Làm gì để không bị mất tiền vì những cuộc điện thoại giả danh lừa đảo

10:43 16/10/2020
Hoành hành trong nhiều năm qua, tại nhiều địa phương khác nhau, nạn giả danh cơ quan chức năng gọi điện thoại để lừa đảo đã trở thành nỗi ám ảnh cho rất nhiều người dân. Có những bị hại bị các đối tượng chiếm đoạt rất nhiều tiền mà gần như không có khả năng thu hồi. Song vài tháng trở lại đây, Công an TP Hà Nội đã tìm ra “bí kíp” phòng chống vấn nạn này.


Suýt mất tiền vì bị kẻ lừa đảo dọa

Ngày 7/10/2020, Công an phường Quang Trung, quận Hà Đông nhận được thông báo từ chi nhánh ngân hàng Eximbank về việc 1 khách hàng tới làm thủ tục chuyển tiền có dấu hiệu bị lừa đảo.

Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, cán bộ Công an phường đã khẩn trương có mặt để xác minh vụ việc. Qua làm việc, Công an phường Quang Trung xác định, bà Nguyễn Thị Đ. (SN 1963, thường trú tại huyện Thanh Oai) là người tới giao dịch tại ngân hàng.

Bà Đ. cho biết, trước đó bà nhận được một cuộc điện thoại tự giới thiệu là cán bộ Công an nói liên quan tới một vụ án ma túy, yêu cầu bà Đ chuyển 180 triệu đồng tiền vào tài khoản để điều tra, nếu không sẽ bị bắt giữ. Cơ quan Công an đã giải thích rõ cho bà Đ về thủ đoạn cũng như phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng. Sau đó, bà Đ đã dừng toàn bộ giao dịch chuyển tiền.

Dù đã có những tín hiệu tích cực, song người dân vẫn cần nâng cao cảnh giác trước nạn giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo.

Trước đó, cuối tháng 7/2020, Công an phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tiếp nhận thông tin từ chi nhánh một ngân hàng trên phố Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng) về việc nhân viên cơ sở tín dụng này đang tiếp một khách hàng có những biểu hiện rất đáng chú ý. Một cụ bà tuổi cao, ôm theo chiếc túi to yêu cầu chuyển hơn nửa tỷ đồng vào một tài khoản của ngân hàng khác.

Dù nhân viên ngân hàng khéo gợi hỏi một số thông tin từ cụ bà như: "Chủ tài khoản nhận tiền có phải là người thân của cụ không? Vì sao cụ bà đi một mình đến ngân hàng?... Song “vị khách” một mực lắc đầu không trả lời. Khi đếm tiền, hai tay cụ còn run run... Những dấu hiệu này khiến nhân viên giao dịch nhớ ngay đến thông tin cảnh báo tội phạm lừa đảo mà Cơ quan Công an thường xuyên trao đổi, khuyến cáo, thậm chí còn niêm yết công khai tại phòng giao dịch và đã liên hệ.

Tiếp nhận thông tin, Công an phường Phạm Đình Hổ đã tổ chức lực lượng nhanh chóng có mặt tại phòng giao dịch ngân hàng. “Chúng cháu bên Công an phường, bác có thể thông tin về người sẽ nhận số tiền lớn này không? Bác nên cảnh giác, vì thời gian gần đây có nhiều người đã bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn, sau khi nghe điện thoại của đối tượng tự xưng là điều tra viên…”. Vừa nghe đồng chí chỉ huy Công an phường trao đổi, cụ bà như bừng tỉnh cơn mê và quyết định tạm dừng việc gửi tiền.

Khi đã bình tĩnh lại, cụ bà Hoàng Thị T. (gần 80 tuổi, thường trú tại phố Tăng Bạt Hổ, phường Ngô Thì Nhậm) kể sáng ngày 30/7, có mấy người liên tiếp gọi điện vào máy di động của cụ. Ban đầu giới thiệu là nhân viên bưu điện, sau đó đến lượt một cán bộ Công an Hà Nội cầm máy. Những người này tuyên bố người nhà cụ T. đang liên quan đến vụ án ma túy, và phải chuyển tiền vào tài khoản của chúng để chứng minh vô tội.

