“Tín dụng đen” vòi bạch tuộc vươn từ thành thị đến nông thôn - Kỳ 1

12:20 21/03/2019
Tại địa bàn huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), theo Đại tá Cao Hữu Nguyên, Trưởng Công an huyện cho biết, nguyên nhân mà các băng nhóm hoạt động theo kiểu “tín dụng đen” trên địa bàn là bởi Nhơn Trạch có gần 140 nghìn người từ khắp các nơi đến tạm cư...


Đi tìm nguyên nhân

Đồng Nai có thời gian được ví như lãnh địa “tín dụng đen” bởi nhiều lý do khác nhau. Tại địa bàn huyện Nhơn Trạch, theo Đại tá Cao Hữu Nguyên, Trưởng Công an huyện cho biết, qua ghi nhận thực tế từ công tác trinh sát nắm tình hình cho thấy, nguyên nhân mà các băng nhóm hoạt động theo kiểu “tín dụng đen” trên địa bàn là bởi Nhơn Trạch có gần 140 nghìn người từ khắp các nơi đến tạm cư, trong đó có khoảng 120 nghìn công nhân và gần 20 nghìn lao động tự do. 

Hầu hết số người tạm cư này có mức thu nhập trung bình, chỉ đủ trang trải cuộc sống bao gồm tiền thuê nhà, điện, nước, tiền ăn và mua sắm một số loại nhu yếu phẩm khác, họ cũng không có người thân thích nên khi bị bệnh nặng hoặc hữu sự cần món tiền lớn (một vài chục triệu) thì đành nhắm mắt vay của một số băng nhóm cho vay nặng lãi. 

Đa số những người đi vay khi được hỏi, họ đều có chung suy nghĩ là sau khi chữa khỏi bệnh hoặc giải quyết được sự việc thì tập trung đi làm kiếm tiền trả dần và liên hệ với người thân ở quê tìm cách vay gửi để trả dứt điểm. 

Tuy nhiên, những cách tính toán của người đi vay đều không khả quan bởi trước khi sử dụng món tiền lớn thì cuộc sống của họ cũng thiếu trước hụt sau, những người thân ở quê cũng chẳng dư giả gì và kết cục là không thể trả nợ đúng hạn, lãi mẹ đẻ lãi con dẫn đến tình trạng mất khả năng chi trả, rơi vào tình trạng quẫn bách.

Giấy dán chào mời cho vay tín dụng đen có mặt ở khắp nơi

Không còn lối thoát, có người tìm cách bỏ trốn khỏi địa phương nhưng đa số vẫn bị đám cho vay nặng lãi thuê giang hồ tìm hăm dọa, đánh đập buộc phải ghi giấy nợ với số tiền cao gấp hàng chục lần so với khi vay. 

Số khác chấp nhận cảnh đối mặt với chủ nợ cũng bị giang hồ “thăm hỏi” ngày đêm khiến cho cuộc sống bị đảo lộn, tinh thần hoang mang, lo sợ. Số còn lại tìm cách chống đối thì bị chủ nợ cho đám giang hồ tạt sơn, chất thải vào nhà, bắt về đánh đập rồi cưỡng đoạt tài sản như nhà đất, xe cộ hoặc bắt giữ người trong nhiều ngày rồi liên hệ buộc người thân mang tiền đến chuộc về…

Sau khi nghe Đại tá Nguyên khái quát chung về nguyên nhân tồn tại, phương thức, thủ đoạn của “tín dụng đen”, tôi được Trung tá Nguyễn Đình Khuyên - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đưa đến một căn chòi lá nằm giữa cánh đồng thuộc xã Hiệp Phước gặp người phụ nữ tên Thu (đã được đổi tên), một nạn nhân bị đám cho vay nặng lãi dồn vào đường cùng.

Biết có cán bộ điều tra đến, chị Thu đon đả mời vào trong chòi lá uống nước, nhưng khi nghe tôi đề nghị muốn nghe kể về việc chị bị chủ nợ cho đám giang hồ đến đập phá đồ đạc, đánh cho vài lần ngất xỉu vì không trả tiền góp đúng hạn thì chị liên tục xua tay từ chối bởi sợ bị trả thù. Chỉ đến khi Trung tá Khuyên lên tiếng đảm bảo an toàn thì chị mới chịu mở lời nhưng yêu cầu tôi phải giấu họ tên và không đưa bất cứ hình ảnh nào liên quan đến nhà chị lên mặt báo.

