Kinh doanh ế ẩm, phố sách Hà Nội kêu cứu
- Nghịch lý Phố sách Hà Nội và TP HCM
- Không gian đọc sáng tạo trong “Thành phố Sách” có quy mô đến 3.000 m2
- Hà Nội: Phố sách thu hút gần 20.000 lượt khách tham quan
Khác hẳn với hình ảnh tấp nập của những tháng đầu khai trương, phố sách bây giờ nếu bạn kiên nhẫn ngồi một buổi để quan sát, bạn có thể đếm được cụ thể số người đến. Và chắc chắn con số người ghé qua rất ít. Số người mua sách còn ít hơn nữa. Ít đến mức các đơn vị làm sách phải đồng loạt gửi thư kêu cứu Ban quản lý phố sách, vì tình trạng ế ẩm đìu hiu đến mức các đơn vị phải bù lỗ và khó mà tồn tại lâu dài.
Doanh thu tuột dốc
Những ai đã đến đường sách ở TP Hồ Chí Minh hẳn sẽ có một sự so sánh giữa hai địa điểm dành cho người yêu sách ở đây và ở Hà Nội. Đường sách TP Hồ Chí Minh sôi động, tấp nập hơn đường sách Hà Nội rất nhiều. Các hoạt động văn hóa cũng thường xuyên diễn ra ở địa điểm này, như các buổi ra mắt sách, sinh hoạt văn hóa liên quan đến sách.
Khách thưa vắng dẫn đến doanh thu của các gian hàng sách tụt giảm so với thời gian đầu mới khai trương |
Phố sách Hà Nội thì chỉ rầm rộ thời gian đầu hồi giữa năm 2017, khi khai trương và có sự hỗ trợ của truyền thông. Chỉ sau mấy tháng, tình hình kinh doanh ở địa điểm này rơi vào ế ẩm. Khách đến thưa vắng dần, đến mức có buổi đi qua phố sách người dân thủ đô chỉ thấy những gian hàng với các nhân viên đứng quầy nhìn nhau, không hề có hoạt động mua bán.
Trong kiến nghị gửi Ban quản lý phố sách Hà Nội, các đơn vị làm sách có gian hàng kinh doanh tại phố sách cũng nêu rõ, thời kỳ đầu doanh thu bán sách của họ là khoảng 125 triệu đồng/ tháng cho một gian sách, đến thời điểm này, doanh thu chỉ còn khoảng 50 triệu/ tháng cho một gian hàng.
Với doanh thu thấp như vậy, chi phí họ phải trả cho các khoản như thuê gian hàng, trả lương nhân viên, phí chăm sách cây xanh, thảm cỏ, phí bảo vệ... thì hầu như các đơn vị có gian hàng ở đây đang phải bù lỗ. Nếu không coi đây như một chi phí cho việc maketing của đơn vị, có lẽ họ sẽ phải đóng cửa các gian hàng của mình.
Nghèo nàn các hoạt động thu hút công chúng
Phố sách Hà Nội có cảnh quan khá đẹp. Các gian hàng được thiết kế lạ mắt, thu hút sự chú ý của công chúng. Hà Nội có một điểm quen thuộc để người yêu sách tìm đến là phố Tràng Tiền, Đinh Lễ, nhưng lần đầu tiên có một nơi để công chúng có thể thảnh thơi ngắm cảnh quan đẹp, nhâm nhi cà phê, mua sách và có thể ngồi đọc sách ở những chiếc ghế đẹp, lịch sự, văn minh.
Ban quản lý cho một con phố gọi là phố sách như vậy được thành phố giao cho Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Hoàn Kiếm. Những ngày đầu để kích cầu, tạo sự chú ý của công chúng, phố sách có nhiều hoạt động tọa đàm ra mắt sách, giới thiệu tác giả tác phẩm, giao lưu nhà văn và độc giả, báo chí truyền thông hỗ trợ đăng tải thông tin liên tục.
Nhưng sau một thời gian ngắn, các khó khăn bắt đầu bộc lộ. Mọi hoạt động sinh hoạt văn hóa gần như không có. Phố sách chỉ còn đơn điệu là những gian hàng bán sách.
