Hàng trăm hộ dân sống trong sợ hãi

10:38 25/06/2020
Hàng trăm hộ dân của huyện Chương Mỹ (Hà Nội) phải sống trong nỗi sợ mất tất cả tài sản tích cóp do tình trạng sạt lở một bên bờ sông Đáy.

Đã có nhiều giải pháp đặt ra như đổ đất đá, làm kè hộc để ngăn cản sự xói mòn do sức nước. Nhưng dường như sức người chẳng thể đối chọi được thiên nhiên khi tình trạng bên lở, bên bồi vẫn cứ thế diễn ra.

Mở cửa là xuống… sông

Nằm bên bờ hữu sông Đáy, xóm 6-8 của xã Văn Võ (huyện Chương Mỹ) là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng của sạt lở. Tình trạng này xảy ra từ Bãi Yến cho đến giáp đầu kè Văn Võ với chiều dài khoảng 400m, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của 16 hộ dân đang sinh sống nơi đây. Có những ngôi nhà chỉ cách mép sông chưa đầy 2m.

Chị Nguyễn Thị Hồng cho biết trong mười năm trở lại đây, không năm nào đất không sạt lở xuống sông. Cách đây hai năm, vợ chồng chị Hồng vay mượn xây được ngôi nhà mái bằng rộng 30m², cách mép sông gần 4m. 

Nhưng nợ thì chưa trả xong, tốc độ sạt lở đã kéo ngôi nhà ngày càng gần với mép sông. "Giờ tôi cũng không dám mơ đến vườn tược gì nữa, vì đến nhà cũng sắp không giữ được nữa rồi", chị Hồng tâm sự.

Nhưng so với gia đình ông Phạm Văn Bằng thì nhà chị Hồng vẫn còn… may. Bởi bây giờ, nếu người nào không quen với kết cấu hiện tại của nhà ông Bằng thì có thể sẽ ngã ngay xuống sông sau khi mở cửa vì đằng sau cánh cửa công trình phụ của nhà ông Bằng lại chính là… lòng sông. 

Ông Bằng thở dài kể hơn một năm trước, mùa mưa, đêm, cả nhà ông đang ngủ thì nghe những tiếng động lớn, mọi người trong nhà cứ ngỡ là tiếng sấm. Sáng hôm sau, khi mở cửa nhà vệ sinh thì ông Bằng giật mình sợ hãi bởi toàn bộ công trình phụ đã bị hà bá "nuốt" mất, gần trăm triệu đồng đổ ụp xuống sông theo đúng nghĩa đen. Còn một gian nhà thì nứt dọc từ trần xuống tận nền.

Biển cảnh báo nguy hiểm cắm ở nhà ông Phạm Văn Thi hai năm nay.

Di tích cũng chung nỗi lo

Cách xã Văn Võ không xa là xã Hòa Chính, nơi cũng chịu cảnh tương tự với phạm vi khu vực sạt lở từ bờ hữu sông Đáy thuộc xóm 8, xóm 9 (thôn Lưu Xá) đến đầu kè Hoà Chính bờ tả sông Bùi. Sự cố sạt lở đã khiến kiến trúc của 18 hộ dân chịu ảnh hưởng nặng nề.

Năm nay đã ngoài 60 tuổi, bà Nguyễn Thị Thụy đã chứng kiến mọi biến đổi của dòng nước trong suốt 40 năm. Nhà ở ngay mặt đường xóm, 40 năm trước, từ sát nhà bà Thụy ra phía sông là mấy chục mét bãi bồi - cũng là đất canh tác của gia đình bà. 

Hằng năm, đến mùa mưa là nước dâng lên vào tận ngõ. Ngày mới xây dựng gia đình, vợ chồng bà Thụy chỉ dựng được nhà tranh vách đất, năm nào ông bà cũng phải lụi cụi lấy bùn trộn rơm đắp lại cái chân vách bị sóng đánh trôi đi. 

Sau này, ông bà dành dụm, vay mượn xây được ngôi nhà bằng gạch ba vanh đóng từ xỉ than nhưng cũng không trụ được nước cuốn. "Trong 40 năm mà gia đình tôi dựng nhà đến 4 lần. Sau hai lần xây gạch ba vanh mới đến được lần dựng nhà gạch như hiện nay", bà Thụy nói.

Cũng trong quãng thời gian ấy, hàng trăm hộ sống ven bãi bồi sông Đáy đã "cải tạo" bãi bằng cách mua đất, đá, cát về đổ xuống, nâng chiều cao của bãi bồi lên như hiện nay. 

