Kỳ lạ ngôi làng: Xây nhà bằng tiểu sành

17:13 07/01/2013

Tiểu sành là vật được người Việt đựng hài cốt, vậy mà ở Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang) lại được người dân dùng để xây dựng nhà. Những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi đó đã tạo nên cho một vùng quê một vẻ đẹp thật riêng, thật đặc biệt. Những ngôi nhà tiểu sành đã vượt hẳn lên ý nghĩa đơn thuần nó còn là ký ức, là tâm hồn, là minh chứng cho một thời "rực lửa" của làng gốm Thổ Hà. Trước cơn lốc đô thị hóa đi qua người làng Thổ Hà đang canh cánh nỗi lo "nay còn mai mất".

Phế đô gốm

Xưa kia gốm Thổ Hà được mệnh danh là một trong ba kinh đô về gốm sứ của người Việt. Ngày đó gốm ngược xuôi con sông Cầu đến mọi miền đất nước. Vậy mà giờ đây, dấu tích về gốm thịnh vượng dường như chỉ còn vương lại trong ký ức của những nghệ nhân cao tuổi. Bảng lảng đâu đó trên bức tường những ngôi nhà cổ được dựng lên bằng những chiếc tiểu sành, mảnh vỡ mà vững trãi qua mấy trăm năm khiến làng mang dáng dấp của một phế đô gốm…

Gặp những con người cả đời sống trong những ngôi nhà xây bằng tiểu sành, chúng tôi mới hiểu tại sao họ yêu quá khứ, yêu ngôi nhà của mình đến vậy. Những người nặng lòng với làng nói: "Nó là hồn quê, hồn nghề, là "chất" làm nên làng Thổ Hà đẹp trầm lắng".

Thổ Hà vốn không phải là vùng đất thuần nông, cuộc sống chủ yếu dựa vào các nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Với kết cấu làng hình răng bừa, những con ngõ nhỏ sâu hun hút chạy xuyên ra bờ sông tạo cho Thổ Hà thật trù phú. Mặc cho cơn bão đô thị hóa đi qua nhưng Thổ Hà vẫn còn giữ được những nét đẹp cổ kính của một ngôi làng miền Kinh Bắc.

Làng Thổ Hà đẹp trầm lắng.

Ở nhiều vùng quê khi thời thế còn khó khăn thì "nhà tranh vách đất" là lựa chọn duy nhất nhưng ở Thổ Hà (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) những ngôi nhà được xây bằng tiểu sành (một vật được dùng đựng hài cốt) lại là phổ biến. Có thể nói đây là một loại kiến trúc độc đáo bậc nhất ở Việt Nam.

Một loại hình kiến trúc độc đáo

Ngoại trừ những bức tường mới xây, các bức tường cũ chủ yếu được xây dựng bằng vật liệu là tiểu sành, mảnh gốm. Các tiểu sành có chiều dài chừng 40cm, rộng 20cm, phía bên trong rỗng hoàn toàn và có hai lỗ thoáng khí. Khi xây dựng tiểu sành được úp xuống và dùng chính bùn đất dưới lòng sông Cầu để gắn kết với nhau.

Chỉ có vậy thôi nhưng trải qua hàng trăm năm những ngôi nhà ở đây vẫn còn rất vững chắc. Để tìm hiểu về những ngôi nhà cổ xây dựng bằng tiểu sành, chúng tôi có mặt tại gia đình của cụ Nguyễn Công Đước, 83 tuổi. Ngôi nhà cụ được xây dựng cách đây khoảng 300 năm, liệt vào dạng cổ nhất nhì trong làng. Ở cái tuổi sống bằng quá khứ như cụ Đước thì quả là khó khăn để vượt qua nỗi buồn khi lửa gốm Thổ Hà lụi tắt.

Cụ bảo: "Từ nhỏ đã sống với cái nghề gốm rồi, đùng một cái thế là chẳng ai làm nữa. Dẫu biết thời thế, thế thời nhưng vẫn buồn vẫn tiếc lắm". Với cụ và những bậc lão niên thì những ngôi nhà xây bằng tiểu sành không chỉ là máu thịt cha ông để lại mà nó còn là minh chứng cho thời kỳ vàng son đã qua.

