặc thậm chí từ chức bằng cách đứng ra làm ứng cử viên vị trí Thị trưởng Le Havre của mình. Ông đứng đầu sau vòng đầu tiên của cuộc bầu cử địa phương và giành được chức Thị trưởng (trong trường hợp ông không làm Thủ tướng). 

Ông cũng xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Paris Match với tư cách là một chính trị gia mạnh mẽ thực sự của Pháp với tuyên bố: "Nếu ông ấy (Tổng thống Emmanuel Macron) nghĩ rằng người khác sẽ hữu ích hơn với tư cách Thủ tướng, tôi hoàn toàn tôn trọng sự lựa chọn đó. Nếu các cử tri chọn tôi, tôi sẽ trở lại Le Havre". Gerald Grunberg, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Science Po nhận định: "Tổng thống Emmanuel Macron rất tự tin, ông không muốn bị ai đó đẩy xuống hậu trường. Thay thế các Thủ tướng là cách để các Tổng thống Pháp tạo ra năng lượng mới".

Năm nay 41 tuổi, ông Emmanuel Macron đã có hai năm trong một nhiệm kỳ năm năm đầy chông gai với tình trạng bất ổn xã hội, một ít tiến bộ về kinh tế và bây giờ những rủi ro về kinh doanh hậu COVID-19 với việc GDP dự kiến giảm 11%-13% trong năm nay. Hơn thế nữa, đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế sâu sắc sau 2 tháng cách ly buộc Pháp phải áp dụng các chính sách mà trước đây bị coi như là giống xã hội chủ nghĩa. 

Chính phủ Pháp đã triển khai 136 tỷ euro về các biện pháp ngăn chặn phá sản doanh nghiệp và thất nghiệp hàng loạt. Thâm hụt dự kiến sẽ tăng từ 3%, trong khi nợ công sẽ tăng lên hơn 120% GDP. "Phải có một tín hiệu mới, một cuộc chinh phục mới của người Pháp, bởi vì chúng tôi đã mất rất nhiều. Càng vì thế Emmanuel Macron đã đúng khi "lật bàn" và gọi tên một Thủ tướng mới", Patrick Vignal - một nghị sĩ thuộc đến từ miền Nam nước Pháp nhận xét.

Tân Thủ tướng Pháp Jean Castex.

Một điểm đáng chú ý nữa là cuộc cải tổ diễn ra cùng ngày mà các công tố viên Pháp tuyên bố rằng ông Edouard Philippe là một trong 3 quan chức chính phủ đang bị điều tra vì bị nghi ngờ xử lý sai trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Quá trình điều tra đang ở giai đoạn sơ bộ và có thể không dẫn đến các cáo buộc hay xét xử chính thức. Công tố viên cao cấp Francois Molin khi trả lời phỏng vấn hãng AFP thì cho hay, toà án đang xem xét các cáo buộc nhằm vào cựu Thủ tướng Edouard Philippe, cựu Bộ trưởng Y tế Agnès Buzyn (người từ chức hồi tháng 2) và người kế nhiệm là Olivier Véran.

Chi Anh

Hơn 5 năm trước, Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt. Theo đề án, có 6 cơ quan báo chí được xác định xây dựng thành “Cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện” gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân (CAND). Đây là vinh dự và cũng là nhiệm vụ rất nặng nề của 6 cơ quan báo chí được nêu tên, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam...

Tại địa điểm kinh doanh nằm trên địa bàn thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, Phòng Nghiệp vụ 1, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 25 chiếc xe điện loại 3 bánh và 4 bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, tại Nghị Quyết số 05 của Chính phủ ngày 4/2/2008, các loại phương tiện này không được phép lưu hành tại Việt Nam trừ những trường hợp đặc biệt.

20 học sinh mầm non ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột. Bệnh viện Bạch Mai đã cử một kíp bác sĩ gồm nhiều chuyên khoa lên Lai Châu để hỗ trợ chẩn đoán, điều trị cho các cháu.

Giới chức Philippines ngày 5/11 ra lệnh sơ tán khẩn cấp người dân ở các khu vực hẻo lánh và đặt quân đội vào trạng thái trực chiến để chuẩn bị ứng phó với cơn bão Yinxing dự kiến sẽ đổ bộ trong tuần này.

Theo quyết định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương được phân công thực hiện nhiệm vụ là người phát ngôn của Bộ thay cho nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm vừa được Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Trong vụ án liên quan đến cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Trần Văn Hiệp; cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng nhiều bị can khác, có một nữ đại gia tự nguyện giao nộp 9 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có giá trị khoảng 1.700 tỷ đồng) để phục vụ yêu cầu giải quyết vụ án. Người phụ nữ này là ai?

Sau khi Báo CAND ra ngày 24/10 thông tin về tình trạng hàng nghìn cư dân chung cư Saigon Gateway ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh phải sống trong bất an, khổ sở vì chủ đầu tư chiếm giữ, không chịu bàn giao quỹ bảo trì cho đại diện cư dân. Ngày 31/10 Ban quản trị (BQT) chung cư và đơn vị sửa chữa thang máy cùng đại diện chủ đầu tư đã ký hợp đồng ba bên để sửa chữa 2 thang máy bị hư hỏng của chung cư. Ngay sau đó, đại diện chủ đầu tư đã chuyển số tiền tạm ứng gần 250 triệu đồng cho đơn vị sửa chữa thang máy…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文