Giáo dục di sản từ Lễ hội mặt nạ vui Tết Trung thu

14:20 22/08/2016
Mặc dù còn một tháng nữa mới đến Tết Trung thu nhưng một số chương trình đã rục rịch khởi động. Trong đó đáng kể nhất là sự kiện Lễ hội mặt nạ, được tổ chức vào đầu và trung tuần tháng 9 tới đây tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.


Đây là sự kiện thứ 3 của nhóm Cùng bé sáng tạo tổ chức, hướng đến đối tượng các em nhỏ và muốn đi dài hơi trong câu chuyện giáo dục di sản của mình từ năm 2015.

"Nếu khởi lên một năm rồi ngừng, mọi chuyện sẽ lại đâu vào đó"

TS Trang Thanh Hiền, Chủ nhiệm Dự án Cùng bé sáng tạo, Giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam nói rằng: “Nếu chỉ khởi lên một năm rồi ngừng, mọi chuyện sẽ lại đâu vào đó”.

Hình ảnh các bé tham gia trải nghiệm chương trình chào Trung thu năm 2015 do nhóm Cùng bé sáng tạo tổ chức.

Được biết, năm 2015, nhóm Cùng bé sáng tạo đã thực hiện thành công 2 sự kiện là “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung Thu” và “Cùng bé sáng tạo, khám phá tranh Tết”, tạo hiệu ứng xã hội tốt.

Năm nay, tiếp tục chuỗi hoạt động nhằm khơi dậy mạch nguồn di sản văn hóa truyền thống, nhóm Cùng bé sáng tạo kết hợp với một số đơn vị khác thực hiện Lễ hội mặt nạ chào Trung thu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Chương trình này sẽ được tổ chức khơi mào tại Nhà Thái Học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào ngày 4-9. Sự kiện ở TP. Hồ Chí Minh sẽ được tổ chức nối tiếp ngay sau sự kiện ở Hà Nội 1 tuần, vào ngày 10-9, địa điểm dự kiến là Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Trên tinh thần học truyền thống để hiểu truyền thống, các em nhỏ tham dự chương trình có thể tự tay sáng tạo nên chiếc mặt nạ cho riêng mình, tham gia các trò chơi và trải nghiệm nghệ thuật.

Bên cạnh việc vẽ mặt nạ, tìm hiểu cách bồi mặt nạ truyền thống, các bé sẽ cùng nhau sáng tạo bột màu trên quạt giấy – một biến tấu dân gian thú vị từ hình ảnh chiếc mo cau xưa. Mục đích giúp các em nhỏ phát triển tư duy khác về sáng tạo nghệ thuật từ những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày.

“Có người hỏi tôi, năm nay, vẫn là chiếc mặt nạ, chứ không phải cái gì đó khác. Liệu như thế có nhàm chán quá không? Trên thực tế cho thấy, sau sự kiện năm ngoái, dường như những bạn nhỏ được tiếp cận với văn hóa truyền thống hay những chiếc mặt nạ truyền thống vẫn chỉ là một con số rất nhỏ.

Do vậy, chúng tôi muốn rằng chương trình này sẽ trở thành chương trình thường niên để việc trải nghiệm văn hóa truyền thống của các bé sẽ liên tục được duy trì như một mạch nguồn.

Để đến hẹn lại lên, các bạn nhỏ dịp này lại có thể tự làm cho mình những chiếc mặt nạ của riêng mình”, TS Trang Thanh Hiền nói.

Chủ nhiệm dự án này cũng bày tỏ thêm: “Việc khơi dậy văn hóa truyền thống dưới hình thức trò chơi cho con trẻ là cách ta có thể đi dài hơi hơn trong quá trình hội nhập.

TS Trang Thanh Hiền, Chủ nhiệm Dự án Cùng bé sáng tạo

Đó cũng là một câu chuyện dài, ta cần duy trì một các đều đặn và liên tục, từng bước nhỏ, đi từ những nội dung cụ thể, như vậy mới có thể khơi gợi lại nguồn cội, khắc ghi vào tuổi thơ những thói quen văn hóa, ý thức văn hóa.

