Hám lợi khủng, hàng trăm người mắc “bẫy” huy động vốn trái phép
Từ hai công ty “ma”, chỉ trong vòng hơn nửa năm, các đối tượng này đã phát triển 19 chi nhánh, văn phòng đặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước để tổ chức huy động vốn trái phép. Khi hoạt động này bị phát hiện, cơ quan chức năng xác định đã có hàng trăm nhà đầu tư bị lừa với số tiền lên đến hơn 328 tỷ đồng.
Lợi nhuận... 200%/tháng
Để thực hiện âm mưu lừa đảo, năm 2014 Nguyễn Thế Anh thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Phúc Gia Bảo 68 (viết tắt Công ty 68) có trụ sở tại TP Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các cổ đông sáng lập gồm 4 người nhưng họ chỉ đứng tên, không góp vốn vào công ty. Nguyễn Thế Anh là Giám đốc, đại diện pháp luật và cũng là người bỏ vốn, điều hành, quyết định mọi hoạt động công ty.
Công ty 68 đăng ký ngành nghề kinh doanh nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động. Mặc dù trong giấy phép kinh doanh đăng ký vốn điều lệ là 20 tỷ đồng, nhưng Thế Anh khai chỉ có 20 triệu đồng làm vốn hoạt động ban đầu.
Sau khi thành lập Công ty 68, Thế Anh triển khai kinh doanh cà phê nhãn hiệu Organo - Gold của Mỹ dưới hình thức bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, công ty hoạt động không hiệu quả, không có lợi nhuận.
Bị can Nguyễn Thế Anh, bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo. |
Để có tiền, Thế Anh nảy sinh ý định lợi dụng danh nghĩa Công ty 68, kêu gọi người dân ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, nộp tiền vào công ty với cam kết hưởng lợi nhuận cao để chiếm đoạt.
Thực hiện ý định lừa đảo trên, từ tháng 7-2015, Thế Anh bắt đầu thành lập các chi nhánh Công ty 68 tại một số tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bình Định để tổ chức huy động vốn trái phép.
Với mục đích mở rộng địa bàn huy động vốn, chiếm dụng tiền của nhà đầu tư, tháng 9-2015, Thế Anh thành lập tiếp Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư Phúc Gia Bảo 868 (viết tắt Công ty 868) trụ sở ở Hà Nội, đăng ký kinh doanh nhiều lĩnh vực.
Cũng “bản sao” của Công ty 68, các cổ đông sáng lập Công ty 868 chỉ đứng tên cổ đông, không góp vốn vào công ty và Nguyễn Thế Anh là Tổng Giám đốc, đại diện pháp luật. Nguyễn Văn Thông (63 tuổi, quê Khánh Hòa) và Nguyễn Văn Hiển (34 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) làm Phó Tổng Giám đốc.
Công ty 868 có các chi nhánh tại tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Bình Phước, Long An, Nghệ An, Đắk Nông, TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Tổng cộng, 2 Công ty 68 và 868 đã thành lập 19 chi nhánh, văn phòng tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, TP Hồ Chí Minh có 4 chi nhánh; Hà Nội có 2 chi nhánh; Bình Duơng có 1 Chi nhánh và 1 văn phòng...
Sau khi thành lập các chi nhánh, Thế Anh đã tổ chức bộ máy điều hành hoạt động tại các chi nhánh đều mở các quán cà phê để làm nơi phô trương, mời chào, kêu gọi đầu tư và cho nhà đầu tư uống cà phê miễn phí...
Thế Anh cho soạn thảo các hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa hai công ty và nhà đầu tư với nội dung: Hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận trên các lĩnh vực: Kinh doanh chuỗi quán cà phê, chuỗi siêu thị mini tự chọn và online, nhà hàng, cửa hàng vật tư nông nghiệp, tour du lịch...
Theo đó, các nhà đầu tư có thể lựa chọn mức đầu tư vào công ty gồm các gói 12,6 triệu đồng, 24,6 triệu đồng, 36,6 triệu đồng, 72,6 triệu đồng và 84,6 triệu đồng. Công ty cam kết sẽ trả lợi nhuận hàng tháng với mức rất cao, từ 37% - 200%/tháng.
