Ký ức những ngày "đỏ lửa" trên đất Ăngkor của người lính Công an
"Chiến trường đi không tiếc đời xanh"
Tháng 2 năm 1979, 24 chiến sĩ ưu tú của Trường sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (sau này là Học viện Biên phòng) được tuyển chọn đưa sang Campuchia làm chuyên gia, giúp người dân nước bạn xây dựng chính quyền.
Trong đoàn quân ấy, Phan Xuân Nghĩa (quê Hà Tĩnh) được giao làm Phó Đội trưởng Đội chuyên gia Biên phòng (Đoàn 72) từ đích danh Trung tướng Trần Quyết, Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang.
Con đường từ Kampong Cham đến Batdombooong hoang vắng đến rợn người. Hai bên đường cỏ cây cháy sạm, xơ xác bởi bom đạn, toàn bộ phum sóc tan hoang, những ngôi nhà lạnh tanh, không một bóng người. Đoàn chuyên gia hành quân với tinh thần "thần tốc".
Trên đường đi, đoàn dừng lại tìm nước uống trong một rừng dừa chợt khựng lại khi phía dưới chân ngổn ngang xương và sọ người.
Qua tìm hiểu, đoàn biết được đó là nơi Pol Pot thảm sát người dân Campuchia và một số người Việt. Dòng sông Tonlé Sap vốn hiền hòa, trù phú cá tôm nay nhuộm đỏ máu người, không thể múc được một ngụm nước để pha trà. Batdombooong là thành phố 3 không: không chính quyền, không dân, không điện nước. Tất cả những cảnh tượng tàn khốc ấy in hằn trong trí nhớ của người lính trẻ Phan Xuân Nghĩa.
Cuộc hạnh ngộ của hai cựu binh Phan Xuân Nghĩa và Đỗ Văn Thuần sau 38 năm. |
5 ngày đóng quân ở "thành phố ma", đoàn được điều về huyện Thma Koul (tỉnh Batdombooong). Ông Nghĩa không bao giờ quên ánh mắt của người phụ nữ Campuchia có chồng bị Pol Pot giết đang rất đói khát và hoảng sợ. Bộ đội Việt Nam nấu cơm cho hai mẹ con ăn.
Trước khi họ đi, ông Nghĩa bảo anh em chia sẻ một chút gạo để họ có cái ăn trong những ngày tìm đường về nhà. Người phụ nữ rưng rưng nước mắt, nắm chặt tay những người lính tình nguyện Việt Nam nói lời cảm ơn và mời họ sau này có dịp nhớ ghé thăm quê hương của bà ở tỉnh Xiêm Riệp.
Cựu binh Phan Xuân Nghĩa tâm sự: "Lúc ấy không ai nghĩ được điều gì ngoài cầm súng chiến đấu và cũng chẳng ai sợ chết cả".
Ông Nghĩa nhớ nhất là trận đánh ở cửa chữ V, còn gọi là ngã ba Măngđôlin, một hướng về Tà xanh- Xăm lốp, một hướng đi Pailin. Tiểu đoàn 214 đã chiến đấu ngoan cường, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của 3 xe tăng và bộ binh của địch.
Đẩy lùi được địch, đơn vị được lệnh truy kích mở đường chiếm giữ Pailin. Đây là thị trấn có vẻ đẹp tráng lệ nằm thoai thoải trên một quả đồi với những dãy nhà phố tăm tắp và một ngôi chùa nhỏ nép mình dưới chân núi. Nếu không có sự xuất hiện của Pol Pot thì nơi này đã sở hữu vẻ đẹp kiều diễm, bình yên tựa tiên cảnh.
Những ngày trấn giữ Pailin, quân Pol Pot liên tục công kích. Cuộc giao tranh diễn ra ác liệt, quân Pol Pot gặp sự chống trả quyết liệt từ bộ đội Việt Nam. Máu của những người lính tình nguyện đã đổ để bảo vệ vùng đất này.
Một số chiến sĩ bị thương, riêng Phan Xuân Nghĩa bị sốt rét ác tính hoành hành khiến người xanh đét lại. Ông đã từng chết đi một lần. Bác sĩ cố gắng cứu vớt bằng cách tiêm cho ông một liều thuốc và thật kỳ diệu là ông sống lại.
Dù trong hoàn cảnh cam go như thế nhưng Phan Xuân Nghĩa vẫn luôn vì đồng đội, dành sự yêu thương lớn nhất cho anh em.
