Góc tối trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG

07:47 07/09/2019
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất và tống đạt kết luận điều tra thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần Công ty nghe nhìn toàn cầu (AVG). Kết luận điều tra này đã làm rõ nhiều tình tiết liên quan đến hành vi cấu thành tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa-nhận hối lộ”.


Muốn để lại "dấu ấn"?

Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, ông Nguyễn Bắc Son - cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) có quen biết với ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch HĐQT AVG. Sau khi Mobifone có văn bản về đầu tư dịch vụ truyền hình, ông Son đã giới thiệu cho Mobifone mua AVG.

Được biết, đây là dự án nhóm A, có quy mô trên 5.000 tỷ đồng nên thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư là của Thủ tướng Chính phủ. Ông Son cũng đưa ra ý kiến chỉ đạo để Phạm Đình Trọng - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT-TT chủ trì cuộc họp với Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc Mobifone và đại diện AVG để thống nhất giá mua gần 8.900 tỉ. Trong kết luận điều tra cũng nêu rõ, khi Bộ TT-TT nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Bắc Son xác định đây không phải quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng.

Ông Nguyễn Bắc Son - cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT

Ông này cũng thừa nhận việc chỉ đạo ông Trương Minh Tuấn - cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT (khi đó là Thứ trưởng) ký Quyết định 236 phê duyệt dự án để Mobifone mua cổ phần của AVG khi Thủ tướng chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa có ý kiến về 4 kênh tần số, giá mua và hiệu quả đầu tư vẫn chưa được thẩm định làm rõ.

Đáng nói, trong phiếu trình do ông Phạm Đình Trọng ký trình đã nêu: "Bộ TT-TT không có chức năng và điều kiện để xác định lại giá mua, hiệu quả của dự án… Văn phòng Chính phủ đã xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng hai bộ cũng không có ý kiến về nội dung này…". Tuy nhiên, ông Son vẫn cố ý quyết định, chỉ đạo ông Trương Minh Tuấn ký quyết định phê duyệt dự án với vốn đầu tư 8.900 tỉ.

Theo kế hoạch, đến đầu năm 2016, ông Son kết thúc nhiệm kỳ công tác và thôi chức Bộ trưởng, nên ông Son đã chỉ đạo cấp dưới triển khai ngay dự án và đảm bảo hoàn thành trong năm 2015. Ông Son thừa nhận đã gạch bỏ nội dung "giao HĐTV Mobifone chịu trách nhiệm quyết định giá mua" tại tờ trình và gạch "Quyết định giá mua" tại Điều 2 dự thảo quyết định. Ông Son đã chỉ đạo ông Lê Nam Trà – cựu Chủ tịch HĐTV Mobifone ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG vào chiều 25-12-2015.

Kết luận điều tra cũng làm rõ động cơ dẫn đến các sai phạm là do vị cựu bộ trưởng này mong muốn thực hiện dự án trước khi nghỉ hưu để tạo "dấu ấn” trong nhiệm kỳ công tác của mình, mặt khác muốn Mobifone và AVG “phải nhớ đến tên Son”.

Về phần cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, dù nhận thức dự án có tổng mức đầu tư 8.900 tỉ đồng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng, nhưng ngày 14-12-2015, Văn phòng Chính phủ mới có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, chấp thuận chủ trương cho Mobifone mua cổ phần AVG thì ông Tuấn đã ký quyết định phê duyệt đầu tư dự án. Việc ký này ông Tuấn thực hiện chỉ đạo của ông Son và gây hậu quả nghiêm trọng.

Như vậy ông Nguyễn Bắc Son đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vì động cơ mục đích cá nhân, quyết liệt chỉ đạo nhân viên dưới quyền làm trái quy định dẫn đến việc Mobifone phải tổ chức thực hiện, ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với AVG, gây thiệt hại gần 6.500 tỉ đồng.

Những “món quà” triệu đô

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ trước đó, khi báo cáo đề xuất đầu tư chuyển nhượng cổ phần AVG và lập dự án đầu tư trình Bộ TT-TT phê duyệt, Mobifone đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ, đánh giá không đúng thực trạng tài chính rất xấu của AVG, thậm chí còn đánh giá khả quan về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG.