Giới trẻ chỉ đến Phố sách để check in là chính, mà không phải để mua sách. |
Tìm hiểu nguyên nhân vì sao lại ít các hoạt động, sự kiện văn hóa được diễn ra ở đây như vậy, quản lý các đơn vị làm sách đều nhấn mạnh, họ không có kinh phí để làm.
Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc Nhà xuất bản Phụ Nữ, Ban quản lý phố sách chưa có những chế độ chính sách để ưu tiên cho các đơn vị làm sách khi muốn tổ chức các sự kiện tại địa điểm này. Mỗi khi tổ chức một sự kiện nào đó, đơn vị làm sách phải làm nhiều thủ tục hành chính nhiêu khê. Các yêu cầu rất chậm được giải quyết. Đa số các đơn vị làm sách làm theo kiểu, mạnh thì làm, có tiền thì làm chứ chưa nhận được sự chia sẻ từ phía Ban quản lý.
Công chúng cũng ngại ngần khi hai đầu phố sách Ban quản lý chặn 2 cái barie, chỉ để một lối rất nhỏ cho người dân đi vào phố sách. Đấy là chưa kể điều kiện vệ sinh ở phố sách chưa được cải thiện. Khách đến mua sách nhiều khi còn bị khó chịu bởi mùi cống nước bốc lên.
Một cán bộ của một nhà xuất bản có gian hàng tại phố sách chia sẻ, mỗi lần muốn tổ chức một sự kiện ở đây như ra mắt sách chẳng hạn, đơn vị làm sách phải chi phí khoảng 7 triệu đồng cho việc thuê âm thanh, sân khấu, phông bạt. Đấy là chưa kể tiền phải trả cho các diễn giả. Trong khi một cuốn sách in ra, nếu bán hết 2.000 cuốn mới lãi được 4 đến 5 triệu đồng. Như vậy, nếu không có sự hỗ trợ từ phía Ban quản lý phố sách, các nhà xuất bản ít dám bỏ tiền cho việc tổ chức các hoạt động ra mắt sách thường xuyên.
Giải pháp nào cho phố sách?
Thiết nghĩ, các hoạt động liên quan đến sách, một công việc đặc thù, thì phải có những người am hiểu về sách tham gia vào hội đồng điều hành phố sách. Ở đây, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao một quận quản lý các hoạt động của phố sách thì có nhiều điểm bất cập, chưa được hợp lý.
Cần phải thành lập một Ban quản lý phố sách với các thành viên là người có kinh nghiệm làm sách, có kinh nghiệm tổ chức sự kiện, có kinh nghiệm làm quảng cáo, truyền thông, và có đầu óc hoạch định về văn hóa. Vì ở một địa điểm có tên gọi phố sách, có thể tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa nhằm thu hút công chúng đến với con phố này.
Có thể làm theo mô hình xã hội hóa, Ban quản lý tự cân bằng thu chi, khai thác tối đa tiềm năng của phố sách, hấp dẫn người đọc sách đã đành, còn phải hấp dẫn những người yêu văn hóa nói chung và cả khách du lịch.
Tình hình hiện nay, với cách quản lý phố sách theo kiểu “cha chung không ai khóc” như vậy thì rất khó để có các chương trình hoạt động dài hơi đảm bảo thu hút sự chú ý của công chúng. Các đơn vị đầu tư sách mong muốn rằng, phải có thêm những hạng mục cần thiết trong phố sách.
Chẳng hạn phải xây dựng một sân khấu ngoài trời có mái che, với hệ thống âm thanh ánh sáng đủ tiêu chuẩn để bất cứ khi nào một đơn vị làm sách có sự kiện muốn tổ chức, họ có thể tổ chức ngay tại đây, mà không phải làm đơn xin phép, long đong lận đận đi thuê các thiết bị như hiện nay.
Trao đổi với báo chí về những khó khăn của phố sách, Lãnh đạo Sở Thông tin -Truyền thông TP Hà Nội khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của các đơn vị làm sách và sẽ có phương án cụ thể tháo gỡ những bất cập hiện nay cho phố sách. Theo đó, những kế hoạch dài hạn, hợp lý sẽ được hỗ trợ để phố sách thực sự là điểm đến văn hóa yêu thích cho nhân dân thủ đô và du khách, không còn cảnh đìu hiu ế ẩm ái ngại như hiện tại.