Trong trận Pailin, chiến sĩ Đỗ Văn Thuần bị thương nặng. Đồng đội đang mê man nằm trên cáng, tính mạng quá mong manh, Phan Xuân Nghĩa xót đau đến quặn thắt tim gan. Ông không thể làm gì, bèn xé mảnh giấy trong cuốn sổ tay viết vội những dòng cảm xúc của mình lên đó rồi nhét vào cáng cứu thương của Thuần:
"Pailin chiều ngày 11 tháng 4 năm 1979. Thuần! Anh rất đau buồn và thương em vô hạn. Anh nói làm sao, anh viết sao cho em hiểu dù anh em mình mới quen và biết nhau 2 tháng mà thôi. Anh nhớ Thuần lúc xung trận hay lúc về căn cứ, một trái xoài, một mẩu chuyện nhỏ cũng là kỷ niệm.
Điều đó rồi đây nếu cho phép ta gặp nhau sẽ kể, còn chiều nay khi đang họp bỗng có tin em bị thương, thật như sét đánh ngang tai của anh. Anh đã tức tốc xuống thăm thì em đang nằm trên bàn mổ, đang được các y bác sĩ dốc lòng cứu chữa. Anh muốn gọi tên em, song em đã mê man nên đành nén nỗi nhớ, lòng luôn thầm cầu cho em sẽ sống.
Thuần ạ, anh và đồng đội rất khâm phục em. Trong những lúc gian nguy nhất, em vẫn tỏ rõ là con người trung hiếu, dũng cảm trong chiến đấu và mẫu mực trong cuộc sống. Các anh sẽ học em và quyết tâm hết tinh thần của người cách mạng trả thù cho em và đồng đội, em hãy an tâm điều trị. Anh tin rằng em sẽ sống nên ghi vào đây những dòng cảm xúc này em nhé, sau khi em khỏe em sẽ đọc được".
Đó là khoảnh khắc tưởng như li biệt của hai người lính. Sau 38 năm, Phan Xuân Nghĩa kết nối được Đỗ Văn Thuần, họ quá sửng sốt, bất ngờ vì cả hai vẫn còn sống. Ông Nghĩa mời ông Thuần vào TP. Hồ Chí Minh hạnh ngộ. Trong giờ phút gặp nhau, ông Thuần vẫn giữ lá thư bên mình, ông Nghĩa chỉ biết ôm chặt người đồng đội đã cụt hai chân mà nhòa lệ.
Cựu binh Phan Xuân Nghĩa (áo trắng) trong ngày tổ chức giỗ tập thể đồng đội hy sinh ở chiến trường Campuchia. |
Những trận đánh "đỏ lửa"
Có lẽ để lại nhiều ký ức chiến trận nhất với cựu binh Phan Xuân Nghĩa chính là những ngày tháng bám rừng trên vùng núi Cao Mê Lai. Đây là nơi người dân Campuchia đã đúc hẳn tượng một chú voi quay đầu ra ngoài, ngụ ý rằng to khỏe như voi còn không dám ở thì sự thiêng độc và hiểm nguy là khủng khiếp. Vậy mà bộ đội Việt Nam vẫn quyết lên Cao Mê Lai bám trụ.
Ông Nghĩa khi đó là Trưởng Ban tác chiến của Tiểu đoàn đã dẫn quân lên chốt suốt 3 tháng trời, ở đỉnh cao nhất của Cao Mê Lai (cao 322m so với mặt nước biển). Một ngày, mỗi người chỉ có 2 lít nước sử dụng để nấu ăn và uống. Vì không có nước tắm nên cứ 2 giờ sáng, anh em phải cởi áo nằm hứng sương đêm để làm mềm da rồi dùng tay chà ghét, bụi bặm của cơ thể, gọi là tắm khô.
Lính Pol Pot biết được tầm quan trọng của đỉnh Cao Mê Lai nên phục kích và cài mìn dày đặc xung quanh núi. Phan Xuân Nghĩa vẫn nhớ như in hình ảnh cuối cùng của Nguyễn Văn Vinh, bị thương do giẫm phải mìn. Nhìn đôi chân nát bét, rơi "lủng lẳng" của chiến sĩ Vinh, ông Nghĩa vô cùng đau xót.
Giữa núi rừng như thế này, công cụ y tế không có, thuốc gây tê, gây mê cũng không, bác sĩ phải cắt sống đôi chân của Vinh. Trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, điều kỳ diệu đã không đến với người lính trẻ.
Trước khi mất, Nguyễn Văn Vinh còn rất tỉnh táo, anh nắm tay Phan Xuân Nghĩa nhắn nhủ: "Nếu sau này anh còn sống trở về thì nói với bố mẹ hãy giúp em chăm sóc thằng em". Rồi Vinh trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của đồng đội, giữa cánh rừng Cao Mê Lai âm u, lạnh vắng.
