Không để xã hội bất an vì tin giả trên mạng

11:22 19/03/2020
Thời gian qua, trong khi Chính phủ và các ngành các địa phương đang tích cực phòng chống dịch COVID-19 thì trên mạng xã hội lại tràn ngập tin giả. Tình trạng này khiến cho người dân có lúc hoang mang.


Đủ loại tin giả

Sau khi xuất hiện dịch COVID-19 và lan mạnh tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm đến tình hình diễn biến dịch bệnh. Thông tin về dịch COVID-19 trở thành thông tin được báo chí và mạng xã hội đăng tải rất nhiều. 

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ ngày 20/1 đến 12/3/2020, trên không gian mạng đã có 221.232 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; 564.966 lượt tin, bài đăng trên Facebook, 452 video clip trên Youtube liên quan, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ.

Điều đáng nói là bên cạnh thông tin chính thống từ Bộ Y tế và các cơ quan chức năng, trên mạng đã có không ít thông tin do các thế lực phản động phát tán với nội dung xuyên tạc về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, tung tin về số lượng người bị nhiễm, tử vong do dịch bệnh tại các địa phương; hướng dẫn cách tự điều trị, chẩn đoán tại nhà, tán phát thông tin vaccin có thể chữa khỏi virus corona, đăng thông tin sai lệch về việc chữa khỏi dịch bệnh COVID-19 bằng uống rượu, phun thốc diệt virus trên bầu trời, lan truyền tài liệu hướng dẫn từ Bộ Y tế Liên bang Nga về chữa trị COV/19 và xuyên tạc về nguồn gốc của COVID-19….

Ngoài những thông tin này, các đối tượng phản động cũng phát tán thông tin có nội dung vu cáo Nhà nước thiếu minh bạch trong công bố tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, “che giấu, bưng bít thông tin” về số ca nhiễm, tử vong do COVID-19; vu cáo chính quyền gia tăng “đàn áp, bắt bớ, xử phạt” những người đăng tải thông tin liên quan đến dịch bệnh. 

Một số hội nhóm có đông thành viên, như “Hóng biến” (3,9 triệu thành viên), “Hóng biến hội” (950.000 thành viên), “Otofun” (200.000 thành viên), “Group Tinh Tế” (280.000 thành viên)… và một số nhóm hoạt động báo chí, như: “Góc nhìn báo chí/ công dân”, “Diễn đàn độc giả trẻ”, “Phóng sự điều tra”, “Cộng đồng báo chí Việt Nam”… kiểm duyệt không chặt chẽ về nội dung, đăng nhiều tin, bài, bình luận công kích hoạt động điều hành phòng chống dịch của Chính phủ, nhất là việc viện trợ cho Trung Quốc hàng hoá, vật tư y tế phòng bệnh.

Cán bộ Công an Hà Nội làm việc với người đưa tin bịa đặt, xuyên tạc.

Các đối tượng phản động còn tung tin bịa đặt, kích động công nhân đình công tập thể tại các công ty, khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài, nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Kêu gọi công nhân đình công tập thể, tiến hành “bất tuân dân sự”, yêu sách dừng sản xuất, đòi quyền lợi, không cho người nước ngoài quay trở lại Việt Nam làm việc. 

Hậu quả, đã làm hơn 1.600 công nhân tại cụm Công nghiệp Hà Lam/ Chợ Được tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (ngày 3/2); hơn 5.000 công nhân tại Công ty TNHH JY Hà Nam tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam (ngày 17/2); hơn 3.000 công nhân tại Công ty TNHH Regis, tỉnh Ninh Bình; công nhân các công ty Kona, Hoa Phú, Triệu Phong ở tỉnh Long An; kích động công nhân tại các khu công nghiệp Hoàng Long, TP. Thanh Hoá... đình công tập thể.

Nhiều đối tượng còn bịa đặt thông tin, kêu gọi người dân tích trữ lương thực, thực phẩm, gây hoảng loạn trong quần chúng nhân dân. Ngày 7/3/2020, sau khi Bộ Y tế công bố ca nhiễm COVID-19 thứ 17 tại TP. Hà Nội, trên mạng nhiều đối tượng tán phát thông tin sai sự thật về tình hình, số ca lây nhiễm, khiến người dân lo lắng, đổ xô đi tích trữ lương thực thực phẩm tại các siêu thị, trung tâm thương mại.

Cán bộ Công an tỉnh Quảng Ngãi làm việc với chủ tài khoản facebook tung tin giả.

Đằng sau việc phát tán tin giả là ai?

Theo các cơ quan chức năng, thủ đoạn của các đối tượng tung tin giả trên mạng xã hội là thiết lập nhiều trạng mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài, hàng trăm hội nhóm, tài khoản trên Facebook để phát tán các bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung tuyên truyền xuyên tạc về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, sử dụng các kênh tuyên truyền có lượng người theo dõi lớn trên mạng như: “Việt Tân”, “Đài Á châu tự do”; “Thanh niên công giáo”, “Chân trời mới media”, “Dân luận”… để tán phát nhiều liên kết chỉ dẫn về các trang mạng phản động, có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, kích động tình hình dịch bệnh tại Việt Nam.

Triệt để khai thác các tính năng bình luận, chia sẻ và phát trực tiếp lên mạng xã hội để phủ thông tin tiêu cực đến người dân.

Tạo các bài viết, video clip giật gân, gây sốc liên quan số người nhiễm, tử vong do nhiễm COVID-19 tại Việt Nam, hướng dẫn cách chữa trị tại nhà, kêu gọi tẩy chay hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tập hợp, tổ chức các cuộc thăm dò ý kiến qua mạng nhằm tạo luồng thông tin tiêu cực để gây áp lực với chính quyền đối với các quyết sách, như: Đóng cửa biên giới với Trung Quốc; yêu cầu các doanh nghiệp có công nhân Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản dừng sản xuất; các siêu thị, trung tâm thương mại đóng cửa… 

Một số tổ chức phản động lưu vong (Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Voice, PBSOS…) và đối tượng chống đối trong, ngoài nước (Nguyễn Văn Đài, Lê Trung Khoa, Lê Văn Dũng, Nguyễn Lân Thắng…) tổ chức nhiều cuộc thăm dò ý kiến qua mạng để kêu gọi đóng cửa biên giới với Trung Quốc, dừng hoạt động phương tiện công cộng.

Sử dụng “khoảng trống thông tin” khi các đài, báo chí chính thống chưa đưa thông tin chính thức đã nhanh chóng khai thác, lồng ghép với những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về tình hình dịch bệnh COVID-19 đưa lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận.

Đáng chú ý, thông qua chính sách mua quảng cáo trên nền tảng công nghệ Facebook, nhiều tổ chức, cá nhân phản động ở nước ngoài đã chi hàng chục nghìn đô la để chạy quảng cáo các nội dung xuyên tạc tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, công kích Chính phủ “bưng bít thông tin”, yếu kém trong xử lý dịch bệnh (quảng cáo chính trị) nhằm phát tán rộng rãi đến quần chúng nhân dân.

Ngoài những kẻ tung tin giả với mục đích gây tâm lý bất an cho người dân, một số đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi bằng cách làm giả vật tư, thiết bị y tế phòng dịch, lừa đảo và chuyển hướng kinh doanh qua mạng với giá cao, số lượng lớn để trục lợi. 

Điển hình, ngày 18/2/2020, Công an tỉnh Thanh Hoá đã bắt, khởi tố đối tượng Lê Thị Liên về hành vi lừa đảo bán khẩu trang y tế, chiếm đoạt gần 600 triệu đồng; Công an TP. Hà Nội bắt quả tang hoạt động sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh tại Công ty TNHH Việt Hàn và ngăn chặn đối tượng gom 620kg khẩu trang đã qua sử dụng ở Vĩnh Phúc vận chuyển xuống TP. Hà Nội, phối hợp các đơn vị chức năng xử lý 119 trường hợp, cơ sở kinh doanh đầu cơ, làm giả các mặt hàng y tế; Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an đã phát hiện 94 hội nhóm, 74 trang Facebook kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh vi phạm, đang đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật.

Công an Hà Nội xử lý nghiêm các trường hợp tung tin sai về dịch COVID-19.

Xử lý nghiêm đối tượng tung tin giả gây nhiễu loạn xã hội

Ngày 10/3, Công an thành phố Hà Nội đã triệu tập và xử lý hai trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về nữ bệnh nhân số 17 nhiễm COVID-19. Tại cơ quan Công an, cả hai người này đã thừa nhận những thông tin mình đăng không có cơ sở và cam kết không tái phạm.

Tuy nhiên, đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử lý vì đăng tin giả trên Facebook cá nhân thời gian qua. Cơ quan Công an đã tiến hành rà soát, lập danh sách hàng nghìn tài khoản, bài viết đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật, kịp thời trai đổi công an các địa phương để đấu tranh, xử lý.

