Kinh tế châu Âu giữa vòng xoáy COVID - 19

16:35 14/04/2020
Sự thật là chính phủ các quốc gia Châu Âu đang loay hoay tìm cách đối phó với những hậu quả kinh tế đương thời, chứ người ta chưa nói gì đến những hậu quả về lâu dài. Sự vụng về trong quá trình xử lý tình hình dịch bệnh của Châu Âu là biểu hiện của những vấn đề cố hữu trong nền kinh tế của một châu lục già, và xứng đáng được các quốc gia khác tham khảo để lấy làm bài học cho mình.


Đại dịch Corona đang từng ngày, từng giờ làm thay đổi một cách cực kỳ nhanh chóng bộ mặt nền kinh tế thế giới. Các dự án xây dựng phải tạm dừng; nhà máy phải đóng cửa, và những dịch vụ trung chuyển, du lịch, v.v… càng hoạt động càng trở nên lỗ nặng. Chỉ riêng tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, nơi mà dịch bệnh COVID-19 khởi phát đầu tiên, cũng đã phải hứng chịu mức giảm sản lượng công nghiệp lên đến 13,5%/năm, còn doanh thu bán lẻ giảm 20,5%/năm. Trong cơn đại dịch trầm trọng, vừa mới đây thôi, trên tờ "The Economist" của nước Anh đã phải chạy dòng tít lớn: "Thảm họa sau thảm họa: Liệu suy thoái kinh tế có sắp diễn ra?!".

Thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Pháp Emmanuel Macron (chính giữa) và thủ tướng Xavier Bettel bàn thảo bên lề một hội nghị tại Brussels, Bỉ.

Suy thoái rất có thể chưa xảy ra, nhưng ngay lúc này chính phủ nhiều nước đã bắt đầu có một số động thái tích cực nhằm giúp củng cố lại nền kinh tế đang lung lay của mình. Lại nói về Trung Quốc. Ngay từ tháng 2 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề ra chính sách hạn chế việc các doanh nghiệp đuổi việc người lao động đi kèm với một số gói kích cầu các ngành công nghiệp trọng yếu. Còn với châu Âu, nơi được coi là "điểm nóng" thứ hai về tình hình dịch bệnh hiện nay, chắc hẳn cũng sẽ buộc phải đi theo bước chân của Trung Quốc chăng?!

Không! Sự thật là chính phủ các quốc gia Châu Âu đang loay hoay tìm cách đối phó với những hậu quả kinh tế đương thời, chứ người ta chưa nói gì đến những hậu quả về lâu dài. Sự vụng về trong quá trình xử lý tình hình dịch bệnh của Châu Âu là biểu hiện của những vấn đề cố hữu trong nền kinh tế của một châu lục già, và xứng đáng được các quốc gia khác tham khảo để lấy làm bài học cho mình.

Một vở kịch Opera được biểu diễn trong nhà hát trống không tại Berlin, Đức.

Nước Ý hiện là điểm nóng số một tại châu Âu của dịch COVID-19 chỉ sau Trung Quốc mà thôi. Sự kết hợp giữa chi tiêu cho y tế công giảm, địa bàn dân cư phân bố rộng, và thói quen sinh hoạt của người dân đã tạo điều kiện cho Corona lây lan với một tốc độ chóng mặt tại quốc gia Nam Âu này. Để ngăn chặn bệnh dịch, chính phủ Ý buộc phải có những biện pháp mạnh tay, như: Thủ tướng Giuseppe Conte ngày 22 tháng 3 vừa rồi đã ra chỉ thị đóng cửa mọi trường học, nhà máy, cửa hàng, cơ sở kinh doanh không trọng yếu, v.v… đồng thời tiến hành thắt chặt kiểm soát mọi nẻo đường biên giới.

Chẳng cần nói, hậu quả của chính sách cô lập phong toả nói trên đối với nền du lịch Ý là vô cùng lớn. Chỉ riêng một mình ngành bán lẻ của Ý đã đóng góp 12% GDP của nước này. Con số này được dự báo sẽ giảm hơn 70% trong vòng những tháng sắp tới. Nếu cộng cả những tổn thất từ ngành du lịch và công nghiệp chính xác, hai "đầu tầu" dẫn dắt nước Ý, thì nền kinh tế của quốc gia này có thể sụt giảm đến 0,5% trong năm 2020.

