Kỳ tích cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hoàn và tấm lòng của người bác sĩ trẻ

09:31 14/03/2016
Một bệnh nhân nữ được đưa vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong tình trạng bị ngừng tuần hoàn, ngừng tim, suy đa tạng và được chẩn đoán bị tắc động mạch phổi cấp hiếm gặp. Trên thế giới, những trường hợp tương tự tỉ lệ tử vong rất cao lên tới 80-90%. Thế nhưng thật may mắn khi bà được đưa đến Khoa Cấp cứu – hồi sức tích cực của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nơi đầu tiên nghiên cứu thành công về bệnh tắc động mạch phổi.


Nhớ lại kỷ niệm khi cứu sống bệnh nhân bệnh tắc động mạch phổi (TĐMP) cấp có biến chứng ngừng tuần hoàn, suy đa tạng, bác sĩ Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vẫn rưng rưng xúc động và đầy tự hào, bởi anh chính là người đã trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân. Và một điều cũng ít ai biết, anh chính là bác sĩ đầu tiên nghiên cứu thành công bệnh TĐMP ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ về bệnh TĐMP được anh bảo vệ thành công khi mới 35 tuổi.

Bệnh nhân Nguyễn Thị H (Bắc Giang) được cắt u xơ tử cung nội soi tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang. Sau mổ 5 ngày, bệnh nhân đã bắt đầu tập đi lại, nhưng đột ngột rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn, ngừng tim.

Sau hơn 1 giờ nỗ lực hồi sức tích cực, tim bệnh nhân đã bắt đầu đập trở lại, các bác sĩ tiên lượng bệnh nhân chỉ sống được bằng giờ. Trong hy vọng còn nước còn tát bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vào chiều 16-12-2015 trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, toan máu nặng, suy đa tạng... 

Tiến sĩ  Hoàng Bùi Hải đang cấp cứu cho bệnh nhân.

Tại Bạch Mai, bệnh nhân được hồi sức tích cực, lọc máu liên tục để duy trì chức năng sống. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy cả 2 động mạch phổi phải và trái của bệnh nhân đều tắc nghẽn máu đông với tỉ lệ lên tới 60%, ngoài ra còn có viêm phổi và tràn khí màng phổi phải. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân ngừng tim đột ngột. 

Chiều 18-12, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để tiếp tục hồi sức và điều trị tắc động mạch phổi cấp. Khi chuyển sang, bệnh nhân trong tình trạng tụt huyết áp dù đã dùng thuốc nâng huyết áp liều cao, oxy máu thấp, suy thận không có nước tiểu, rối loạn đông máu phức tạp… tình trạng xấu hơn.

Qua hội chẩn cùng các giáo sư, đồng nghiệp Bệnh viện Bạch Mai và Đại học Y Hà Nội, TS. Hoàng Bùi Hải cùng các bác sĩ đã quyết định vẫn dùng thuốc chống đông truyền liên tục theo phác đồ cho bệnh nhân, và truyền thêm máu để tạo khả năng an toàn cho thuốc tiêu sợi huyết. Điều kỳ diệu đã đến, sau khi dùng thuốc tiêu sợi huyết, huyết áp bệnh nhân tăng dần lên, oxy máu cải thiện, tiểu tiện được, không phải lọc máu nữa. Đặc biệt, bệnh nhân không hề bị chảy máu ở bất cứ vị trí nào cho dù nguy cơ chảy máu là rất cao. 

Sau 7 ngày được hồi sức tích cực, với sự quan tâm của các thầy thuốc bộ môn Hồi sức Cấp cứu, Khoa Cấp cứu A9 Bạch Mai, và đặc biệt của các nhân viên khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, cũng như các chuyên gia khác của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân đã ổn định chức năng sống, được cắt thuốc nâng huyết áp, bỏ thở máy, rút ống nội khí quản, tri giác hoàn toàn bình thường. 17 ngày sau điều trị, bệnh nhân đã có thể nói chuyện, ăn uống bình thường, bắt đầu tập đi lại và được xuất viện.

TĐMP cấp đòi hỏi trình độ chuyên sâu cũng như hệ thống trang thiết bị hỗ trợ hiện đại, vậy mà Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện thành công ca cấp cứu có một không hai ấy. Đó thực là niềm vui lớn, là thành công xuất sắc không chỉ của Bệnh viện Đại học Y nói riêng mà của cả ngành Y nói chung.