Chúng tôi hy vọng rằng, trước mắt cứ phát triển tốt 2 dự án: mặt nạ và tranh Tết cái đã. Sau đó, khi đã trở thành những hoạt động thường niên, chúng tôi sẽ chung tay để xây dựng những chương trình trải nghiệm với mỹ thuật dân gian khác.

Điều quan trọng nhất là ta tâm huyết với nghệ thuật dân gian, mong muốn trao cho thế hệ trẻ những thông điệp văn hóa, thì sẽ không ngừng sáng tạo để có được những không gian, cách thức trải nghiệm mới mẻ”.

"Giáo dục di sản phải thường xuyên"

Nhân sự kiện văn hóa này, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng PGS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Ông đã có những chia sẻ thẳng thắn, gợi ý thú vị xung quanh giáo dục di sản, vấn đề được xem là thách thức với hệ thống giáo dục của nước ta trong thời gian qua.

- Thưa PGS Nguyễn Văn Huy, trong những năm qua, chúng ta đã từng bước đưa nội dung của giáo dục di sản vào chương trình giáo dục. Nhưng đến nay, câu chuyện này hình như vẫn còn nhiều hạn chế và chưa phát huy được hết tinh thần của nó?    

+ Một số bảo tàng, khu di tích của ta đã bắt đầu đưa nội dung của giáo dục di sản vào các hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp nên hiệu quả chưa tốt.

Tôi để ý thấy nhiều hoạt động được gọi là giáo dục nhưng đi theo con đường cũ, rất là thụ động. Trong khi đó, trong hệ thống giáo dục mới đã khác lắm rồi. Các bảo tàng, các khu di tích phải có những thay đổi để phù hợp.

Ví dụ như, phải làm sao để công chúng đến và khám phá nhiều hơn; phải làm sao kích thích sự chủ động, sáng tạo của các em và thoát khỏi cách tiếp nhận truyền thống là một bên nói, một bên nghe.

Giáo dục di sản hiện đại khuyến khích sự trải nghiệm. Các em được làm, được sờ, được sử dụng tất cả các giác quan để trải nghiệm. Đó là cái khó.

- Nội dung giáo dục di sản mà PGS vừa đề cập có theo một chuẩn nào đó không, thưa ông?

+ Tất nhiên có chứ. Câu chuyện giáo dục di sản không thể làm bừa và tùy tiện được. Nó có tính sư phạm rất cao. Có tổ chức chương trình, có bài tập, có khám phá. Chúng ta phải làm thế nào để các hoạt động trong bảo tàng, di tích gắn với các chương trình học trong nhà trường.

PGS Nguyễn Văn Huy cho rằng, giáo dục di sản không thể tùy tiện hay cảm tính được.

Làm thế nào để chúng gắn với các chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng, chuẩn đạo đức đối với mỗi khối, mỗi lớp và từng môn học.  gắn một cách tinh tế, tế nhị, không phải kiểu áp đặt hay hình thức.

Ở ta, nhiều hoạt động vẫn đang thô cứng, chưa thoát ra khỏi cách làm một chiều, cảm tính, máy móc được.

- Nhưng chắc hẳn nội dung mà PGS vừa đề cập không thể “cào bằng” được chứ? Theo ông, nếu không “cào bằng”, con đường giáo dục này sẽ đi như thế nào?

+ Làm thế nào các chương trình giáo dục di sản gắn với thế hệ trẻ, phải đảm bảo tạo ra bản sắc riêng. Ví dụ như, học sinh đến chơi và được giáo dục di sản ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phải khác Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chứ...

Vì nếu không, nó sẽ nhàm chán. Muốn tạo ra bản sắc, lại phải đòi hỏi tính chuyên nghiệp, tính chuyên sâu rất cao, nghiên cứu sâu sắc và sáng tạo.

Tất cả những hoạt động về mặt giáo dục di sản gắn với chương trình học của học sinh ở các cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, thậm chí các bạn sinh viên Đại học.

Trong mỗi chương trình, gắn với các khối lớp để đưa ra các chương trình giáo dục phù hợp và bám gắn chặt chẽ với các khu di tích, các đơn vị bảo tàng. Hiện nay, ở nước ta, các hoạt động giáo dục di sản còn thiếu sự gắn kết.

