Khi bác sĩ Công an làm "người vận chuyển"

07:47 25/03/2020
Giữa tháng 2/2020, UBND TP Hà Nội đã chọn Bệnh viện Công an Hà Nội làm cơ sở phục vụ công tác cách ly, theo dõi sức khỏe 14 ngày người dân đi hoặc qua từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và người dân Việt Nam từ Trung Quốc về. Bắt đầu từ đây, các y bác sĩ của Bệnh viện thêm nhiệm vụ mới.

Vừa làm công tác chuyên môn, chăm sóc theo dõi sức khoẻ người cách ly, các y bác sĩ Khoa Nội - Tổng hợp, Bệnh viện Công an Hà Nội, còn kiêm luôn việc vận chuyển đồ ăn cho người cách ly. Họ được mọi người trong khu cách ly yêu mến gọi là những shipper, “người vận chuyển” vui tính.

1. Khu cách ly của Bệnh viện Công an Hà Nội nằm trên tầng 4, 5 của bệnh viện, trực tiếp do Khoa Nội - Tổng hợp phụ trách. Khoa chỉ có 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng, hàng ngày thay nhau túc trực, kiểm tra, thăm khám, theo dõi sức khoẻ của người cách ly nên công việc với họ cũng trở nên vất vả, nặng nề hơn.

Ngồi tiếp chuyện chúng tôi, thi thoảng Đại uý Dương Thị Loan, điều dưỡng của Khoa Nội - Tổng hợp, lại xin phép ngắt quãng câu chuyện để chạy xuống tầng lấy đồ ăn người nhà tiếp tế cho người bị cách ly hoặc được người cách ly nhờ mua hộ ít đồ cần thiết.

“Muốn mua đồ ăn, đồ dùng từ bên ngoài hoặc người nhà gửi đồ vào, các bác sĩ, điều dưỡng ở đây sẽ kiêm luôn nhiệm vụ giao hàng. Giờ thì bác sĩ, điều dưỡng chúng tôi đã quá quen với công việc shipper này rồi. Khu cách ly phần đông là người nước ngoài như Hàn, Italia, đồ ăn, thức uống khác người Việt. 

Đồ ăn tổ hậu cần phục vụ chủ yếu là đồ Việt nên nhiều người không quen, họ phải nhờ mua hoặc nhờ người nhà mang đến tự nấu nướng tại phòng cho phù hợp vì thế chúng tôi kiêm luôn chân ship hàng cho họ”, Đại uý Dương Thị Loan tươi cười chia sẻ.

Kiểm tra, ghi sổ hàng ngày sức khoẻ, thân nhiệt người cách ly.

Khu cách ly của Bệnh viện Công an Hà Nội có 44 phòng nên số người được đưa đến cách ly không nhiều vì hạn chế về nhân lực, phòng ở. Đây vốn là nơi phục vụ các cán bộ, chiến sĩ ngành Công an từ các tỉnh đi học hoặc công tác nghỉ ngơi. 

Các phòng này được trang bị đầy đủ giường, nệm, tivi, tủ quần áo, công trình phụ khép kín, wifi. Khu vực cách ly được bố trí 1 chiều, có cầu thang đi riêng. Thế nhưng có lúc cao điểm, Khoa tiếp nhận hơn 200 ca cách ly, chủ yếu là du học sinh, những người nước ngoài trở lại Việt Nam công tác.

Bác sĩ Nguyễn Văn Nam cho biết: “Ngày đầu mới mặc bộ quần áo bảo hộ vừa nóng, vừa bí, phải học từ cách mặc quần áo, vệ sinh, phòng dịch, tiếp xúc với người cách ly thế nào để an toàn cho cả mình và những người xung quanh, anh chị em cũng có chút tâm tư vì tình hình dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc ngày càng nhiều. Thêm vào đó, mỗi lần mặc bộ quần áo bảo hộ vào, thiếu ôxy, đeo kính thì rất khó nhìn. 

Đi sớm về muộn, nhưng mọi người cũng chẳng dám nói cho gia đình là đang làm nhiệm vụ theo dõi người cách ly, sợ mọi người lo lắng cho mình. Nhưng rồi cũng thành quen. Mọi người càng cảm thấy thoải mái, yên tâm khi đến nay, những ca cách ly ở đây chưa có ai bị dương tính với COVID-19. Đó cũng là điều đáng mừng và hạnh phúc của những người làm bác sĩ như chúng tôi”.

Từ khi đảm nhận thêm nhiệm vụ theo dõi khu cách ly, công việc của các y bác sĩ nơi đây càng bận rộn hơn. Ban ngày chỉ có 6 bác sĩ, điều dưỡng của Khoa thay nhau trực. Buổi tối, lãnh đạo bệnh viện tăng cường thêm các bác sĩ, điều dưỡng ở khoa khác đến hỗ trợ cùng.

Bác sĩ kiêm chân shipper.

Mỗi ngày 2 lần, lúc 8h và 15h, tổ chuyên môn thay nhau đo nhiệt độ, thăm hỏi tình hình sức khỏe của những người cách ly. Những trường hợp có biểu hiện bất thường về đường hô hấp như ho, khó thở… sẽ được chuyển qua Bệnh viện Đống Đa để làm các xét nghiệm, theo dõi chuyên sâu. 