Thời kỳ đó, gốm Thổ Hà nổi tiếng với các sản phẩm: Chõ, chum vại, đặc biệt là tiểu sành. Tiểu sành (đựng hài cốt) là mặt hàng được tiêu thụ mạnh hơn cả do không bị cạnh tranh. Những sản phẩm tiểu sành vỡ, lỗi được người dân tận dụng xây nhà thay cho gạch. Cụ Đước kể: "Ngày đó cả làng làm tiểu sành, việc sứt mẻ hay lỗi trong quá trình nung là không thể tránh khỏi. Chính vì vậy các cụ mới có sáng kiến xây nhà bằng tiểu sành".

Sản phẩm gốm ở Thổ Hà có thể trải qua hàng nghìn năm vẫn không phai màu do đất và kỹ thuật nung đặc biệt. Đồ gốm không dùng men, được nung ở nhiệt độ cao để tự chảy men ra thành sành, gốm màu nâu sẫm, thâm tím đanh mặt, gõ lên gốm có tiếng kêu như thép, mảnh gốm sắc cạnh và chất lỏng không thể thấm qua, đựng vật dụng không bao giờ ẩm mốc.

Các cụ kể lại, Thổ Hà nằm ngay cạnh sông Cầu nên thường xuyên xảy ra úng lụt mỗi khi đến mùa mưa. Chính vì thế việc xây dựng nhà bằng tiểu sành là rất phù hợp. Dùng tiểu sành úp khiến cho tường nhà có độ dày và nhẹ chính vì thế móng nhà cũng không cần quá kiên cố. Mỗi khi nước lên cũng không thấm qua tường và làm sụt lún nhà.

Chỉ tay về phía mảng tường, còn lộ nguyên những chiếc tiểu sành, cụ Đước kể: "Ngôi nhà của tôi xây dựng cách đây 5 đời rồi. Những bức tường bằng tiểu sành này có sức chịu nóng, chịu lạnh rất tốt. Lúc đại hàn, trong nhà luôn ấm áp, ngày nắng nóng thì mát mẻ lắm. Những bức tường bằng tiểu sành này có khi cả nghìn năm không hỏng".

Chẳng cần những hoa văn những thợ cao tay đắp vẽ, cũng không cần chất liệu cầu kỳ. Việc tận dụng tiểu sành lỗi, không bán được đã vô tình tạo cho Thổ Hà một nét kiến trúc riêng biệt, hiếm có. Những bức tường tiểu sành đỏ au, những ngôi nhà san sát, hòa với chiếc cổng vòm tạo cho không gian ở đây thật cổ kính, khiến chúng tôi như lạc vào khu phố cổ đất Hà thành.

Cụ Nguyễn Bá Lam (94 tuổi, xóm 1, làng Thổ Hà) người duy nhất còn giữ được bức tường cổ nguyên vẹn, được xây dựng bằng tiểu sành dài 30 mét. Đã trải qua 300 năm nhưng ngôi nhà cụ còn rất nguyên vẹn, không hề bị mục nát, hay nứt rạn. Cụ Lam hồ hởi nói về ngôi nhà của mình: "Ngôi nhà này đời tôi là đời thứ 6 sống ở đây rồi. Đã được sửa chữa mấy lần nhưng chỉ có sửa ở phần mái, còn phần tường nhà bằng tiểu sành thì chưa bao giờ động đến. Cũng chỉ mong con cháu sau này gìn giữ được ngôi nhà tiểu sành này. Dù sao cũng là của nả do ông cha để lại".

Hãy cứu những ngôi nhà cổ

Những ai hoài cổ, nặng lòng với làng với cái nghề gốm xưa kia lại thấy nuối tiếc khi gia đình nào sửa chữa lại nhà cổ. Bởi những ngôi nhà cổ kia là biểu tượng cho một quá khứ "rực lửa" của nghề gốm. Nghề gốm đã có nhiều thế kỷ nay, nó đem đến cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây trong suốt thời gian dài.

Anh Nguyễn Bá Trọng buồn bã nhìn về phía ngôi nhà cổ vừa bị dỡ bỏ.

Các nghệ nhân chẳng thể quên những tháng năm hưng thịnh của nghề, cả làng Thổ Hà nhà nào lò gốm cũng đỏ lửa quanh năm. Cảnh "trên bến dưới thuyền", gốm được chở đi tứ phương. Do sự cạnh tranh, do nền kinh tế thị trường, nghề gốm không còn trụ vững được nữa. Phải mua đất ở vùng khác (cách 10 km), hơn nữa sản phẩm chủ yếu là tiểu sành. Các sản phẩm như chum, vại hầu như không bán được do đồ nhựa quá nhiều.

