Hợp đồng nô lệ mảng tối của công nghiệp giải trí Hàn Quốc
Nền công nghiệp Hàn Quốc đang là cái tên được chú ý nhất không chỉ ở châu Á mà còn vươn ra tầm thế giới. Ngay khi K-Pop khẳng định vị trí và độ "hot" của mình tại châu Âu và tại thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới là Mỹ, liệu thành công này có khiến những nghệ sĩ của họ được đối xử khác hay không? Câu trả lời là: Không bao giờ!
"Có tiếng", nhưng....?
Trước hết, hãy nói về thu nhập! Thu nhập của các ca sĩ - nghệ sĩ hiện nay không còn xem doanh thu bán đĩa là nguồn thu chính, thay vào đó, "giải pháp vàng" hiện nay đã thuộc về các tour diễn và nguồn thu từ các kinh doanh các vật dụng trong tour diễn (merchandise: bao gồm đĩa, áo thun, poster, bóng cổ vũ, que sáng, sách ảnh...). Chính vì những yếu tố trên, quy mô của các buổi biểu diễn này đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu
Một trong những ví dụ điển hình, đó chính là sự kiện âm nhạc lớn nhất hàng năm mang tên The Dream Concert. Quả đúng như cái tên, đại nhạc hội "trong mơ" này quy tụ hơn 20 gương mặt nghệ sĩ hàng đầu quốc gia với gần 70.000 khán giả hiện diện trực tiếp, phủ kín sân vận động World Cup, chưa kể đến con số khủng khiếp khác của các fan trông chờ sự kiện này trên khắp thế giới.
Các khán giả có mặt trong sự kiện đình đám này, đổ về sân vận động với một tâm trạng không thể háo hức hơn, mặc trên mình là màu áo đặc trưng của fanclub, và trong đầu thì lẩm nhẩm lời bài hát cùng những đoạn fan-chant riêng biệt cho từng bài hát, của các nghệ sĩ khác nhau.
Thử hỏi mấy ai mà không phổng mũi tự hào khi được tung hô, được biểu diễn trước lực lượng khán giả hùng hậu này? Thế nhưng, con đường chạm đến vinh quang không phải là đơn giản, mà ngược lại, giăng đầy cạm bẫy và nhiều bất trắc khó lường. Và một trong những điều khoản đen tối cho sự nổi tiếng của một nghệ sĩ phải trả, đó chính là "hợp đồng nô lệ" từ phía các công ty quản lý.
Các bản hợp đồng ma quỷ
Một phần khiến cho "hợp đồng nô lệ" có "đất sống" tại làng giải trí Nam Hàn, đó là vì quy luật đào tạo - lăng xê nghệ sĩ đã có từ 2 thập niên trở lại đây. Ít gương mặt nổi tiếng nào ở Hàn Quốc lại được "tình cờ" tìm ra, mà con đường đến với hào quang sân khấu thường bắt đầu từ khi họ chỉ là những đứa trẻ 7-8 tuổi.
Các "ngôi sao tương lai" này phải trải qua một quá trình tập luyện mệt nhọc và căng thẳng sau khi đáp ứng vòng tuyển chọn. Những ông trùm quản lý sẽ đào tạo các học viên của mình từ A-Z.
Những câu chuyện thêu dệt được truyền miệng như có cô ca sĩ phải gác chân 90 độ khi ngủ để có đôi chân thon dài, hay một ngày phải thực hiện hàng trăm cú vả vào mặt để có gương mặt thon gọn, không phải là hiếm. Chưa biết những câu chuyện trên có thật hay không, nhưng việc có những cái tên mất đến 10 năm để ra mắt khán giả, là hoàn toàn chính xác.
Chính vì vậy, các ông trùm thường quản lý và ra yêu cầu "hợp đồng nô lệ" để những quả trứng vàng này thu lại "tiền bạc, công sức" mà họ đã bỏ ra trong suốt thời thơ bé để đào tạo những tài năng. Tuy nhiên, số tiền chênh lệch có lẽ lên đến 1/10 mà thôi?
Vào năm 2007, một trong những nhóm nhạc thần tượng hàng đầu châu Á là Dong Bang Shin Ki đã kiện Công ty Quản lý SM Entertainment vì bản hợp đồng dài đến 13 năm là quá dài và chèn ép. Họ hầu như không nhận được đồng nào từ đống tiền mà mình đã thu về cho công ty qua những tour diễn dài dằng dặc và các dự án liên tiếp nhau.
Vụ việc này sau khi phát tán trên báo chí đã lập tức khiến làng giải trí Hàn Quốc rúng động. Sau hàng năm trời theo đuổi vụ kiện, cuối cùng tòa án đã đứng về phía nhóm nhạc. Nhưng đây cũng là lúc họ "tan đàn xẻ nghé" và mỗi thành viên đi theo một lựa chọn của mình.
Tòa án và luật pháp Hàn Quốc sau vụ kiện này đã tìm cách chỉnh sửa những điều luật và phát hành một "hợp đồng mẫu" để cải thiện tình hình giữa các ca sĩ - công ty quản lý. Những người trong ngành đều cho rằng, nỗ lực này chỉ có thể được đáp trả nếu như có sự đồng lòng của các công ty ở nước ngoài. Một vài tín hiệu tích cực được ghi nhận, nhưng có những điều mà ngay cả sự can thiệp của pháp luật - hay từ chính người trong cuộc cũng không thể thay đổi thực trạng này.
