Giết người vì bị khống chế, người đàn bà day dứt cảnh “tan cửa nát nhà”

16:16 14/09/2019
Bị người hàng xóm phát hiện buôn bán ma túy, Lê Thị Hoa, (SN 1966 ở Xăm Khòe, Mai Châu, Hòa Bình) đã dùng tiền để mua sự im lặng. Nhưng sự đòi hỏi ngày càng nhiều cả về số lần lẫn số tiền của người hàng xóm đã biến Hoa trở thành con nợ.


Số tiền cầm cố nhà cửa vẫn không làm người này thỏa mãn, Hoa bàn với em rể lập kế hoạch giết người. Giờ đây, phải trả giá với án tù chung thân về tội giết người và mua bán trái phép chất ma túy, Hoa day dứt vì cảnh gia đình tan nát.

Giết người hòng xóa nợ

Chúng tôi gặp Lê Thị Hoa ở Trại giam Tân Lập đúng dịp trại đang tổ chức cuộc thi dành cho các phạm nhân viết bài tìm hiểu về tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hỏi Hoa có tham gia không, chị ta lắc đầu buồn bã: "Tôi mù chữ nên có muốn cũng chẳng thể làm gì. Mấy ngày nay nghe bản tin của trại thông báo về số bài viết dự thi đã lên tới hàng nghìn bài. Thấy các bạn cùng buồng ai cũng háo hức tìm tòi, tranh luận. Cũng thích lắm nhưng đành chịu". Hỏi Hoa sao ngày xưa không đi học, chị ta cười cười: "Tôi có đi nhưng chăm đi lễ nhà thờ hơn nên chỉ học đến lớp 3 là thôi. Lâu rồi không cầm đến sách nên nhìn chữ lại như mới".

Trại giam Tân Lập tổ chức hoạt động văn hóa cho phạm nhân.

Quê ở Xuân Trường, Nam Định nhưng duyên phận lại đưa đẩy Hoa về sống tại vùng đất Mai Châu, Hòa Bình. Hỏi Hoa sao lấy chồng xa thế, chị ta hồn nhiên: "Chồng em cũng quê Xuân Trường, tổ tiên còn ở đó nhưng bố mẹ lên Hòa Bình từ hồi có phong trào đi vùng kinh tế mới".

Theo lời Hoa kể thì chị ta gặp chồng trong một lần đi ăn giỗ tổ, được người ta mai mối, thấy ưng nên đồng ý. Sau đám cưới, Hoa theo chồng về Mai Châu sinh sống. Hai đứa con lần lượt chào đời, cuộc sống của Hoa nếu chỉ biết an phận với công việc vốn có thì đã yên ả.

Thế nhưng, cơn bão ma túy tràn về Mai Châu với số con nghiện không ngừng tăng mà có thời điểm cán bộ xã nói vui rằng số người nghiện ở xã năm nay giảm không phải do cai được mà vì chết thì Hoa cũng góp phần trong số đó. Chị ta tham gia vào đội quân bán lẻ ma túy và bi kịch bắt đầu từ đây.

Theo bản án, Lê Thị Hoa có quan hệ làm ăn với chị Phùng Thị Minh, từ đó mà Minh biết nhiều về việc làm mờ ám của Hoa. Nhiều lần Minh đòi Hoa chi tiền, mỗi lần từ 2 triệu đồng trở lên. Sau nhiều lần bị Minh đòi tiền, Hoa đã bàn với em chồng là Bùi Văn Thưởng tìm cách sát hại Minh.

Trưa ngày 28-3-2007, sau khi hẹn Minh ra Hang Khoài để đưa tiền, Hoa và Thưởng đã xuống tay sát hại người này rồi châm lửa phi tang. Ngày 2-4-2007, sự việc bại lộ, Hoa và Thưởng bị bắt.

Khi bị bắt, Hoa đang mang trong người 4 gói heroin có trọng lượng 1,6g. Ngày 28-5-2008, TAND tỉnh Hòa Bình đã tuyên phạt Lê Thị Hoa mức án chung thân về tội giết người và mua bán trái phép chất ma túy. Sau khi bản án có hiệu lực, Hoa về Trại giam Tân Lập cải tạo từ đó đến nay.

Nhắc lại chuyện cũ, Hoa cúi mặt, lí nhí: "Chuyện xảy ra đã lâu rồi tôi không muốn nhắc lại vì các con tôi giờ vẫn phải gánh chịu hậu quả do tôi gây ra. Nhưng mà lúc ấy tôi không còn gì cả, thế mà họ không cho tôi được yên thân".