Theo lời kể của chị Thu, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 2016, chị theo một người cùng quê miền Bắc vào TP. Hồ Chí Minh, sắm chiếc xe đạp cũ để hành nghề buôn bán rau cho công nhân ở khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức. Vừa ra bán được vài ngày, chị bị một số người buôn bán lâu năm hợp lại xua đuổi vì cho rằng tranh giành chỗ làm ăn nên chị đành đi tìm một nơi khác và cuối cùng cập bến “Nhơn Trạch”. 

Chịu thương, chịu khó, lại chắt chiu tằn tiện, mỗi tháng, ngoài tiền ăn và tiền thuê nhà trọ, chị Thu cũng gom góp gửi về quê cho con được trên dưới 1 triệu đồng và còn tích cóp mua được miếng đất ruộng rộng gần 50m². Định bụng cố gắng tích cóp thêm chút tiền dựng cái nhà mái tôn để đón chồng con vào cùng làm ăn thì giữa năm 2017, chồng chị chẳng may qua đời do tai nạn giao thông. 

Định bán miếng đất nhưng không ai mua, chị đánh liều tìm đến một đối tượng tên Trung ở quận 2, TP. Hồ Chí Minh thế giấy đất vay 10 triệu đồng về quê lo đám tang cho chồng theo dạng trả góp trong vòng 60 ngày, mỗi ngày 300 ngàn đồng.

Điều tra viên lấy lời khai của các đối tượng.

Sau đám tang, trở vào làm việc nhưng chẳng may ngã bệnh phải nằm viện điều trị nên chị chậm trả nợ cả tháng. Lúc này chủ nợ cho đám giang hồ tìm đến bệnh viện uy hiếp rồi công bố lãi mẹ đẻ lãi con và buộc chị phải góp 450 ngàn đồng một ngày. 

Quá hoảng với món nợ siêu lãi, chị trốn viện về cố gắng buôn bán, trả nợ, nhưng càng trả thì số tiền cả vốn lẫn lãi cứ tăng theo cấp số nhân. Biết chị mất khả năng thanh toán, đầu năm 2018, chủ nợ cho đám giang hồ liên tục đến nhà khủng bố tinh thần, đe dọa đến tính mạng, ép chị ký giấy sang tên miếng đất cho chúng.

Tưởng như vậy là có thể yên tâm buôn bán, nào ngờ vài tháng sau, đám giang hồ lại kéo đến chỗ buôn bán, lớn tiếng gây sự rồi ép chị Thu phải kí thêm tấm giấy nợ hơn 20 triệu đồng. Đang trong lúc quẫn bách nhất thì tổ trinh sát hình sự Công an huyện Nhơn Trạch đi tuần phát hiện vụ việc đã kịp thời xử lý.

Rời Nhơn Trạch, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Lớn ở ấp 4, xã Xuân Hòa. Cũng như chị Thu ở Nhơn Trạch, mặc dù đồng ý tiếp chúng tôi, nhưng bà Lớn yêu cầu không đăng hình ảnh bà cùng người thân trong nhà để tránh bị trả thù về sau. Theo lời kể của bà Lớn, nhà bà tuy nghèo nhưng công việc làm thuê cuốc mướn cũng đủ kiếm gạo đắp đổi qua ngày. 

Thỉnh thoảng có thiếu chút tiền nhưng cũng chỉ vay hàng xóm năm ba trăm ngàn và khi nhận tiền thù lao thì trả ngay chứ không thiếu nợ ai số tiền lớn. Ấy vậy mà vào tháng 12-2018, một nhóm thanh niên nói tiếng miền Bắc, mặt mày hung tợn thủ sẵn mã tấu trong người tìm đến nhà bà gây sự, đòi phải trả số nợ lên đến hàng chục triệu đồng. 

Bà Lớn cương quyết không trả vì cho rằng mình không vay nợ và cũng không có nhu cầu vay món tiền lớn thì chúng chửi bới rồi bỏ đi. Tưởng rằng như thế là êm, nào ngờ ngay trong đêm hôm ấy, chúng lại kéo đến đổ keo dán sắt vào ổ khóa cửa, ném chất thải vào nhà, lấy gạch đá đập vỡ bóng đèn rồi thông báo rằng con trai bà đã vay tiền của chúng, nếu muốn sống yên thân thì trong ngày hôm sau phải trả tiền. Chúng hăm dọa nếu trình báo Công an thì tính mạng cả nhà không yên. 