Một ví dụ khác, nhóm nhạc 7 thành viên nữ Rainbow từ Công ty DSP. Họ than phiền rằng sau nhiều năm cống hiến cho công ty, những gì họ nhận lại được "chỉ đếm trên đầu ngón tay".
Tuy nhiên, DSP cũng công khai với giới truyền thông rằng, họ đã chia lợi nhuận cho các ca sĩ một cách hợp pháp, thế nhưng, sau khi trừ đi những chi phí đầu tư, thật khó để làm hài lòng các ca sĩ với số tiền còn lại. Đây là một thực trạng không hề hiếm gặp.
Các sản phẩm đến từ K-Biz, đối với nhiều người có thể na ná nhau, không có gì đặc sắc, nhưng đằng sau họ là cả một ekip khổng lồ, khiến chi phí để sản xuất những dự án âm nhạc này phải bị chia năm sẻ bảy: một phần cho quản lý, một phần cho trang phục, tạo hình, vũ đạo, các lớp học luyện thanh, học nhảy, chi phí đi lại, ăn ở, chi phí kĩ thuật, chuyên gia... Con số đầu tư này có thể xê dịch từ vài trăm ngàn đô la cho đến hàng triệu!
"Xuất khẩu âm nhạc"
Tại thị trường âm nhạc có "máu mặt" này, doanh thu hàng năm ước tính lên đến 30 triệu đô vào năm 2009, và có dấu hiệu tăng gấp đôi sau mỗi năm. Thế nhưng doanh thu từ mọi hoạt động tại phạm vi nội địa dường như không làm thỏa mãn các ông trùm.
Bằng tất cả lòng yêu mến với thần tượng và sự ủng hộ các sản phẩm âm nhạc, các buổi biểu diễn của fan xứ Hàn, nhưng có vẻ như vậy vẫn chưa đủ! Nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc với tham vọng xâm lấn toàn bộ khu vực châu Á, chấp nhận để các nghệ sỉ của mình hoạt động một thời gian dài ở Nhật, Mỹ, hoặc châu Âu nhằm thu hút nhiều hơn sự chú ý của giới truyền thông thế giới.
Đĩa compact truyền thống nay phải cạnh tranh với thời đại công nghệ số, nơi người ta chỉ cần chi ra vài đồng là có thể có ngay sản phẩm âm nhạc mới nhất của thần tượng. Bernie Cho, CEO của Công ty Phân phối DFSB Kollectice cho biết rằng, những người kinh doanh nhạc số đã hạ giá quá thấp để cạnh tranh với những trang chia sẻ âm nhạc cá nhân, "Làm thế nào để chia nhỏ một xu và chia phần đến các nghệ sĩ? Đơn giản là không thể".
Bởi vì áp lực doanh thu ngày càng giảm tại quê nhà, những nghệ sĩ hàng đầu đã phải mở đường ra những thị phần khác. Điển hình là doanh thu của họ sẽ được cải thiện đáng kể chỉ sau một tuần ở Nhât Bản, so với một năm tại Hàn Quốc. Một chuyên gia đã nhận định rằng: "những nghệ sĩ Hàn Quốc cần phải duy trì sự xuất hiện của họ tại quê nhà, nhưng Nhật Bản mới thật sự là "mỏ vàng".
Chính vì thực trạng kinh tế này, mà các nghệ sĩ phải bỏ công sức ra thậm chí nhiều hơn, nhưng phần thu lại cũng chẳng là bao nếu như họ bị quản lý bởi các ông trùm có mức độ ảnh hưởng đáng ngạc nhiên.
Những công ty quản lý này thường hợp tác với các đại diện bên Nhật, vì thế họ hoàn toàn có thể nắm được doanh thu, quản lý lịch trình và sẵn sang "đè bẹp" những ai bất hợp tác. Ví dụ như SM.Ent đã từng phong tỏa mọi hoạt động của các thành viên cũ của Dong Bang Shin Ki tại Hàn Quốc, cũng như Nhật Bản.
Kết
Cuộc chiến bất phân định giữa các ca sĩ - công ty quản lý sẽ là một câu chuyện dài bất tận không có hồi kết. Bởi vì, họ tồn tại bằng cách dựa vào nhau, họ hoạt động và phát triển vì những lợi ích mà đối phương mang lại.
Thế nhưng, kết cục cho một thế hệ nghệ sĩ thần tượng sẽ là gì sau hàng năm trời vắt kiệt tuổi trẻ và sức lực để đổi lại những vinh quang mơ hồ, một khi bản hợp đồng ma quỷ kia hết hiệu lực?
Mỹ Tâm hát 15 ca khúc trong lễ hội pháo hoa, bỏ qua scandal hét giá
Hiện tại, Mỹ Tâm là nữ ca sỹ có giá cát sê cao nhất tại Việt Nam. Tương tự, phía nam ca sỹ là Đàm Vĩnh Hưng, với mức cát sê được hét tới… 12.000 USD. Lin Din |
Tấn Minh và Mỹ Linh song ca gây ấn tượng trong liveshow "Bài hát tôi yêu"
"Bài hát tôi yêu" liveshow 5 vừa qua còn chứng kiến sự trở lại của những cái tên như Trung Quân Idol, Hà Okio, Huy Quyế, Quang Hào tạo nên sự đa sắc trong phong cách âm nhạc. Còn quán quân "Giọng hát Việt" Hương Tràm trình diễn ca khúc "Xa" của nhạc sĩ Phương Uyên cũng thu hút nhiều cảm tình của khán giả…. B.T. |