Khi lựa chọn phương án đầu tư, Mobifone không khảo sát, không lựa chọn đơn vị chuyên kinh doanh dịch vụ truyền hình để tư vấn phương án kinh doanh, không xây dựng phương án đầu tư mới để có căn cứ so sánh.

Ông Trương Minh Tuấn - cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT

Những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của Mobifone đã gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn nhà nước tại Mobifone khoảng hơn 7.000 tỷ đồng, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và các năm tiếp theo. Trong đó, lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 so với 2015 là 321,7 tỷ đồng, số lỗ lũy kế đến 2017 là hơn 1.900 tỷ đồng, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa Mobifone.

Bộ TT-TT với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định dự án, phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước.

Với nguy cơ thiệt hại số tiền 7.000 tỷ của nhà nước như trong kết luận thanh tra đã nêu, ông Son lại xem là “dấu ấn” trong nhiệm kỳ của mình. Hay với động cơ khác được nêu rõ, đó là ông Son nghĩ nếu việc mua bán thành công thì cổ đông AVG sẽ cảm ơn ông bằng vật chất.

Cơ quan điều tra cũng làm rõ, sau khi hoàn thành dự án, Mobifone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, ông Phạm Nhật Vũ đến nhà riêng ông Son tại phố Lý Nam Đế (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) để đưa cho ông Son 3 triệu USD (khoảng gần 70 tỷ đồng). Ông Son nhận thức được việc ông Vũ đưa tiền vì mình đã chỉ đạo thực hiện xong dự án mua cổ phần của AVG. Sau khi nhận tiền, ông Son đưa cho con gái là Nguyễn Thị Thu H., khoảng 10 lần, mỗi lần 300.000 - 400.000 USD.

Cơ quan điều tra cũng làm việc với bà H. để làm rõ lời khai trên. Bà này cho biết mình không nhận bất cứ khoản tiền nào từ ông Nguyễn Bắc Son. Khi cơ quan điều tra cho đối chất, bà H. vẫn giữ nguyên lời khai không nhận tiền từ bố. Kết luận điều tra cũng xác định căn cứ tài liệu chứng cứ và lời khai những người liên quan chưa có chứng cứ và tài liệu trực tiếp chứng minh việc Nguyễn Thị Thu H. nhận và sử dụng tiền của ông Son. Do vậy, "không đủ căn cứ xử lý hình sự đối với bà Nguyễn Thị Thu H.".

Ngoài ra, ông Son còn thừa nhận vào dịp lễ, Tết đã nhận tiền của ông Cao Duy Hải, cựu Tổng giám đốc Mobifone, số tiền 200 triệu đồng dịp 30-4-2015 và 200.000 USD của ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone, nhân dịp Tết âm lịch 2016.

Ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch HĐQT AVG

Trong quá trình điều tra, ông Son nhận thức số tiền nhận từ ông Vũ là hưởng lợi bất chính nên đã nhiều lần viết đơn xin khắc phục hậu quả và xin nộp số tiền hơn 500 triệu đồng trong tài khoản cá nhân.

Tương tự với ông Trương Minh Tuấn, sau khi hoàn thành dự án, ông này đã nhận từ Phạm Nhật Vũ số tiền 200.000 USD. Ông Tuấn nhận thức được việc ông Vũ đưa tiền cho mình vì ông có tham gia dự án, ký quyết định 236. Số tiền này ông Tuấn đã sử dụng vào việc cá nhân. Ông Tuấn xin nộp 2,12 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

Ông Lê Nam Trà khai quá trình thực hiện dự án, ông Phạm Nhật Vũ đã nhiều lần gọi điện giục sớm hoàn thành dự án. Sau khi hoàn thành dự án, trước và sau Tết âm lịch 2016, ông Trà nhận từ ông Phạm Nhật Vũ số tiền 2,5 triệu USD. Số tiền này ông Trà đã sử dụng cho mục đích cá nhân. Với cương vị là Chủ tịch HĐTV Mobifone, ông Trà nhận thức được việc nhận tiền từ ông Vũ là sai, vi phạm pháp luật nên đã đề nghị xin được khắc phục toàn bộ số tiền 2,5 triệu USD hưởng lợi bất chính.

Ngoài ra, ông Trà còn khai dịp Tết âm lịch 2016 đã biếu ông Nguyễn Bắc Son số tiền 700.000 USD, trong đó có 500.000 USD nhận từ ông Vũ. Tuy nhiên, ông Trà xác định đây là việc dân sự cá nhân giữa ông với ông Son nên không yêu cầu đề nghị xem xét trong vụ án.

