Khắc khoải tiếng trống Paranưng

15:07 04/04/2018
Đến nay, nghệ nhân Lai Lầu là người duy nhất tại huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) vẫn còn giữ chắc nhịp trống Paranưng , ông còn là một trong rất ít người Chăm làm được loại trống này.


Từ đầu ngõ chúng tôi đã nghe tiếng trống Paranưng bập bùng vọng vang mô phỏng theo làn điệu dân ca nhịp nhàng của cư dân bản địa. Chủ nhân của tiếng trống từng làm say đắm biết bao chàng trai, cô gái Chăm vùng đất "tháp nắng" Ninh Thuận năm ấy không ai khác chính là nghệ nhân Lai Lầu (70 tuổi), ngụ xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc. 

Đến nay, ông là người duy nhất trong vùng vẫn còn giữ chắc nhịp trống Paranưng cùng những bản nhạc do chính ông viết riêng cho loại nhạc cụ đặc biệt này. Không những biết chơi Paranưng điêu luyện, soạn nhạc cho trống Paranưng, nghệ nhân Lai Lầu còn là một trong rất ít người Chăm làm được loại trống này.

Người giữ những nhịp trống

Bây giờ, trước "cơn lốc" của vô vàn thể loại âm nhạc đương đại ăn theo thị hiếu nhiều người trẻ, những người dành thời gian để lắng nghe, chia sẻ cùng nghệ nhân Lai Lầu về trống Paranưng không nhiều. 

Thành thử, khi biết chúng tôi đã ba lần tìm tới nhà với mong muốn được gặp ông để tìm hiểu về loại nhạc cụ truyền thống này của người Chăm vùng Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận), nghệ nhân Lai Lầu niềm nở trải lòng, như bắt gặp con cháu xa quê đằng đẵng lâu năm về nhà thăm ông. 

Sau lời chào hỏi thân tình, nghệ nhân Lai Lầu hào hứng nổi trống "đãi" khách quý bằng những bản nhạc do chính ông dày công soạn thảo. Tiếng Paranưng nhịp nhàng vang lên, mấy đứa cháu đang chơi ngoài vườn cũng vội vã chạy vào vây quanh ông chăm chú lắng nghe. Có lẽ, giai điệu của trống Paranưng truyền thống đã ăn sâu vào tâm trí của những đứa trẻ này. 

"Chúng nghe từ khi còn nằm trong nôi. Đứa nào khóc dỗ dành không được, tui đem trống ra vỗ là im ngay!", ông Lai Lầu cho biết. Dù chưa thể hiểu được ý nghĩa của tiếng trống nhưng đám trẻ vẫn chăm chú lắng nghe. 

Với chúng, tiếng trống Paranưng chẳng khác gì lời ru ngọt ngào của mẹ mà thuở còn được bồng trên tay hằng ngày thường nghe. Nghệ nhân Lai Lầu lấy tự hào về điều đó và càng khiến ông chơi trống hưng phấn hơn….

Khi mới ở tuổi 15, chàng thiếu niên Lai Lầu vẫn hay hớn hở theo chân những người lớn tuổi trong làng xem họ biểu diễn trống Paranưng trong các dịp lễ hội katê, đình đám, cúng giỗ. 

Sẵn có niềm đam mê và năng khiếu biểu diễn nghệ thuật, khi nhìn những nghệ nhân trong làng tay vỗ, tay đánh vào mặt trống đều đặn phát ra thanh âm lúc trầm, khi bổng, lúc véo von, da diết, khi thổn thức, rạo rực… vì quá nhập tâm mà nhiều khi chàng thanh niên này đứng ngồi ngơ ngẩn, chơi cho tới khi tiếng trống Paranưng tàn dần rồi tắt hẳn mới chịu ra về. 

Ông Lai Lầu nhớ lại, mỗi lần đi xem biểu diễn, nhìn thấy các nghệ nhân chơi trống mà thèm. Rồi ông lân la đến nơi đặt trống xin vỗ thử. Những lần đầu âm thanh phát ra chỉ là tiếng trống khô khan vụng về, vỗ mãi, tập riết, khi hai bàn tay Lai Lầu chai cứng cũng là lúc nhiều người bắt đầu khâm phục tiếng trống "có hồn" của chàng trai trẻ người Chăm.

Nghệ nhân Lai Lầu bên cặp trống Paranưng truyền thống.

Giờ đây, ông rong ruổi khắp miền cát trắng nắng bụi để biểu diễn phục vụ các lễ hội, đưa tiếng trống Paranưng truyền thống đến với bà còn khắp các làng gần, buôn xa. 

