Khi các đơn vị chuyển phát nhanh nổi lòng tham

08:58 20/08/2018
Hiện nay, với sự cạnh tranh của thị trường, nhiều cửa hàng đồ công nghệ như máy ảnh, điện thoại, đồng hồ thông minh... đã phát triển "phủ sóng" đến toàn quốc. Việc thuê các công ty chuyển phát nhanh, bán hàng qua các kênh thương mại điện tử đã là một trong những cách hữu hiệu giúp các công ty vừa và nhỏ tiếp cận với khách hàng.

Thế nhưng trong thời gian gần đây, nhiều vụ việc hàng hóa bị đánh tráo, bị "rút lõi" đã khiến các công ty kinh doanh đồ công nghệ phải đau đầu...

Máy ảnh đắt tiền biến thành... chai nước

Mới đây nhất, trong cộng đồng những người chơi ảnh phải xôn xao vì vụ việc xảy ra với cửa hàng của anh Chu Văn Bình, chủ của một cửa hàng kinh doanh máy ảnh trên phố Vọng Đức (Hà Nội). Theo đó, vào ngày 23-7, anh Bình có đóng gói một chiếc máy ảnh trị giá hơn 20 triệu đồng kèm hóa đơn bán hàng, được rao bán trên sàn thương mại điện tử Shopee rồi giao cho đơn vị phụ trách vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh là Công ty cổ phần dịch vụ Giao hàng nhanh (GHN).

Chiếc máy ảnh của anh Bình bị hô biến thành chai nước lọc.

Sau nhiều lần người giao hàng không gặp được khách hàng, đã phải chuyển hoàn hộp máy ảnh quay trở lại cho người bán, phía Công ty GHN cũng gửi thông báo tới anh Bình về việc gửi trả sản phẩm. Đến ngày 6/8, khi hộp hàng được chuyển ngược về văn phòng tại Hà Nội và nhân viên GHN mang gói hàng đến trả, thấy phần vỏ bìa các tông có dấu hiệu bị tháo bóc, anh Bình nghi ngờ có dấu hiệu đánh tráo hàng nên yêu cầu Công ty GHN phải tiến hành kiểm tra có mặt các bên.

Tại buổi đồng kiểm, anh Bình cùng các nhân viên của Công ty GHN đã tiến hành mở hộp sản phẩm và phát hiện chiếc máy ảnh trị giá hơn 20 triệu đồng của mình đã biến mất. Thay vào đó, bên trong hộp là một chai nước khoảng loại 500ml, được đặt vào trong để tạo trọng lượng tương đương. Ngay sau đó, anh Bình đã đề nghị lập biên bản và gửi yêu cầu xử lý tới sàn giao dịch điện tử.

Đến ngày 8-8, đại diện phía sàn giao dịch điện tử Shopee cho biết, công ty chuyển phát nhanh sẽ có trách nhiệm hoàn lại số tiền tương đương giá trị chiếc máy ảnh cho anh Bình. Tuy nhiên, lý do vì sao chiếc máy ảnh biến thành chai nước lọc vẫn chưa được đơn vị này giải đáp.

Mới đây nhất, theo anh Bình cho biết, đại diện Công ty GHN hứa sẽ bồi thường 100% giá trị hàng bị mất cho sàng giao dịch điện tử Shopee trong một tuần. Phía Shopee sẽ có trách nhiệm hoàn tiền cho cửa hàng máy ảnh của anh Bình trong khoảng thời gian từ ngày 20-25 tháng 8. 

Đáng nói, mặc dù chưa nhận được tiền đền bù, ngày 11-8, cửa hàng của anh Bình lại tiếp tục gặp "sự cố" với Công ty GHN khi gửi một chiếc điện thoại Iphone từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội lại bị đánh tráo bằng một cục nguồn đèn led. Nhân viên GHN dường như biết được sản phẩm bị mất nên đã thuê một nhân viên từ công ty chuyển phát nhanh khác giao đơn hàng này.

Nhân viên GHN đang lập biên bản vụ việc.

Anh Chu Văn Bình cũng chia sẻ rằng vào thời điểm trước đó, chính cửa hàng của anh đã bị mất một chiếc máy ảnh có giá trị hơn 100 triệu đồng sau khi giao cho công ty chuyển phát nhanh cách đây 5 tháng. Sự việc này xảy ra vào sáng ngày 26-3, khi anh Bình đến nhận một gói hàng do công ty cổ phần giao nhận hàng không AAL chuyển phát, bên trong là một chiếc máy ảnh Sony Alpha A9, giá thị trường vào thời điểm đó là 106 triệu đồng.