Tình trạng phong toả nền kinh tế tại Ý có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc. Thủ tướng Comte đã phát biểu rằng, sau ngày 3 tháng 4 tới đây, có khả năng chính phủ sẽ xem xét việc cho mở cửa lại một số ngành nghề kinh doanh. Động thái này đang nhận phải sự chỉ trích của các công đoàn, sự thật là hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn không chuẩn bị cả những biện pháp phòng bệnh đơn giản nhất cho người lao động như khẩu trang và nước rửa tay, v. v...

Vì thiếu công nhân mà nhiều nhà vườn ở châu Âu đang rơi vào cảnh lao đao.

Ở một số tập đoàn đa quốc gia có nhiều nguồn lực hơn để tiến hành phòng bệnh, họ cũng đang sản xuất theo kiểu cầm chừng. Người ta lo sợ rằng, kể cả khi công nhân của mình không bị bệnh thì tình hình kinh tế hiện tại cũng sẽ gây thiệt hại nặng cho bản thân doanh nghiệp. Người phát ngôn của chi nhánh tập đoàn Airbus tại nước Ý trả lời báo chí như sau: "Airbus và các nhà thầu phụ của mình đang rất cần những phát ngôn rõ ràng về chính sách đối phó với hậu quả kinh tế do virus COVID-19 từ chính phủ Ý!".

Ngành nông nghiệp cũng chịu thiệt hại như ngành công nghiệp vậy. Tại Hà Lan, các nông dân trồng hoa xuất khẩu không thể nào tìm được cách cho sản phẩm của họ xuất cảng được vì không có chủ tàu nào dám ra khơi đến những vùng tâm dịch như Trung Quốc và Ấn Độ.

Vì đại dịch COVID-19 mà các bạn hàng truyền thống ngoảnh mặt làm ngơ cho nên người Hà Lan buộc phải mang hoa tới các trung tâm đấu giá với hy vọng vớt vát được cơ may có thể nào đó. Nhưng rốt cuộc,  tại các cơ sở này cũng trở nên đìu hiu ảm đạm, vì không có người tham gia đấu giá, sau hơn 100 năm ra đời và tồn tại. Thế nên, nếu như trước đây mỗi ngày người Hà Lan bán ra thị trường thế giới một khối lượng khổng lồ gồm rất nhiều triệu bông hoa các loại thì nay khoản "đầu ra" ấy sụt giảm tới hơn 70%.

Bản thân người dân Hà Lan cũng không có tâm trạng mua hoa. Vậy là người nông dân chỉ còn cách chất đống hoa thu hoạch trên ruộng để trở thành rác thối hoặc làm thức ăn cho bò, kể cả Tuy - luýp, loài hoa đại diện cho hình ảnh đất nước họ. Nhiều hộ gia đình làm nghề trồng và kinh doanh hoa đã nhiều thế kỷ nay đành phải ngậm ngùi đóng cửa. Còn với cả đất nước Hà Lan, chỉ riêng với ngành trồng và xuất khẩu hoa của đất nước này được dự báo là sẽ phải đối mặt với khả năng thiệt hại khoảng 6 nghìn tỷ Euro trong năm nay.

Một con phố mua sắm bị đóng cửa tại thành phố Genoa, miền bắc nước Ý.

Sau Ý, Pháp là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề  nhất của dịch Corona. Tuy vậy, trái với người láng giềng phía nam của mình, chính phủ Pháp lại không cho đóng cửa những cửa hàng, cơ sở kinh doanh không thiết yếu. Tổng thống Emmanuel Macron tỏ ra rất tự tin khi phát biểu: "Chúng ta phải tiếp tục sản xuất để giữ cho nền kinh tế hoạt động!". Ông Macron đặc biệt quan tâm đến ngành xây dựng hiện đang tạo ra 1,5 triệu công ăn việc làm và đóng góp 6% GDP cho đất nước mình.

