Hậu COVID-19: Báo chí cũng phải nỗ lực vượt khó!

03:08 24/06/2020
Nhớ hồi đầu tháng 4-2020, Hội Nhà báo Việt Nam có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ các cơ quan báo chí, người làm báo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.


Văn bản của Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ, dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội và các cơ quan báo chí trong cả nước gặp nhiều khó khăn. Nhiều cơ quan báo chí doanh thu phát hành, quảng cáo sụt giảm từ 40% đến 50%; đồng thời, chi phí cho lực lượng phóng viên tác nghiệp trong khu vực có dịch tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động của các tòa soạn cũng như đời sống của người làm báo.

2 nội dung cụ thể được Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét là "cơ quan báo chí được hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và không bị phạt vì chậm nộp thuế" và "được sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp để bảo đảm ổn định tổ chức và nhiệm vụ".

Ngay sau đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, trên mạng xã hội đã có nhiều ý kiến chẳng những không ủng hộ, mà thậm chí còn cho rằng báo chí cũng lợi dụng vào dịch bệnh để xin xỏ… Nói như thế để thấy, báo chí là lực lượng tiên phong trong công tác thông tin tuyên truyền và phản biện xã hội, nhưng không phải lúc nào lực lượng này cũng dễ dàng nhận được sự chia sẻ của xã hội.

Thực ra báo chí ở nước ta có khó khăn đến mức cần sự hỗ trợ của nhà nước hay không? Việc này thì quá dễ thấy. Vì qua thời bao cấp, báo chí nước ta đã chia ra hai loại khác nhau. Một loại thuộc số ít, do đặc thù nên vẫn được ngân sách bao cấp. Số đông còn lại thì đã ra khỏi "bầu sữa ngân sách" từ khá lâu, thậm chí là còn đóng góp nguồn thu trở lại cho cơ quan chủ quản. 

Khi không còn được ngân sách bao cấp thì cơ quan báo chí phải sống nhờ nguồn thu của chính mình tạo ra, và trên nhiều phương diện thì nguồn thu vào không chỉ để trang trải chi phí sản xuất, mà còn phải thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước như một doanh nghiệp. 

Không ít các cơ quan báo chí đang lâm vào cảnh khó khăn tài chính, nhất là dịp COVID-19.

Phát hành là nguồn thu đầu tiên mà hầu hết cơ quan báo chí xuất bản báo giấy phải tính đến. Đã một thời, một số cơ quan báo chí "sống khỏe" nhờ số lượng phát hành. Thậm chí có báo không chịu trích phần trăm hoa hồng nào cho đại lý nhưng đại lý vẫn phải lấy báo để bán, chấp nhận bán cao hơn giá bìa, vì không có loại báo ấy thì các sạp báo chân rết sẽ mất độc giả. 

Nhưng từ khi chi phí in ấn liên tục tăng, trong khi giá báo vì nhiều lý do nên không thể tăng tương xứng, số lượng phát hành báo cao không còn đồng nghĩa với việc sẽ có lợi nhuận cao, thậm chí nếu số lượng không đạt ở mức cao cần thiết thì in ra dù bán hết vẫn lỗ, lỗ ngay chính trên giá thành của từng tờ báo. Cho nên, với những cơ quan báo mà sản phẩm là hàng hóa thực sự thì vấn đề không hề đơn giản là chuyện xuất bản - phát hành và lại… xuất bản.

Quảng cáo là nguồn thu chính nuôi sống cơ quan báo chí. Nhất là khi không thể trông cậy vào doanh thu từ phát hành và không phải lúc nào cũng có nguồn thu từ hoạt động sau mặt báo. Nguồn thu quảng cáo thì chỉ từ doanh nghiệp. Bởi vậy, khi doanh nghiệp khó khăn, buộc phải cắt giảm các nguồn chi, kể cả quảng cáo, đã kéo theo khó khăn của các cơ quan báo chí do nguồn thu quảng cáo giảm mạnh. 

