Không mua bảo hiểm y tế lao đao khi vào viện

10:32 31/05/2017
Với mức phí tăng cao sắp tới, gánh nặng tiền bạc của người đi khám chữa bệnh không tham gia BHYT sẽ lớn gấp nhiều lần. Câu chuyện về không ít gia đình lâm vào cảnh bần hàn khi có người nhà không may mắc bệnh hiểm nghèo đã khiến cho nhiều người xót xa.


Theo quy định mới của Bộ Y tế, bắt đầu từ 1-6, giá của hàng ngàn dịch vụ y tế sẽ tăng từ 2 - 3 lần so với mức cũ. Cùng với đó, những bệnh nhân có bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được chi trả cao hơn, từ 80 - 100%. Những người không tham gia BHYT tất nhiên sẽ vẫn phải chi trả 100% mọi chi phí khi tới khám chữa bệnh tại bệnh viện. 

Và với mức phí tăng cao sắp tới, gánh nặng tiền bạc của người đi khám chữa bệnh không tham gia BHYT sẽ lớn gấp nhiều lần. Câu chuyện về không ít gia đình lâm vào cảnh bần hàn khi có người nhà không may mắc bệnh hiểm nghèo đã khiến cho nhiều người xót xa.

Gánh nặng chi phí

Không may mắc bệnh hiểm nghèo phải vào viện mà không có BHYT, đến người giàu còn toát mồ hôi vì tiền, chứ đừng nói đến những gia đình nghèo ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, vốn phải chạy ăn từng bữa. 

Tại Khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, chị Nguyễn Thị Nhất đang chăm chồng bị rắn độc cắn được các bác sĩ điều trị đã qua cơn nguy kịch. Chị kể, chồng chị đi làm đồng về không may bị rắn cắn, may mà sơ cứu, đưa đến bệnh viện kịp thời, nếu không có thể đã nguy hại đến tính mạng. Chi phí điều trị cho chồng chị Nhất đã lên tới gần trăm triệu. 

Tâm lý sợ thiệt khi mua bảo hiểm y tế khiến cho nhiều người rơi vào hoàn cảnh bần cùng khi không may mắc bệnh trọng

Nhà chị xưa nay vốn chả có đồng dư dả bao giờ. Hai vợ chồng làm nông, nuôi hai đứa con lúc nào cũng túng thiếu. Từ hôm chồng nhập viện, chị vay mượn anh em họ hàng một ít, còn lại phải mang giấy tờ nhà cầm cố lấy 50 triệu đồng. Chồng chị vẫn đang còn điều trị tại bệnh viện. Như vậy, vẫn cần phải có tiền chi phí. 

Chị than thở, giá mà nhà tôi mua BHYT thì phần lớn số tiền chữa trị vừa rồi đã được bệnh viện chi trả. Cứ nghĩ nhà mình ai cũng khỏe mạnh bình thường, có ốm đau bệnh tật gì mà mua bảo hiểm. Chữa xong cho chồng về, cũng không biết phải làm gì để có đủ số tiền để chuộc giấy tờ nhà về.

Đến Khoa Thận, Bệnh viện Bạch Mai gặp một hoàn cảnh khác. Chị Trần Thị Quế ở Bắc Ninh ngồi thất thần khi nghĩ đến khoản tiền viện phí của chồng. Chồng chị Quế bị suy thận, nằm viện đã lâu không thuyên giảm, giờ phải lọc máu, chạy thận. Đợt điều trị này sơ sơ gia đình phải lo hơn 100 triệu. Chỗ nào có thể vay chị đều đã vay cả rồi. Chị chia sẻ: “Tôi còn không có nhà để mà cầm cố, vì vợ chồng tôi vẫn đang ở chung với bố mẹ”. 

Hỏi sao trước đó anh chị không mua BHYT, chị Quế cho hay: “Tại cứ nghĩ bỏ hơn triệu bạc ra mua hai cái thẻ cho vợ chồng lại thấy tiếc. Năm này bảo năm sau mua. Vì thấy sức khỏe mình cũng đang ổn định có sao đâu. Thế mà đùng một cái chồng tôi kêu đau, vào viện lại ra bệnh nặng. Nhìn bác nằm cạnh giường chồng tôi, một đợt điều trị được miễn những 70-80 triệu đồng, tôi lại càng thấy mình dại”.

