Hàng rào an ninh bảo vệ Tổng thống Donald Trump khi công du nước ngoài
- Khám phá siêu xe bus chống đạn “Ground Force One” dành cho Tổng thống Mỹ
- “Nội soi” chiếc xe có biệt danh “Quái thú” của Tổng thống Mỹ
- Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên ăn tối ở Hà Nội, ca ngợi "tình bạn"
Như thường lệ, đi theo hộ tống ông chủ Nhà Trắng không chỉ có các trang thiết bị, vũ khí hiện đại mà còn gồm cả một đội ngũ nhân viên an ninh, mật vụ hùng hậu có một không hai.
Từ công tác bảo vệ 3 lớp
Trong hai ngày 23 và 24 tháng 2, sân bay quốc tế Nội Bài cấp tập tiếp nhận các chuyến hàng từ những chiếc vận tải cơ c-17 Globemaster III. Ngoài dàn trang thiết bị đặc chủng, xe Cadillac One The Beast, lực lượng mật vụ Mỹ hùng hậu cũng xuất hiện với số lượng hàng trăm người. Các nhân viên mật vụ Mỹ được coi là "lá chắn sống" đảm bảo sự an toàn cho Tổng thống ở bất cứ đâu.
Cận kề ngày Tổng thống Mỹ công du, mật vụ sẽ rà soát từng địa điểm mà nhà lãnh đạo Mỹ dự kiến dừng chân bằng chó nghiệp vụ và kiểm tra an ninh tại tất cả các bãi đỗ xe để đảm bảo không ai có thể gài bom xe gần nơi khách sạn Tổng thống nghỉ lại.
Lần này, các mật vụ Mỹ đã phối hợp trực tiếp với lực lượng an ninh Việt Nam đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Tổng thống Donald Trump khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần 2 với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ở Hà Nội.
Tổng thống Donald Trump luôn được bảo vệ một cách nghiêm ngặt bởi các đội an ninh khác nhau: từ mật vụ Mỹ cho đến các vệ sĩ nước ngoài và lực lượng bảo vệ tư nhân. |
Theo nguồn tin riêng của CSTC, thông thường, hàng rào an ninh bảo vệ Tổng thống Donald Trump gồm 3 lớp sẽ được thiết lập trước khi chiếc không lực Air Force One chở Tổng thống hạ cánh. Vòng ngoài là cảnh sát nước sở tại, vòng giữa là các mật vụ thông thường, vòng trong cùng là các mật vụ thuộc đơn vị đặc biệt bảo vệ Tổng thống (PPD).
Công việc của PPD vô cùng đa dạng, từ lập đội xe hộ tống, sắp xếp nhân viên an ninh tháp tùng Tổng thống trong các chuyến công du toàn cầu đến túc trực bên cạnh Tổng thống 24/7. Tôn chỉ hành động của họ là bảo vệ Tổng thống bằng mọi giá, dù phải hy sinh tính mạng.
Rất dễ để nhận diện các thành viên PPD. Họ có vẻ ngoài lạnh lùng, thường đứng sát cạnh Tổng thống Mỹ mỗi khi ông xuất hiện trước công chúng. Nhiều lúc, họ cũng phải chạy bám theo đoàn xe của Tổng thống.
Trước khi Tổng thống đến một nơi nào đó, họ phải loại bỏ thiết bị điện tử, điện thoại trong các phòng mà Tổng thống nghỉ lại và thay thế bằng thiết bị mang theo. Họ cũng sẽ kiểm tra liệu có các thiết bị nghe lén hay vật liệu nổ nào không và sẽ lắp kính chống đạn ở các cửa sổ phòng ở của Tổng thống…
Đội cảnh khuyển K9 bảo vệ Tổng thống Mỹ. |
Đến đội hình an ninh đa dạng
Hãng tin CNN cho biết, từ những chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người ta mới nhận thấy rõ hơn những thay đổi lớn trong việc bảo vệ an ninh cho Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Ngoài lực lượng mật vụ thường xuyên như các đời Tổng thống khác, ông Donald Trump đã tuyển dụng 370 đặc nhiệm Nga làm vệ sĩ riêng để bảo vệ cá nhân, gia đình và tài sản.
