Hệ lụy xung quanh vụ "lừa tiền ảo" lớn nhất Việt Nam

08:58 17/04/2018
Vụ việc hàng nghìn nhà đầu tư bị lừa đảo số tiền được cho là lên đến 15 nghìn tỷ đồng bởi tiền ảo iFan đã thực sự khiến dư luận rúng động và không khỏi bất ngờ trước số người tham gia và số tiền bị mất quá khủng. Hậu quả của vụ việc này có lẽ không chỉ đơn thuần là số tiền bị chiếm đoạt mà đằng sau đó là hàng loạt hệ lụy kéo theo…

Chiêu dụ nhà đầu tư bằng lãi suất "khủng" và hình ảnh nghệ sĩ

Tính đến lúc này, vụ "siêu lừa tiền ảo" được xem là vụ lớn nhất Việt Nam. Sự việc "nổ" ra bắt đầu vào ngày 8-4, khi hàng chục người dân kéo đến trụ sở Công ty CP Modern Tech (ở lầu 9 của một tòa nhà trên đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh), đơn vị đứng ra ký kết với iFan, Pincoin tại Việt Nam, để đòi công ty này trả lại tiền cho nhà đầu tư (NĐT). 

Người dân mang theo băng rôn, biểu ngữ tố cáo các nhân vật bị cho là lừa đảo, đồng thời kêu cứu các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ.

Các nạn nhân giăng biểu ngữ trước nơi được coi là văn phòng của Công ty Modern Tech.

Theo những người tố cáo, đã có tất cả 32 nghìn nạn nhân của iFan, số tiền bị iFan lừa được cho là lên đến 15 nghìn tỷ đồng. Theo nội dung các đơn tố cáo, có 7 người đứng ra thành lập Công ty CP Modern Tech do ông Hồ Xuân Văn làm chủ và điều hành. Công ty này được các công ty iFan (ở Singapore) và Pincoin (ở Dubai - Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) "ủy quyền hợp pháp tại Việt Nam".

Cụ thể, iFan được giới thiệu là một dự án tiền kỹ thuật số được thành lập theo luật pháp Singapore, dùng để thanh toán các dịch vụ giữa người nổi tiếng và fan hâm mộ. NĐT được cam kết rằng giá trị iFan sẽ tăng mỗi ngày do sự ký kết liên tục với các ca sĩ nổi tiếng tại Việt Nam. Còn Pincoin được "nổ" là dự án đến từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. 

Để hoạt động và mở rộng quy mô, Công ty Modern Tech đã tổ chức nhiều sự kiện lớn tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Vũng Tàu, thậm chí về tận vùng quê để chào mời đầu tư vào đồng tiền ảo iFan với cam kết, hứa hẹn, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi dành cho NĐT tham gia, như: sẽ liên kết với Chính phủ để NĐT được mua nhà, nhập cư vào Mỹ, các nước châu Âu; thành lập học viện tiền điện tử đầu tiên tại Việt Nam; sẽ tiến đến dùng tiền ảo iFan mua vé máy bay giá rẻ, thanh toán tiền điện nước tại Việt Nam, cấp thẻ visa tiền điện tử cho mọi người giao dịch…

Cụ thể, nhóm phát triển iFan kêu gọi NĐT mua tiền ảo iFan có giá khởi điểm từ 1 - 1,6 USD kèm theo hứa hẹn mức lãi suất lên tới 48%/tháng và thời gian hoàn vốn lâu nhất là 4 tháng. Ngoài ra, nếu kêu gọi được người chơi mới thì sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia.

Xin nhấn mạnh đây là lợi nhuận 1 tháng - tính tổng cộng thì NĐT có thể được hưởng lợi nhuận lên tới 56%/tháng, đây là lãi suất "khủng", bởi lãi suất ngân hàng gửi tiền cũng chỉ từ 7-8%.

Ngoài lãi suất cao ngất như trên, ngay từ những ngày đầu thành lập, iFan đã tìm cách lợi dụng tên tuổi, hình ảnh nghệ sĩ và cả những nhân vật có uy tín để quảng bá cho hệ thống. Bằng cách mời MC, ca sĩ về dẫn chương trình và biểu diễn, iFan dùng những hình ảnh này để quảng bá rằng các nghệ sĩ lớn của Việt Nam "đang hợp tác cùng iFan".

