Ám ảnh những nỗi đau mang tên bom mìn giữa thời bình

09:35 24/09/2018
Hơn 40 năm chiến tranh đã qua đi, nhưng những vết thương, những cái chết do bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra vẫn còn là nỗi ám ảnh của nhiều người dân. Từ năm 1975 đến nay, số bom mìn tồn sót phát nổ đã khiến hơn 40 nghìn người chết, 60 nghìn người bị thương - phần lớn là lực lượng lao động chính trong gia đình và trẻ nhỏ. 


Có đến dải đất miền Trung mới thấy nơi đây nỗi đau thời hậu chiến vẫn còn dai dẳng, mãi ám ảnh họ. Đau đớn đến mức, ở đây nhiều ngôi làng được gắn với những cái tên như: Làng góa bụa, xóm liều, xóm tử thần, xóm mồ côi, làng “cụt đọt”…

Nỗi đau ở "Bến không chồng"

Chúng tôi tìm về thôn 6, xã Hải Thái, huyện Gio Linh đúng vào một ngày mưa. Đây được coi là điểm nóng nhất về bom mìn. Xóm còn được gọi bằng những tên khác như: “xóm tử thần”, “xóm góa bụa”, “xóm liều”, “bến không chồng”…

Giờ đây, những cái tên ấy đã dần mai một đi nhưng nó lại được thay thế bằng một cái tên khác xót xa không kém “xóm cụt đọt”. “Cụt đọt” theo tiếng miền Trung có nghĩa là cái cây mà mất đi ngọn, dù vẫn sống nhưng chẳng thể phát triển được. “Xóm cụt đọt” chính là ám chỉ cuộc sống của người dân nơi đây cứ tạm bợ, ngày qua ngày vậy thôi.

Những chứng tích bom mìn trên mảnh đất Quảng Trị.

Theo tìm hiểu của phóng viên, người dân thôn 6 chủ yếu là những người từ nơi khác chuyển về sinh sống sau ngày đất nước thống nhất. Họ đều giống nhau ở chỗ không nghề nghiệp, không ruộng vườn để cày cấy mưu sinh. Đó cũng chính là lý do khiến họ phải “đánh cược” mạng sống của mình khi quyết định kiếm cơm bằng nghề rà phá bom mìn. 

Có những thời điểm, 100%  đàn ông thôn 6 kéo nhau đi rà phá bom mìn, tìm kiếm phế liệu bán lấy tiền nuôi sống gia đình để rồi hàng loạt cái chết thương tâm cũng bắt nguồn từ đây. Những ngôi nhà trong thôn cứ dần dần mất đi trụ cột là người đàn ông, để lại cảnh mẹ góa con côi.

Chị Nguyễn Thị Phượng một người dân thôn 6 cho biết: “Chúng tôi sống ở đây lâu dần thành quen, hễ hôm nào nghe thấy tiếng bom nổ là y rằng hôm sau trong làng sẽ có đám ma. Mà đâu có phải một tiếng bom nổ là một mạng người ra đi đâu, nhiều khi có đến 4, 5 người bỏ mạng cùng một lúc. Vì làm cái này anh em, hàng xóm hay rủ nhau đi cùng mà”.

Theo lời kể của chị Phượng, chúng tôi tìm đến nhà bà Tạ Thị Thanh. Ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng, phía trong vật dụng chẳng có gì đáng giá. Phía ngoài vườn là 2 tấm bia dựng sát nhau. Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc thì bà Thanh giải thích: “Đây là 2 ngôi mộ của chồng và người con trai cả của tôi. 

Năm 1991, trong một lần ngồi cưa bom lấy thuốc nổ thì bị bom phát nổ nên đã hất tung chồng và con tôi ra xa khiến thi thể mỗi nơi một mảnh, tội lắm. Ông ấy đi để lại cho tôi 6 đứa con thơ. Lúc đó tôi cũng chỉ ước giá mà mình có thể đi theo chồng thôi nhưng nghĩ đến 6 đứa con nheo nhóc tôi lại cố gượng. Đến giờ tôi cũng chẳng hiểu mình vượt qua những ngày tháng đó bằng cách nào nữa”.

Cũng chịu cảnh góa bụa như bà Thanh, nhưng hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Hương còn thương tâm hơn nhiều. Bởi lẽ, chị Hương và chồng mới chỉ cưới nhau được 5 tháng tính tới ngày chồng chị vĩnh viễn ra đi. Nhắc lại chuyện cũ, đôi mắt chị đỏ hoe: “Vợ chồng tôi mới ở với nhau chưa đầy nửa năm trời. Lúc anh ấy ra đi tôi đang mang thai đứa con đầu lòng. 

