Khi tội phạm công nghệ cao nhằm vào… người già!

14:05 10/09/2017
Chúng tự xưng là người của Bộ công an, đang điều tra về nhóm tội phạm rửa tiền và buôn ma túy xuyên quốc gia để khống chế, bắt buộc người dân nộp tiền cho mình qua hệ thống ngân hàng. Chiêu trò này mặc dù không mới nhưng gần đây lại tái diễn, khiến nhiều người sập bẫy. Trong đó, đối tượng mà loại tội phạm này nhắm đến là những người già, thông qua hệ thống điện thoại cố định.


Đã hơn 2 tuần trôi qua, song đến thời điểm hiện nay, ông Nguyễn Văn Đước (SN 1947), trú tại khối Văn Tiến, phường Hưng Dũng, TP Vinh (Nghệ An) vẫn chưa hết bàng hoàng và không hiểu vì sao chỉ bằng cách gọi điện thoại, đối tượng lạ mặt đã hướng dẫn ông đến ngân hàng để chuyển số tiền 200 triệu đồng vào tài khoản mà bọn chúng yêu cầu.

Tang vật thu giữ tại nhà của Luận và Thu.

Rất may, con trai ông cùng công tác trong ngành ngân hàng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và phong tỏa tài khoản nên số tiền này ngay sau đó đã lấy lại được.

Khi người già là mục tiêu của tội phạm công nghệ cao

Theo lời kể của ông Đước, khoảng 8h30 phút sáng 22-8-2017, điện thoại bàn của gia đình đổ chuông, một người đàn ông xưng là nhân viên viễn thông, cho biết thuê bao điện thoại cố định này đang nợ 8.930.000 đồng tiền cước.

Khi ông Đước khẳng định gia đình không hề nợ cước, hàng tháng thanh toán cước điện thoại đầy đủ thì người đàn ông kia yêu cầu giữ máy để kết nối với một người xưng là Đại úy công an Phạm Tuấn Anh.

Ngay sau đó, người tự xưng là Đại úy công an này cho biết, thông tin cá nhân và chứng minh nhân dân của ông Đước hiện đang bị một nhóm tội phạm lợi dụng, mở tài khoản số 02434816703, trong thời gian qua tài khoản này có gọi sang Úc, Canada và chưa thanh toán cước.

Hiện nay, trong tài khoản này có số tiền là 6,8 tỷ đồng, đang bị phong tỏa để phục vụ cho công tác điều tra. "Họ nói tôi đang dính vào đường dây buôn bán ma túy và rửa tiền, hiện tôi đang bị công an TP Hồ Chí Minh điều tra. Cách đây 2 năm, tôi làm mất chứng minh nhân dân nên tôi nghĩ việc họ nói là đúng.

Tiếp đó, những người này cho biết tài khoản mang tên tôi đã bị bán lại cho bọn tội phạm với giá 200 triệu đồng, yêu cầu tôi cần nộp số tiền này vào tài khoản tạm giữ của CQĐT để phục vụ công tác điều tra. Khi nào chứng minh được tôi trong sạch, họ sẽ trả lại", ông Đước kể lại.

Nguyễn Hữu Thu và Phạm Đình Luận vừa bị bắt giữ.

Từ đầu dây bên kia, nhóm người này cũng cho biết, bọn tội phạm mà công an đang điều tra có liên quan đến ngân hàng và nhiều cán bộ, mà ông Đước là một thành viên liên quan, nên yêu cầu quá trình giao dịch tuyệt đối giữ bí mật, thậm chí người nhà cũng không cho biết.

Nếu trên đường đi chuyển tiền, để lộ ra thì ông Đước sẽ bị thủ tiêu, hoặc vụ án không phá thành công thì ông phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Trước những lời đe dọa đó, ông Đước lặng lẽ gọi taxi, đến ngân hàng để rút sổ tiết kiệm trị giá 200 triệu, là tài sản của đứa cháu nhờ ông đứng giúp tên trong sổ tiết kiệm, sau đó tiếp tục đến Ngân hàng VPbank phòng giao dịch Cửa Đông (TP Vinh) để nộp vào tài khoản 130333729 là của "kiểm sát viên Nguyễn Hữu Thu" tại Ngân hàng VPBank chi nhánh Chương Dương, Hà Nội.

Rất may, cả con trai lẫn con dâu của ông Đước đều làm việc trong hệ thống ngân hàng nên trước biểu hiện lạ của bố, hai người này đã tìm đến Phòng giao dịch Cửa Đông của VPBank và ngăn chặn kịp thời.

Sau đó, ông Đước và con trai đến cơ quan công an trình báo sự việc. Sau khi tiếp nhận trình báo, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã gửi công văn đề nghị Ngân hàng VPBank, chi nhánh Cửa Đông phong tỏa tài khoản trên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đước cho biết, thông qua cuộc điện thoại, các đối tượng vừa khai thác thông tin cá nhân, vừa đe dọa khiến bản thân ông không kiểm soát được hành vi, cảm giác như bị thôi miên, răm rắp làm theo yêu cầu của bọn lừa đảo mà không hề ý thức được những việc mình đang làm.

Thiếu tá Hà Huy Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Chỉ tính riêng từ giữa tháng 8 đến nay, ghi nhận trên địa bàn đã có 9 trường hợp bị một nhóm đối tượng giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông với số tiền hơn 2 tỷ đồng.

Ông Đước là trường hợp duy nhất bị nhóm đối tượng trên lừa đảo nhưng vẫn giữ lại được tiền. Có thể kể đến trường hợp của ông Nguyễn Thanh Hoàn (59 tuổi), trú khối 11, phường Hà Huy Tập (TP Vinh). Ngày 22-8-2017, khi đang ở nhà một mình thì điện thoại bàn đổ chuông.

