Người dân khốn khổ vì môi trường bị tàn phá vì khai thác vàng

10:49 18/03/2018
Thời gian gần đây, tình trạng khai thác vàng trái phép ở Quảng Nam diễn ra một cách ngang nhiên. Đặc biệt, những chất sặc mùi hóa chất được đổ thẳng ra sông Bồng Miêu (huyện Phú Ninh), sông Quế Phương, sông Tiên (huyện Tiên Phước) khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của hàng chục hộ dân.


Con sông hai màu

Từ lời phản ánh, kêu cứu từ chính quyền và người dân địa phương, chúng tôi tìm về dòng sông Tiên nước chảy ngược dòng của huyện Tiên Phước để nắm rõ hơn bản chất sự việc. Tại đây, dòng sông Tiên thơ mộng ngày nào giờ đây đã không còn “khiến cho lòng vấn vương” bởi thứ mùi hôi bốc lên nồng nặc, dòng sông ô nhiễm đục ngầu.

Trước đây, bãi bồi sông Tiên gần với chợ quê Tiên Phước (thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) vào đầu mùa xuân, người dân địa phương bắt đầu gieo trồng một số loại nông sản: đậu phộng, đậu bắp, rau muống đều xanh tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng năm nay, nhiều hộ dân cũng trồng đậu bắp nhưng cây không phát triển, hoặc lên còi cọc.

Con sông Tiên hai màu.

Là người chuyên trồng các loại nông sản tại bãi bồi gần sông Tiên, ông Nguyễn Sự (SN 1958, trú thị trấn Tiên Kỳ) hiểu rõ nguyên nhân của hiện tượng này. Ông Sự cho biết, hai năm trở lại đây, nước sông Tiên luôn trong tình trạng vàng đục. Đợt vừa qua, nước tràn lên bãi bồi, sau khi nước tràn lên đến bây giờ trồng rau không lên.

“Nước sông Tiên bữa nay bốc mùi hôi dữ lắm. Toàn mùi hôi của hóa chất nên ai cũng sợ. Trước đây, có hộ gia đình còn kinh doanh các dịch vụ xung quanh dòng sông này, thu hút rất đông lượng khách. Nhưng vài năm trở lại đây, nước bắt đầu đục ngầu không thể tưới cây hay lội chân xuống. Ai lội xuống nước thì da lại ngứa, rát. Có nhiều nhà dùng nước tưới rau thì rau chết, trâu bò cũng không dám xuống nữa. Bãi ven sông bị đất sét bồi lắng, không trồng tỉa chi được” – ông Sự lo lắng nói.

Dẫn chúng tôi đến ngã ba sông Quế Phương với sông Tiên (thuộc thị trấn Tiên Kỳ), một người dân chỉ cho chúng tôi: “Cô thấy đó, đâu phải dòng sông Tiên có màu như vậy, mà nước đục này từ theo dòng sông Quế Phương đổ xuống, mà sông Quế Phương thì bắt nguồn từ sông Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, nơi đó họ khai thác vàng trái phép nhiều lắm”.

Càng về thượng nguồn, nước càng đậm đặc màu vàng và bốc mùi hôi.

Nhìn xuống dòng sông Tiên, khu vực tiếp giáp giữa dòng sông Quế Phương và Sông Tiên, tôi ngỡ ngàng trước hiện tượng “bên đục, bên trong” của con sông như một dải lụa mềm hai màu len lỏi. Dòng nước có màu đỏ đục, bốc mùi hôi khó chịu từ sông Quế Phương đổ xuống, một bên là dòng nước xanh biếc, thơ mộng của sông Tiên ở sông Trạm từ Bắc Trà My chảy về. Hai dòng nước này hòa lẫn vào nhau khiến dòng sông Tiên chảy về thị trấn Tiên Kỳ trở nên đục ngầu.

“Mấy năm gần đây, dòng nước ô nhiễm khiến cho cá dưới sông đã chết hết, có đợt cá nổi trắng sông. Đến nay không còn tôm, cua, ốc, cá gì nữa. Nước sông ô nhiễm nghiêm trọng. Chúng tôi uống nước giếng mà cũng thấy sợ. Thời gian tới, không biết phải sinh hoạt như thế nào với nguồn nước như thế này” - anh Lê Tấn Loan (SN 1981, trú xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước) nói.