Ngoài lợi nhuận, nhà đầu tư còn được hưởng một số quyền lợi khác như được tặng 5 hộp cà phê, được uống cà phê miễn phí tại các quán cà phê của công ty, được tham gia các chuyến du lịch miễn phí do công ty tổ chức. Các hợp đồng này được Thế Anh ký, đóng dấu sẵn và chuyển đến các chi nhánh để kêu gọi nhà đâu tư ký, nộp tiền.
Để nhà đầu tư tin tưởng, Thế Anh chỉ đạo vận động rầm rộ tại các chi nhánh, như tổ chức các sự kiện cho nhân viên công ty cũng như khách hàng tham gia hội nghị khách hàng, các tour du lịch trong và ngoài nuớc.
Nguyễn Thế Anh tổ chức các sự kiện để lừa khách hàng. |
Tại các sự kiện này, Thế Anh và đồng bọn quảng bá về hoạt động công ty, đưa các thông tin sai sự thật. Thế Anh tự cho mình là đại diện chính thức của hãng cà phê Organo - Gold tại Việt Nam. Công ty kinh doanh có lãi trên các lĩnh vực mua bán cà phê, xây dựng, nhà hàng, siêu thị, khách sạn, khai thác mỏ... cam kết mức phân chia lợi nhuận, đồng thời tổ chức khen thưởng, tặng quà cho những nhà đầu tư lớn.
Ngoài ra, để khuyến khích nhà đâu tư, công ty có chính sách trích thưởng hoa hồng cho người giới thiệu nhà đầu tư mới...
Theo chỉ đạo của Thế Anh, các chi nhánh triển khai ký kết hợp đồng thu tiền tại chi nhánh. Sau đó, dùng một phần tiền của nhà đầu tư sau trả lợi nhuận cho nhà đầu tư trước, còn lại chiếm đoạt.
Để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, trong giai đoạn đầu Thế Anh trả lợi nhuận đúng như cam kết, nhưng về sau nhà đầu tư không được nhận lợi nhuận, đa số mất toàn bộ số tiền đầu tư...
Đưa nạn nhân vào "bẫy"
Thủ đoạn của các đối tượng này tinh vi đến độ chính người trực tiếp điều hành các chi nhánh của hai Công ty 68 và 868 cũng không phát hiện ra hành vi lừa đảo này của Nguyễn Thế Anh và họ cũng chính là nạn nhân.
Điển hình như tại Công ty 68 - Chi nhánh Gia Lai, bà Nguyễn Thị Thảo được Thế Anh giao điều hành chi nhánh, thu tiền đầu tư của người dân Gia Lai.
Trong quá trình hoạt động, các nhà đầu tư thấy chi nhánh này hoạt động không minh bạch, nên đề nghị Thế Anh phải bổ nhiệm giám đốc mới là người trong số những nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi cho họ. Thực hiện yêu cầu này, Thế Anh tổ chức họp các nhà đầu tư, thống nhất cử bà Triệu Thị Nhung làm Giám đốc.
Bà Nhung cho biết: “Mặc dù là người đứng đầu chi nhánh, nhưng bà Nhung không có thực quyền. Việc quản lý điều hành chi nhánh vẫn do Thế Anh và bà Thảo thực hiện. Tuy nhiên, do không biết Thế Anh lừa đảo, nên bà Nhung đã đầu tư vào chi nhánh và bị thiệt hại hơn 2 tỷ đồng”.
Tại Chi nhánh Gia Lai, tổng số tiền các đối tượng huy động các nhà đầu tư lên đến gần 30,9 tỷ đồng. Số tiền này dùng một phần nhỏ để trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư, số tiền còn lại nhóm đối tượng này chiếm đoạt hơn 20,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, đến thời điểm này có thêm 45 người đến cơ quan Công an khai báo với tổng số tiền mà họ đã bỏ tiền ra mua tổng cộng 310 gói đầu tư với số tiền gần 16 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận họ nhận được chỉ hơn 1,7 tỷ đồng, số tiền còn lại đã bị chiếm đoạt.