Bức thư đã hoen ố được ông Thuần giữ sau 40 năm. |
Giai đoạn 1980, 1981, đoàn của Phan Xuân Nghĩa rời Cao Mê Lai về đóng tại Mo Hơn. Trong một trận phản công của Pol Pot, ông Phan Xuân Nghĩa cùng đồng đội được lệnh sang chi viện cho Trung đoàn 10 Công an vũ trang đang chốt tại hồ Âm Pin (Hồ Âm Pin, tỉnh Xiêm Riệp và tỉnh Batdomboong, giáp nơi Trung đoàn 10 và Trung đoàn 8 Công an vũ trang đóng quân).
Trận giao tranh diễn ra vô cùng ác liệt, suốt một ngày, tiếng súng không ngừng nổ. Khi mặt trận im tiếng súng, Phan Xuân Nghĩa cảm giác người mệt lả đi, sức lực cạn kiện vì đói và khát. Nhưng cái đói còn chống chịu được chứ khát thì thật khủng khiếp.
Gọi là hồ Âm Pin nhưng vào mùa khô đã cạn trơ đáy, không có giọt nước, ở xung quanh cũng không thể tìm được nước uống. Không thể chịu được nữa, Phan Xuân Nghĩa lả đi. C
òn chút hơi sức cuối cùng, ông đưa tay hứng những giọt nước tiểu mặn chát của chính mình. Khi ông định đưa lên miệng uống thì cảm giác nóng rát như thiêu đốt bàn tay, nếu uống vào bụng chắc sẽ cháy bao tử. Ông nghĩ, chẳng lẽ chiến đấu oanh liệt như thế, bom rơi, đạn nổ không chết lại chết vì đói khát hay sao.
Ông đi tìm anh y tá, nói rằng mình đang rất khát, có cách nào không. Anh y tá Bùi Văn Xông lục tung trong người còn 3 lọ nước cất (loại nước suối vô trùng dùng để tiêm cùng thuốc penicillin). Phan Xuân Nghĩa được cho một ống chỉ nhỏ bằng ngón tay, khoảng vài chục giọt nước nhưng từng đó thôi đã giúp ông tỉnh táo, lấy lại tinh thần.
Những trận tấn công, Phan Xuân Nghĩa vừa là chỉ huy, vừa xung phong ôm súng tiến lên "đầu sóng ngọn gió". Ông may mắn vì nhiều lần bị bom nổ sập hầm, bị sức ép của đạn pháo dội qua người mà không chết.
Khoảng tháng 9 nam 1982, Phan Xuân Nghĩa bị bỏng xăng cháy hết nửa người trong chuyến đi thị sát cùng với đồng chí Hai Phê, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5. Ông được đưa về Việt Nam điều trị với vết bỏng 70% và trở thành thương binh hạng 2.
Những năm tháng làm nghĩa vụ quốc tế tại đất Campuchia là thời gian đáng tự hào nhất của cựu binh Phan Xuân Nghĩa.
Ông chưa bao giờ hối tiếc về tuổi trẻ của mình, thậm chí cả một tương lai tươi sáng mà đáng lẽ ra ông đã có cơ hội phát triển khi tốt nghiệp Trường sĩ quan Công an nhân dân vũ trang.
Với ông, được cống hiến một phần máu thịt của mình cho sự "hồi sinh" đất nước Campuchia chính là niềm hạnh phúc to lớn nhất của một người lính tình nguyện Việt Nam.
Rời quân ngũ. Với bản chất anh bộ đội Cụ Hồ, không đầu hàng trước số phận, ông đã cùng đồng đội gầy dựng Công ty kinh doanh dịch vụ du lịch, với tâm niệm là để chia sẻ với đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.
40 năm đã qua nhưng ký ức oanh liệt của những năm tháng thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả tại Campuchia vẫn sống động trong tâm khảm người lính Phan Xuân Nghĩa.
Nhiều lần trở lại chiến trường xưa, ông không khỏi bùi ngùi, xúc động khi nhớ về những đồng đội đã mãi mãi nằm lại trên đất Ăngkor xinh đẹp. Với anh em gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, ông luôn trăn trở, đau đáu và bằng tất cả tấm lòng của mình, ông lặng lẽ giúp đỡ, sẻ chia cùng họ.
13 năm ông luôn đồng hành cùng Ban liên lạc truyền thống Bộ đội biên phòng phát học bổng cho con em cán bộ chiến sĩ Biên phòng có hoàn ảnh khó khăn, học giỏi từ Quảng Bình trở vào Cà Mau.