Grab thôn tính Uber: Nỗi lo độc quyền
- Bước lùi của Uber tại Đông Nam Á
- Grab chính thức mua lại Uber Đông Nam Á
- Grab “mua đứt” Uber Đông Nam Á: Quyền lợi của hành khách và lái xe có đảm bảo?
CCS cho biết có cơ sở để nghi ngờ việc Grab thâu tóm Uber đã vi phạm Luật Cạnh tranh. Cơ quan này yêu cầu Grab và Uber tạm dừng việc sáp nhập cho đến khi cuộc điều tra kết thúc. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Cạnh tranh Singapore đề xuất biện pháp tạm dừng sáp nhập đối với các công ty mà họ đang điều tra.
Grab và Uber được yêu cầu tiếp tục duy trì các chính sách về giá và các dịch vụ như trước khi có thỏa thuận sáp nhập. Yêu cầu này của Ủy ban Cạnh tranh Singapore là động thái mới nhất trong thương vụ Grab thâu tóm Uber Đông Nam Á. Hôm 26-3 vừa qua, Grab đã công bố việc mua lại hoạt động của Uber ở khu vực Đông Nam Á và dự định sẽ ngừng ứng dụng gọi xe Uber vào ngày 8-4 và dịch vụ giao đồ ăn UberEats vào cuối tháng 5.
Theo Luật Cạnh tranh của Singapore, CCS có quyền yêu cầu tạm thời dừng các thương vụ sáp nhập. Do Grab là công ty khởi nghiệp của Singapore, nên phải chịu chế tài của Luật Cạnh tranh. Cơ quan này cũng yêu cầu Grab không sáp nhập bất cứ dữ liệu nào từ Uber, bao gồm giá cả, các công thức tính giá, khách hàng và lái xe. Grab cũng phải đảm bảo cho các tài xế Uber khi chuyển sang sẽ không phải chịu bất cứ một khoản phí chuyển đổi, không bị tạm khóa hoặc không bị áp vào bất cứ một điều khoản độc quyền nào.
Ủy ban Cạnh tranh cho biết Uber và Grab có thể gửi phản hồi về cơ quan này để họ xem xét thấu đáo trước khi đưa ra quyết định có ban hành các biện pháp hay không. Ông Lim Kell Jay, CEO Grab Singapore, nói rằng công ty sẽ đệ trình phản hồi lên Ủy ban Cạnh tranh và đề xuất một số biện pháp trấn an cơ quan này, bao gồm duy trì cấu trúc giá và không tăng giá cơ bản.
Về phía Uber, hãng xe của Mỹ vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào. Trong năm qua, Uber đã “đốt” hết 4,5 tỷ USD cho các hoạt động tại châu Á và Mỹ. Kể từ khi thành lập, hãng đã lỗ hơn 10 tỷ USD. Việc sáp nhập với Grab là một động thái giúp Uber cắt lỗ để có thể tập trung hơn cho các thị trường như Mỹ và Nhật Bản, cũng như cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2019.
Trong trường hợp Ủy ban Cạnh tranh thấy rằng việc sáp nhập Uber - Grab có thể làm mất tính cạnh tranh thì cơ quan này có quyền yêu cầu các công ty không rút vốn hoặc sáp nhập. Nếu vi phạm Luật Cạnh tranh, Ủy ban có thể áp dụng hình phạt tài chính lên tới 10% doanh thu cho mỗi năm vi phạm, tối đa là 3 năm.
Tại Việt Nam, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã gửi công văn hỏa tốc yêu cầu Grab cung cấp tài liệu liên quan đến việc mua lại Uber, cũng như hợp đồng Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á trước ngày 3-4-2018. Theo công văn hỏa tốc này, căn cứ chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh quy định tại Khoản 2, Điều 7, Luật Cạnh tranh, trong đó có nhiệm vụ kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng có nhiệm vụ kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế diễn ra trên thị trường.
“Trước khi thương vụ Grab thâu tóm Uber ở Đông Nam Á hoàn tất, chúng tôi không nhận được hồ sơ thông báo về tập trung kinh tế. Chúng tôi vừa yêu cầu Grab cung cấp hồ sơ liên quan để xem xét tính pháp lý. Trường hợp có vi phạm Luật Cạnh tranh thì sẽ buộc Grab không được hoạt động tại Việt Nam", một quan chức Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết.