Khi người dân phải sống chung với ô nhiễm từ bãi rác "khủng"

08:00 15/08/2019
Những năm gần đây, người dân ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh và cả người dân ở khu Nam thành phố như quận 7, Nhà Bè (TP HCM)… đã liên tục phản ánh, kêu cứu vì mùi hôi nồng nặc từ khu xử lý rác Đa Phước “tấn công” khiến cuộc sống gia đình họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Tuy nhiên, cho đến nay, nỗi khổ này vẫn đang hàng ngày hàng giờ hành hạ họ…


Sống trong bầu không khí ô nhiễm từ rác

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có mặt tại tuyến quốc lộ 50 đi qua ấp 1, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh và ghi nhận hàng ngày có rất đông xe cộ qua lại. Nhưng có lẽ nhiều nhất vẫn là xe chở rác và xe ben chở chất thải của Công ty Môi trường đô thị TP HCM chạy rẽ vào con đường đi vào khu xử lý chất thải Đa Phước.

Chị Hà Kim Hồng, chủ quán bán nước ngay trước khu xử lý chất thải rắn Đa Phước (cách chừng 10-20m) cho biết, trước giờ nhiều người chỉ nghe chung chung là bãi rác Đa Phước, nhưng thực tế ở đây có ba doanh nghiệp là Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam - VWS (xử lý chất thải rắn sinh hoạt), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh (xử lý bùn thải cống rãnh) và Công ty Cổ phần Dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình (xử lý phân hầm cầu bể phốt). Trong đó, khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt có diện tích lớn nhất và được biết đến nhiều nhất; còn hai Công ty Sài Gòn Xanh và Hòa Bình ít người biết đến hơn.

“Tôi phải nói rõ thực tế là trước đây khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt có mùi hôi nhiều nhưng gần đây thì ít hôi hơn hẳn, mà mùi hôi khiến chúng tôi sợ nhất xuất phát từ khu xử lý chất thải bùn thải và bể phốt. Hôm 7-8, tôi có trong danh sách người dân được vào ba khu xử lý rác tham quan, giám sát. Do vào trễ nên tôi chỉ kịp vào khu xử lý của Công ty Hòa Bình, và thật sự kinh sợ vì không thể chịu nổi mùi hôi thối ở đây”, chị Hồng cho biết.

Một góc xử lý chất thải rắn sinh hoạt có diện tích lớn.

Cũng theo chị Hồng, ngoài mùi hôi thối từ ba khu xử lý chất thải, bùn phốt kể trên thì cư dân ở đây còn phải chịu đựng thêm một mối nguy hại nữa đó là khói đen khét lẹt từ lò thiêu ở ngay nghĩa trang Đa Phước bốc lên. 

“Ở đây, chúng tôi bị ảnh hưởng đủ thứ cả. Ngoài mùi hôi thối từ các khu xử lý rác, chất thải thì khói từ lò thiêu nhiều khi bốc lên ngùn ngụt, mùi khét lẹt, đen thui, giống như mình đốt cao su. Tôi không biết chắc chắn một ngày lò thiêu hoạt động bao nhiêu lần, nhưng tôi thấy có ngày lò thiêu rất nhiều lần bốc khói kinh khủng như vậy”, chị Hồng nói.

Trong khi đó, chị H. Phương (nhà ở gần ngã ba từ quốc lộ 50 quẹo vào con đường đi tới khu bãi rác Đa Phước) cũng bức xúc cho biết, từ khi có bãi rác này xuất hiện, cuộc sống của người dân trở nên mệt mỏi, luôn khổ sở bởi mùi hôi thối của rác thải. “Anh cứ quan sát sẽ dễ dàng thấy xe chở rác, chở phân… chạy qua đây vào khu xử lý liên tục. Ngoài chuyện phải hứng chịu nhiều bụi bặm thì hàng ngày người dân ở khu vực này còn phải sống chung với mùi hôi thối của rác, nước thải rỉ từ các xe chở rác, chở phân chảy xuống đường vô cùng ô nhiễm”, chị Phương chia sẻ…

Ông Huỳnh Văn Sơn (ở ấp 3, xã Đa Phước) cũng cho biết: “Nhiều hộ dân chúng tôi ở ấp 3 cách không xa khu xử lý rác này lâu nay không chỉ sợ vấn đề mùi hôi mà sợ cả những hóa chất khử mùi hôi. Nếu người dân hít cả mùi hôi, hít cả hóa chất này thì chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe”.

