Hành trình thoát khỏi "địa ngục" của người đàn bà bị lừa xuất khẩu lao động

07:00 03/12/2018
Cuộc chạy trốn khỏi "địa ngục" dù đã hơn 2 năm nhưng luôn ám ảnh và để lại những cơn ác mộng kinh hoàng cho bà Lê Thị Tâm (tên nhân vật đã được thay đổi) đến tận bây giờ. Mặc cảm về bản thân, tủi hổ với gia đình, chòm xóm, người đàn bà này đã phải bỏ xứ ra đi, những mong chôn vùi tất cả vào quá khứ đẫm nước mắt... 


Rơi vào "bẫy" xuất khẩu lao động

Năm 2001 bà Tâm (48 tuổi, Nam Định) theo người chị gái vào Bà Rịa - Vũng Tàu làm công nhân. Vài năm sau, bà lấy chồng, là một thủy thủ đi tàu cá ở Phước Tỉnh (TP. Vũng Tàu). Bà sinh được 2 người con thì đến tuổi "thải lao động" của công ty nên rơi vào cảnh thất nghiệp. Lúc đó, hai con của bà còn quá nhỏ, đứa lớn mới học lớp 2, đứa nhỏ học mẫu giáo. 

Bà bận bịu với con cái, tất cả các khoản chi tiêu đều trông vào chồng trở về từ biển. Những chuyến đi thất thường, có chuyến được chia vài triệu, chuyến nào gặp bão thì trắng tay, chỉ được vài con cá mang về kho mặn. Cuộc sống khó khăn, bà Tâm xin đi rửa chén thời vụ ở một nhà hàng trên Bà Rịa - Vũng Tàu với số tiền chỉ đủ mua chai dầu, lọ mắm.  

Hàng ngày, bà gánh hàng rong đi bán ở các con hẻm, cổng trường học

Đang túng quẫn, bà Tâm được một người bạn ở quê gọi điện vào rủ đi xuất khẩu lao động bên Đài Loan, mỗi tháng thu nhập 30 triệu. Bị choáng ngợp bởi số tiền quá lớn, bà Tâm không suy nghĩ được gì hơn. Một tuần sau, bà bán đôi bông tai, vét nốt số tiền còn lại trong nhà bắt xe ra Bắc để đi "đổi đời". Hai đứa con nhỏ ở lại cùng bố, khóc ngất đòi mẹ.

Ra tới Hà Nội, bà Tâm được bà Hoàng Thị Lý đón, sau đó bắt xe lên thẳng Cao Bằng. Hai người đàn bà sống quá nửa đời người trong cảnh nghèo đói triền miên, chưa một lần được ra phố thị, không biết Đài Loan là nơi nào, cách Việt Nam bao xa. 

Bà Tâm cho biết, trước khi quyết định đi xuất khẩu lao động, bà hoàn toàn không có kiến thức xã hội. Người ta nói bà chỉ cần mang theo cái chứng minh thư và ít tiền xe cộ là được, còn hồ sơ, giấy tờ thông hành họ lo hết. Khi lên đường, bà cũng không hề thắc mắc sang Đài Loan sao lại lên tận Cao Bằng? Sao không được đi máy bay?

Tới Cao Bằng, bà Tâm và bà Lý được một người phụ nữ trạc 50 tuổi và một thanh niên tầm 20 tuổi đưa vào một phòng trọ nghỉ ngơi, ăn uống. 12 giờ đêm, nhóm người gọi hai bà dậy lên xe ôtô chạy lọc xọc vào con đường rất xấu. Trời tối đen như mực, bà Tâm cố gắng nhìn ra bên ngoài nhưng không thấy gì, khung cảnh chênh vênh mịt mù thật đáng sợ. 

Chạy đến gần sáng, họ lùa hai bà cùng vài cô gái nữa xuống một chiếc thuyền. Sang bên kia sông, đoàn người phải khom người di chuyển, không được nói chuyện, không được đằng hắng, muốn ho cũng phải nhịn. Người dẫn đầu dọa nếu bị phát hiện sẽ bị bắt bỏ tù. 

Bà Tâm hoảng sợ, bắt đầu liên tưởng đến những vụ buôn bán người xuyên biên giới. Biết mình bị lừa, kéo áo bà Lý nói nhỏ: "Mình bị lừa rồi bà ơi, đi xuất khẩu lao động mà phải chui lủi thế này à". Bà Lý bấm tay bà Tâm, ra dấu im lặng.