Ông Lê Trí Hiệu – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, con sông Tiên có tổng chiều dài khoảng 6km, chiều rộng trung bình 100m. Sông Tiên thu nước từ các con suối nhỏ đầu nguồn và nước từ sông Quế Phương đổ xuống. Lưu vực sông Tiên chảy qua 8/15 xã, thị trấn và ảnh hưởng khoảng 8 ngàn hộ dân trên địa bàn và trong đó có một nhà máy nước cung cấp nước sạch cho người dân.

Trong những năm gần đây, sông Tiên bắt đầu bị ô nhiễm, nhất là sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 khiến cho người dân hoang mang, lo lắng và liên tục gọi điện thoại báo cáo trực tiếp lãnh đạo huyện và phản ánh đưa lên mạng xã hội đề nghị chỉ đạo kiểm tra, giải quyết dứt điểm.

“đại công trường” khai thác vàng trái phép tại thôn Đàn Thượng (Tam Lãnh).

Trong hai năm nay, UBND huyện Tiên Phước đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên Môi trường, Công an huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan trực tiếp kiểm tra, nhất là kiểm tra, xử lí tình trạng khai thác, chế biến khoáng sản trái phép trên địa bàn, tìm nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước.

Đồng thời đã báo cáo, đề nghị UBND tỉnh, các Sở, ngành của tỉnh và huyện Phú Ninh chỉ đạo, kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác, chế biến khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Tam Lãnh gây ô nhiễm môi trường nước sông Quế Phương và sông Tiên.

“Đến nay, trên địa bàn huyện không có các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản vàng trái phép gây ô nhiễm nguồn nước. Chúng tôi khẳng định rằng nguồn nước bị ô nhiễm xuất phát từ việc khai thác, chế biến khoáng sản vàng tại khu vực Bồng Miêu và khu vực Đồi Sim của xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh. Kính đề nghị các sở, ban, ngành vào cuộc ngay để hạn chế tình trạng ô nhiễm trên” – ông Hiệu khẳng định và tha thiết đề nghị.

Đá "quả bóng" trách nhiệm

Để đi tìm câu trả lời cho tình trạng trên, chúng tôi đã có chuyến lội ngược dòng tìm về nơi bắt nguồn ô nhiễm. Từ ngã ba sông Quế Phương với sông Tiên, chúng tôi đi ngược dòng sông Quế Phương đỏ ngầu về phía đầu nguồn con sông này. Cả dòng sông Quế Phương đậm màu vàng, càng về phía đầu nguồn, màu vàng càng trở nên đậm đặc có có mùi hôi khó chịu. Các con suối nhỏ đổ ra đều không có dấu hiệu ô nhiễm màu vàng đục đổ xuống.

Tìm về phía giáp ranh giữa xã Tiên Lập và xã Tam Lãnh, bên bờ sông thuộc địa phận thôn Đàn Thượng (xã Tam Lãnh) một “đại công trường” khai thác vàng trái phép hiện ra. Tiếng máy nổ rầm vang. Khi phát hiện có người lạ đến, các đối tượng nhanh chóng tắt máy, cất giấu các phương tiện khai thác vàng và lẩn trốn vào rừng.

Vượt dòng sông, tiến vào “đại công trường” đất quặng đổ hàng đống, chất ngổn ngang. Một số hồ chứa xái rộng gần 3m2, cao 1m được bao bọc kín bằng các bao nilon. Các hồ chứa xái ngâm cyanua để tách lọc vàng đều nằm sát hai bên bờ sông Quế Phương, nước xả thải trực tiếp chảy xuống sông.

Tại dòng sông Bồng Miêu, đoạn qua thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, dòng nước đục ngầu đậm mùi cyanua.