Về phần Cao Duy Hải, cựu thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Mobifone, khai nhận sau khi hoàn thành dự án, Mobifone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, vào tháng 4-2016, ông Phạm Nhật Vũ đến phòng làm việc của ông Hải tại tòa nhà Mobifone và đưa 500.000 USD. Ông Hải nhận thức được việc nhận tiền của ông Vũ là sai, hưởng lợi bất chính và đã có đơn xin nộp lại toàn bộ số tiền trên để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Cơ quan điều tra xác định hành vi của ông Son và ông Tuấn vi phạm vào tội "Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng". Trong đó ông Son có vai trò chủ mưu, cầm đầu, ông Tuấn vai trò đồng phạm. Hàng loạt lãnh đạo của Mobifone như Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Đình Trọng… vai trò đồng phạm trong tội danh này. Ông Son và ông Tuấn cũng bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.

Về phía ông Phạm Nhật Vũ, trong quá trình thực hiện dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, ông này đã nhiều lần liên hệ điện thoại với các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải để trao đổi công việc, hối thúc việc mua bán. Vì 4 cá nhân trên có vai trò quyết định đối với dự án nên sau khi hoàn thành dự án, Phạm Nhật Vũ đã đưa tiền cho 4 cá nhân trên.

Quá trình điều tra, bị can Phạm Nhật Vũ đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của bản thân, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ vụ việc. Bị can cũng là người đã chủ động hủy bỏ thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần; tự nguyện trả lại MobiFone toàn bộ số tiền cả gốc và lãi, chi phí dự án góp phần tối đa làm giảm thiệt hại cho Nhà nước. Gia đình bị can có công với cách mạng, bản thân bị can có nhiều đóng góp với các hoạt động an sinh xã hội…

Do đó, cơ quan điều tra đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt phù hợp khi lượng hình với bị can.

Nhóm PV

Hơn 5 năm trước, Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt. Theo đề án, có 6 cơ quan báo chí được xác định xây dựng thành “Cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện” gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân (CAND). Đây là vinh dự và cũng là nhiệm vụ rất nặng nề của 6 cơ quan báo chí được nêu tên, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam...

Tại địa điểm kinh doanh nằm trên địa bàn thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, Phòng Nghiệp vụ 1, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 25 chiếc xe điện loại 3 bánh và 4 bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, tại Nghị Quyết số 05 của Chính phủ ngày 4/2/2008, các loại phương tiện này không được phép lưu hành tại Việt Nam trừ những trường hợp đặc biệt.

20 học sinh mầm non ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột. Bệnh viện Bạch Mai đã cử một kíp bác sĩ gồm nhiều chuyên khoa lên Lai Châu để hỗ trợ chẩn đoán, điều trị cho các cháu.

Giới chức Philippines ngày 5/11 ra lệnh sơ tán khẩn cấp người dân ở các khu vực hẻo lánh và đặt quân đội vào trạng thái trực chiến để chuẩn bị ứng phó với cơn bão Yinxing dự kiến sẽ đổ bộ trong tuần này.

Theo quyết định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương được phân công thực hiện nhiệm vụ là người phát ngôn của Bộ thay cho nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm vừa được Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Trong vụ án liên quan đến cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Trần Văn Hiệp; cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng nhiều bị can khác, có một nữ đại gia tự nguyện giao nộp 9 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có giá trị khoảng 1.700 tỷ đồng) để phục vụ yêu cầu giải quyết vụ án. Người phụ nữ này là ai?

Sau khi Báo CAND ra ngày 24/10 thông tin về tình trạng hàng nghìn cư dân chung cư Saigon Gateway ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh phải sống trong bất an, khổ sở vì chủ đầu tư chiếm giữ, không chịu bàn giao quỹ bảo trì cho đại diện cư dân. Ngày 31/10 Ban quản trị (BQT) chung cư và đơn vị sửa chữa thang máy cùng đại diện chủ đầu tư đã ký hợp đồng ba bên để sửa chữa 2 thang máy bị hư hỏng của chung cư. Ngay sau đó, đại diện chủ đầu tư đã chuyển số tiền tạm ứng gần 250 triệu đồng cho đơn vị sửa chữa thang máy…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文