Là một trong những gia đình gắng sức chống chọi, "cải tạo" tự nhiên đó là gia đình anh Ngân, chị Uyên, cũng là những người dựng nhà gần sông nhất. Đều đặn, cứ ở đâu có vật liệu xây dựng là vợ chồng anh Ngân lại đến xin, thuê xe công nông chở về trút xuống bờ sông để nâng cái nền hơn hai chục mét vuông trước cửa.

Cánh cửa nhà ông Bằng mở ra là xuống sông.

Gần đó là nhà bà Phương, ông Tiến thì xây bờ tường từ mép sông dựng thẳng lên rồi mua cát đổ vào. Năm ngoái tường sập, đất cát trụt xuống, cả đàn gà táo tác vì cái chuồng bị nghiêng, suýt rơi thẳng xuống dòng nước siết.

Đáng nói cũng tại xã Hòa Chính, sự cố sạt lở cũng đã làm nứt và đổ nghiêng khoảng 125m kè đá bờ sông tại khu vực khuôn viên đình Lưu Xá do nơi này nằm ở ngã 3 sông Bùi - sông Đáy. 

Được biết, Đình Lưu Xá là nơi đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 1998. Lễ hội của đình với các tập tục có giá trị vô cùng sâu sắc, trong đó, nổi bật nhất là hội thi bơi chải, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016. 

Là nơi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân địa phương, nhưng đình Lưu Xá cũng không thể thoát khỏi nỗi lo sạt lở. Nghiêm trọng nhất là một phần tường bao hơn 100m đã bị nứt, đổ nghiêng. Sạt lở khiến nhiều khối bê tông lớn bị kéo xuống dòng nước, đất đá nằm ngổn ngang.

"Đoạn tường bao này là công trình do nhân dân địa phương công đức, đóng góp sức người, sức của xây dựng nhằm bảo vệ khuôn viên đình trước diễn biến mưa lũ. 

Tình trạng sạt lở cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng khiến những vết rạn nứt trên công trình phụ của ngôi đình xuất hiện ngày một nhiều hơn. Thậm chí, một phần công trình đã bị nghiêng, đổ sập", ông Trương Đình Yên - Thủ từ đình Lưu Xá cho biết.

Khoảnh sân hẹp đã nứt, tách khỏi nhà của gia đình chị Hồng.

Sống chung với sạt lở

Tháng 5-2020, UBND TP. Hà Nội đã công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở ở huyện Chương Mỹ. Theo đánh giá, diễn biến sạt lở tại những khu vực này đang phức tạp, uy hiếp đến an toàn tuyến đê tả Bùi bờ tả sông Bùi và bờ hữu sông Đáy nếu không được xử lý kịp thời có thể tiếp tục gây sạt lở và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đê điều, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân sinh sống gần các khu vực sạt lở. 

Để tăng cường các biện pháp tăng cường bảo vệ đảm bảo an toàn công trình và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, UBND huyện Chương Mỹ cũng  đã ngăn không cho người dân vào khu vực sạt lở, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng phạm vi nguy cơ sạt lở tiếp diễn hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố để người dân biết chủ động phòng tránh.

Đây cũng không phải lần đầu tiên, tình trạng sạt lở được cảnh báo đến người dân, bởi tấm biển cảnh báo sạt lở nguy hiểm cắm ở rìa sông, trên đất nhà ông Thi đã được 2 năm nay. Nhưng cũng vì thấy cảnh báo, nhiều hộ dân như nhà chị Hồng lại nghĩ rằng nguy hiểm sẽ sớm được khắc phục nên yên tâm sinh sống. Nhưng sau bao năm, khi nhiều tài sản trôi xuống sông, tấm biển cảnh báo vẫn đứng vững nơi đó.

Chỉ sang nhà hàng xóm, nơi có những tường bao gạch, có cả từng bậc kiên cố "thò chân" xuống tận mép sông, chị Hồng bảo: "Nhà nào nhiều tiền thì mới gia cố được, còn chỉ đổ đất đá hay kè bao cát thì đều bị nước cuốn trôi".

Bờ kè đá hộc trị giá 500 triệu đồng trước đình Lưu Xá bị sóng đánh vỡ.

Câu chuyện sạt lở khiến nhiều gia đình khốn đốn, chịu cảnh tha hương, vợ chồng, con cái phải dắt díu nhau đi ở nhờ. Ở xã Hòa Chính có gần 20 hộ dân bị sạt lở, ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt. Như nhà anh Ngân, chị Uyên, mùa mưa là nước tràn cả vào chân giường. 