Sáng hôm sau, đoàn người được đưa lên chiếc xe giống như xe chở lợn đi qua nhiều con đường, nhiều khu chợ. Bà Tâm quan sát thấy cảnh và người nơi này chắc chắn không phải ở Việt Nam. Bà hỏi người lái xe thì thấy phát ra tiếng Trung Quốc. Lúc đó, bà Tâm tái xanh mặt, hai hàng nước mắt đầm đìa. Bà Lý dự cảm chẳng lành cũng ôm bà Tâm khóc. Những cô gái đi cùng không hiểu chuyện gì đang xảy ra, hoang mang, hoảng hốt cực độ.

Một phiên tòa xử các đối tượng buôn bán người ra nước ngoài tại Tây Ninh.

Bà Tâm được đưa vào nhà của một người đàn ông già bằng bố của bà, hốc hác và đen nhẻm. Còn bà Lý vào đâu thì không biết. Ngôi nhà bà Tâm ở không hề có biểu hiện của một nhà giàu cần thuê người làm. Trong nhà chỉ có một ông lão và một cậu thanh niên. 

Hai bên không thể giao tiếp với nhau nên cứ chỉ trỏ, ra dấu. Ngay đêm đầu tiên, bà Tâm đã bị ông lão mò vào giường giở trò. Bà hét thật to, kêu gào thật lớn nhưng chẳng có ai nghe thấu. Lão già như con thú lâu ngày không được ăn ngon lao vào cấu xé người đàn bà bé nhỏ. 

Bà càng la thì càng bị đánh, bị túm tóc giật ngược trở lại. Một đêm kinh hoàng ở nơi không ai biết mình là ai, bà Tâm rũ rượi như người chết đuối. Những ngày sau đó, bà dần hiểu ra, bà được đưa vào đây để làm vợ ông già này. Họ đã mua bà từ nhóm người buôn. Vì thế, bà càng vùng vẫy, càng chống cự thì càng chuốc lấy đau đớn cho bản thân. Bà dần trấn tĩnh.

Việc đầu tiên bà xin "chồng" ít tiền đi mua đồ dùng. Bà được một người cháu gái của "chồng" dẫn đi và theo sát từng bước chân. Đến khu chợ, bà Tâm dò hỏi xem có ai nói được tiếng Việt Nam không. Rất may là có vài thương lái Trung Quốc do hay sang Việt Nam buôn bán nên biết chút ít tiếng Việt. 

Bà Tâm nhờ họ viết tên thuốc tránh thai ra tờ giấy rồi tới thẳng hiệu thuốc mua gần hết số tiền mà ông "chồng" cho. Bà xác định, mình còn tuổi sinh đẻ, nếu để mang thai với người đàn ông "thất thập cổ lai hy" này thì sẽ không thể có đường về.

Nung nấu ý định tẩu thoát, bà Tâm ngoan ngoãn nghe lời "chồng". Ngày bà ra vườn hái chanh, làm cỏ chanh rồi mang ra chợ bán. Đêm, dù ớn lạnh và ghê tởm nhưng bà vẫn gắng gượng "chiều chồng". Suốt một năm đầu, bà sống như một "con thú", chỉ biết ăn và làm, không thể giao tiếp với ai.

Hành trình chạy trốn

Nỗi nhớ con lúc nào cũng vời vợi, đau đáu trong lòng. Bà ân hận vì đã quá ngu muội, quá tin người để rồi rơi vào "địa ngục" nơi xa xứ. Hơn một năm đi chợ bán chanh, bà Tâm dò la được vài manh mối. Người ta cho biết, nơi bà ở đang cách biên giới Việt Nam gần 700km. 

Di chuyển bằng ôtô phải mất hai ngày vì có nhiều đoạn đường rất xấu. Nhưng hiện tại bà không có giấy tờ thông hành, qua biên giới bà sẽ bị nhà chức trách bắt lại và đương nhiên họ sẽ thông báo cho "chồng" bà đến bảo lãnh. Khi đó, số phận của bà như thế nào không ai biết được.

Bà Tâm bỏ hẳn ý định trốn thoát bằng cách đi theo đường chính ngạch. Bà bám vào mấy người thương nhân hay sang Việt Nam lấy hàng, kiên trì làm quen với họ rồi thừa lúc người nhà "chồng" sơ hở, bà rỉ tai tâm sự, trình bày hoàn cảnh. Có người sợ trách nhiệm đã lắc đầu từ chối, người thì nhìn bà đầy vẻ hoài nghi.