Điển hình như tại sự kiện tổ chức ở Vũng Tàu vào ngày 29-9-2017, đội ngũ "sáng lập" iFan cho biết dự án sẽ xây dựng ứng dụng nghệ sĩ để thanh toán các album ca nhạc của các ca sĩ nổi tiếng… Kể lại sự kiện ở Vũng Tàu, bà L.N.T (SN 1950, ngụ quận 5) cho biết: "Ngày 29-9-2017, họ tổ chức hội thảo ở Vũng Tàu ra mắt đồng tiền điện tử iFan và bán cho NĐT, giá khởi điểm 1 USD/đồng iFan. 

Một buổi sự kiện "hoành tráng" của Modern Tech và iFan.

Nhóm này nói sẽ làm các "App" (Application, có nghĩa là ứng dụng, chương trình được viết ra để chạy trên nhiều nền tảng khác nhau như máy tính, điện thoại, web) nghệ sĩ để thanh toán các album ca nhạc của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên… Rồi còn mở rạp chiếu phim ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Họ còn hứa hẹn sẽ dùng đồng iFan để thanh toán tiền điện nước tại Việt Nam và sẽ có thẻ Visa tiền điện tử cho mọi người…".

Trên thực tế, iFan chưa hề xây dựng các tính năng, ứng dụng để hỗ trợ nghệ sĩ như những gì họ tô vẽ để chiêu dụ NĐT. Và cụ thể là sau khi sự việc xảy ra, nam ca sĩ nổi tiếng Đàm Vĩnh Hưng đã phải lên tiếng "nói lại cho rõ" rằng anh không hề liên quan gì đến việc "đại diện hình ảnh" hay PR cho dự án tiền ảo, hay cái gọi là tập đoàn iFan nào đó.

Ngoài ra, những người tố cáo còn cho biết, vào giữa tháng 11-2017, với hình thức tương tự, nhóm "sáng lập" iFan tiếp tục huy động vốn từ NĐT. Chị P.T.H (SN 1986, quê Tiền Giang) kể lại: "Họ quảng bá với chúng tôi là sẽ làm các "App" học viện tiền điện tử và xây dựng học viện tiền điện tử lần đầu tiên tại Việt Nam, liên kết để chúng tôi mua được vé máy bay giá rẻ, mua được nhà".

Anh N.P.U (SN 1982, quê TP. Đà Nẵng) cho biết: "Lê Ngọc Tuấn (đồng sáng lập, kiêm Giám đốc truyền thông và đối ngoại của Modern Tech) và nhóm phát triển iFan kêu gọi NĐT mua các đồng tiền ảo iFan. Giống như một loại cổ phiếu có giá trị, nhưng thay vì phát hành cổ phiếu, Modern Tech lại phát hành ra đồng tiền số này để huy động vốn nhằm tránh việc kiểm tra từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước"… 

Trước lãi suất khủng, và nhiều hứa hẹn "trên mây", chỉ trong thời gian ngắn, nhóm phát triển của Modern Tech đã phát hành ra hàng chục triệu đơn vị tiền ảo. Để lôi kéo thêm NĐT, Modern Tech đưa ra mô hình kinh doanh đa cấp.

Một NĐT lý giải: "Đây là mô hình kinh doanh đa cấp theo kiểu kim tự tháp. Tất cả có 8 tầng kim tự tháp. Lợi nhuận của các tầng kim tự tháp thấp nhất là 1%, cao nhất là 8%". Theo đó, nếu NĐT nào giới thiệu thêm một NĐT mua tiền ảo sẽ được nhận 8% trên tổng số tiền mà người mới tham gia và hưởng thêm lợi nhuận của các tầng kim tự tháp từ 1 - 8%

Nhờ đó, theo những người tố cáo, iFan đã dụ dỗ hơn 32.000 nạn nhân cùng tham gia và huy động được hơn 15 nghìn tỷ đồng tiền vốn. Điều đáng nói, tất cả người chơi sau đó không hề được nhận bất cứ lợi nhuận thực tế nào. Bởi sau khi thu được khoảng 15 nghìn tỷ đồng của hàng chục nghìn NĐT thì Modern Tech không trả lãi suất, trả thưởng bằng tiền mặt như đã hứa mà chỉ trả bằng chính tiền ảo iFan và tự ý ấn định mức giá 5 USD cho mỗi đơn vị tiền ảo này.