Muốn chương trình giáo dục di sản có hiệu quả, cả 2 phía phải thay đổi. Những người quản lý các di tích, bảo tàng - nơi nắm giữ các di sản - phải thay đổi nhận thức về giáo dục, phương pháp giáo dục, cách làm thế nào cụ thể hóa được di sản của mình thành học liệu.

Phía nhà trường cũng phải thay đổi cách tiếp cận với di sản. Hiện nay, các trường đưa học sinh của mình đi thăm di sản đông lắm nhưng lại phần nhiều phó mặc và khoán hết vào các công ty du lịch, đi thăm thì đi thăm thôi, không có mục đích nào rõ ràng, đơn giản chỉ là một hoạt động trải nghiệm “để biết”, chưa để ý xem các em có thật sự thu hoạch được gì hay không.

Với lại, mỗi lần hằng trăm học sinh đi thì làm sao mà tổ chức hoạt động cho từng em được. Muốn xây dựng chương trình trải nghiệm cao, thì phải đi theo từng lớp, theo từng nhóm nhỏ.

Những nội dung trải nghiệm đó sẽ chỉ diễn ra trong phạm vi một nhóm nhỏ thì các em mới thể hiện được sự thực hành trong đó.

Mỗi học sinh từng bước, từng bước tiếp cận thâm nhập và khám phá từng chi tiết của di sản; để rồi, từ di sản, các em suy nghĩ về những điều rộng hơn, lớn hơn. Đây chính là sự khác nhau cơ bản nhất giữa nội dung giáo dục di sản mới và giáo dục di sản cũ.

- Nếu tôi không nhầm, chương trình giáo dục di sản của chúng ta hiện nay mới chỉ hướng đến đối tượng là các em nhỏ. Người lớn cũng cần được giáo dục di sản chứ, thưa ông?

+  Đúng là chương trình này không chỉ dành cho học sinh. Đối tượng tiềm năng là các gia đình. Các gia đình mà bố mẹ ở tuổi 40, 50 rất có nhu cầu cho con cái mình được học, tiếp cận với những định hướng mới, họ sẵn sàng cho các con đến trải nghiệm, khám phá.

Và chính họ cũng cần học. Người lớn cũng cần được giáo dục di sản. Riêng điều này, từ lâu, các siêu thị tư nhân khai thác rất tốt. Họ có rất nhiều khu vui chơi, khám phá, bán vé đắt.

Các bảo tàng, các khu di tích phải tạo ra được những sản phẩm mới cho các gia đình của thế hệ thanh niên, trung niên mới. Đây là thế hệ có một nhu cầu đời sống, tinh thần hoàn toàn khác.

Họ muốn con cái tiếp cận những cái gì mới, vừa hiện đại, vừa đương đại, lại vừa truyền thống. Chương trình giáo dục di sản mới hoàn toàn có khả năng thỏa mãn nhu cầu mới này của xã hội.

- Hiện tại, các chương trình giáo dục di sản của chúng ta vẫn diễn ra theo mùa vụ. Ví dụ như, Trung thu thì mới tạo sân chơi cho các con. Tết Nguyên đán sắp đến thì mới rục rịch chuẩn bị chương trình. Sân chơi tìm về di sản này hình như vẫn “được chăng hay chớ”?

+ Đó là thực trạng của chúng ta. Chúng ta phải thay đổi, phải nghiêm túc sáng tạo thì may ra mới có thể đi được dài hơi hơn trong câu chuyện giáo dục này.

Giáo dục di sản phải thường xuyên, liên tục và theo một thể thống nhất với phương pháp đúng, đáp ứng như cầu mới của xã hội.

Có thế thì may ra, trong tương lai, chúng ta mới có một thế hệ trẻ biết yêu, biết trân trọng cái đẹp trong văn hóa cha ông.

- Xin cảm ơn PGS Nguyễn Văn Huy!

TS Trang Thanh Hiền, Chủ nhiệm Dự án Cùng bé sáng tạo
Đậu Dung

Ngày 14/11, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên tổ chức lễ khánh thành và bàn giao nhà ở tặng người có công với cách mạng; trao kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà Đại đoàn kết; trao thiết bị, máy tính tặng Trung tâm y tế, ngành giáo dục và đào tạo huyện.

Sáng 15/11, Thanh tra tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có công văn trả lời đơn khiếu nại của Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh Quảng Nam đối với Kết luận thanh tra số 102/KL-TTT ngày 7/10/2024 của Chánh Thanh tra tỉnh về việc thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý tài chính tại bệnh viện này (Báo CAND đã thông tin).

Mặc dù biết rõ hành vi chở người nước ngoài nhập cảnh không có giấy tờ, không có hộ chiếu, không làm thủ tục khai báo nhập cảnh là trái pháp luật, nhưng vì lợi nhuận cao, Thắng rủ thêm 3 người khác chạy 2 xe ô tô để chở 6 người Trung Quốc vào Việt Nam rồi xuất cảnh chui sang Campuchia...

5.000 năm trước, ở Bắc Phi, một vị vua đầy tham vọng, ngày nay được gọi là Narmer, đã thống nhất hai vùng đất Thượng Ai Cập ở phía Nam và Hạ Ai Cập ở phía Bắc thành lãnh thổ vĩ đại đầu tiên trên thế giới - Ai Cập. Nhưng cho đến nay, nguồn gốc của nền văn minh Ai Cập vẫn còn khá mơ hồ. Những gì còn sót lại về vị Pharaoh đầu tiên của Ai Cập chỉ là cái tên.

Hiện nay, một số mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) thu hút được sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện, phường trong công tác này. Tuy nhiên, hoạt động thực tế gặp không ít khó khăn, hạn chế, chưa có cơ chế bền vững về nguồn lực để hỗ trợ người CHXAPT có công ăn, việc làm để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng…

Tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư về phí bảo trì, diện tích sở hữu chung, chậm bàn giao sổ hồng… tại các khu nhà chung cư là vấn đề không mới và đã kéo dài nhiều năm. Tại nhiều nhà chung cư, tưởng như việc tổ chức được hội nghị bầu ra Ban Quản trị, đại diện và bảo vệ quyền lợi cho cư dân sẽ hóa giải được những xung đột, thế nhưng mâu thuẫn vẫn chưa dừng lại. Các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư đã có, vậy nhưng tranh chấp ở các khu nhà chung cư chưa bao giờ hết “nóng” và dường như chưa có thuốc “đặc trị”.

Khi bụi lắng xuống sau các trận oanh tạc vào Dải Gaza, thi thể hàng ngàn người Palestine bị vùi lấp lẫn với gạch đá, rất khó phân biệt ai đến từ Hamas, ai là dân thường cố gắng vật lộn tìm đường sống. Ngay cả khi không chết vì bom đạn, cuộc sống ngột ngạt trong cảnh vây hãm tại dải đất hẹp bên Địa Trung Hải đang từng ngày chôn vùi những giấc mơ sống bình dị nhất…

Trong cuộc đời của mỗi người luôn có nhiều khoảnh khắc đẹp và đáng nhớ. Một trong những khoảnh khắc đó đã mang đến sự may mắn cho họ như định mệnh và nên duyên vợ chồng hạnh phúc viên mãn cả cuộc đời. Riêng tình yêu của tôi với nhà giáo, Thiếu tướng Phạm Văn Dần, sau là Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, cũng xuất phát từ khoảnh khắc đẹp như vậy.

Đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc ở Geneva ngày 14/11 (giờ địa phương) tuyên bố Nga sẵn sàng đàm phán chấm dứt chiến sự ở Ukraine nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khởi xướng, nhưng cuộc đàm phán nào cũng cần dựa trên thực tế về các bước tiến của Nga.

Nhiều khu đất lớn đang trong giai đoạn chính quyền TP Đà Nẵng rao bán đấu giá bị doanh nghiệp ngang nhiên lấn chiếm làm công trình, bãi tập kết máy móc, vật liệu xây dựng. Thậm chí, có trường hợp chiếm đất công rồi tổ chức cho người khác đổ xà bần, rác thải để thu tiền theo đầu xe. Đã có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự... 

Cơn bão Man-yi, hiện cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 2.000 km được đánh giá là cơn bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17, có khả năng tiến vào Biển Đông trong ngày 18/11.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文