Ký ức buồn của cô gái 15 tuổi bị bán sang Trung Quốc
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Thị Mỹ Chi (SN 1992, ngụ xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) về hành vi "Mua bán người dưới 16 tuổi". Tháng 11-2016, Chi đang sống cùng chồng tại Trung Quốc đã thông qua em ruột mình là Ngô Thanh Lan ở Việt Nam môi giới, thỏa thuận đưa em Huỳnh Thị Gia H. (SN 2001, khi đó mới 15 tuổi), là con của anh Huỳnh Quốc T. và Trần Thị Thúy H. (ngụ địa phương), sang lấy chồng Trung Quốc với số tiền 100 triệu đồng trả cho cha, mẹ cháu H. Đến tháng 6-2020, cháu H. lên mạng xã hội cầu cứu việc bị chồng hành hạ, đánh đập nên được tổ chức Rồng Xanh về bảo vệ trẻ em giải cứu, đưa về Việt Nam…
Anh rể nhẫn tâm tiếp tay bán em gái vợ
Sau gần 4 năm lưu lạc nơi xứ người, em Huỳnh Thị Gia H. mới được trở về quê nhà với bao ký ức tủi hổ về những tháng ngày sang Trung Quốc làm vợ. H. năm nay 19 tuổi có nước da trắng trẻo, dáng người cao ráo, tính tình hoạt bát. Ít ai nghĩ rằng, em phải trải qua quãng thời gian "sống trong địa ngục" với người chồng Trung Quốc hơn 7 tuổi.
H. là con út trong gia đình có hai chị em. Học hết lớp 9, H. nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Sau đó, H. đi phụ bán hàng cho một quán cà phê ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) với mức lương gần 2 triệu đồng/tháng.
Tháng 11-2016, H. gặp Ngô Thị Mỹ Chi tại đám cưới của chị ruột. Anh rể H. là em ruột Chi. Do có chút nhan sắc, H. nhanh chóng lọt vào "tầm ngắm" của Chi. Lúc ấy, Chi nói rằng: "Vài hôm nữa chế (chị) về bên ấy (Trung Quốc - PV) coi ai được, chế dẫn em qua gả nghe?".
Cô gái lúc ấy 15 tuổi chỉ cười cho qua chuyện, nhưng nào ngờ ngay sau đó, Chi thông qua em ruột mình môi giới, thỏa thuận đưa H. sang lấy chồng Trung Quốc với số tiền trả cho cha, mẹ H. là 100 triệu đồng. Chi hứa, khi H. qua Trung Quốc sẽ được học nghề thẩm mỹ, còn gia đình chồng H. ở gần thành thị chứ không phải vùng nông thôn hay miền núi. Nếu H. sống tốt thì trong khoảng 2 năm Chi sẽ đưa em về Việt Nam làm giấy kết hôn, còn cuộc sống không tốt thì sẽ đưa về nước.
Tháng 7-2020, H. đã sinh đôi 1 trai, 1 gái và mấy mẹ con đang ở cùng với cha mẹ ruột. |
H. kể: "Em nhất quyết từ chối vì em muốn sống ở quê, muốn được ở gần cha mẹ". H. quyết định từ chối lời mời của Chi, quay lại phụ quán cà phê. Nhận thấy không thay đổi được suy nghĩ của em vợ, Lan (anh rể H.) hăm dọa: "Nếu mày không đi thì gia đình phải bồi thường 100 triệu đồng". Nghe số tiền quá lớn, cô bé ngây thơ chưa trải sự đời sợ hãi, cứ nghĩ cha mẹ đang thiếu nợ nên đồng ý lấy chồng. H. gọi điện thoại hỏi Chi về cuộc sống bên Trung Quốc, cũng như gia đình mà em sắp về làm dâu. Chi đáp thẳng thừng: "Qua đó làm dâu, chứ có phải làm bà nội người ta đâu cưng".