Đến nay, Công an các địa phương đã chủ động tham mưu lãnh đạo các cấp và tổ chức triển khai quyết liệt công tác đấu tranh, xử lý các đối tượng tuyên truyền xuyên tạc, chống Đảng, Nhà nước trên không gian mạng; phối hợp với các cơ quan truyền hình, báo chí địa phương vạch mặt các đối tượng thông tin sai sự thật về COVID-19, răn đe các đối tượng khác, định hướng dư luận; xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn; tổ chức nắm tình hình cán bộ, công nhân viên, người lao động tại các khu công nghiệp, nhất là các công ty, khu công nghiệp có yếu tố Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Tính đến ngày 11/3/2020, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Công an các địa phương xác minh, làm rõ và tổ chức đấu tranh trực diện với 654 đối tượng, trong đó xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 trường hợp, yêu cầu cam kết không tái phạm, gỡ bỏ các tin, bài viết có nội dung xấu; gỡ bỏ, ngăn chặn hơn 350 bài viết, video clip có nội dung xấu, nhạy cảm ở nước ngoài; vô hiệu hoá 97 hội nhóm, 80 trang Facebook có hoạt động kinh doanh trực tuyến, mua bán khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh với giá cao, số lượng lớn nhằm trục lợi. 

Nhắc nhở ứng dụng gọi xe FasGo, các sàn thương mại điện tử (Shopee, Sendo, Chodientu, Lazada…) và một số cơ quan báo chí trong việc phát tán thông tin, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh trực tuyến các mặt hàng vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng dịch, yêu cầu không được đầu cơ gom hàng, tăng giá. 

Yêu cầu 76 đối tượng quản trị, điều hành các hội, nhóm có đông thành viên (từ 500.000 thành viên trở lên) tăng cường quản lý, kiểm duyệt thông tin, không đăng tải, chia sẻ bài viết, video clip có nội dung thất thiệt, chưa kiểm chứng về tình hình dịch bệnh; phối hợp với Facebook, Google gỡ bỏ hơn 250 liên kết chứa thông tin giả, sai sự thật về dịch bệnh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để xã hội không bị tác động bởi tin giả, cùng với sự kiên quyết của cơ quan chức năng, rất cần sự hợp tác của người dân. Mỗi người dân hãy tỉnh táo trước thông tin trên mạng xã hội, hãy chia sẻ có trách nhiệm mỗi thông tin trên mạng xã hội.

Tân Lương - Hiếu Quỳnh

Temu - Ứng dụng mua sắm trực tuyến xuyên biên giới đổ bộ vào Việt Nam đang gây ra một cơn sốt cho các tín đồ mua sắm trực tuyến. Với kho hàng khổng lồ giá rẻ, hình thức linh hoạt, giao hàng nhanh chóng và đặc biệt là chính sách săn hoa hồng khủng đã khiến hàng triệu người “say men” vào lốc xoáy Temu…

Dự báo từ 3 đến 5/11, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa to, cục bộ, có nơi mưa rất to. Từ 6/11, mưa lớn có khả năng dịch xuống khu vực Hà Tĩnh đến Bình Định và có khả năng còn kéo dài trong nhiều ngày; nguy cơ ngập úng tại các vùng trũng, thấp, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 gồm 8 chương và 65 điều, dự kiến thông qua vào ngày 28/11 tới đây. Qua 2 kỳ thảo luận, dự án luật được các đại biểu Quốc hội và người dân đánh giá cao bởi khi ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống mua bán người đang gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Liên hoan phim (LHP) châu Á Đà Nẵng là cuộc chơi nghề nghiệp thực sự, không có bất kỳ sự nể nang nào trong tuyển chọn và tôn vinh các tác phẩm, nghệ sĩ. Ban giám khảo không thiên vị, rất thẳng thắn, Ban tổ chức cũng phải đợi đến “sát nút” lễ trao giải mới biết được kết quả.

Chiều 2/11, Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, CBCS của đơn vị trong quá trình làm nhiệm vụ đã giúp đỡ gia đình chị Đ.T.H.H. (SN 1982; trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) tìm thấy con trai đi lạc và đưa về nhà an toàn.

Tại Hội trường Tỉnh ủy Khánh Hòa chiều nay 2/11 đã diễn ra hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2020-2025.

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan. Trong đó, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận cùng bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Làm thế nào để sinh viên ra trường có tính “thực chiến”? Giải pháp nào để gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp? Đào tạo những kiến thức nhà trường có hay những kiến thức, kỹ năng doanh nghiệp cần?... Đó là những vấn đề nóng được đưa ra bàn thảo tại sự kiện.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文