Nếu kết quả âm tính, họ lại được đưa về khu cách ly. Trường hợp bị ốm đau, mắc các bệnh khác sẽ được đưa đến Bệnh viện Hà Đông để theo dõi, chữa trị đến khi ổn định mới về lại bệnh viện. Mỗi lần có ca cách ly đưa đi xét nghiệm, các bác sĩ, điều dưỡng của khoa lại thay nhau mặc đồ bảo hộ theo xe bệnh viện đưa họ đến tận nơi xét nghiệm và quay trở lại bệnh viện. 

Chưa kể, trong quá trình theo dõi, nhiều người lại mắc thêm những bệnh lặt vặt khác như đau đầu, đau bụng thì lúc ấy bác sĩ lại phải làm việc nhiều hơn như thăm khám, kê thuốc, mang thuốc đến cho bệnh nhân, hướng dẫn cách sử dụng, hay giải thích về bệnh tật cũng như nội quy cho người cách ly.

Có lẽ khó khăn nhất vẫn là việc bất đồng ngôn ngữ giữa bác sĩ và người cách ly. “Trước đây còn có nhiều du học sinh người Việt nên họ phụ giúp chúng tôi việc phiên dịch cho người nước ngoài khá tốt. Nhưng khi họ hết hạn cách ly được ra viện, bệnh viện phải bổ sung thêm hai phiên dịch để giúp chúng tôi giao tiếp với bệnh nhân. Để giao tiếp, hiểu ý bệnh nhân nói chung cũng phải mất khá nhiều thời gian”, Đại uý Dương Thị Loan cho hay.

Thăm khám cho người cách ly mắc bệnh khác.

2. Với tổ chuyên môn, công việc bận rộn là thế thì với tổ hậu cần, công tác phục vụ đồ ăn thức uống, dọn dẹp vệ sinh cũng không kém phần vất vả. Bếp ăn của bệnh viện nằm trong khu nhà bếp của Trung tâm Bồi dưỡng và huấn luyện nghiệp vụ Công an ngay cạnh bệnh viện.

Tổ hậu cần có 5-6 người chia ca, phát cơm, đồ ăn, thức uống ngày 3 bữa. Mỗi ngày, người trong khu cách ly được phục vụ 3 bữa, khẩu phần ăn là 57.000 đồng/ngày. Chế độ dinh dưỡng theo tiêu chuẩn của Công an đã được tính toán đủ lượng calo. 

Các cán bộ, chiến sỹ trong khu huấn luyện và các bác sĩ ở đây ăn như thế nào thì người dân về đây sẽ được ăn uống như vậy. Mỗi ngày, tổ nấu ăn lên thực đơn khác nhau. Bữa sáng là các món: xôi, cháo, bánh mì, sữa.. Trưa và tối có cơm gồm các món mặn, xào, canh và tráng miệng. Các bữa ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh.

Nhân viên Bệnh viện Công an Hà Nội phát cơm cho người cách ly.

Quy định hạn chế tập trung chỗ đông người, do trong điều kiện cách ly nên bệnh viện không thể cho người cách ly xuống bếp ăn tập thể và những đầu bếp cũng không được lên tận phòng để đưa đồ ăn. 

Vì vậy, hàng ngày vào các khung giờ cố định, các tổ hậu cần sẽ phân công nhau vận chuyển các suất cơm bằng xe đẩy lên sảnh bệnh viện. Tại đó, có các cán bộ y tế tiếp nhận và vận chuyển thức ăn đến khu vực cách ly để cấp phát cho người dân. 

Tổ phục vụ sau khi tiếp nhận đồ ăn sẽ mặc đồ bảo hộ, gõ cửa từng phòng mời người cách ly ra nhận các suất cơm. Sau đó sẽ phân công nhau thu dọn rác, vệ sinh phòng ở, hành lang khu cách ly. Mỗi lần xong nhiệm vụ, cởi bỏ bộ đồ bảo hộ ai cũng ướt đẫm mồ hôi dù trời nóng hay trời lạnh.

Thu dọn rác thải, vệ sinh khu cách ly.

“Công việc của chúng tôi có phần vất vả hơn ngày thường. Sáng đến sớm hơn, trưa cũng ít được nghỉ ngơi, trực đêm nhiều hơn. Có lúc vừa định ngồi nghỉ đã có thông báo tiếp nhận các ca cách ly, lại vội vàng mặc đồ bảo hộ, làm thủ tục tiếp nhận, thăm khám. 

Chúng tôi cố gắng tạo môi trường thân thiện nhất, hài lòng nhất để cách ly tốt nhất, góp phần cùng cả nước phòng chống dịch COVID-19. Sau mỗi đợt ra viện, nhận được sự tin tưởng yêu mến của mọi người trong khu cách ly, anh chị em cảm thấy được an ủi, động viên nhiều lắm”, Đại uý Dương Thị Loan tâm sự. 

Nói rồi chị khoe những tin nhắn hỏi thăm, những bức ảnh chụp các anh chị đang làm việc với lời cảm ơn chân thành của những người trong khu cách ly hiện đã được xuất viện. Với các y bác sĩ Bệnh viện Công an Hà Nội, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc không thể nào đong đếm được.

Hiền Trâm

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文