Theo lời kể của H., lúc đó em cảm thấy hoang mang, lo lắng nên có nói với Chi về việc mình chưa đủ tuổi lấy chồng. Chi lên kế hoạch cho H. đi "chui" bằng cách lấy giấy tờ của chị gái H. đặt ảnh H. đè lên rồi đem đi ép plastic. Lúc ấy, Lan chính là người chuẩn bị tất cả giấy tờ cho H. "lọt" qua biên giới…
Qua Trung Quốc khoảng 4 ngày thì phía chồng H. đến gặp vợ chồng Chi đưa tiền cọc nhưng H. không biết bao nhiêu. Vài ngày sau đó, Chi chuyển về Việt Nam thông qua số tài khoản của Lan với số tiền 97.450.000 đồng để đưa cho cha mẹ H. H. cho biết thêm, khoảng 15 ngày sau đó, gia đình chồng tổ chức đám cưới nhưng sơ sài, qua loa. Thời gian đầu, H. sinh hoạt vợ chồng bình thường như bao cặp vợ chồng khác.
H. bắt đầu học tiếng Trung và hết lòng phục vụ gia đình chồng. Vì không ai chỉ dạy, tiếng Trung Quốc của H. chỉ vỏn vẹn được vài câu thoại phổ biến. Thậm chí không đủ để hai vợ chồng biết hết về nhau. Hơn 1 tháng sau, chồng của H. bắt đầu có những hành động vũ phu, thường xuyên đánh đập vợ mình. H. chỉ cảm nhận được chồng đang chửi mình nhưng không rõ mình sai ở điểm nào. H. liền liên hệ Chi nói hết sự tình thì được Chi an ủi "chắc do bất đồng ngôn ngữ".
Vì tin tưởng Chi có mối quan hệ thông gia với gia đình mình nên H. cố gắng nhẫn nhịn để tiếp tục sống. Đáng nói, cứ mỗi lần H. gọi điện thoại về nhà thì lại bị đánh. Em chỉ biết chồng đang chửi mình nhưng không hiểu vì sao mình gọi điện về hỏi thăm cha mẹ lại bị đánh. Do đó, H. hạn chế gọi điện thoại về nhà để tránh những trận đòn của chồng. Nhưng nào ngờ, bản tính vũ phu của chồng không thay đổi, liên tục đánh H. vô cớ. Ngay cả khi chồng của H. bị cha mẹ ruột la mắng, H. cũng bị vạ lây.
Do ít được liên lạc với con, cha mẹ H. có ý định xin qua Trung Quốc phụ gia đình thông gia làm rẫy để được gần con cái. Gia đình H. nhận được 18 triệu đồng từ gia đình sui gia làm lộ phí qua bên Trung Quốc giống như cách H. đã đi. Ngày qua ngày, chứng kiến cảnh con gái bị đánh đập, cha mẹ H. mới xin Chi đi làm chỗ khác kiếm tiền để đưa con gái về nước…
Hoàn cảnh cha mẹ H. cũng rất khó khăn. |
Hành trình thoát khỏi "nhà chồng"
Thời gian sau đó, H. không chỉ bị hành hạ về thể xác mà mọi sinh hoạt của H. đều bị người nhà chồng quản thúc, cấm sử dụng điện thoại gọi về Việt Nam. Vì muốn thuận ý gia đình chồng, H. đồng ý đến bệnh viện cấy ghép tinh trùng nên về sau được chồng cho sử dụng điện thoại nhưng không có sim. H. kết nối liên lạc với gia đình bằng Zalo, Wechat... gửi thông tin cầu cứu. Được mọi người giới thiệu, gia đình H. đã làm đơn cầu cứu đến tổ chức Rồng Xanh (Hà Nội) nhờ giải cứu H. Qua xác minh, tổ chức này âm thầm kết nối với H., đồng thời liên hệ bạn bè bên Trung Quốc tìm kiếm chỗ ở của H. Cuối cùng, họ tìm được nơi ở của H. và hẹn thời gian đến đón về nước.