Chị Phượng rớt nước mắt kể về những tai nạn bom mìn xảy ra trong thôn.

Ông trời quá nghiệt ngã đã không cho anh ấy được nhìn thấy mặt con dù chỉ một lần. Hồi đó tôi còn trẻ lắm nhiều người cứ khuyên là nên đi bước nữa chứ ở vậy sao đành nhưng tôi không làm thế. Một phần vì tôi vẫn còn rất yêu chồng tôi, phần khác nữa là đàn ông trong thôn cũng có được bao nhiêu người đâu, chết vì bom mìn vãn cả mà”.

Hay như gia đình bà Tạ Thị Nga, lúc mới chuyển về thôn 6, suốt mấy tháng trời gia đình mấy miệng ăn bữa đói bữa no vì không có công việc gì ổn định. Bí quá, vợ chồng bà bàn với nhau là sẽ đi cưa bom và buôn bán phế liệu ngay tại nhà. 

Bà Nga nhớ lại: “Hôm bom nổ, tôi đang ở nhà hàng xóm. Lúc tôi chạy về thì căn nhà của vợ chồng tôi đã bị san phẳng. Chồng và con cũng không tìm thấy xác đâu nữa vì sức công phá của quả bom lớn quá. Sau này hàng xóm láng giềng thương tình đã chặt cói, bện rơm dựng tạm cho mẹ con tôi túp lều để sống qua ngày. Trường hợp của bà Lê Thị Bun lại khác. Bà ngập ngừng mãi mới nói: “Chồng tui không chết nhưng đã đi xa…”. 

Ngày trước, dù xoay xở đủ thứ nghề nhưng gia đình bà vẫn không đủ ăn đủ mặc. Chồng bà như bao người đàn ông khác trên mảnh đất này phải kiếm sống từ bom đạn. Trong một lần tháo ngòi nổ, ông bị cụt mất một chân. Dù rất sợ hãi nhưng chồng bà Bun không biết làm gì nên vẫn phải trở lại với nghề cũ. Gắng được thời gian ngắn thì ông giải nghệ rồi ông bỏ vào Nam biền biệt không về nữa.

Chị Nguyễn Thị Phượng bảo, ngày trước, những gia đình “cụt đọt” ở cái xóm này nhiều lắm. Về sau có nhiều người vẫn còn anh em họ hàng ở xứ khác nên sợ quá mang con cái đi mất. Những người ở lại vì họ không biết đi đâu về đâu để sinh sống, đành ngày ngày đi kiếm củi, chăn bò, cuốc đất… kiếm bữa cơm qua ngày, chỉ mong sao những lần lên rừng, trời thương khiến họ không “lỡ tay” đụng phải bom mìn còn sót lại lần nữa.

Bom, mìn phải cưa ra thì bán mới… giá trị!

Ông Nguyễn Văn Bình, thôn 6, xã Hải Thái cho biết: “Nếu bán nguyên quả bom thì chẳng được bao nhiêu tiền nhưng nếu cưa ra, phân ra từng loại như vỏ bom một chỗ, thuốc nổ một chỗ, những linh kiện có chứa kim loại một chỗ thì sẽ được giá hơn nhiều.

Ban đầu những người dân quê tôi cũng chỉ đi nhặt và bán nguyên quả thôi, sau thấy có những người lạ đến họ thu mua rồi chở cả lên rừng cưa cưa, cắt cắt. Hỏi ra thì họ bảo làm thế mới được giá thế là chúng tôi cũng học theo. Cũng vì học theo để có được nhiều tiền hơn thì số người phải bỏ mạng cũng nhiều hơn”.

Góc xã Hải Thái – điểm nóng về bom mìn ở Quảng Trị.

Làm trong vùng chưa thỏa, người dân thôn 6 còn đi những vùng lân cận để thu mua. Bom nhỏ thì đặt lên xe đạp, chằng dây chun chở về. Bom to thì dùng xe bò kéo gom về một chỗ rồi bắt đầu công đoạn cưa, cắt. Ông Bình bảo: “Hồi đó nếu người nào phát hiện ra hầm bom đạn của quân đội Mỹ còn sót lại thì mừng như bắt được vàng. 