Em Lê Quang Duẩn, sinh viên công nghệ thông tin, nằm bệnh viện điều trị bệnh viêm màng não mủ. Em phải nằm viện 4 tuần, mỗi ngày trung bình chi phí điều trị thuốc men khoảng 4 triệu đồng. Gia đình em lại thuộc hộ nghèo, bố mẹ lo tiền học cho em mỗi tháng đã vô cùng chật vật. 

Mẹ em ngậm ngùi: “Chắc tôi phải gọi người bán nhà thì mới có tiền trả nợ. Đâu ngờ nhà đã nghèo, con lại mắc bệnh trọng. Bảo hiểm y tế thì nhà tôi không ai mua cả. Cứ nghĩ bệnh đâu đến mình”. Khi nghe bác sĩ thông tin, nếu gia đình nghèo có chứng nhận của địa phương thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần tiền mua BHYT, người mẹ đã bật khóc.

Tâm lý “sợ thiệt” khi mua BHYT

Rất nhiều người có tâm lý  “sợ thiệt” khi mua BHYT. Trên một diễn đàn, một người đàn ông chia sẻ, bác đã mua BHYT gần 20 năm nay nhưng chưa hề nhận được một đồng chi trả từ quỹ bảo hiểm này. Do những thủ tục hành chính rườm rà nên mỗi lần đi khám bệnh, bác thường khám dịch vụ cho nhanh. Đây cũng là ý kiến của không ít người đã mua BHYT.

Gánh nặng chi phí sẽ bớt đi rất nhiều, nếu mua bảo hiểm y tế. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Đúng là thủ tục hành chính của ta hiện nay còn phức tạp, cần phải đơn giản, gọn nhẹ hơn. Ngay cả dịch vụ y tế, thái độ của y bác sĩ đối với bệnh nhân cũng còn nhiều vấn đề, nhưng nếu vì những lý do đó mà nhiều người không mua BHYT thì vô tình đã tước đi quyền lợi của chính mình, có thể sẽ gặp khó khăn về tài chính nếu chẳng may mắc bệnh trọng hay tai nạn. 

Bác sĩ Lê Hạnh Nhi (Hà Nội) phân tích: “Mỗi năm một người mua thẻ BHYT hết một khoản phí là 650.000 đồng. Thực ra đây là một khoản phí tương đối nhỏ với các gia đình trung lưu, bình thường và có thể là hơi cao một chút cao đối với các gia đình nghèo. Giả sử một người đóng BHYT liên tục trong 30 năm, thì số tiền họ bỏ ra là 23 triệu 600 ngàn đồng. Nhưng ai dám chắc trong một khoảng thời gian dài như vậy mình lại không từng bị ốm đau hay tai nạn một lần. Một người chẳng may mắc bệnh trọng, điều trị tại bệnh viện, họ có thể được chi trả số tiền lên tới hàng trăm triệu một lần. Nếu bạn may mắn không mắc bệnh, hãy vui và đừng sợ thiệt, bởi vì BHYT là việc nhân đạo. Tiền của bạn đóng là để giúp đỡ những người ốm đau khác. Thực sự, không có nhiều người tham gia đóng BHYT thì quỹ bảo hiểm có thể vỡ do chi trả quá nhiều. Những người già trên 80 tuổi và trẻ em dưới 6 tuổi được miễn bảo hiểm. Chúng ta đóng bảo hiểm vừa an toàn cho mình và nếu mình không có vấn đề về sức khỏe thì cũng là mình đang giúp đỡ những người khác”.

