Kỳ bí Hang Ma và những chiếc quan tài treo trên vách đá (kỳ cuối)

15:27 11/07/2013

Khi giả thuyết về cách thức đưa những cỗ quan tài "treo" lên trên vách đá phần nào được hé mở thì một câu hỏi nữa được đặt ra là những chủ nhân của nó là ai?

Chủ nhân của những chiếc quan tài "bay" là ai?

Khi giả thuyết về cách thức đưa những cỗ quan tài "treo" lên trên vách đá phần nào được hé mở thì một câu hỏi nữa được đặt ra là những chủ nhân của nó là ai?

Khi đi tìm câu trả lời này thì chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến cho rằng, đây là cách an táng của người Thái cổ còn sót lại cho đến ngày nay. Số khác thì lại cho rằng đây là hang mộ dành cho tầng lớp quý tộc người Thái. Đặc biệt có người còn đặt ra giả thiết có thể những hang động này là nơi an táng những người thuộc thân tộc của Thượng tướng quân Khằm Ban - người đã giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh vào thế kỷ XV.

Về niên đại của những chiếc quan tài cổ này, theo nhà khảo cổ học Nguyễn Gia Đối (thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam) và nhiều nhà nghiên cứu khác đã từng đến khu hang động này để khảo sát nghiên cứu thì, khu động táng này ra đời vào khoảng thời đại Kim khí và kéo dài tới thế kỷ XV (trùng với mốc thời gian của giả thiết cho rằng đây là mộ táng của những quý tộc người Thái thời Thượng tướng Khằm Ban). Còn theo ông Hà Văn Tuyên - Trưởng phòng Văn hóa huyện Quan Hóa thì có thể trước kia nơi đây là khu động táng lớn của người Thái cổ.

Tuy nhiên, nếu đồng ý với giả thiết này thì một câu hỏi khác được đặt ra là cách thức mai táng này khá kỳ lạ ở Việt Nam đã xuất phát từ quan niệm nào và tại sao đến giờ không còn lưu truyền, dù chỉ là truyền miệng? Mặt khác, người Thái có thực sự là chủ nhân đầu tiên của vùng đất Hồi Xuân - Quan Hóa? Hay trước đó rất nhiều thế kỷ vùng đất này thuộc về một tộc người khác, một nền văn hóa khác, và do những nguyên nhân nào đấy, tộc người đó đã dời đi và để lại dấu tích của nền văn hóa "tiền Thái" còn sót lại đến ngày nay?

Có lẽ những gì còn sót lại ở Hang Ma (cũng như nhiều hang động tương tự khác) vẫn chưa đủ sức để "giải mã" những bí ẩn này. Để "giải mã" những bí ẩn Hang Ma cần có thời gian lẫn một sự khảo sát nghiên cứu tổng thể rộng hơn để hiểu rõ hơn lịch sử văn hóa của vùng đất này.

Tìm dấu tích trong lịch sử vùng đất cổ

Những sử sách, tư liệu còn lại đến ngày nay đều cho biết: Vùng đất Hồi Xuân (và huyện Quan Hóa nói chung) trước kia có tên gọi là Mường Ca Da. Mường Ca Da cùng với Mường Khoòng, Mường Đèng, Mường Chiềng Ván là một trong bốn Mường tiêu biểu cho không gian văn hóa của người Thái ở miền núi phía Tây xứ Thanh.  Trong khi đó "Ca Da" trong tiếng Thái có nghĩa là "quạ chữa thuốc". Đến nay trong các bản người Thái ở huyện Quan Hóa vẫn còn lưu truyền một truyền thuyết khá phổ biến về xuất xứ tên gọi (hay nguồn gốc ra đời) của Mường Ca Da. 

Theo truyền thuyết của người Thái ở Quan Hóa, thuở xưa có một tạo Mường sinh được hai người con gái xinh đẹp, nết na. Hoàng tử con vua Nước xin cưới một nàng về làm vợ với lễ vật là đôi trâu sừng đồng và sừng sắt. Có đôi trâu quý, ông tạo trở nên giàu có, giàu tới mức ông phải hỏi thiên hạ xem có cách nào để mình nghèo đi. Trời bèn lấy lại Mường ấy và không còn tạo Mường nữa.

Với vị trí địa lý khá đặc biệt nên khu di tích Hang Ma vẫn còn rất nhiều bí ẩn chưa có lời giải.

Một hôm, có một xác chết trôi từ mạn ngược mắc cạn vào bãi đất giữa sông Mã. Con quạ bay qua thấy người chết bèn sà xuống mổ bụng. Chẳng ngờ con quạ ấy vừa ăn cây thuốc hồi sinh trên ngọn núi thiêng ở Cửa Hà về, thuốc còn dính trên mỏ, vừa mổ vào người chết, người đó liền sống lại. Sau khi được hồi sinh, người đàn ông đó sinh sống trên vùng đất này, làm ăn giàu có, dựng lại một Mường lớn và làm tạo Mường. Nhớ ơn con quạ đã cứu mình, ông tạo bèn đặt tên Mường là Mường Ca Da (quạ chữa thuốc)… Bãi đất nơi con quạ cứu người đến nay vẫn còn, tên bãi cũng được gọi là Ca Da.

Truyền thuyết trên dẫu nhuốm màu của yếu tố kỳ ảo, hư cấu nhưng cũng ít nhiều tái hiện lại cho chúng ta thấy được cuộc sống sinh hoạt của người Thái trong buổi đầu di cư đến vùng đất mới này.