Cứ thế họ âm thầm rủ người thân, bạn bè đến đó cưa dần”. Thời cao điểm của phong trào cưa bom lấy thuốc nổ và lấy kim loại quý là từ những năm 1991 đến năm 1996. Không chỉ những người dân thôn 6 mà cả những người dân quanh vùng cũng rầm rộ “học” theo.

Những năm trước, mỗi ngày, một người trung bình có thể nhặt tới 50kg phế liệu lộ thiên. Có thời điểm giá thu mua sắt vụn đắt nên thu nhập của người dân từ nghề này khá cao. Do vậy, nghề cưa bom, mìn dù biết là cực kỳ nguy hiểm nhưng nó vẫn được coi là lựa chọn hàng đầu và gần như là duy nhất đối với những người dân nơi đây. 

“Không chỉ người lớn mà ngay cả những đứa trẻ cũng rủ nhau đi thu gom bom, mìn để bán lấy tiền mua sách vở, đổi lấy bánh kẹo. Trong lúc thu gom ấy thì không thể tránh khỏi những rủi ro đáng tiếc. Như năm 2008, ở xã Húc (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - pv) đã xảy ra vụ nổ mìn khiến một đứa trẻ chết ngay tại chỗ, đứa còn lại bị thương rất nặng”.

Hay như ở xã Trung Sơn (huyện Gio Linh), một buổi chiều cách đây vài năm, người dân bỗng nghe thấy một tiếng nổ đinh tai nhức óc. Lúc mọi người chạy đến rừng tràm, mặt đất đã xuất hiện một hố sâu hoắm, máu me vương vãi. Nạn nhân của vụ nổ là anh Lê Hữu Hà. 

Bà Thanh bên hai ngôi mộ của chồng và con trong vườn nhà.

Cả đêm hôm ấy người dân Trung Sơn đã phải soi đèn pin để tìm những mảnh thi thể của anh Hà gom về nhà mai táng. Tai nạn xảy ra quá đột ngột khiến người vợ trẻ của anh Hà đã ngất lên ngất xuống. Chị gào trong tuyệt vọng: “Anh đi rồi, em biết làm gì để nuôi các con đây?”.

Cuộc sống nghiệt ngã và đầy rủi ro nhưng hầu hết những người dân nơi đây vẫn cố bám trụ lại mảnh đất này bởi suy cho cùng, họ vẫn xem đấy là nghề mưu sinh của họ.

Kỳ 2: Hồi sinh vùng đất chết: Cuộc chiến đầy máu và nước mắt của những cô gái đôi mươi

Song Anh

Nhiều khu đất lớn đang trong giai đoạn chính quyền TP Đà Nẵng rao bán đấu giá bị doanh nghiệp ngang nhiên lấn chiếm làm công trình, bãi tập kết máy móc, vật liệu xây dựng. Thậm chí, có trường hợp chiếm đất công rồi tổ chức cho người khác đổ xà bần, rác thải để thu tiền theo đầu xe. Đã có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự... 

Cơn bão Man-yi, hiện cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 2.000 km được đánh giá là cơn bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17, có khả năng tiến vào Biển Đông trong ngày 18/11.

"Không thể để Thủ đô cứ mưa lớn lại ngập, trong nội đô ngập, ở ngoại đô, người dân phải chèo thuyền vào tầng 2 nhà mình",  TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát biểu như vậy tại Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức sáng 14/11 tại Hà Nội.

Ngày 14/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã có kết luận điều tra về đường dây chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng số lượng lớn do bị can Lềnh Chi Và (SN 1984) và Nguyễn Trung Hiếu (SN 1991), cùng ngụ tại huyện Định Quán (Đồng Nai) thực hiện hành vi phạm tội.

Trưa 14/11, Giải đua ghe Ngo trong Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần VH-TT&DL Sóc Trăng lần thứ 1 năm 2024 chính thức khai mạc tại Khán đài đua ghe Ngo (sông Maspero, TP Sóc Trăng), với sự tranh tài của 60 đội ghe Ngo (53 đội nam, 7 đội nữ) đến từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ.

Sáng 14/11, Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh đã cung cấp thông tin xung quanh việc mở rộng đấu tranh Chuyên án VN10, xử lý triệt để các đối tượng đã từng mua ma túy từ các đối tượng bị bắt giữ trong chuyên án để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng chú ý, các đối tượng liên quan tới cả người mẫu, diễn viên, ca sĩ và những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội…

Ngày 14/11, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết, đang điều tra vụ án hình sự Cưỡng đoạt tài sản, xảy ra tháng 7/2020 tại Phòng 1004, tầng 10, khách sạn Thể Thao (số 15 Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文