Cũng với cách thức vừa đe dọa, vừa hướng dẫn như đã làm với ông Đước, nhóm đối tượng này đã chiếm đoạt của ông Hoàn số tiền 400 triệu đồng. Ngay sau khi phát hiện ra bị lừa đảo, ông Hoàn cùng con cái đến ngân hàng lấy lại tiền thì đã bị các đối tượng rút hết trong tài khoản.

Một trường hợp khác là ông Nguyễn Thiết Dinh (57 tuổi), trú khối An Vinh, phường Hưng Phúc (TP Vinh), cũng bị nhóm đối tượng lừa đảo theo cách thức như trên để chiếm đoạt 236 triệu đồng.

Lần theo dấu vết tội phạm "giấu mặt"

Theo Thiếu tá Hà Huy Đức, thủ đoạn chung của các đối tượng này là ban đầu giả danh nhân viên viễn thông gọi điện đến số máy bàn nhắc nợ cước điện thoại với số tiền lớn do có nhiều cuộc gọi đi nước ngoài.

Sau đó, một đối tượng khác giả danh công an thông báo với nạn nhân số CMND của họ đã lập một tài khoản ngân hàng và dùng tài khoản đó để buôn bán ma túy và rửa tiền. Vị "công an" này yêu cầu nạn nhân hợp tác để cung cấp các thông tin cần thiết.

Người này yêu cầu nạn nhân có bao nhiêu tiền trong tài khoản, sổ tiết kiệm trong ngân hàng thì phải chuyển hết vào tài khoản của mình để xác minh số tiền trên có liên quan đến tội phạm buôn bán ma túy và rửa tiền hay không. Tiếp đó, vị "công an" nói trên yêu cầu nạn nhân phải giữ bí mật nếu không "bọn tội phạm sẽ thủ tiêu" hoặc không làm theo thì "sẽ bắt ngay lập tức".

Số điện thoại nhóm đối tượng sử dụng để lừa đảo.

Khi nạn nhân chuyển tiền vào các số tài khoản trên thì nhanh chóng bị kẻ lừa đảo rút hết để chiếm đoạt. Đối tượng mà nhóm tội phạm này nhắm đến là phụ nữ hoặc người già, thường ở nhà một mình.

Trước thực trạng trên, Công an tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn gửi công an các địa phương, phòng, ban để chỉ đạo phòng, ngừa đấu tranh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mới.

Cùng với đó, nhận thấy các đối tượng có thủ đoạn lừa đảo chuyên nghiệp, cần phải nhanh chóng đấu tranh triệt xóa nên ngày 26-8-2017, Phòng Cảnh sát hình sự đã cho Đội Cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao xác lập chuyên án để đấu tranh, triệt xóa.

Sau khi vào cuộc điều tra, Ban chuyên án đã xác định các đối tượng sử dụng giao thức truyền giọng nói qua Internet (VoIP), hiển thị số điện thoại "ảo" có đầu số trùng với đầu số 113 của Công an để lừa đảo. Với phương thức này, chúng khiến cơ quan chức năng không thể truy xuất số điện thoại gọi để phục vụ điều tra.

Tuy vậy, thông qua việc truy xuất nguồn gốc các tài khoản ngân hàng mà các bị hại gửi tiền theo hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo, Ban chuyên án đã dần tìm ra các manh mối.

Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ tài liệu, ngày 1-9-2017, Ban chuyên án đã phối hợp với Công an huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với hai đối tượng Nguyễn Hữu Thu (26 tuổi) và Phạm Đình Luận (24 tuổi), cùng trú tại xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh khi đang trú ngụ tại một nhà nghỉ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Theo điều tra ban đầu, cũng như thú nhận của các đối tượng tại cơ quan điều tra, từ việc anh họ bên vợ của Phạm Đình Luận, tên là Phi hiện đang xuất khẩu lao động tại Đài Loan thuê mở hoặc thu gom thẻ ngân hàng, với mỗi thẻ Phi sẽ trả công với giá 1 triệu đồng.

Sau khi có tiền chuyển vào, Phi tiếp tục nhờ rút ra để chuyển cho một đối tượng thứ 3, sẽ trả công cho người rút tiền 20% tổng số tiền rút được. Thấy dễ kiếm tiền, Luận rủ Thu cùng tham gia gom thẻ và rút tiền và cả hai đã gom cho Phi được 15 thẻ ngân hàng.

Với hình thức này, trong vòng hơn 1 tháng, Thu và Luận đã rút từ các thẻ ngân hàng để chuyển cho Phi tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng, trong số này riêng Luận và Thu chiếm đoạt khoảng 400 triệu đồng.

Từ lời khai này, qua khám xét nơi ở của Nguyễn Hữu Thu và Phạm Đình Luận, lực lượng chức năng đã thu nhiều điện thoại di động, thiết bị thu phát sóng wifi, nhiều thẻ ngân hàng, hộ chiếu, sim điện thoại, máy tính xách tay cùng một số lượng lớn tiền mặt.

Được biết, đây là hai mắt xích trong đường dây lừa đảo liên quan đến cước viễn thông trên địa bàn Nghệ An trong thời gian qua. Một điều tra viên cho biết, bước đầu xác định đối tượng cầm đầu đường dây hiện đang ở Đài Loan.

Chưa xác định được liệu hình thức lừa đảo này có do cùng một nhóm đối tượng gây ra hay không, cũng chưa khẳng định được có sự tham gia của người nước ngoài nhưng mắt xích quan trọng của đường dây này hiện đang trú ngụ ở nước ngoài. Trong thời gian sắp tới, Công an Nghệ An sẽ phối hợp với nhà chức trách nước sở tại để phối hợp điều tra, làm rõ.

Thiên Thảo

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文