"Khi nhân viên chuyển phát nhanh mang đến, chúng tôi phát hiện hộp hàng quá nhẹ, bị rạch một góc và nát do bóc trộm. Gói hàng có thêm phần quấn băng dính màu vàng trong khi toàn bộ dùng băng dính đen. Tôi thật sự bức xúc vì không hiểu sao một chiếc hộp rỗng, bị rạch nát một góc như vậy nhưng phía công ty chuyển phát vẫn mang đến cho khách hàng mà không mảy may nghi ngờ", anh Bình bức xúc cho biết.

Cảm thấy có dấu hiệu nghi vấn, anh Bình đã yêu cầu tiến hành đồng kiểm với nhân viên giao nhận, quay phim toàn bộ quá trình bóc hộp hàng. Khi mở hộp, chiếc máy ảnh mang số series S014470516-D đã biến mất, chỉ còn một chiếc hộp không. 

Anh Bình cùng nhân viên giao nhận sau đó đã lập biên bản về vụ việc, xác nhận thùng hàng bị móc mất. Phía công ty AAL cho biết sẽ đền bù cho khách hàng nhưng khả năng cao người gửi sẽ phải chịu thiệt thòi vì không kê khai giá trị tài sản khi chuyển đi.

Rút kinh nghiệm từ vụ việc này, anh Bình cũng đã lựa chọn một đơn vị chuyển phát nhanh khác, hơn nữa khi bán qua sàn giao dịch điện tử cũng có thêm một yếu tố đảm bảo giúp cho việc chuyển phát yên tâm hơn. Thế nhưng anh Bình cũng không ngờ, sự việc bị tráo đổi hàng lại xảy ra với mình lần nữa.

Đủ cách chiếm đoạt tài sản

Sau khi vụ việc nói trên gây xôn xao cộng đồng những người chơi máy ảnh cùng một số cửa hàng bán đồ công nghệ vừa và nhỏ, nhiều bài viết của người chơi công nghệ "bóc phốt" dịch vụ chuyển phát nhanh đã được tìm lại, từ đó cho thấy đây không phải lần đầu tiên có một cửa hàng máy ảnh bị đánh tráo hàng một cách lộ liễu như vậy.

Vụ việc đáng nói nhất xảy ra cách đây không lâu phải kể đến là ống kính máy ảnh trị giá 12 triệu đồng bị nhân viên giao hàng đánh tráo bằng lon bia, nhằm chiếm đoạt số tiền khách hàng đã trả. Đáng nói, vụ việc này cũng liên quan đến công ty GHN. 

Chiếc máy ảnh giá trị hơn 100 triệu của anh Bình bị móc.

Theo đó vào cuối tháng 11-2017, anh Trần Quang Duy (TP Hồ Chí Minh), một người chuyên review máy ảnh nổi tiếng trong cộng đồng người chơi ảnh, đã đăng tải lên cộng đồng mạng về vụ việc của mình. Theo đó, anh Duy có bán một ống kính máy ảnh cho một khách hàng tên Vũ tại Hà Nội và nhờ Công ty GHN  thu hộ tiền (hình thức COD).

Đến ngày 26-11, khách hàng đã nhận được ống kính và thanh toán đầy đủ. Tuy nhiên, ngày hôm sau hệ thống của Công ty GHN lại thông báo cho anh Duy rằng khách đã từ chối nhận hàng. Lúc này, anh Duy đã liên lạc với khách để xác nhận lại, đồng thời gọi điện lên tổng đài của Công ty GHN, nhân viên cho biết có thể do lỗi hệ thống và sẽ kiểm tra lại.

Anh Duy cho biết khi liên lạc với khách để hỏi về vụ việc, anh này xác nhận đã nhận hàng từ nhân viên của GHN tên Nguyễn Trung Kiên vào 6h chiều ngày 26-11 và không cần phải ký bất cứ giấy tờ gì. Nhân viên này cũng xin lại hộp đựng ống kính máy ảnh để về báo cáo hệ thống. 

Rất may, camera tại nhà anh Vũ đã ghi lại toàn bộ quá trình giao hàng và thanh toán. Không lâu sau, nhân viên giao hàng này gọi lại cho anh Vũ, nói rằng có một đơn hàng 12 triệu bị nhầm, "nếu có ai gọi giao thì anh từ chối giùm em".