Phía ngoài các lán trại, chó, gà cũng được “vàng tặc” nuôi quanh lán trại. Bên trong các lán trại, áo quần, chăn mùng, thực phẩm, nước uống dự trữ, một nồi thức ăn đang kho dở, bếp còn đỏ lửa, chứng tỏ việc lưu trú khai thác vàng trái phép có chủ định và lâu dài.

Rời khu vực giáp ranh, chúng tôi tiếp tục men theo “dòng sông chết” tìm về phía đầu nguồn nơi bắt nguồn của sự ô nhiễm. Tại dòng sông Bồng Miêu, đoạn qua thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, một dòng nước đục ngầu đậm mùi cyanua theo một con suối thải trực tiếp ra môi trường hòa với con sông Bồng Miêu tạo thành dòng sông hai màu đổ về phía sông Quế Phương. Đầu dòng suối, không đâu khác chính từ những điểm khai thác vàng tại bãi vàng Bồng Miêu, máy vẫn hoạt động liên tục.

Liên hệ với UBND huyện Phú Ninh để tìm hiểu về vấn đề này, tuy nhiên sau nhiều lần liên lạc với chủ tịch đến phó chủ tịch, chúng tôi mới nhận được câu trả lời của vị chủ tịch UBND huyện Phú Ninh – ông Nguyễn Phi Thạnh: “UBND đã chỉ đạo cho Công an huyện Phú Ninh về vấn đề truy quét khai thác vàng trái phép, liên hệ với Công an huyện Phú Ninh sẽ rõ”.

Trao đổi qua điện thoại, Thượng tá Lê Hữu Hoa – Trưởng Công an huyện Phú Ninh lại cho rằng Công an huyện Phú Ninh đã tổ chức truy quét, khu Đồi Sim, Hố Gần, khu vực giáp ranh... tất cả đã không còn tình trạng khai thác vàng trái phép.

Khi tôi thắc mắc lúc chúng tôi tiếp cận bãi vàng tại thôn Đàn Thượng vào ngày 8-3 một lán trại vẫn còn hoạt động thì lại nhận được câu trả lời mơ hồ, “chỉ còn một chỗ, một điểm một... đã hết rồi, giải quyết xong không còn nữa”. Nhưng chính xác thời gian truy quét thì lại “để xem lại”

Thượng tá Lê Hữu Hoa còn cho rằng: “Làm vàng thì dân người ta làm bình thường, làm sao giữ cho nổi, chỉ làm mất tác dụng của máy móc. Hôm xưa có văn bản xác minh, Công an xã Tiên lập xác nhận khu vực đó của Tiên Phước, người dân Tiên Phước làm”. Nhưng khi hỏi được xem văn bản thì cũng chỉ câu trả lời “Để kiểm tra lại”.

Liên hệ với lãnh đạo UBND xã Tiên Lập, bà Nguyễn Thị Hồng Cẩm - Chủ tịch UBND xã khẳng định, hiện trên địa bàn xã không còn xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép. “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra ráo riết, không còn xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép. Khai thác vàng là của Tam Lãnh, không phải của Tiên Lập, đừng đổ thừa Tiên Lập nữa”.

Dù không biết các điểm khai thác vàng trái phép là của bên nào, huyện nào, xã nào, tuy nhiên nếu các ngành chức năng không vào cuộc giải quyết dứt điểm tình trạng này thì không những chỉ sông Bồng Miêu, sông Tiên, sông Quế Phương bị ô nhiễm mà những dòng sông này còn đổ ra sông Thu Bồn, đổ ra biển. Hậu quả của việc ô nhiễm sẽ để lại khó lường.

Hà Vy

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Với khoảng 1,2 triệu lao động từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương sinh sống và làm việc đã góp phần rất lớn để phát triển kinh tế của vùng đất công nghiệp Bình Dương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo không ít đối tượng "đầu trộm đuôi cướp", "đá cá lăn dưa" và những thành phần bất hảo, côn đồ tìm đến ẩn náu và gây án…

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 5h10' ngày 27/11/2024 tại đường Mê Linh theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt đi tỉnh Vĩnh Phúc thuộc xóm Soi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội giữa xe ôtô BKS 29C - 733.12 với người đi bộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文