Bỏ qua những nguy hiểm tiềm tàng do không thực hiện cách ly phong toả tại các vùng dịch, tham vọng của ông Macron nhiều khả năng sẽ không thực hiện được vì một lý do đơn giản: Không có người lao động hay khách hàng nào muốn ra ngoài trong thời điểm dịch bệnh này! Đơn cử như trường hợp ông Franck Dattée, chủ một doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện cho các công trình xây dựng. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Franck đã chua chát trả lời cánh báo chí thế này:

"Mọi công trình xây dựng trong vùng đã bị đóng cửa vì không có nhân công. Tôi bị buộc phải cho những thợ điện của mình nghỉ. Nhưng mà kể cả khi chúng tôi có việc thì cũng khó có thể hoạt động được, vì trong công ty có 50 thợ điện thì hơn 30 người đã xin nghỉ rồi!".

Người nông dân Hà Lan buộc phải bỏ hoa của mình đi vì không tiêu thụ được.

Động thái nói trên của chính phủ Pháp còn đang khiến tầng lớp công nhân nước này trở nên bất mãn, đặc biệt là sau khi Bộ trưởng Bộ Lao động Muriel Pénicaud gọi những người đang tự cách ly tại nhà là "một lũ hèn nhát!". Nếu không vì đại dịch Corona thì có lẽ phát ngôn này sẽ khiến người lao động Pháp lại ra đường biểu tình chỉ vài tháng sau khi họ thực hiện bãi công toàn quốc phản đối quá trình tư nhân hoá các ngành công nghiệp quan trọng.

Những tranh cãi và bất hòa tương tự đang diễn ra trên khắp châu Âu. Như là ở Thụy Điển chẳng hạn, các nhà khoa học và nhà báo đang "khẩu chiến" với nhau trên mặt báo về việc những biện pháp phòng chống bệnh dịch COVID-19 liệu có đang làm hại nền kinh tế nước này hay không?! Còn tại Tây Ban Nha, mâu thuẫn giữa chính phủ trung ương và vùng tự trị Catalan lại một lần nữa nóng lên khi Madrid cố gắng ngăn cản chính sách đóng cửa và phong toả do chính quyền tự trị áp dụng.

Hậu quả của sự trì trệ trên khắp nền kinh tế có thể sẽ kéo dài rất nhiều năm sau nữa. Người dân tại Anh trong nhiều năm nay đã phải đối mặt với tình trạng không mua được nhà vì thị trường bất động sản nhảy vọt do hiện tượng đầu cơ. Nay thì làn sóng đầu cơ đã kết thúc, nhưng mà người Anh vẫn không có nhà để mua vì các nhà thầu đã đồng loạt cho ngừng việc thi công các công trình mới. Mà ai cũng biết rằng: vô gia cư vừa là hậu quả, vừa là lý do của nghèo đói.

Theo Tổ chức Lao động Thế giới thì tại riêng châu Âu sẽ có khoảng 25 triệu người lao động thất nghiệp vì đại dịch COVID-19. Những quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất sẽ là Ý, Pháp và Anh - hiện nay tỷ lệ thất nghiệp tại Anh đã đạt 6% và dự báo sẽ còn tăng lên thêm nữa. Tuy rằng hệ thống trợ cấp thất nghiệp tại Châu Âu tốt hơn Mỹ và châu Á rất nhiều, nhưng số người thất nghiệp tăng nhanh chóng chỉ trong vài tuần đang  trở thành gánh nặng khủng khiếp lên mạng lưới an sinh xã hội. Một biện pháp có thể giúp giải quyết tình trạng này là tăng thuế đối với đối tượng người giàu.  Tuy vậy, trong bối cảnh nền kinh tế trượt dốc này, chính phủ nhiều nước châu Âu không dám nghĩ đến hướng giải quyết đó.

Nếu như hồi đầu tháng một năm nay, các ngành công nghiệp tại châu Âu đều có dấu hiệu tăng trưởng ổn định, thì nay cả nền kinh tế đang ở trong trạng thái nguy hiểm: rơi tự do. Từ các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ ảnh hưởng của virus COVID - 19 đã lan sang giới tài chính. Chỉ số chứng khoán Stoxx 600 trên toàn châu Âu đã có phiên giảm điểm lịch sử đến tận 15% giá trị vào ngày 19 tháng 3 vừa qua, tạo nên một cơn sốt thoái vốn trên khắp các quốc gia khối EU.