Không chỉ riêng khu vực dân cư ở gần bãi rác Đa Phước bị ô nhiễm, phải chịu mùi hôi thối trực tiếp, mà nhiều khu vực dân cư ở xa hơn nhưng thuận chiều gió như ở khu Phú Mỹ Hưng, các chung cư quận 7, Nhà Bè hơn tháng nay cũng liên tục phản ánh việc “mùi hôi nồng nặc bỗng dưng ập đến”. 

Không khí được miêu tả như mùi phân xuất hiện sau các cơn mưa, chiều tối và rạng sáng. Trong đó, những khu dân cư, tòa nhà có mặt tiền hướng Nam, Tây - Nam bị ảnh hưởng nặng nhất. Nhiều người bày tỏ sự chán chường, thất vọng, mong muốn bán nhà đi nơi khác để ổn định cuộc sống.

Anh Mạnh Hiệp, cư dân ở quận 7, phản ánh rằng nhiều khu vực như Belleza, Eratow, Phú Mỹ, dọc đường Nguyễn Lương Bằng, người dân nhiều lần trong ngày phải sống trong bầu không khí “đậm mùi phân tươi”. Dù người dân có đóng cửa thì cũng chỉ bớt được phần nào.

Chị Diệu Linh, cư dân khu Belleza cũng bức xúc cho biết gia đình chị sinh sống ở đây với mùi hôi kinh hoàng này nên luôn trong tình trạng phải đóng cửa sổ, mở máy lạnh, hạn chế ra ngoài. Đáng nói là mẹ chị Linh tuổi cao nhiều lần bị choáng váng, nhức đầu, mỗi khi mùi hôi xộc tới…

Cùng chung cảnh ngộ, chị Ngọc Lan ở chung cư La Casa, phường Phú Mỹ, quận 7, cũng bày tỏ sự khó chịu vì gia đình mình và nhiều người khác phải chịu mùi hôi nồng nặc bao trùm cả không gian rộng lớn, có khi đi trên cầu Phú Mỹ cũng ngửi thấy.

Quá bức xúc và phẫn nộ vì “bỗng dưng” phải hứng chịu mùi hôi kinh khủng như vậy nên một số người dân đã nhiều lần gửi đơn phản ánh, kêu cứu đến cơ quan chức năng quận 7, Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM (TN-MT), UBND TP HCM đề nghị có biện pháp xử lý, giúp đỡ họ.

Theo một thống kê từ Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải rắn TP HCM (MBS) và đường dây nóng của Bí thư Thành ủy cho thấy từ tháng 5 đến nay, mức độ phản ánh của người dân về mùi hôi phát sinh từ khu vực này tăng so với thời điểm đầu năm.

Người dân có nhiều ý kiến tại buổi tham quan, giám sát ngày 7-8-2019.

Mùi hôi ngày càng nhiều hơn, bay xa hơn...

Mới đây nhất, vào sáng 7-8-2019, đại diện của Sở TN-MT, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, Phòng TN-MT quận 7, huyện Bình Chánh và Nhà Bè; cùng hơn 30 người dân các xã Đa Phước, Phong Phú (nằm liền kề vùng ảnh hưởng mùi hôi), đặc biệt là sự có mặt của đại diện một số chung cư, khu dân cư ở Phú Mỹ Hưng, như Mỹ Thái, Green Valley, Cảnh Viên, Đức Khải, Phú Mỹ, Phú Gia, Grand View, Sunrise Central… đã được đưa vào ba công ty kể trên để “tham quan, giám sát” quá trình xử lý rác thải tại đây.

Sau khi được đưa vào khu bãi rác chôn lấp và khu xử lý nước thải của Công ty VWS, ông Phạm Văn Hai (xã Phước Kiển, Nhà Bè) cho hay đây là lần thứ hai ông vào tham quan bãi rác này và ông thấy Công ty VWS đã khắc phục, khống chế mùi hôi tốt hơn so với lần trước… Tuy nhiên, ông bày tỏ mong muốn Công ty VWS sớm chuyển đổi công nghệ để xử lý triệt để hơn về mùi hôi.

Bà Tô Hồng Trang, đại diện khu Phú Gia, phường Tân Phong, quận 7 lại có ý kiến khác. Bà Trang cho rằng việc giám sát trong khung giờ nhất định sẽ không đánh giá được mùi hôi: “Tôi thấy qua mỗi năm, mùi hôi càng nhiều hơn, bay xa hơn và ảnh hưởng đến đông người hơn… Với công nghệ chôn lấp thì không thể nào không gây mùi hôi và ô nhiễm nước rác ngấm xuống đất, nước ngầm, gây ô nhiễm môi trường đất và nguồn nước của thành phố”.