Tại xã Văn Võ thì có đến 66 hộ, mức độ ảnh hưởng thậm chí còn nghiêm trọng hơn, bởi đất đã lở gần đến móng nhà. Còn các nhà bà Thụy, bà Thi, ông Bằng, nước cũng tràn sân. Bà Thụy lắc đầu: "Sạt khiếp lắm, sạt đến mức chúng tôi không thể nào chống đỡ được".

Ngoài hai xã Hòa Chính, Văn Võ, các xã Tốt Động, Quảng Bị của huyện Chương Mỹ cũng bị sạt lở nghiêm trọng, với những diễn biến phức tạp. Năm 2020 được dự báo thời tiết tiếp tục diễn biến khó lường, do đó công tác phòng chống thiên tai sẽ gặp nhiều khó khăn, mặt khác hệ thống đê điều trên địa bàn đắp lâu ngày đã lún, không đảm bảo cao độ thiết kế, một số cống dưới đê đã hư hỏng, thẩm lậu. 

Cùng với đó, các trạm bơm hiện phần lớn chưa đảm bảo năng lực tiêu so với lượng mưa trên 250 mm/trận. Những dự báo đó cũng khiến nỗi lo của người dân nơi đây càng thêm lớn, khi mọi thứ có nguy cơ bị cuốn xuống sông.

Trâm Hiền

Công an tỉnh Lạng Sơn vừa phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Cảnh sát giao thông, Cục An ninh điều tra và các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và Công an TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, khởi tố, bắt tạm giam 12 đối tượng có hành vi vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp với quy mô đặc biệt lớn, xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, với số tiền giao dịch hàng nghìn tỷ đồng; liên quan trực tiếp hơn 9.000 người, trong đó có hơn 7.000 người Việt Nam và hơn 2.000 người Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia.

Ngày 21/5, Thiếu tướng Đặng Trọng Cường, Giám đốc Công an tỉnh Sơn La cùng đoàn công tác Công an tỉnh đã tới thăm hỏi, động viên gia đình, người thân đồng chí Lò Văn Tân (SN 1984, là Tổ trưởng tổ bảo vệ ANTT cơ sở tại tiểu khu Ít Bon, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ.

Ngày 21/5, tại Hà Nội, nhiều hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 96 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2025) và hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2025 trong CAND đã được Cục Công tác Chính trị Bộ Công an chỉ đạo Ban Công đoàn CAND triển khai tổ chức.

Vào khoảng 10h30 ngày 21/5, do mâu thuẫn cá nhân, Võ Thế Hùng (SN 1982, trú thôn Tân Trại 1, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã dùng dao đâm vào vùng ngực ông Nguyễn Trung T (SN 1962, ở cùng thôn) khiến nạn nhân tử vong trên đường đi cấp cứu.

Chiều nay 21/5, Công an tỉnh Phú Yên nhận được bức thư của chị Đoàn Thị Diễm N (SN 1992, trú ở xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) cảm ơn Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Phú Yên và Công an xã Suối Bạc đã nỗ lực truy tìm, giải cứu chị gái của mình thoát khỏi bẫy lừa “việc nhẹ, lương cao”.

Ngày 21/5, Công an TP Hồ Chí Minh đã đến thăm hỏi, động viên và trao 50 triệu đồng tặng gia đình Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải, cán bộ Công an đã anh dũng hy sinh trong lúc thi hành nhiệm vụ tham gia phá chuyên án ma túy đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 21/5, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành phương án tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước tại các khu vực biển ven bờ và sông Hàn, áp dụng từ năm 2025 đến năm 2030 nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và du khách, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ môi trường và giữ gìn ANTT trên địa bàn.

Chiều nay (21/5), UBND huyện Núi Thành (Quảng Nam) cho biết, vừa xảy ra vụ nổ tại Công ty SGI Vina chuyên sản xuất nam châm vĩnh cửu Nd-Fe-B (đóng tại KCN Bắc Chu Lai, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) làm 12 người bị bỏng, bị thương.

Ngày 21/5, Sở An toàn Thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Z.B, đơn vị chịu trách nhiệm công bố sản phẩm giảm cân X1000 do DJ Ngân 98 quảng cáo. Địa chỉ công ty được ghi nhận tại đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.

Trong những ngày vừa qua, mưa lớn đã xảy ra ở khu vực miền núi phía Bắc, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại một số địa phương. Dự báo, từ đêm 22/5 đến ngày 24/5, khu vực Bắc Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 70-150mm, có nơi trên 250mm.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.