Sáng ngày 28-11, anh Duy gọi điện lên tổng đài GHN để kể lại câu chuyện, nhân viên kiểm tra báo lại rằng hàng vẫn còn nằm trong kho, đang chờ làm thủ tục để hoàn trả. Do quá bức xúc, anh Duy đã gửi video ghi lại cảnh giao nhận hàng tại nhà khách, ngay lập tức công ty này đã yêu cầu kiểm tra gói hàng và phát hiện ống kính trong đó đã bị đánh tráo bằng một lon bia. 

Qua đó cho thấy, nhân viên giao hàng đã cố tình đánh tráo và gửi hàng trở lại kho nhằm chiếm đoạt số tiền 12 triệu đồng thu hộ người bán. Phía GHN ngay lập tức đã xử lý vụ việc và hứa sẽ hoàn trả tiền trong ngày 30-11. Tuy nhiên, đến ngày 1-12 anh vẫn không nhận được tiền cũng như lời giải thích hoặc xin lỗi từ phía công ty. Đến ngày 2-12, GHN mới làm thủ tục chuyển tiền và gửi thư tay xin lỗi khách hàng, đồng thời đuổi việc nhân viên giao nhận.

Tuy nhiên, nếu trong vụ việc của anh Duy, không có camera ghi lại từ phía khách hàng, rất có thể anh này sẽ mất trắng số tiền 12 triệu đồng. Bởi lẽ, trong quá trình vài ngày lưu kho, sau đó chuyển hoàn về TP Hồ Chí Minh và qua nhiều phân đoạn mới về đến tay người bán, lúc này sẽ rất khó để biết hàng đã bị đánh tráo vào lúc nào.

Ngoài ra, còn nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra như chiếc máy ảnh trị giá 14 triệu của một cửa hàng nằm trên phố Trần Quý Kiên (Hà Nội) gửi cho khách tại TP Hồ Chí Minh bị đánh tráo bằng... một túi sỏi sau khi thuê Công ty Tín Thành chuyển phát. Hay vụ việc một gói hàng cũng là máy ảnh, trị giá 21 triệu đồng được chuyển từ TP Hồ Chí Minh tới TP Vinh bị Công ty chuyển phát VNPT làm mất, sau đó công ty này cho biết sẽ đền bù 400 ngàn đồng theo quy định.

Liên tiếp những vụ việc xảy ra như vậy đang khiến các công ty, cửa hàng buôn bán đồ công nghệ vừa và nhỏ phải cân nhắc đến việc lựa chọn một công ty chuyển phát uy tín để đảm bảo được hàng hóa của mình đến với tay người mua. 

Theo một người bán hàng cho biết, sau khi một hộp hàng của bị rút lõi, anh này đã rút kinh nghiệm khi chuyển hàng đó là in tem riêng của cửa hàng, dán kín giống như niêm phong tất cả các góc hộp và yêu cầu khách hàng phải xem xét cẩn thận khi thấy hàng có dấu hiệu bị bóc, rách.

Khi được hỏi vì sao các chủ cửa hàng cũng như người bán đồ công nghệ không kê khai giá trị hàng hóa để đảm bảo sẽ được đền bù đầy đủ khi chuyển hàng, nhiều người đều có đồng quan điểm rằng, chi phí cho việc kê khai giá trị tài sản quá cao sẽ làm tăng giá trị sản phẩm. 

"Nếu để khách chịu phí thì sẽ chẳng có ai mua, nếu mình chịu phí thì lời lãi cũng chẳng được bao nhiêu. Cũng vì thế để cạnh tranh được, những người bán đồ công nghệ đều phải "đánh bạc" với công ty chuyển phát nhanh. Cùng với đó là bịt bọc, dán kín thùng hàng của mình và đánh dấu bằng các cách riêng", một người chuyên bán máy ảnh online cho biết.

Phong Hiền

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Nam thanh niên khai tên là Nguyễn Trần Huy, SN 2007, trú tại thôn Lê, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang trên đường chở pháo về thì bị CSGT phát hiện, bắt giữ.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

Năm 2024 ghi dấu mốc quan trọng với việc 19 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (SXKD), bảo đảm vai trò của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong việc phục hồi phát triển kinh tế, xã hội (KTXH), bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cung ứng điện, than, xăng dầu... cho phát triển KTXH, bảo toàn vốn và các nguồn lực Nhà nước giao.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文