Gian nan những cuộc tìm kiếm cứu nạn hàng hải

22:03 06/04/2017
Nhìn ra mênh mông biển cả, trong điều kiện thời tiết dịu êm hay sóng to gió lớn, chúng ta bắt gặp những người mặc trang phục màu cam đứng trên boong tàu màu cam tăng tốc ra khơi, đều nhận biết đó là những sĩ quan, thuyền viên chuyên làm công tác phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải (PHTK-CNHH).


Dẫu phải đối mặt với nhiều hiểm nguy phía trước nhưng họ vẫn nỗ lực vượt qua, bằng kỹ năng, trải nghiệm nghề nghiệp để cứu vớt sinh mệnh con người và tàu thuyền lâm nạn giữa biển khơi...

1. Buổi sáng tháng tư, tôi cùng anh Nguyễn Xuân Bình – Giám đốc Trung tâm PHTK-CNHH khu vực IV bước ra phía cầu cảng Nha Trang khi những vạt nắng đầu ngày tỏa sáng lấp loáng trên những con sóng bạc đầu. Ở đó, Thuyền trưởng Đinh Nhiên cùng máy trưởng và các sĩ quan, thuyền viên đang tất bật bảo dưỡng thiết bị, máy móc chiếc tàu SAR 27-01 để sẵn sàng hướng mũi lái ra khơi khi có yêu cầu cứu nạn.

Chỉ tay ra phía biển, anh Bình tâm sự: “Dẫu biết mùa này thời tiết trên biển dịu êm, nhưng chúng tôi vẫn phải thường trực xuyên suốt ngày đêm, bởi nhiều sự cố bất chợt xảy ra rất khó dự báo trước. Không phải sự cố nào cũng do giông bão, sóng xô, gió giật, mà còn có thể tai nạn, ốm đau đột biến… nên những người theo nghề PHTK-CNHH không được phép chủ quan mà phải tạo thế chủ động trong mọi điều kiện, tình huống”.

Theo mạch chuyện kể của Giám đốc Nguyễn Xuân Bình, tôi được biết Trung tâm PHTK-CNHH Việt Nam (Vietnam MRCC) là cơ quan trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, thực thi chức trách PHTK-CNHH đối với người và phương tiện vận hành trên biển. Cả nước có 4 Trung tâm thuộc Vietnam MRCC. Trung tâm khu vực I ở Hải Phòng, Trung tâm khu vực II ở Đà Nẵng, Trung tâm khu vực III ở Vũng Tàu và Trung tâm khu vực IV ở Nha Trang (Nhatrang MRCC).

Nhatrang MRCC là đơn vị “sinh sau, nở muộn” bởi tiền thân là Trạm tìm kiếm cứu nạn (TKCN) Trường Sa được thành lập từ ngày 20-3-2006 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. 6 năm sau đó Nhatrang MRCC mới chính thức ra đời từ ngày 1-3-2012 trên cơ sở nâng cấp, mở rộng hoạt động Trạm TKCN Trường Sa. Nhatrang MRCC không chỉ thực thi nhiệm vụ PHTK-CNHH trên vùng biển từ phía Bắc Phú Yên đến phía Nam Ninh Thuận và vùng biển Trường Sa, mà còn đảm trách công tác phòng cháy chữa cháy, phòng ngừa ô nhiễm môi trường ở khu vực này.

Lai dắt tàu đánh cá BĐ-99999 TS vào bờ.

Đề cập đến hoạt động TKCN, vị giám đốc 45 tuổi có phong thái nhanh nhạy cho biết: “Cũng như những trung tâm ở các khu vực, Nhatrang MRCC tiếp nhận thông tin đề nghị cứu hộ - cứu nạn từ nhiều nguồn: Hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam, Chủ tàu, Đại lý vận tải biển, Cảng vụ hàng hải cùng các đơn vị Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển… chuyển đến.

Phương tiện tiếp nhận có thể từ điện thoại, fax, email hay sóng vô tuyến VHF/MF/HF, thiết bị thông tin liên lạc vệ tinh. Sau khi tiếp nhận, trực ban Nhatrang MRCC khẩn trương xác minh từ Bộ đội biên phòng, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương có người và phương tiện tàu thuyền lâm nạn… để xử lý, xác lập kế hoạch, điều động phương tiện, triển khai hoạt động TKCN”.