Người khiến cho sàn chứng khoán châu Âu chao đảo lại chính là bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu. Bà này đã có một phát biểu thẳng thắn trước Nghị viện châu Âu rằng: "Việc cứu giúp các quốc gia đang mắc nợ phụ thuộc hoàn toàn vào chính phủ các nước chứ không phải Ngân hàng Trung ương châu Âu!".  Lời phát biểu đó đã xoá tan mọi hy vọng của các nhà đầu tư về việc sẽ lại có một cuộc giải cứu nợ giống như với Hy Lạp hồi năm 2012, dẫn đến làn sóng thoái vốn đã nói ở trên.

Một cặp vợ chồng Đức đứng trước cửa hàng tạp hoá bị đóng cửa vì dịch Corona.

Tuy sau đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, đã tuyên bố một gói cứu trợ trị giá 37 nghìn tỷ euro để giải quyết hậu quả của đại dịch Corona, các quốc gia thuộc khối EU hiện đều hiểu rằng họ chỉ có thể dựa vào nội lực của chính mình để thoát khỏi tình thế khó khăn hiện thời mà thôi. Câu hỏi đặt ra lúc này là: Họ sẽ giải quyết vấn đề nào đầu tiên?!

Tại Ý, Hy Lạp, Serbia, và một số quốc gia Nam Âu khác, sự chú ý đang đổ vào các ngân hàng. Tuy rằng các ngân hàng nội địa của họ có cán cân tín dụng tốt hơn hồi năm 2011, ấy thế nhưng số nợ của ngân hàng vẫn đang ở mức cao và có khả năng sẽ tăng trong thời gian tới. Trước sự vắng mặt của Ngân hàng Trung ương châu Âu, gần như chắc chắn rằng, chính phủ các quốc gia này sẽ phải đàm phán riêng rẽ với từng chủ nợ của mình để lùi thời gian đáo hạn cho các ngân hàng. Liệu các chủ nợ có đồng ý với yêu cầu này hay không và với các yêu sách như thế nào, đây là một câu hỏi cần lời giải đáp thỏa đáng.

Ở Đức, tác động của dịch Corona không nặng nề như ở Ý hay Pháp, nhưng ngành xuất khẩu của họ lại đang chịu thiệt hại lớn - 56% doanh nghiệp Đức đang trong tình trạng tăng trưởng âm. Trong  đó 44% là do nhu cầu suy giảm và phần còn lại vì các nhà cung cấp sản phẩm trung gian ở nước ngoài không xuất được hàng. Chính phủ của bà thủ tướng Angela Merkel đang bàn đến việc phá vỡ thế cân bằng ngân sách để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp. Đây là một điều gần như không thể tưởng tượng được dưới thời của bà Merkel, nhưng những cuộc bàn luận tương tự đang diễn ra ở các quốc gia Châu Âu khác.

Hiện nay biện pháp hỗ trợ của chính phủ các quốc gia khối EU chủ yếu là dưới dạng chính sách hạ trần lãi suất, lùi thời gian đáo hạn các khoản vay ngân hàng, và "bơm" những gói kích cầu vào doanh nghiệp. Dưới sự tàn phá của đại dịch Corona, một số nhà kinh tế đang đặt câu hỏi: liệu những biện pháp nói trên đã là đủ hay chưa?! 

Ông Christian Odendahl, trưởng bộ phân nghiên cứu của Trung tâm Cải cách châu Âu đặt tại Berlin, nhận xét: "Nhu cầu của nền kinh tế giảm nhưng không có nghĩa là giảm vĩnh cửu. Ngay sau khi đại dịch kết thúc, người dân sẽ lại bắt đầu tăng mạnh tiêu dùng, tạo động lực cho những ngành bán lẻ, hàng không, du lịch, v.v…tăng trưởng. Vấn đề là các ngành công nghiệp. Chuỗi cung ứng toàn cầu đã chịu thiệt hại nặng vì virus COVID-19. Sẽ cần một thời gian dài để các chủ thể tại mỗi quốc gia xây dựng lại cơ sở hạ tầng, đội ngũ lao động, và nguồn vốn để có thể bắt kịp đà sản xuất từ trước khi đại dịch xảy ra!".