Chương trình BHYT toàn dân được triển khai không nhằm mục đích nào khác là để bảo vệ an toàn cho mỗi người dân, nhất là những người nghèo, dễ bị tổn thương và rất dễ bị rơi vào cảnh bần cùng khi mắc bệnh trọng. Hiện nay, không chỉ người nghèo không quan tâm vấn đề mua BHYT mà không ít gia đình khá giả hơn, ở thành phố cũng không có ý thức về việc này. Đôi khi chỉ bớt đi một bữa nhậu là người ta có thể dành tiền mua BHYT cho cả gia đình trong một năm, nhưng nhiều người vẫn không sẵn sàng. Hàng ngàn sinh viên không mua bảo hiểm, vì cho rằng mình trẻ và chẳng có nguy cơ gì về sức khỏe phải đến bệnh viện. Nhưng nếu gặp một bạn trẻ nằm bệnh viện điều trị liên quan đến tai nạn bất ngờ hay bệnh hiểm nghèo, họ sẽ thấm thía việc không tham gia BHYT đã mang đến gánh nặng cho những người thân khủng khiếp mức nào. Phải bán nhà bán cửa, trở nên bần cùng khốn khó khi có người nhà nằm viện là chuyện chẳng hiếm với không ít gia đình, chỉ vì không tham gia BHYT.

Tuyên truyền để người dân có ý thức trong việc tham gia BHYT là cốt lõi của vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Không ít ý kiến cho rằng, không cần thiết phải có các đoàn bác sĩ khám chữa bệnh miễn phí về các địa phương hàng năm, mà thay vào đó hãy dành kinh phí đó cấp thẻ BHYT cho những người thực sự nghèo. 

Vì khám bệnh thiện nguyện miễn phí kiểu đó, người nghèo chỉ được chăm sóc sức khỏe một lần, còn cấp thẻ cho họ, thì họ có thể được khám bệnh trong suốt một năm. Chính quyền cơ sở tại các địa phương, các đoàn thể xã hội và các tổ chức cá nhân thiện nguyện cũng nên đưa vấn đề tham gia BHYT vào chương tŕnh hành động một cách sâu sát. Để mỗi người dân có một tấm thẻ BHYT, giảm thiểu rủi ro, khó khăn khi không may phải khám chữa bệnh tại bệnh viện. 

Thực tế, số người mắc các bệnh hiểm nghèo, mắc ung thư ngày càng nhiều và tỷ lệ đối với người sống tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa ít có cơ hội khám bệnh định kỳ là rất cao. Nâng cao ý thức cho họ về việc tham gia BHYT, hay giúp đỡ thiết thực để từng người trong số họ có BHYT cũng chính là một cách xóa nghèo, giảm nghèo ở các vùng nông thôn. Để xã hội không phải chứng kiến những cảnh đau lòng tương tự, cứ có người mắc bệnh hiểm nghèo là phải bán nhà hay đi vay lãi, khó khăn chồng chất khó khăn.

Nguyễn Thảo Chi

Để thu hút cá nhân và doanh nghiệp, Hồ Quốc Thân (SN 1992, quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giới thiệu rằng anh ta đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ "Tổng bộ Hồ Chí Minh"; đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam… Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Vì thế, cho đến khi cơ quan Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Đêm 24/12, các tổ công an 141 Công an TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ trên địa bàn toàn thành phố đảm bảo ANTT, phòng chống đua xe đêm Noel qua đó đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp "quái xế" ngổ ngáo có hành vi nẹt pô, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Ngày 24/12, tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mai Sơn và Đội Quản lý thị trường (khu vực Mai Sơn, Yên Châu) đã kiểm tra, phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Châu Sơn La sản xuất, kinh doanh bánh mỳ tươi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi, thay vì thuê cửa hàng truyền thống với chi phí cao, nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh thu hẹp và đóng cửa nhiều cửa hàng và chuyển dần sang bán hàng online qua các kênh, nền tảng thương mại điện tử, nhất là trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Châu Âu đang đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị nghiêm trọng có thể làm xói mòn nền tảng thịnh vượng đã xây dựng suốt hàng thập niên qua. Sự trở lại của ông Donald Trump, cùng với căng thẳng thương mại gia tăng và sự suy thoái trong đổi mới, đang đẩy Liên minh châu Âu (EU) đối diện với bài toán sống còn.

Đội tuyển Việt Nam đang chuẩn bị cho trận bán kết lượt đi ASEAN Cup 2024. Lúc này cái tên Nguyễn Xuân Son được quan tâm nhiều hơn cả. Nhưng nên nhớ rằng, đội tuyển là một tập thể vẫn còn nhiều nhân tố quan trọng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文