Theo đó trong những năm qua, Trạm TKCN Trường Sa trước đây cùng Nhatrang MRCC sau này đã tiếp nhận, xử lý 440 nguồn tin, điều động 51 lượt tàu, ca nô ra khơi, trực tiếp cứu nạn 401 người thoát khỏi hiểm nguy và kịp thời liên lạc tàu thuyền trên biển hỗ trợ cứu nạn 2.241 lượt người.

Sau nhiều giờ tiếp cận anh Bình và các đồng nghiệp, tôi như bị cuốn hút bởi những cuộc cứu nạn đầy kịch tính giữa sóng gió biển khơi. Bằng âm giọng chân chất pha chút dí dỏm, Phó Giám đốc La Từ Quang chia sẻ: “So với những trung tâm khác thuộc Vietnam MRCC, đến thời điểm này Nhatrang MRCC có 4 cái nhất. Ra đời muộn nhất, đội ngũ trẻ tuổi nhất, phương tiện thiết bị già cỗi nhất và cứu nạn người nước ngoài nhiều nhất”.

Ngừng một lát, anh Quang lý giải: “Nha Trang MRCC mới hình thành được 5 năm, tuổi bình quân đội ngũ cán bộ nhân viên chỉ hơn 33, tàu SAR 27-01 là phương tiện TKCN đầu tiên của Vietnam MRCC tính đến nay đã 17 tuổi và chưa được lắp đặt thiết bị quét rada hồng ngoại, trong 5 năm qua Nha Trang MRCC đã trực tiếp và hỗ trợ cứu nạn 50 người nước ngoài”.

Lai dắt tàu đánh cá KH-96328 TS vào bờ.

2. Hồi mới tiếp nhận tàu SAR 27-01 từ Đà Nẵng về cảng Nha Trang chưa được một tuần, sĩ quan, thuyền viên của tàu khởi hành cuộc cứu nạn đầu tiên trong điều kiện thời tiết rất xấu, nhưng họ vẫn vượt qua hải trình ngược xuôi gần 150 hải lý trong đêm tối mịt để tiếp nhận 15 ngư dân lâm nạn khi tàu đánh cá BTh-89379TS bị một tàu khác đâm chìm ở vị trí 09°44'39”N - 109°14'00”E, nhưng may mắn được tàu vận tải biển Main Trader – quốc tịch Liberia kịp thời hỗ trợ. 71 ngày sau đó, một cuộc cứu nạn chưa từng có đã để lại ấn tượng sâu sắc với đội ngũ Nha Trang MRCC và những người được cứu nạn.

Khởi đầu vào chiều 17-3-2012, trong lúc tàu đánh cá QNa-90019 TS do ông Phạm Bé, trú ở thôn Đông Mỹ, xã Tam Giang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) làm thuyền trưởng cùng 46 ngư dân đang hành nghề câu mực ngoài khơi, thì xảy ra sự cố kỹ thuật hỏng máy, hệ thống truyền động thủy lực “chết” hẳn, không thể khắc phục được nên tàu bị sóng gió xô đập mạnh, có nguy cơ bị đánh chìm khiến cho ngư dân hoảng loạn, trong đó có 3 người đã kiệt sức do ngộ độc.

Nhận được thông tin, Nha Trang MRCC điều tàu SAR 27-01 vượt sóng gió xuyên đêm 74 hải lý để cứu nạn 47 ngư dân và lai dắt tàu đánh cá QNa-90019 TS về cảng Nha Trang. Đến đất liền, Thuyền trưởng Phạm Bé xúc động chia sẻ: “Khi tàu SAR 27-01 tiếp cận, không riêng tui mà nhiều ngư dân đã bật khóc, bởi biết mình thoát chết trong gang tấc”.

Trong thư gửi đến Nha Trang MRCC ngày 21-3-2012, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – ông Nguyễn Ngọc Quang đã bày tỏ sự cảm ơn những sĩ quan, thuyền viên khoác áo màu cam bất chấp hiểm nguy, hành động bằng tinh thần và trách nhiệm cao đã cứu nhóm ngư dân thoát khỏi bàn tay thủy thần.

Gần đây nhất, vào hồi 23h45 ngày 26-3-2017, Đài Thông tin duyên hải Nha Trang khẩn báo tàu đánh cá BĐ-99999 TS do ông Lê Văn Thiểu, 49 tuổi, trú ở thôn Thạnh Xuân Đông, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) làm thuyền trưởng bị hỏng máy, không thể khắc phục được và đang trôi dạt trên biển ở vị trí 13°26'00N - 109°38'00E, cách bờ biển Nha Trang về hướng Đông Bắc 78 hải lý. 7h30 ngày 27-3-2017, Nha Trang MRCC điều động tàu SAR 27-01 rời cảng Nha Trang ra khơi lai dắt tàu cá bị nạn vào bờ trong sáng hôm sau.