Hoang mang, lo sợ, bà Lớn chạy vạy khắp nơi vay tiền nhưng đến kỳ hạn vẫn không đủ trả nên tiếp tục bị đám côn đồ kia kéo đến hăm dọa. Không còn lối thoát, bà Lớn đành đến cơ quan Công an trình báo vụ việc và khi trinh sát hình sự kết hợp với công an xã vào cuộc thì cuộc sống của bà mới trở lại yên ổn. 

Tại thành phố Biên Hòa, diễn biến của “tín dụng đen” có nhiều biến tướng, cùng với việc các quy định về xử lý đối với loại hình này còn một vài điểm chưa hoàn thiện khiến cho công tác phòng ngừa, đấu tranh gặp nhiều khó khăn. 

Làm việc với chúng tôi, Trung tá Mai Đức Quang - Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP. Biên Hòa chia sẻ: Trong những năm qua, đơn vị rất quyết liệt đấu tranh với loại hình tội phạm “tín dụng đen” theo chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai. 

Qua công tác điều tra cơ bản cho thấy, đa số các đối tượng cầm đầu đường dây cho vay nặng lãi, thực tế là cho vay tiền nhưng khi làm giấy giao kèo đều biến tướng sang các hình thức mua bán như: Bán cho ông A, bà B một điện thoại di động, một xe gắn máy, một máy laptop... trả góp trong thời hạn từ 1 đến 3 tháng… 

Giá bán của các loại sản phẩm này đều cao gấp hai, ba lần so với giá thị trường, nhưng do đã ký thỏa thuận nên chỉ có thể xử lý vi phạm gây rối trật tự, cố ý gây thương tích khi bên mua (thực tế là vay tiền) mất khả năng trả nợ và bên bán cho giang hồ hăm dọa, đánh đập.

Một số đối tượng cho vay nặng lãi tại cơ quan Công an.

Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất là phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền đến từng tổ dân phố, từng ấp, xã để bà con nhân dân có thể nhận diện được hoạt động “tín dụng đen”, vận động bà con xây dựng mô hình tương thân, tương ái để khi một ai đó trong xóm gặp hoạn nạn thì cùng góp tiền cho vay nhằm tránh rơi vào vòng xoáy của bọn cho vay nặng lãi. 

Cùng với đó là lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, tháo gỡ tờ quảng cáo của đám cho vay nặng lãi dán trên các bờ tường, cột điện… mỗi lần tháo gỡ đều phải ghi lại số điện thoại của đối tượng cho vay để xác định danh tính, nơi ở và lập hồ sơ theo dõi hoạt động của các đối tượng này.

Thời gian qua, Công an TP. Biên Hòa cũng đã cho in hàng chục ngàn tờ rơi các loại phát đến từng hộ dân để hướng dẫn, vận động bà con tham gia tố giác tội phạm, giúp cơ quan Công an xử lý vi phạm đối với hàng chục băng nhóm “tín dụng đen” và hàng trăm vụ phạm pháp hình sự khác. 

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân biết rằng sa vào “tín dụng đen” thì khó có thể thoát ra được, nhưng do ham mê cờ bạc nên cứ vay của băng nhóm này trả cho băng nhóm khác, hoặc đem tiền vay được nướng hết vào chiếu bạc để đến khi bị đám đòi nợ thuê dồn vào đường cùng thì trình báo cơ quan Công an. 

Trường hợp này cần phải có quy định ngoài xử phạt các đối tượng cho vay nặng lãi, còn phải xử phạt luôn cả người đi vay nhằm kịp thời răn đe, giáo dục. Một số trường hợp khác mà trinh sát ghi nhận do kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn “cố đấm ăn xôi” tìm đến các băng nhóm “tín dụng đen” vay số tiền lớn với hy vọng làm vài cú áp phe để vừa gỡ vốn, vừa có tiền trả nợ, nhưng hầu hết những trường hợp này đều thất bại và hậu quả là phải bỏ trốn khỏi địa phương và khi chủ nợ tìm được nơi ẩn náu sẵn sàng thuê giang hồ thẳng tay hành động… 

Đức Cương

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文