Theo lời Hoa kể thì chị Minh bảo đang làm thủ tục cho người nhà đi xuất khẩu lao động, cần 100 triệu đồng và hứa sẽ đưa tiền để trả ngân hàng.

Hiểu ý Minh, Hoa đã lo tiền đưa cho Minh nhưng người hàng xóm này chỉ giữ lời hứa được vài tháng, sau đó không trả nữa. Bị dồn vào đường cùng, Hoa đã lên kế hoạch giết người. Phiên sơ thẩm, Hoa bị kết án 13 năm tù. Người nhà nạn nhân kháng cáo, phiên phúc thẩm Hoa bị kết án chung thân và phải gửi tiền nuôi con của bị hại đến 18 tuổi. "Nhưng tôi làm gì có tiền mà gửi", Hoa kể.

Ngày bị bắt, Hoa biết một chút thông tin gì về chồng và các con bởi thời gian trong trại tạm giam, chồng Hoa có vào thăm 2 lần, nói là sẽ bán nhà trả nợ ngân hàng. Từ khi về Trại giam Tân Lập cải tạo, người đàn ông đó đã không một lần lên thăm vợ.

Day dứt thương con

Nhắc đến hai đứa con, người đàn bà này nước mắt chan hòa, nói trong hơi thở hắt ra: "Tôi đi tù, nhà cửa cầm cố bị kê biên, chồng con mỗi người mỗi ngả, lang bạt khắp nơi kiếm sống vậy mà lúc quay về quê hương vẫn không thể sống nổi. Mười hai năm đã trôi qua rồi nhưng người ta vẫn chưa buông tha cho hai đứa con tôi. Tội ai người đó chịu, thế mà các con tôi phải gánh tất cả mọi điều tiếng, đến giờ phải đi thuê nhà sống mà cũng không được yên thân".

Phạm nhân Lê Thị Hoa.

Theo lời Hoa kể thì cách đây 3 năm, Hoa đột ngột nhận được thông báo có người nhà thăm gặp. Nghĩ mình nghe nhầm, Hoa còn cười tếu táo rằng cán bộ đọc nhầm. Tới khi biết là thật thì chị ta quýnh quáng, không biết phải làm gì.

Kể lại cho chúng tôi nghe cảm xúc của mình khi lần đầu được gặp người thân sau chục năm xa cách, Hoa rơm rớm nước mắt: "Tôi cứ vơ cái nón đội lên đầu lại vứt xuống cầm cái áo, chẳng biết phải làm cái gì trước, cái gì sau. Đến khi ra phòng thăm gặp, tôi bất ngờ nhìn thấy hai con. Chúng nó đã lấy vợ, lấy chồng, làm bố làm mẹ cả rồi. Thế rồi mẹ con cứ cầm tay nhau mà khóc. Đến lúc ấy tôi mới biết chồng tôi bán nhà bỏ đi đâu biệt tăm, các con tôi ở với dì trong Tây Nguyên, đến lúc lập gia đình thì quay về nhưng nhà cửa chẳng còn, phải đi ở nhờ, làm thuê kiếm sống".

Hoa bảo mình có công sinh con nhưng em gái mới có công nuôi dưỡng các con nên người, rồi cũng một tay người dì ấy lo chuyện hạnh phúc trăm năm của hai đứa trẻ. Theo lời người đàn bà này thì chị ta đã bặt tin con cho đến khi chúng lên thăm mới biết các con đã quay trở lại Hòa Bình. Hỏi vì sao không tiếp tục ở lại Tây Nguyên lập nghiệp, quay về quê làm gì cho nặng nề, áp lực, đứa con trai bảo để được gần bố, gần mẹ.

Sau lần gặp đó, mẹ con Hoa liên lạc với nhau bằng điện thoại. Tháng nào trại giam cũng cho gọi điện thoại về nhà, Hoa lại gọi cho các con để biết thông tin. Qua liên lạc, Hoa biết các con đang đi làm thuê để lấy tiền trả khoản bồi thường mà mẹ chúng phải thi hành án. "Các con tôi hiện đang làm thuê trên thành phố Hòa Bình, thu nhập cũng bấp bênh nhưng chúng đã trả nợ thay tôi được hơn 3 triệu rồi".