Anh Thắng tâm sự: “Tàu đánh cá bị nạn là tàu vỏ thép, công suất 829CV, cao lớn gấp ba tàu SAR 27-01, thời điểm tiếp cận sóng gió xô đập rất mạnh, thế nhưng bằng những kỹ năng và trải nghiệm nghề nghiệp, chúng tôi đã cứu hộ an toàn. Khi vào tới cảng Nha Trang, nhiều ngư dân trên tàu đánh cá BĐ-99999 TS mới “bật mí” rằng, nhìn thấy dáng dấp tàu SAR 27-01, họ không tin sẽ được lai dắt tới bờ”.

Đề cập chuyện cứu nạn người nước ngoài, anh Đinh Nhiên – Thuyền trưởng tàu SAR 27-01 nhớ lại : “Một trong những trường hợp khẩn cấp là cuộc cứu nạn ông Edward Cupisz, 56 tuổi, quốc tịch Ba Lan, thuyền viên tàu vận tải biển Atacama - quốc tịch Malta. Trong hải trình từ Trung Quốc đi Singapore, ông Edward Cupisz bị liệt nửa người do tai nạn lao động khi tàu Atacama đang vận hành cách bờ biển Nha Trang về phía Đông Bắc 130 hải lý. Sau khi nhận được chỉ đạo từ Tổng Giám đốc Vietnam MRCC Nguyễn Anh Vũ, tôi cùng 14 đồng nghiệp lên tàu SAR 27-01 tăng tốc ra khơi trong buổi sáng cùng ngày. Nửa đêm hôm đó đã tiếp cận tàu Atacama, đưa nạn nhân vào cảng Nha Trang rạng sáng hôm sau để chuyển tiếp đến Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa”.

Thủy thủ tàu SAR 27-01 đưa ngư dân bị nạn lên tàu để sơ cứu trước khi đưa vào đất liền.

Trước đó hai năm, một trường hợp tương tự, ông Choi Sung Wha, 59 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc bị hôn mê sâu sau chấn thương vùng đầu do tai nạn lao động trên tàu vận tải biển CS Daisy - quốc tịch Panama vận chuyển hàng hóa từ Hongkong đi Singapore. Lúc đó tàu CS Daisy vận hành cách bờ biển Nha Trang 150 hải lý về phía Đông. Cùng với việc đề nghị tàu CS Daisy hướng mũi lái vào bờ để rút ngắn thời gian cứu nạn, Nha Trang MRCC điều tàu SAR 27-01 ra khơi đón nạn nhân, đưa vào bờ ngay trong đêm để các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa tiếp nhận, cấp cứu và điều trị.

Cuộc TKCN dài ngày nhất của Nha Trang MRCC là sự cố tàu vận tải biển Phúc Xuân 68 của Công ty TNHH Hoàng Hải ở Thái Bình trong hải trình Hải Phòng – Vũng Tàu, đã bị tàu vận tải biển Nam Vỹ 69 của Công ty cổ phần Nam Vỹ Anh ở Hải Dương đâm chìm lúc 1h15 sáng ngày 9-11-2014 tại tọa độ 1200308”N-10902200”E, cách bờ biển Nha Trang 15 hải lý. 3 thủy thủ trên tàu Phúc Xuân 68 đã được tàu Nam Vỹ 69 cứu vớt, 8 người còn lại mất tích. Cùng với nhiều lực lượng TKCN khác, Nha Trang MRCC đã điều tàu SAR 27-01 cùng hai ca nô cao tốc CN01-TSA; CN02-TSA ra hiện trường sớm nhất...

Hành trình cứu nạn trên biển với nhiều câu chuyện gian nan và đau lòng không sao kể hết. Tạm biệt Nha Trang MRCC, tôi nhớ mãi những lời tâm sự chân tình của Giám đốc Nguyễn Xuân Bình: “Những đồng nghiệp của tôi đều sành sỏi nghề, nhưng mỗi cuộc PHTK-CNHH đều có khó khăn, thử thách khác nhau, không thể dự báo trước, bởi những biến động thời tiết bất thường trên biển. Vì thế, chúng tôi luôn nhận thức chủ động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng và trải nghiệm nghề nghiệp để thực thi nhiệm vụ trong mọi điều kiện, tình huống với mục tiêu cứu hộ - cứu nạn: Kịp thời, hiệu quả, an toàn”.

Hữu Toàn

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文