Một cơ sở kinh doanh làm nơi để dụ khách hàng. |
Tại Công ty 68 - Chi nhánh Kon Tum, bà Võ Thị Tưởng (64 tuổi, TP Kon Tum) làm Giám đốc. Thực hiện theo chỉ đạo của Thế Anh, từ tháng 10/2015 bà Tưởng tích cực kêu gọi các nhà đầu tư, thu được 936 triệu đồng của 21 người.
Trong khi đó, chính bà Tưởng cũng nghĩ rằng đầu tư sinh lãi nên bản thân bà cũng đã mua 1 gói 84 triệu đồng và con trai bà Tưởng mua 1 gói 12,6 triệu đồng đầu tư vào công ty. Tuy nhiên, hai mẹ con bà Tuởng chỉ nhận được lợi nhuận 9 triệu đồng, số tiền 87,6 triệu đồng còn lại đã bị chiếm đoạt.
Hay trường hợp của bà Hoàng Thị Tín (SN 1962, ngụ quận Gò Vấp), Giám đốc Chi nhánh Bạch Đằng (TP Hồ Chí Minh) của Công ty 868, chỉ trong thời gian 4 tháng (từ tháng 9-2015 đến 1-2016) đã kêu gọi nhà đầu tư ký kết 432 hợp đồng hợp tác kinh doanh, thu 22,3 tỷ đồng. Trong đó, riêng bà Tín đầu tư gần 1,7 tỷ đồng.
Bị lừa số tiền lớn, bà Tín thừa nhận: “Biết hoạt động của công ty là không sản xuất kinh doanh sinh lợi nhuận, lấy tiền của người sau trả lợi nhuận cho người trước và cũng biết đầu tư là rủi ro, nhưng do nghĩ rằng vẫn còn có người tiếp tục đầu tư vào, công ty sẽ có tiền để trả lợi nhuận nên tôi mới đầu tư gần 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận tôi nhận được chỉ là 292 triệu đồng”.
Bi đát hơn, đó là trường hợp của bà Lê Thị Kim Loan (59 tuổi, ở TP Vinh), trước khi được Thế Anh chọn làm người điều hành Chi nhánh Nghệ An, bà Loan đã đầu tư vào Chi nhánh 82 Thăng Long với 10 gói có hạn mức 36,6 triệu đồng và 2 gói 72,6 triệu đồng.
Tổng số tiền bà Loan bỏ vào đầu tư đã bị chiếm đoạt là 500 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh điều hành Chi nhánh Đà Lạt của Công ty 868, đầu tư 1 gói 72,6 triệu đồng nhưng chỉ hưởng lợi nhuận 19,8 triệu đồng...
Trong đường dây này, hỗ trợ đắc lực nhất cho Nguyễn Thế Anh chính là Nguyễn Văn Hiển, Phó Tổng Giám đốc Công ty 868. Hiển được Thế Anh hứa hẹn chia cho 5% lợi nhuận công ty và thực hiện các công việc tổ chức các sự kiện, đưa thông tin sai sự thật để người dân tin tưởng đầu tư vào công ty, lo các chính sách khuyến khích đầu tư...
Kết quả điều tra xác định, bằng thủ đoạn như trên, từ tháng 7-2015 đến 2-2016 tại 19 chi nhánh, văn phòng của hai Công ty 68 và 868, Nguyễn Thế Anh và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt hơn 328 tỷ đồng của hàng trăm nhà đầu tư.
Trong đó, nhà đầu tư được nhận lại lợi nhuận từ vốn mình bỏ ra hơn 170 tỷ đồng, còn hơn 158 tỷ đồng bị bọn chúng chiếm hưởng. Riêng Nguyễn Thế Anh chiếm đoạt và sử dụng hơn 74,2 tỷ đồng. Trong vụ án này, Nguyễn Thế Anh cùng 12 bị can khác (gồm Phó Tổng Giám đốc Công ty 868 và giám đốc một số chi nhánh) bị đề nghị truy tố về tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".