Hợp đồng chưa có tiền lệ này trong lịch sử nước Mỹ được giao cho cố vấn cấp cao của ông Donald Trump, cựu Thượng nghị sỹ Mỹ Jack Kingston và cố vấn của một hãng dầu mỏ của Mỹ là Carter Page tới Moscow để đàm phán và ký kết với Tập đoàn bảo vệ tư nhân RSB Group của Nga - một tổ chức chuyên thực hiện các sứ mệnh đặc biệt chống khủng bố và tội phạm quốc tế.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục duy trì một lực lượng bảo vệ tư nhân gồm các quân nhân hoặc cảnh sát đã nghỉ hưu. Đứng đầu đội vệ sĩ tư nhân của ông Donald Trump là cựu sĩ quan hải quân, thành viên đảng Cộng hòa Keith Schiller. Số tiền mà ông Donald Trump phải chi để trả lương cho đội vệ sĩ tư nhân này rất lớn. Đáng chú ý là các thành viên trong đội đều được trang bị những loại vũ khí hiện đại nhất.
Chia sẻ về công tác cảnh vệ cho nguyên thủ quốc gia các nước tới thăm và làm việc tại Việt Nam, Đại tá Ngô Chí Thành, Phó trưởng phòng Phòng Bảo vệ các sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ cho biết, với lãnh đạo mỗi nước, công tác an ninh có đặc điểm khác nhau, cũng như cách triển khai bố trí đội hình và triển khai công tác nghiệp vụ khác nhau. Nhưng so với các đoàn khách quốc tế sang thăm Việt Nam, đoàn Mỹ thường có yêu cầu bảo vệ cao hơn hẳn.
Năm 2015, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam, mật vụ Mỹ có những yêu cầu rất cao. Họ muốn mang theo rất nhiều phương tiện, từ chó nghiệp vụ tới súng ống.
"Với chúng tôi thì bất cứ một nguyên thủ nào sang Việt Nam, công tác bảo vệ đều phải đảm bảo an toàn. Nhưng với những nước nào yêu cầu bảo vệ cao hơn thì chúng tôi sẽ có phối hợp, bố trí lực lượng phù hợp theo yêu cầu của họ, làm sao cho hai bên hài hòa để họ cảm thấy tin tưởng vào an ninh của Việt Nam", Đại tá Thành cho biết.
Cuối cùng, chuyến thăm của Tổng thống Obama đã kết thúc tốt đẹp. Lực lượng Cảnh vệ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Tổng thống Mỹ và đoàn đại biểu. Chính vì việc đảm bảo an toàn tuyệt đối trong các chuyến thăm của lãnh đạo Mỹ tới Việt Nam nên mật vụ Mỹ ngày càng tin tưởng các đồng nghiệp Việt Nam. Vì thế, khi Tổng thống Donald Trump tới thăm Hà Nội tháng 11-2017, phía Mỹ cho biết họ hoàn toàn tin tưởng vào an ninh của Việt Nam.
Sự phối hợp giữa an ninh Việt Nam và các mật vụ Mỹ tại Hà Nội rất nhịp nhàng. Mật vụ Mỹ cũng không đòi hỏi quá khắt khe hay có bất cứ phản ứng gì trong công tác an ninh của Việt Nam. "Họ tin tưởng vào lực lượng an ninh Việt Nam trong tất cả các hoạt động. Bản thân tôi cũng được nghe các mật vụ của Mỹ nói "an ninh Việt Nam rất tốt, làm việc rất chuyên nghiệp".
Chúng tôi cảm thấy tự hào khi lực lượng an ninh Việt Nam để lại ấn tượng đẹp cho bạn bè thế giới. Khi ông Donald Trump kết thúc chuyến thăm xong còn mời lực lượng an ninh Việt Nam chụp ảnh cùng. Thông thường, đến việc chụp ảnh họ cũng phải có kế hoạch trước... Nhưng đây là trường hợp đặc biệt. Lực lượng Cảnh vệ để lại ấn tượng rất tốt cho an ninh nước bạn, đặc biệt là an ninh Mỹ", Đại tá Thành nhấn mạnh.