Chúng tôi đã có lần may mắn được tham dự nghi thức "thăng chức" cho một vị già làng do chính nghệ nhân Lai Lầu làm chủ, biểu diễn chủ đạo bằng trống Paranưng phối hợp hòa âm cùng kèn Xaranai và trống Ghì Nằng. 

Nghi thức truyền thống kết thúc cũng là lúc bước vào phần hội, nhịp trống Paranưng bắt đầu cất lên thổn thức dưới sự phối hợp nhịp nhàng của đôi tay nghệ nhân Lai Lầu. 

Thanh âm Paranưng vang lên từng hồi hối thúc mọi người đang e dè bỗng mạnh dạn bước ra hòa mình vào những vũ điệu truyền thống. Tiếng trống Paranưng đang ngày càng thăng hoa theo cảm xúc của người chơi. 

Thế rồi, chẳng còn ai phân biệt giới tính, tuổi tác, họ hòa mình vào men say của các vũ điệu. Tiếng trống Paranưng vẫn nhịp nhàng, xúc cảm dưới đôi tay khéo léo chơi không biết mỏi của nghệ nhân Lai Lầu…

Nhưng, nghệ nhân Lai Lầu không chỉ là người đam mê chơi trống Paranưng, ông còn dành nhiều thời gian, tâm trí viết ra những bản nhạc dành riêng cho loại trống này. Cách soạn nhạc của nghệ nhân Lai Lầu khá lạ. 

Những nốt nhạc bằng ký hiệu ngôn ngữ người Chăm không phải trên giấy trắng mực đen mà là giấy lót trong các bao xi măng được ông tận dụng mỗi khi đi ngang qua mấy công trình xây dựng trong làng. 

Mỗi lần hết giấy, trong phút cao hứng, ông viết ngay lên tường nhà. Nhìn vào bốn bức tường trong nhà Lai Lầu, với chúng tôi không thể hiểu, nhưng thực ra đó là cụm công trình âm nhạc mà ông kỳ công sáng tạo. 

Cách sáng tác hoang sơ, cách chơi trống dân dã, ấy vậy mà những bản nhạc đó của nghệ nhân Lai Lầu vẫn có sức sống bền bỉ và không thể thiếu trong những dịp sinh hoạt lễ hội truyền thống tại địa phương.

Nhóm sinh viên Ngữ văn Trường ĐH Đà Lạt đến nhà ông Lai Lầu tìm hiểu trống Paranưng.

Nỗi lo thất truyền

Không phải ngẫu nhiên ông Lai Lầu được gọi là bậc thầy của trống Paranưng. Giữ được "đời sống tinh thần ấy" là cả một đời cặm cụi sương gió, nhiệt huyết và niềm đam mê. 

Đến giờ, ông là người duy nhất làm được trống Paranưng ở vùng Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Năm ông 30 tuổi, trống Paranưng đã dần trở nên xa lạ với cộng đồng người Chăm ở địa phương. Sợ nghề làm trống Paranưng thất truyền, nghệ nhân Lai Lầu bắt đầu học cách làm loại trống này. 

Trống Paranưng trước đây vốn được chế tác bằng các loại gỗ quý như gỗ lim, cốc đá... Đây là những loại gỗ có chất lượng tốt, bền và giữ được âm thanh theo thời gian. 

Theo ông, ngày nay để kiếm được những loại gỗ trên rất khó khăn, thành thử nguyên liệu tạo ra trống không nhất thiết phải là các loại gỗ này. Chỉ cần những cây gỗ chắc, có sức chịu đựng tốt như keo, mít... đều có thể sử dụng làm thân trống. 

Đối với mặt trống và dây nịt trống có thể làm bằng nhiều loại da như da trâu, da bò, da nai… Để làm được cặp trống Paranưng hoàn chỉnh đòi hỏi mất rất nhiều thời gian và tâm huyết.

Thông thường, để có một chiếc trống Paranưng hoàn chỉnh người làm phải mất một tháng với rất nhiều công đoạn, từ việc chọn gỗ, chọn da và phơi khô, canh chuẩn thời gian căng mặt trống để có được cặp trống có âm thanh hay. Trống được làm ra theo cặp cái - đực, âm - dương, phản ánh đúng văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Chăm. 

Ông nói: "Thân trống được xem như là một đứa trẻ con, hai đầu trống, mặt trên (tay vỗ) có lớp da mỏng được ví như người mẹ gọi là Changb (theo tiếng Chăm), mặt dưới (dùi đánh) có lớp da dày hơn mặt trên được ví như người cha gọi là Pằm (theo tiếng Chăm), tức là khi cha đánh con thì mẹ dỗ dành". 