Sang đến năm thứ hai, bà Tâm biết bập bẹ đôi câu tiếng Trung liền bắt mối khác. Bà tiếp cận được với vợ chồng thương lái thu mua chanh, cam, quýt rồi chở sang Việt Nam tiêu thụ. Vợ chồng này rất rành đường đi lối lại và có cảm tình với bà. Sau khi biết chuyện của bà, họ thương cảm và hứa giúp đỡ. Họ dặn bà chuẩn bị sẵn một ít tiền làm lộ phí khi nào họ gọi là xuất phát liền.

Dãy trọ bà Tâm cùng hai con ẩn mình sau những tháng ngày giông bão.

Bà Tâm vừa mừng vừa sợ nhưng nghĩ tới ngày về lại như có gì đó thôi thúc mãnh liệt. Một ngày cuối năm 2016 trời rét căm căm, tuyết rơi trắng núi, bà Tâm nhận được ám hiệu lên đường.

Buổi chiều bà vẫn đi bán chanh cùng con trai của "chồng" bình thường. Trong lúc nhốn nháo, bà lẻn ra ngoài rồi nhanh chóng lên xe tải chở hàng đã chờ sẵn. Xe chạy xuyên đêm qua những cung đường, những cánh rừng hun hút gió sương, cái lạnh cắt da lùa vào cửa kính nhưng bà Tâm không cảm thấy lạnh giá. Tim bà đập thình thịch, chân tay run lẩy bẩy. 

Nỗi sợ hãi đã lấn át khiến bà trơ cứng với tất cả. Xe chạy miệt mài một ngày một đêm thì tới biên giới. Tài xế nói với bà chuẩn bị nhảy xuống, ở dưới sẽ có người đưa qua bên kia sông về Việt Nam. Bà hoảng sợ, nửa tin nửa ngờ nhưng đã không còn con đường nào nữa. Phía trước là cái chết hay sự hồi sinh, bà phó mặc vào may rủi.

Người đưa đò sang sông không lấy của bà đồng tiền nào, họ nói bà giữ lại mà bắt xe về nhà. Tự nhiên nước mắt bà ứa ra, không nói thành lời. Sang tới đất Việt Nam, nhìn thấy con người Việt Nam, nghe được tiếng nói quê hương, bà mới tin sự sống vẫn còn. Bà chạy một mạch ra đường, không dám quay đầu nhìn lại phía bên kia.

Bà bắt xe chạy thẳng vào miền Nam, lòng vui sướng quên ăn quên ngủ. Hơn hai năm xa chồng con, không biết khi nhìn thấy bà, họ sẽ như thế nào. Bao nhiêu ý nghĩ trong đầu, nhưng chung quy lại chỉ thấy hạnh phúc mà thôi. Ngôi nhà bé nhỏ cạnh làng chài của bà đã thay đổi quá nhiều và đã thay luôn chủ. Bà thảng thốt hỏi ra mới biết chồng đã bán nhà đi lấy vợ mới. Bầu trời như sụp đổ dưới chân bà, bà gào khóc gọi hai con, rất may là hai con của bà đang được chị gái cưu mang.

Sốc lại tinh thần, bà Tâm tự nhủ: "Còn người là còn tất cả". Bà dẫn hai con lên TP. Hồ Chí Minh như để trốn chạy ký ức thê lương, buồn khổ và cũng không muốn câu chuyện của mình bị thiên hạ bàn tán. Chị gái cho mượn chút vốn, bà thuê nhà trọ rồi sắm đôi quang gánh làm nghề bán tạp hóa dạo. Nhờ trời thương nên gánh hàng rong của bà đủ nuôi hai đứa con, có thiếu thốn một chút nhưng mẹ con quây quần yêu thương, bà cảm thấy mãn nguyện. 

Với bà, dù cuộc sống sau này có thế nào đi nữa sẽ không bao giờ bỏ con mà đi. Bà Tâm kể chuyện của mình, với mong muốn không một người phụ nữ nào nhẹ dạ cả tin bước theo vết chân của bà nữa. Sự trở về của bà là điều kỳ diệu, không phải ai cũng có được cái kết "nở hoa" như thế.

Ngọc Hoa

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với M.V.S về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文