Các đặc nhiệm Mỹ tham gia đoàn bảo vệ Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm Hà Nội năm 2017. |
Đoàn xe "đi đến nơi, về đến chốn"
Một điểm khác trong công tác bảo vệ an ninh của Tổng thống Mỹ luôn tạo sự chú ý chính là đoàn xe hộ tống. Thông thường, mỗi lần Tổng thống Mỹ xuất hiện, đoàn xe của ông sẽ có ít nhất 13 chiếc khác nhau, trong đó có hai chiếc Cadillac One The Beast dành riêng cho ông Trump ngồi và 11 chiếc xe khác hộ tống 2 chiếc này.
Mỗi chiếc xe có nhiệm vụ riêng, từ cung cấp vũ trang đến công nghệ và y tế cho ông chủ Nhà Trắng. Trong 13 xe nói trên bao giờ cũng có một gói xe 5 chiếc "dù Tổng thống đi đâu thì chúng sẽ vẫn luôn có mặt" và di chuyển theo đúng vị trí đã được sắp xếp. Điều dễ nhận ra nhất của 5 chiếc xe này là chúng luôn mang biển kiểm soát giống nhau.
Bên cạnh hai chiếc Cadillac, đoàn xe được dẫn đầu bởi xe hoa tiêu và 2 xe chở đặc vụ Mỹ đi trước và đi sau xe của Tổng thống Donald Trump. Ngồi trên hai chiếc xe mật vụ là những chuyên gia an ninh hàng đầu của Mỹ cùng những tay súng thiện xạ có nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống ở tầm gần.
Đoàn xe Cadillac One The Beast của Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters |
Để đảm bảo quãng thời gian di chuyển của Tổng thống ngắn nhất, cơ quan Mật vụ phải chuyển dàn xe tới địa điểm Tổng thống Mỹ đặt chân trước ít nhất 2 ngày. Đoàn sẽ chạy thử, tìm những phương án dự phòng. Họ cho rằng quãng đường càng dài, độ nguy hiểm càng tăng.
Những chiếc xe luôn di chuyển theo đúng đội hình đã dàn sẵn, thường so le với nhau nhằm có phương án hiệp đồng tác chiến khi đoàn xảy ra sự cố. Mỗi chiếc xe đều có ít nhất hai tài xế. Những người này cũng không chắc chắn ai sẽ được lái xe thật khi hộ tống Tổng thống Trump.
Chỉ tới vài chục phút trước khi đoàn khởi hành họ mới được thông báo chính xác. Trong lúc di chuyển, xe hoa tiêu có nhiệm vụ dẫn đầu cả đoàn xe phía sau. Nhà Trắng từng nói rằng các lái xe thiện nghệ đến mức họ thậm chí có thể di chuyển khi bịt mắt chỉ bằng cách liên lạc với xe hoa tiêu. Và mặc dù tốc độ di chuyển có lúc chỉ 10-20km/h, có lúc lên tới 80km/h và do xe của Tổng thống quyết định, các xe trong đoàn hộ tống Tổng thống Mỹ luôn duy trì khoảng cách với nhau theo đúng phương án với sai số cực nhỏ.
Thêm vào đó, đoàn xe Tổng thống Donald Trump gần như rất ít khi đi vào sảnh chính. Họ thường đi vào những cửa cạnh hoặc thậm chí chui xuống… hầm. Lý giải nguyên nhân cho việc này, một chuyên viên an ninh của Nhà Trắng tiết lộ rằng họ làm như vậy để hạn chế tối đa khoảng thời gian Tổng thống Mỹ xuất hiện trước đám đông.
Tại Đà Nẵng, khi tới dự một sự kiện ở Trung tâm hội nghị Aryianna trong khuôn khổ APEC 2017, thay vì đi cửa chính như phương án ban đầu, đoàn Mỹ đã khảo sát sẵn một cửa cạnh tại khu vực này và đưa xe của đoàn Mỹ thẳng tới đó khiến cho báo giới một phen "chưng hửng" khi đứng hàng tiếng đồng hồ để "săn" hình ảnh Tổng thống Donald Trump.