Cho nên, đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở, chứ không phải như nhiều người nghĩ. Mà ngay cả các cơ quan báo chí đang được bao cấp thì thực ra phần ngân sách cấp cũng chỉ giải quyết được những chi phí căn bản, mà là phải trong định mức, muốn tồn tại và phát triển được thì vẫn phải trông cậy vào nguồn thu quảng cáo.

Báo congluan.vn mới đây dẫn lời của Tổng biên tập Báo Thanh niên Nguyễn Quang Thông cho biết, năm 2019 doanh thu của báo này rất tốt nhưng từ tháng 3-2020 họ đã phải giảm 10% phụ cấp ngoài lương, 50% thu nhập chi phí thưởng, nếu tình trạng này kéo dài thì có lẽ phải giảm tiếp. 

Thực ra, đó không chỉ là chuyện khó khăn của riêng Báo Thanh niên, mà là gần như xảy ra ở tất cả các cơ quan báo chí, thậm chí có cơ quan báo chí đã rơi vào cảnh nợ lương và nợ cả nhuận bút.

Cũng báo congluan.vn dẫn lời Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh nhận định, dù doanh nghiệp được "cứu" và giả như 6 tháng cuối năm hết dịch thì chắc chắn cũng khó trở lại được giai đoạn cũ, khó chờ đợi ở doanh nghiệp điều gì khi bản thân họ còn không biết đến khi nào mới "thoát hiểm". 

Nói cho cân phân thì trước khi có đại dịch COVID-19, nhiều cơ quan báo chí đã rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, rõ nhất là sau khủng hoảng về kinh tế toàn cầu. Báo giấy càng đặc biệt khó khăn vì sức ép từ sự lớn mạnh nhanh chóng của truyền hình, báo điện tử và mạng xã hội. Nhưng chính truyền hình và báo mạng, dù lợi thế hơn báo giấy thì nay cũng không còn giữ được mức tăng trưởng doanh thu lý tưởng như khoảng 5 năm về trước. 

Khó khăn về tài chính đang là bài toán không dễ giải đối với cơ quan báo chí, nhất là trong bối cảnh gần như tuyệt đại cơ quan báo chí nước ta chỉ đơn thuần hoạt động báo chí, không có cơ sở hoạt động kinh tế làm hậu thuẫn. 

Nhưng đây cũng là cơ hội để các Tổng biên tập thể hiện năng lực của mình. Kinh tế báo chí đang là vấn đề đặt ra cho các Tổng biên tập phải giải quyết, cùng với yêu cầu luôn thường trực là phải làm nội dung cho hay. Bởi khi không có khả năng duy trì các khoản chi trả cần thiết thì việc giữ người làm, nhất là đội ngũ phóng viên đã khó chứ nói gì đến chuyện phát triển?

LƯƠNG DUY CƯỜNG

Các đối tượng đã làm giả bằng cấp để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên, các đối tượng này đã đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở rồi cưỡng đoạt tài sản.

Trung Quốc ngày 3/5 đã phóng một tàu vũ trụ không người lái thực hiện sứ mệnh kéo dài gần hai tháng nhằm lấy đá và đất từ phía xa của Mặt Trăng, trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện nỗ lực đầy tham vọng này.

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc ngày 3/5 với Công an tỉnh Điện Biên và các đơn vị chức năng của Bộ Công an để đánh giá, rút kinh nghiệm chương trình sơ duyệt khối diễu binh, diễu hành của lực lượng CAND tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sáng 3/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Danh Út Hiểu (SN 1985, ngụ phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá) và Đặng Hoàng Lâm (SN 1987, ngụ phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá) cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”, Hằng đã đưa hối lộ hơn 1,1 tỷ đồng và chi hơn 12 tỷ đồng để nhờ người xin cấp phép “Chuyến bay giải cứu” và bị tuyên phạt 20 tháng tù về tội "Đưa hối lộ". Trong vụ án mới đây, Hằng đã lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản là 4 xe ô tô trị giá hơn 1,8 tỷ đồng.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dự kiến sẽ đồng loạt triển khai thu phí không dừng từ ngày 5/5 tại 5 sân bay lớn gồm Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

Ngày 3/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Phú (SN 1996, trú xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) để tiếp tục điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文