Chẳng hiểu từ khi nào cụ Nguyễn Công Đước lại có thói quen cứ mỗi chiều lại lang thang khắp xóm ngắm nhìn những ngôi nhà tiểu sành cổ. Để rồi khi ra về cụ lại buông những tiếng thở dài. Cụ bảo: "Tôi buồn lắm! Tôi tiếc lắm. Những ngôi nhà xây bằng tiểu sành cổ bình dị ngày xưa cứ mất dần đi. Bây giờ nhiều nhà cao, hiện đại hơn nhưng không gần gũi nữa".

Với cụ, những ngôi nhà cổ kia đã vượt qua ý nghĩa đơn thuần mà nó đã trở thành một phần tâm hồn mình. Như gặp được người bạn tri kỷ, cụ Được đưa chúng tôi vào buồng - nơi cất giữ khoảng 10 chiếc tiểu sành mà chính tay ông cụ làm mấy chục năm về trước.

Lần lượt lôi từng chiếc tiểu sành còn mới nguyên, cụ Đước tâm sự: "Tôi vẫn còn giữ mấy cái tiểu sành chính tay tôi làm ra đó, chất tốt lắm đấy". Dứt lời cụ dùng tay gõ thật mạnh tạo tiếng kêu như chuông rồi cười đắc ý: "Cũng phải bớt lại 1 cái để dùng cho mình, còn lại ai mua thì bán. 300 nghìn một cái thôi, rẻ lắm, để thì còn chứ bán đi là mất".

Chúng tôi có mặt tại gia đình anh Nguyễn Bá Trọng, ngôi nhà mới hai tầng đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng có lẽ trong nhà ít người cảm thấy vui. Người mà tôi cảm thấy buồn và mất mát nhất là bố anh Trọng. Ông cụ buồn buồn: "Tiếc lắm nhưng biết làm sao được, do hoàn cảnh thôi chú ơi! Người thì ngày một nhiều ra, còn phải lấy chỗ mà làm nghề bánh đa chứ!".

Hơn 400 năm nhưng màu sắc của tiểu sành vẫn còn rất đẹp, những mảnh gốm khi xây thế nào thì khi đào lên vẫn vậy. Cụ Lam kể lại như đứt từng khúc ruột: "Đấy ngôi nhà kia đám thở phải vất vả để phá những bức tường bằng tiểu sành và những mảnh gốm bởi độ chắc và cứng của nó. Trước kia nhà nào cũng được xây dựng bằng tiểu sành thì bây giờ chỉ còn khoảng 60 bức tường còn sót lại".

Theo giải thích của anh Trọng, việc phá bỏ những ngôi nhà cổ, bức tường bằng tiểu sành là do đặc điểm của nghề làm bánh đa. Nhà cổ đa số không phơi được, hơn nữa lại rất chật hẹp không tiện  cho việc thu gom bánh đa khô. 

Chiều buông, những ngôi nhà cổ được xây bằng tiểu sành nghiêng mình in bóng dưới dòng sông Cầu thơ mộng. Cụ Đước lại lững thững qua từng con ngõ, điểm từng ngôi nhà mà lòng nặng trĩu. Chẳng biết sau này sẽ còn ai nhớ đến Thổ Hà, nhớ đến một ngôi làng độc đáo, nhớ đến nghề gốm "rực lửa" năm nào khi những ngôi nhà cổ kia không còn?

Trưởng thôn Cáp Trọng Việt, ông cho biết:

Trước đây đa số nhà dân được xây dựng bằng tiểu sành, mảnh gốm, bình gốm, đó cũng là vết tích của một làng gốm cổ đã mất đi vĩnh viễn. Do biến đổi của thời gian, thẩm mỹ và điều kiện diện tích phục vụ cho làng nghề bánh đa nên rất nhiều gia đình đã đập đi xây mới. Đã có lần Sở Văn hóa có nhắc nhở nhân dân trong việc bảo vệ những ngôi nhà cổ bằng tiểu sành nhưng vẫn không được. Việc làm ăn kinh tế, phục vụ đời sống hiện tại là quan trọng hơn cả. Hiện vẫn chưa có chính sách gì để bảo vệ những ngôi nhà cổ còn tồn tại

Quang Anh - Ngọc Anh

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文