Qua các con, Hoa mới biết mẹ mình đã mất, giờ chỉ còn người bố trên 80 tuổi, lúc nào cũng đòi đi thăm con gái một lần nhưng cả nhà không dám đưa đi vì sợ đường xá xa xôi, bệnh tình của ông cụ khó cầm cự nổi. Nghe con nói, Hoa chỉ biết khóc vì ân hận. 

"Tháng trước con tôi viết thư gửi vào, hỏi cần gì để gửi vào mà tôi không dám nói. Tôi có lỗi với chúng nó rất nhiều, vì tội lỗi của mình mà làm liên lụy tới con, làm gì còn mặt mũi nào mà xin xỏ chúng nó nữa. Với lại trong này tôi cũng chẳng thiếu cái gì, ốm đau cũng có thuốc của trại, tiêu chuẩn cũng đủ dùng, con cái còn đang vất vả, bắt chúng gửi vào làm gì, mình có ăn cũng không nuốt nổi".

12 năm đi tù, Lê Thị Hoa đã có hơn 11 năm sống trong Trại giam Tân Lập. Chị ta bảo từ ngày vào đây đã qua nhiều đội lao động, từ trồng rau, chăn nuôi và giờ là đội đính hạt cườm. Ở nơi nào, Hoa cũng tích cực lao động và được bình xét là lao động khá. Thế nhưng vì số tiền bồi hoàn chưa thực hiện xong nên khả năng việc được xét giảm án từ chung thân xuống án có thời hạn gặp trắc trở.

"Năm ngoái con tôi xin được xác nhận của chính quyền về tình trạng gia đình khó khăn nhưng năm nay thì gia đình bị hại không đồng ý cho khất nợ. Tôi buồn lắm nhưng không thể ép các con mình phải gánh chịu. Chúng nó đã quá vất vả rồi".

Hỏi Hoa nếu được tặng một lời ước thì mong muốn điều gì, người đàn bà này nhanh nhảu: "Tôi chỉ ước thời gian quay ngược trở lại, để tôi chấp nhận cuộc sống đói nghèo, không dính dáng gì đến ma túy thì cuộc sống của các con tôi không sóng gió như bây giờ".

Vĩnh Hà

Thông qua việc thường xuyên đi lễ chùa, Bùi Thị Ninh đã tạo mối quan hệ thân thiết với nhiều người ở trong và ngoài tỉnh rồi kêu gọi họ góp vốn để đầu tư kinh doanh. Sau khi nhận tiền, Ninh không sử dụng đúng mục đích đã thỏa thuận mà dùng cho mục đích cá nhân, chiếm đoạt gần 300 tỉ đồng rồi bỏ trốn khỏi địa phương.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2023- 2024. Năm nay, Trường THPT Yên Hòa có tỷ lệ "chọi" cao nhất với 1/3,11, tức trung bình trên 3 thí sinh dự thi mới có 1 em đỗ.

Đàm Vĩnh Hưng, lại một lần nữa là Đàm Vĩnh Hưng, những ngày qua đã làm dậy sóng dư luận trong lần xuất hiện hoành tráng của mình. Câu hỏi tại sao lại là Đàm Vĩnh Hưng có thể dễ được lý giải theo chủ quan của Hưng là "các thành phần xấu lợi dụng đẩy câu chuyện này đi xa", nhưng cũng sẵn sàng được một chiều khác của dư luận diễn dịch theo cách: "Vì sự tự tin thái quá dẫn đến quyết định phản cảm của chính Đàm Vĩnh Hưng".

Chiều 10/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Nha Trang cho biết, đã ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ hình sự đối với Lầu Vũ Nhật Đăng (SN 1996, trú ở tổ 21, thôn Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang), để điều tra về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Đây là đối tượng đã 5 lần vô cớ dùng hung khí tấn công 5 người phụ nữ đi đường, khiến 4 nạn nhân bị thương và 1 người tử vong.

Liên quan vụ việc phụ huynh của Trường Mầm non Việt Úc (phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) phản ánh về việc con mình bị cô giáo đánh trong lớp học, sáng 10/5, Phóng viên Báo CAND đã có cuộc làm việc với đại diện Trường Mầm non Việt Úc.

Những ngày cuối tháng 4/1975, là một thanh niên Sài Gòn (tròn 19 tuổi), tôi cảm nhận rõ sự thay đổi lớn lao của đất nước đang đến rất gần. Và trong ngày 30/4 lịch sử ấy, tôi đã cầm chiếc máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn, ghi lại những khoảnh khắc quân Giải phóng tiến vào nội đô.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文