Cần xử nghiêm theo quy định pháp luật

Thực chất, đây là mô hình tiền số đa cấp hoạt động dựa trên hình thức lấy tiền người sau để trả cho người trước. Nhiều người tham gia đầu tư vào các đồng tiền này đã ôm nợ, thậm chí tán gia bại sản.

"Hàng ngàn người đã lâm vào cảnh tán gia bại sản khi đầu tư hàng tỷ đồng vào iFan thậm chí bị đột tử vì mất tiền", chị N.T.H, người đầu tư vào iFan gần 2 tỷ đồng, bức xúc.

Bà V.T.T (SN 1957, ngụ quận 12) cho biết lúc đầu bà được một người phụ nữ có quen biết rủ rê cùng tham gia, bà đã vay mượn đóng tất cả hơn 400 triệu đồng để tham gia. Đến thời điểm hiện tại, khi biết mình bị lừa, bà rơi vào trạng thái hoảng loạn, lo sợ vì số tiền trên phần lớn là vay mượn.

Một trường hợp đầu tư số tiền khủng lên tới 16 tỷ đồng là vợ chồng một đại gia tên V. do tin vào sự "hiện diện" của một số nghệ sĩ nổi tiếng và nhân vật doanh nhân uy tín trong chương trình, cộng với các ưu đãi hứa hẹn quá thuyết phục như "App" kết nối với các nghệ sĩ, dùng iFan đặt được vé máy bay, khách sạn với giá tốt, rẻ hơn 30-40% giá thị trường bên ngoài, thanh toán hóa đơn bằng iFan…

"Chúng tôi mua iFan với tư cách là đầu tư, không phải mua theo kiểu lướt sóng. Chúng tôi chờ đồng iFan lên sàn rồi bán ra, lợi nhuận rất khủng khiếp. Lúc đó, chúng tôi đều tin tưởng tuyệt đối vào ban lãnh đạo iFan, nhưng giờ mới nhận ra mình đã bị lừa", bà V. cay đắng thừa nhận.

Hiện bà V. đang nghiên cứu mẫu đơn kiện gửi lên Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) để làm rõ hệ thống đa cấp tiền ảo iFan.

Thực tế theo người dân, tất cả các kế hoạch kinh doanh của iFan như hứa hẹn làm các học viện, rạp chiếu phim, "App" các nghệ sĩ…, nhóm này đều không thực hiện. Cách đây 2 tháng, iFan đóng cửa trang điện tử của công ty không một lý do. 

Văn phòng kinh doanh của iFan tại quận 2 cũng chuyển đi nơi khác. Trên giấy phép kinh doanh thì Modern Tech thể hiện lầu 9 tòa nhà Vietcomreal (68 Nguyễn Huệ, quận 1), nhưng hoàn toàn không có văn phòng làm việc của Modern Tech, còn số điện thoại lãnh đạo cũng đều không liên lạc được.

Theo thông tin doanh nghiệp, Modern Tech được cấp giấy phép ngày 31-10-2017, địa chỉ tại lầu 9, tòa nhà Vietcomreal, đại diện pháp luật là ông Hồ Xuân Văn (SN 1988, hộ khẩu thường trú tỉnh Thừa Thiên - Huế; tạm trú quận 2, TP. Hồ Chí Minh). Ngành nghề kinh doanh: hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính, hoạt động tư vấn quản lý, đại lý, môi giới, đấu giá, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính...

Theo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, Modern Tech là một công ty thuần Việt, đăng ký kinh doanh không ghi nhận sở hữu nước ngoài đối với công ty.

Trao đổi với PV xung quanh vụ việc này vào sáng 9-4, đại diện Công an quận 1 cho biết đơn vị này chưa nhận được bất cứ đơn thư, phản ánh nào của người dân về việc đường dây lừa đảo tiền ảo 15 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, Công an quận vẫn đang tìm hiểu, xác minh vụ việc để tham mưu cho cấp trên xử lý.

Trong một động thái mới nhất, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vừa ký văn bản giao Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh sự vụ liên quan đến đường dây tiền ảo đa cấp (đề cập cụ thể Công ty CP Modern Tech, với số tiền huy động hơn 15 nghìn tỷ đồng). Đồng thời, khẩn trương báo cáo đề xuất trình UBND thành phố. 

Dù thực hư chưa được làm rõ, tuy nhiên vụ việc này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo cho cộng đồng trước những mô hình đầu tư tiền ảo đầy rủi ro.

Phú Lữ

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào khoảng 7h45 sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 1 thi thể trên sông.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文