Đặc biệt, bà Trang cho rằng Công ty VWS nêu lý do không có khu cây xanh cách ly và phân loại rác tại nguồn của thành phố chưa triển khai triệt để nên khối lượng chôn lấp nhiều, không áp dụng công nghệ đốt rác là không hợp lý. Bởi các nước tiên tiến như Mỹ, Pháp mặc dù chưa phân loại rác tại nguồn 100% nhưng họ vẫn áp dụng được công nghệ đốt…

Chung bức xúc, ông Hoàng Dũng (quận 7) đề nghị Sở TN-MT TP HCM phải khẳng định bãi rác này có mùi hay không và mức độ như thế nào, biện pháp khắc phục để các năm tiếp theo người dân không bị ảnh hưởng mùi hôi. Sở TN-MT và chủ đầu tư phải công bố cụ thể lộ trình để người dân giám sát và nếu đến thời hạn mà không thực hiện thì người dân có thể kiện ra tòa. Đồng thời, đề nghị cho người dân biết những biện pháp tình thế trong lúc chờ chuyển đổi công nghệ xử lý của Công ty VWS.

Bùn cống rãnh của Công ty Sài Gòn Xanh đã được xử lý, phơi khô… nhưng không che đậy, tạo mùi hôi khó chịu.

Với hai Công ty Sài Gòn Xanh (doanh nghiệp chuyên xử lý bùn cống rãnh) và Công ty Hòa Bình (doanh nghiệp chuyên xử lý phân hầm cầu), sau khi đi giám sát, người dân khẳng định mùi hôi thối xuất phát ra từ đây rồi lan ra không khí.

Đặc biệt, tại khu xử lý phân hầm cầu, người dân cảm nhận rõ mùi hôi thối của loại chất thải này. Hơn nữa, quang cảnh và hệ thống hạ tầng bể chứa, bạt che phủ bể chứa của công ty khá cũ kỹ và được che chắn sơ sài. 

Chị Nguyễn Hồng Thu (cư dân quận 7) cho biết: “Lâu nay chúng tôi vẫn ngửi thấy cái mùi hôi mà sau khi vào đây tôi ghi nhận nó chính là mùi hôi mà chúng tôi bị ảnh hưởng, không thể nhầm lẫn được”…  Với mùi hôi thối này, nhiều người dân ở Bình Chánh và Nhà Bè cũng khẳng định không chỉ hôm đi giám sát mới biết mà từ lâu nay chính mùi hôi thối này bốc ra…

Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Ngô Thành Đức, Phó Giám đốc Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải rắn TP HCM (MBS) cho rằng phản ánh của người dân về mùi hôi của khu xử lý chất thải Đa Phước trong những ngày qua rất đáng ghi nhận, nó trở thành yêu cầu bức bách mà thành phố phải quan tâm, xử lý.

“Đến nay thành phố đã có những động thái mạnh mẽ đối với Công ty VWS. Tất nhiên trong một số điều kiện thực tế, nó còn một số hạn chế, khó khăn để có thể làm tốt được hơn nữa thì cũng không phải dễ dàng gì. Ví dụ như hạn chế về công nghệ chôn lấp rác với số lượng lớn kết hợp với điều kiện thời tiết mùa mưa nên việc kiểm soát mùi hôi cũng không đơn giản… Ngoài ra, đến nay thành phố cũng chưa hoàn thiện khoảng “sân” cây xanh cách ly do vướng nhiều thủ tục như giải phóng mặt bằng, bồi thường, nhưng thành phố hiện đang rất nỗ lực để triển khai và hoàn thành dự án trong một, hai năm tới”, ông Ngô Thành Đức chia sẻ.

Liên quan đến việc các khu xử lý rác gây ô nhiễm môi trường, tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội hôm 19-7-2019, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, đã yêu cầu Sở TN-MT có biện pháp quyết liệt; làm việc với các nhà máy buộc sử dụng công nghệ mới, giảm ô nhiễm, vì đây là giải pháp nâng cao chất lượng đời sống người dân thành phố, nếu không sẽ đình chỉ hoạt động. 
Phú Lữ

Hai phóng viên đến mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và đe dọa sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua.

Đến trưa 27/12, Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vẫn đang phong tỏa hiện trường vụ cháy xảy ra tại dãy nhà trọ cao 5 tầng trong hẻm 63, đường số 10, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức để làm rõ nguyên nhân vụ cháy khiến 2 người tử vong, 8 người bị thương.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文