Sau 3 ngày trốn chạy, chiều 12-6-2020, H. về đến tỉnh Lạng Sơn, được cách ly phòng dịch COVID-19 theo quy định. Sau khi hoàn thành cách ly, H. được đưa về Hà Nội, nhưng do sức khỏe yếu nên thành viên trong tổ chức Rồng Xanh đưa H. đi khám, phát hiện cô đang mang thai đôi. H. dưỡng bệnh khoảng 1 tuần thì mọi người đưa cô quay về Bạc Liêu. Đến ngày 6-7-2020, H. hạ sinh đôi 1 bé trai, 1 bé gái.
Ông Hứa Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cho biết, hoàn cảnh gia đình cha mẹ ruột của H. rất khó khăn. Hằng ngày, ông T. (cha H.) đi vác cát, đá thuê cho một cơ sở vật liệu xây dựng đóng trên địa bàn, còn vợ ở nhà nội trợ. "Sau khi nhận được thông tin cháu H. được tổ chức Rồng Xanh giải cứu đưa về nước, UBND xã đã chỉ đạo cho Công an xã rà soát, xác minh báo cáo lên cấp trên; bộ phận Tư pháp - Hộ tịch xã xem xét cấp giấy khai sinh cho hai đứa con của H. Thời gian tới, địa phương sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện, vận động nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình H.", ông Lâm cho biết thêm.
Đối tượng Chi tại cơ quan Công an. |
Có trường hợp tương tự
Trước đó, ngày 4-7-2019, người dân xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải (Bạc Liêu), vui mừng khi thấy chị Nguyễn Kim Hon (SN 1976, ngụ địa phương), đã toàn tụ với gia đình sau 22 năm lưu lạc nơi xứ người.
Ngày 30-6-2019, gia đình chị Ngô Thanh Thủy (thành viên CLB Thắp sáng niềm tin tỉnh Lạng Sơn), tình cờ phát hiện chị Hon tại cửa khẩu Hữu Nghị với tinh thần hoảng loạn. Nhận được tin báo, chị Thủy cùng các thành viên CLB liền có mặt đưa chị Hon về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn chăm sóc. Theo chị Thủy, lúc mới gặp chị Hon không nói được tiếng Việt, khi đưa giấy viết thì chị ghi được tên tuổi, người thân và quê quán. Lúc đó, mọi người mới biết chị Hon quê ở tỉnh Bạc Liêu.
Qua tìm hiểu, biết chị Hon đã lưu lạc sang Trung Quốc 22 năm mà không biết đường về gia đình. Vì vậy, chị Thủy cùng các thành viên chia sẻ thông tin lên mạng xã hội Facebook về hoàn cảnh của chị Hon để nhờ cộng động mạng tìm giúp. Cũng theo theo thông tin từ mạng xã hội, cuộc đời chị Hon rất bất hạnh, có đến 3 năm không nói được, suốt một thời gian dài mất trí nhớ không biết mình là người nước nào. Trong một chương trình chiếu trên ti vi có nói tiếng Việt với hai từ "ăn cơm", từ đó trong sâu thẳm ý thức, chị Hon đã nhớ lại mình là người Việt Nam. Kể từ đó, chị cố gắng nhớ và học tiếng mẹ đẻ để tìm đường về quê hương…
Sáng 3-7-2019, được sự giúp đỡ của thành viên CLB Thắp sáng niềm tin tỉnh Lạng Sơn, anh Nguyễn Kim Tảng đã có mặt ở Lạng Sơn để đón chị Hon về nhà. Theo lời cụ Nguyễn Kim Hến (mẹ ruột chị Hon), năm 19 tuổi chị Hon lập gia đình ở phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu). Chị Hon lấy chồng được hơn một năm thì ly dị. Sau đó, chị Hon đi giúp việc cho một gia đình ở Cần Thơ.
Hai tháng đầu, cụ Hến có lên nhận tiền lương của con. Hai tháng sau, cụ Hến lên thăm con thì chủ nhà thông báo chị Hon được bạn bè rủ đi đâu không rõ. Sau khi chị Hon mất liên lạc, gia đình đã tìm kiếm nhiều nơi, có trình báo chính quyền địa phương nhưng không tìm được nên gia đình từng nghĩ chị mất tích. Không ngờ sau 22 năm lưu lạc, chị mới lại trở về.