Theo nhà khảo cổ học Nguyễn Gia Đối thì khu động táng ở Hang Ma ra đời vào khoảng thời đại Kim khí và kéo dài tới thế kỷ XV. Điều đó có nghĩa những chiếc quan tài theo tục "động táng" trong Hang Ma có thời gian tồn tại lâu hơn (từ thế kỷ XV trở về trước), trước cả khi người Thái đến định cư ở vùng đất này. Chính vì vậy, giả thiết chủ nhân của Hang Ma có thể là người Thái cổ sẽ vẫn còn là một sự hoài nghi.

Những dấu tích của tộc người cổ

Khi hoài nghi giả thiết chủ nhân của tục "động táng" còn lưu lại dấu tích Hang Ma là người Thái cổ thì đồng thời vấn đề đặt ra ở đây là: Trước khi người Thái di cư đến đây và tạo dựng nên một nền văn hóa đặc sắc, phát triển cho đến tận ngày nay, thì chủ nhân của vùng đất Hồi Xuân - Quan Hóa (Thanh Hóa) "tiền Thái" là ai?

Bao bọc bởi núi cao và sông sâu, khu di tích Hang Ma được gắn liền với những truyền thuyết nhuốm đầy yếu tố ly kỳ, bí ẩn và vẫn chưa có lời giải.

Tại Bản Khó (thuộc xã Hồi Xuân, Quan Hóa, Thanh Hóa) đến nay vẫn còn tồn tại một hang động khá lớn mà người Thái nơi đây vẫn quen gọi là hang Héo Lào ("héo" trong tiếng Thái có nghĩa là bãi tha ma - nghĩa trang - nghĩa địa). Hang Héo Lào cách vị trí Hang Ma khoảng 4 km về phía Tây Nam. Điều đáng tiếc là trong thời gian qua, do không được bảo vệ nên một số quan tài đã bị người dân địa phương cậy phá, không còn được nguyên vẹn.

Theo quan sát của chúng tôi, hang Héo Lào có diện tích khá rộng (khoảng 40m2), được chia làm ba tầng hang rõ rệt. Toàn bộ diện tích của hang nằm trọn trong lòng một quả núi đá vôi. Tầng hai và tầng ba ăn thông lên bên trên ngọn núi và có rất nhiều ngách, tương đối thoáng đãng. Tầng dưới cùng là rộng nhất, ở giữa còn có một khe nước chảy từ trong lòng núi ra. Đặc biệt, tại tầng cuối cùng của hang chúng tôi đã phát hiện ra rất nhiều những mảnh tước đá được mài nhẵn, có hình thù giống như những chiếc ghè, đục. Ngoài ra, ở vị trí rộng nhất của hang còn có một dãy những khối đá được mài nhẵn xếp thành hàng (dựa theo lời kể của người dân có thể phỏng đoán là dùng để ngồi hoặc kê quan tài).

Điều đặc biệt là trong hang Héo Lào chúng tôi vẫn còn tìm thấy nhiều mảnh xương và gỗ, mà theo người dân nơi đây đó là của những chiếc quan tài xưa còn sót lại bởi trước kia, trong hang Héo Lào có cả hàng trăm chiếc quan tài như ở Hang Ma (và nếu như Hang Ma với hàng trăm chiếc quan tài nhưng không hề tìm thấy bất kỳ một mảnh xương cốt nào thì tại hang Héo Lào những mảnh xương trong các quan tài vẫn còn!).

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hà Văn Khiên - nguyên Chủ tịch UBND xã Hồi Xuân cũng chỉ có thể cho biết: "Tên gọi là hang Héo Lào đã có từ rất lâu đời rồi, từ khi nào thì không rõ. Chỉ biết từ rất xa xưa ông cha đã gọi tên như thế thì đời sau gọi theo thôi. Trước kia trong hang có rất nhiều những quan tài bằng gỗ, hình thù cũng giống như những chiếc quan tài vừa được phát hiện ở Hang Ma, nhưng bên trong còn chứa cả xương cốt, vải lụa,… Đến nay thì những chiếc quan tài này không còn nữa, chỉ còn sót lại một số mảnh gỗ và xương vụn".

Tiến sĩ khảo cổ học Vũ Thế Long, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu con người và môi trường của Viện Khảo cổ học - Viện Khoa học xã hội Việt Nam: ''Theo tôi vấn đề này không đơn giản. Chưa ai dám đưa ra kết luận cuối cùng vì chưa tìm được chứng cớ thuyết phục. Cũng chưa ai có thể khẳng định ngay tục "động táng" ở Hang Ma là thuộc Lào hay Thái vì ngay các bộ tộc Lào cũng rất đa dạng và phức tạp. Người Thái có gốc từ xípxong bana bên Vân Nam di cư xuống phía Nam. Lịch sử di cư và hòa trộn trong quá trình di cư cũng rất phức tạp. Người Thái ở phía Tây Thanh Hóa và Tây Nghệ An còn có tên là Tày Hạy (chữ "Tày" chính là tên gọi của người Thái). Ngoài ra, người Tày, Nùng ở Đông Bắc Việt Nam cũng cùng chung dòng với người Thái, và trên đường di cư về phía Đông Nam có pha với các nhóm cư dân ven biển''.

Sơn Bình

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文