Cũng giống như nước Mỹ, hầu hết các ngành công nghiệp sản xuất tại châu Âu đều đã chuyển sang Trung Quốc và những quốc gia Đông Á khác. Nay thì hàng hoá không thể chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu được, để lại một "lỗ hổng" đáng sợ trong nền kinh tế. Một quốc gia phát triển bền vững sẽ có thể kết hợp được quyền lực công và những nguồn lực tư nhân để giải quyết được các khủng hoảng.

Nhưng vì hầu hết ngành công nghiệp sản xuất của châu Âu đã "biến mất", nên các quốc gia không còn khả năng nào để đối phó trong trường hợp bị buộc phải cô lập. Ngay cả nước Anh từng có thời được coi là "công xưởng của thế giới" cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Mới đây thôi nhiều nghị viên đã phải lên Twitter kêu gọi bất cứ doanh nghiệp, hoặc startup nào đó hãy chung tay sản xuất máy thở cho các bệnh viện. Trong khi đó, tại Trung Quốc, chính quyền chỉ cần ra chỉ thị cho các nhà máy để làm điều tương tự.

Giới lãnh đạo các quốc gia châu Âu đã nhận ra vấn đề nói trên. Tuy vậy, họ cũng hiểu rằng,  không thể giải quyết nó một sớm một chiều được, trong khi đại dịch Corona lại đang "gõ cửa" đất nước họ với những hậu quả khủng khiếp nhãn tiền. Mục tiêu trước mắt của những nước thành viên khối EU là hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tránh khỏi cảnh phải tuyên bố phá sản.

Hiện có một biện pháp đang nhận được sự chú ý đặc biệt của nhiều quốc gia cùng khối, ấy là: phát hành trái phiếu Corona; hoặc là Ngân hàng Trung ương châu Âu; hay Ủy ban châu Âu đứng ra đảm bảo cho các quốc gia chịu nợ Ý, Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Nếu một trong những vấn đề trên được thực thi thì khoản trái phiếu cần được bán sẽ đạt giá trị khoảng một trăm nghìn tỷ euro. Một con số tài chính không hề nhỏ trong cơn đại dịch COVID-19.

Chìa khoá cho sự hồi phục của nền kinh tế châu Âu nhiều khả năng nằm ở việc chính quyền các quốc gia sớm nhận ra "lỗ hổng" nói trên và tiến hành phục hồi lại nền công nghiệp sản xuất của họ. Đồng thời thì, các quốc gia cũng nên dành riêng ra một khoản ngân sách đáng kể để phòng bị, tránh tình trạng chi tiêu "quá tay" mà phải vay nợ những khi nền kinh tế chịu bất ổn và cô lập. Đây không chỉ là bước chuẩn bị cần thiết để đối phó với dịch Corona hiện tại, mà còn tạo tiền đề nhằm giải quyết những khó khăn còn tiềm ẩn bởi biến đổi khí hậu, bất ổn chính trị, v.v… rất có thể sẽ xảy ra trong tương lai.

LÊ CÔNG VŨ (tổng hợp)

Chiều 10/1, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Quốc Nam, cựu Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu về hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Tiếp tục mở rộng điều tra vụ án “Mua bán trái phép hóa đơn GTGT, trốn thuế, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Cổ phần xi măng Hạ Long, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt tạm giam nguyên Tổng giám đốc của công ty này.

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” và “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty Trung Hậu 68, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan.

Theo điều tra, Công ty CP đầu tư xây dựng Hùng Phát Group (có địa chỉ tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), nay đổi tên thành Công ty CP tập đoàn đầu tư Hùng Phát Group (địa chỉ số 6 phố Hoàng Sâm, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) do Lê Phú Long (SN 1989, quê quán tỉnh Thanh Hóa, trú tại huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) là đại diện pháp luật.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, Chủ tịch HĐTV Công ty Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) Trần Tuyết Mai đã sử dụng sai Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) gây thiệt hại hơn 317 tỷ đồng. Ngoài ra, bị can Mai còn dùng hai hệ thống sổ sách kế toán để không đóng hàng chục tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường.

Ngày 10/1, đại diện VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiến hành luận tội và đề nghị mức hình phạt đối với 144 bị cáo có đơn kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam) ĐKVN), 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Ngày 10/1, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bị cáo Phạm Thị Tuyết Nhung (Giám đốc Công ty Angel Lina và Công ty Thương mại Dịch vụ Hoàng Gia), Trần Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Hoàng Kim Land) cùng 7 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文