Đến Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội lúc nào cũng đông bệnh nhân, các bác sĩ trẻ luôn phải căng mình “trực chiến” 24/24h. Bệnh nhân tìm đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội không phải chỉ vì cơ sở vật chất hiện đại, tập trung nhiều bác sĩ đầu ngành mà quan trọng là thái độ phục vụ nhiệt tình, thân thiện. “Châm ngôn của chúng tôi là khi phát hiện ra bệnh là phải chữa đến cùng. Nhiều khi bệnh nhân không có điều kiện nên biết bệnh nặng vẫn không chịu quay lại chữa bệnh, khi ấy chúng tôi lại gọi điện tư vấn trực tiếp, thuyết phục quay trở lại bệnh viện, và khi thấy họ trở lại, chúng tôi cảm thấy vui và hạnh phúc lắm”, TS Hoàng Bùi Hải tâm sự.

Nhớ lại trường hợp một bệnh nhân bị ung thư ở Nga Sơn, Thanh Hóa, khi chuyển lên Bệnh viện K điều trị thì ông này còn bị tắc động mạnh phổi, khó thở, chân sưng to. Bệnh viện K gọi điện xin chuyển bệnh nhân sang bên Bệnh viện Đại học Y nhưng anh và các bác sĩ chờ mãi vẫn không thấy bệnh nhân đâu. Gọi điện cho người nhà bệnh nhân thì không bắt máy. Không nản trí, ngày hôm sau, các anh gọi điện lại thì người nhà bảo rằng, bệnh nhân không muốn chữa tiếp, vì đằng nào cũng chết vì ung thư. 

Đích thân TS Hoàng Bùi Hải gọi điện động viên, tư vấn và khuyên nhủ bệnh nhân lên điều trị bởi bệnh TĐMP là bệnh chữa được. Nhờ sự khôn khéo của chàng bác sĩ xứ Thanh cùng quê mà cuối cùng bệnh nhân này đồng ý lên Hà Nội chữa trị tiếp. Một thời gian sau bệnh, TĐMP của ông cũng khỏi hẳn và người đầu tiên ông cám ơn chính là bác sĩ  Hoàng Bùi Hải, người đã điều trị trực tiếp cho ông.

Bệnh nhân đang điều trị tại khoa cấp cứu - hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

“Với người bác sĩ, vui nhất là chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân và nhận được những lời cám ơn, động viên của bệnh nhân và người nhà”, bác sĩ Hoàng Bùi Hải chia sẻ. 

Nhớ lại câu chuyện chữa bệnh cho một thai phụ ở Ninh Bình qua điện thoại khiến anh nhớ mãi. Chị này bị TĐMP khi cái thai được được 3 tháng tuổi. Từ Ninh Bình, các bác sĩ gọi điện trực tiếp lên Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực để xin được tư vấn. Chính bác sĩ Hải là người trực tiếp hướng dẫn các bác sĩ Ninh Bình điều trị cho bệnh nhân. Đúng thầy đúng thuốc, bệnh nhân tỉnh lại trong niềm vui của cả bệnh viện và gia đình. 

Sau đó anh đề nghị cho bệnh nhân về nhà tiếp tục điều trị bằng thuốc và theo dõi đến khi gần sinh thì chuyển lên Bệnh viện Đại học Y xét nghiệm tìm nguyên nhân, sau đó đưa sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương mổ đẻ và theo dõi tiếp. Cháu bé ra đời khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc vỡ òa của cả gia đình. Thỉnh thoảng mẹ bé vẫn gửi ảnh đến cho bác sĩ  Hoàng Bùi Hải xem và cám ơn anh nhiều lắm. Anh bảo đó là niềm vui không gì sánh bằng với những người làm nghề y như anh.

Hay như trường hợp một bệnh nhân ở Hải Dương sau khi được bác sĩ cho thuốc về uống và hẹn ngày lên khám lại, người này vẫn không lên dù chính anh trực tiếp gọi điện đến 5, 6 lần. Biết bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chắc chắn không có tiền đi khám lại, nên anh đã rất nhẹ nhàng, tình cảm gọi ông cứ lên đây rồi anh sẽ tính tiếp. Sau khi cho tiền đi khám, tiền mua thuốc, anh còn biếu ông tiền xe khách để về quê.

Một việc làm tưởng chừng bình thường, giản dị, nhưng chúng tôi biết đó là cả tấm lòng yêu thương, hết lòng vì bệnh nhân của các bác sĩ trẻ. Được biết, ngay từ khi còn học ở trường Y, TS Hoàng Bùi Hải và các đồng nghiệp đã cùng nhau làm một chiếc hộp giấy, góp tiền để thêm một vài ngày thuốc cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và hiện giờ vẫn duy trì ở Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực. Bệnh nhân nào quá khó khăn, các anh lại kêu gọi bạn bè, các nhà hảo tâm đến tặng tiền trực tiếp ngay ở bệnh viện.

Tuấn trình - Ngọc Mai

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 5h10' ngày 27/11/2024 tại đường Mê Linh theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt đi tỉnh Vĩnh Phúc thuộc xóm Soi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội giữa xe ôtô BKS 29C - 733.12 với người đi bộ.

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文