Nghệ nhân Lai Lầu còn cho biết, bí quyết để có một cặp trống tốt, âm thanh hay rất công phu. Muốn trống có âm thanh chuẩn nhất, ông phải lên rừng già, mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng, tìm những cây gỗ lũa (loại gỗ bị rỗng ruột một cách tự nhiên). Loại gỗ này thường phát ra âm thanh vang khi kết hợp với dây nịt, mặt trống làm bằng da trâu tơ.

Nghệ nhân Lai Lầu còn soạn nhạc cho trống Paranưng.

Rồi, nghệ nhân Lai Lầu thơ thẩn vuốt ve trống như những "đứa con tinh thần", ông buông một tiếng thở dài có vẻ như tiếc nuối, buồn xa xăm. Nghề làm trống Paranưng dần bị mai một, ông sợ rằng khi qua đời sẽ chẳng còn ai nối nghề làm trống, chơi trống nữa. 

Đã có lần, ông gắt gỏng bắt những người con của mình học nghề làm trống Paranưng. Mỗi lần đi lấy gỗ, lấy da ông đều dẫn các con đi theo. Nhưng đến bây giờ khi mái tóc Lai Lầu đã ngả sang màu bạc mà những người con của ông vẫn chưa thể làm được trống, cũng không chơi nổi một bản nhạc từ trống Paranưng truyền thống. 

Nỗi lo ấy cứ theo ông đằng đẵng suốt mấy chục năm qua. Đối với nghệ nhân Lai Lầu, cả cuộc đời ông đã sống với đam mê làm trống và chơi trống Paranưng. Ông còn thì trống còn, ngày nào ông còn sức lực thì âm thanh của trống Paranưng vẫn đều đặn vang lên.

Mặt trời đã nghiêng về phía rừng già khi nào không hay. Đã tới lúc phải chia tay ông ra về mà trong lòng chúng tôi vẫn còn bị níu kéo bởi những câu chuyện kỳ thú xung quanh chiếc trống Paranưng truyền thống của người Chăm. 

Chúng tôi, những thế hệ con cháu đến từ phương xa không khỏi không khắc khoải, âu lo cùng nghệ nhân Lai Lầu. Rồi mai này, ai sẽ thay ông làm trống Paranưng? Ai sẽ chơi trống trong dịp lễ hội Katê truyền thống?...

Nghệ nhân Lai Lầu tiễn khách quý bằng bài hát "Tiếng trống Paranưng" của nhạc sĩ Trần Tiến dưới nhịp nhạc đệm là tiếng Paranưng: Pa ra paranưng, ôi tiếng trống ru lòng tôi/ Ru êm ru êm con thuyền/ mênh mông bờ sông vắng/ Pa ra paranưng, ôi tiếng trống những chàng trai/ thương ai thương ai đợi chờ/ thoi đưa bóng dừa xa/ Tôi yêu tiếng em ca/ Tôi yêu paranưng… 
Văn Khoa - Khắc Lịch

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết mặc dù vẫn triển khai nhiều chính sách tài khoá hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, song công tác thu ngân sách vẫn vượt cao so với kế hoạch đề ra, lần đầu tiên vượt 2 triệu tỷ đồng.

Câu chuyện hy hữu này xảy ra ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khi sản phụ mang thai song sinh nhưng một em bé chào đời ở tuần 26 do có nguy cơ vỡ ối, tuy nhiên, các bác sĩ đã nỗ lực giữ thai nhi còn lại trong bụng mẹ, 5 tuần sau, em bé thứ hai chào đời an toàn. 

Sáng 31/12, Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Thiết, Bình Thuận đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Trần Ngọc Thuận (SN 1969, trú phường Phú Thủy, TP Phan Thiết, nguyên Chủ tịch UBND phường Phú Thuỷ) để điều tra về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Nửa cuối năm 2024, concert “Anh trai say hi” (ATSH) và “Anh trai vượt ngàn chông gai” (ATVNCG) tạo hiện tượng chưa từng có ở thị trường nhạc Việt. Chỉ trong 4 tháng cuối năm, 5 concert được tổ chức, mỗi đêm diễn thu hút hàng chục nghìn khán giả. Hiệu ứng của các sự kiện này đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ của ngành công nghiệp giải trí tại Việt Nam.

Sáng 31/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa tiến hành tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét nơi làm việc đối với bị can Võ Hữu Dũng (SN 1973), Trưởng phòng Phòng Quản lý đô thị TP Hội An và bị can Lê Văn Được (SN 1987), nhân viên Phòng Quản lý đô thị TP Hội An về hành vi “Nhận hối lộ”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文