Lo lắng cho người thân, cụ T. tất tả vay mượn, rút tiền tiết kiệm, và ngay chiều hôm sau đã gom đủ 600 triệu đồng rồi thuê “xe ôm” chở đến phòng giao dịch ngân hàng trên phố Ngô Thì Nhậm với ý định chuyển hết tiền vào tài khoản các đối tượng yêu cầu. Rất may, từ những biểu hiện lo lắng bất thường của cụ T. đã được nhân viên ngân hàng nhận biết, thông báo đến Công an phường Phạm Đình Hổ để xác minh, ngăn chặn. Sau khi nghe các chiến sỹ Công an phân tích, chỉ rõ thủ đoạn của đối tượng lừa đảo, cụ T. đã quyết định gửi toàn bộ số tiền vào ngân hàng cho… yên tâm.

Tấm biển khuyến cáo người dân cảnh giác tội phạm lừa đảo giả danh có tác dụng thực tiễn cao.

Mỗi người hãy tỉnh táo trước những cuộc điện thoại lạ

Thống kê 6 tháng đầu năm 2020, Công an 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tiếp nhận 776 vụ, với số tiền bị lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, nổi lên là phương thức thủ đoạn lừa đảo giả danh, mạo danh Công an, Viện kiểm sát, Thanh tra, Tòa án, Bưu điện... để chiếm đoạt tài sản gia tăng mạnh, chiếm tỷ lệ trên 65% số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Các bị hại rất đa dạng, đa phần thường là phụ nữ và người già trên 60 tuổi, cá biệt có trường hợp là cán bộ của các cơ quan Nhà nước... Đây đều là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí; thiếu ý thức cảnh giác với tội phạm; không có kiến thức về bảo mật thông tin cũng như hiểu biết về các hoạt động tố tụng hình sự. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, không biết tại sao bị mất tiền trong tài khoản, hoặc lo sợ bị mất uy tín nên không trình báo với cơ quan Công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Theo một chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, nhiều năm nay, nạn lừa đảo giả danh cơ quan chức năng bùng phát rất mạnh. Không chỉ người dân ở các thành phố lớn, mà ở nông thôn, miền núi cũng đã sập bẫy của chúng, bị chiếm đoạt số tiền từ vài trăm triệu lên đến vài tỷ đồng. Thậm chí có những bị hại ở TP Hồ Chí Minh còn chuyển cho các đối tượng hàng chục tỷ đồng và bị chiếm đoạt. Mặc dù cơ quan Công an đã nhiều lần khuyến cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, song dường như lại chỉ mới đến được một bộ phận nhân dân.

Có những tuần mà cơ quan Công an nhận được hàng chục đơn trình báo của các bị hại về việc bị lừa đảo bằng hình thức này. Bị hại không chỉ dừng lại ở những người trình độ dân trí chưa cao, thiếu hiểu biết, hay các cụ ông cụ bà nhiều tuổi thiếu minh mẫn, mà ngay cả một số giáo sư tiến sỹ, những người có chức vụ trong cơ quan nhà nước cũng dính bẫy của các đối tượng.

Nếu như thời kỳ đầu thủ đoạn của tội phạm thường là tự xưng là nhân viên bưu điện, nhân viên công ty chuyển phát nhanh, nhân viên ngân hàng... gọi điện vào máy điện thoại cố định, điện thoại di động thông báo “người bị hại” đang nợ tiền cước điện thoại, nợ tiền thẻ tín dụng, nợ vay ngân hàng hoặc có bưu phẩm, quà tặng gửi ở các bưu điện, sân bay lâu ngày không đến nhận. Từ đó chúng sẽ nối máy với cán bộ điều tra để hù dọa, ép bị hại phải chuyển tiền để chứng minh sự trong sạch.

Các đối tượng thường làm giả lệnh bắt giữ rồi gửi cho bị hại nhằm khiến họ sợ hãi và nhanh chóng chuyển tiền.

Thời điểm hiện tại, thủ đoạn của các ổ nhóm lừa đảo đã tinh ranh hơn rất nhiều. Đầu tiên các đối tượng sẽ yêu cầu bị hại xem lại pin điện thoại, nếu pin yếu phải cắm sạc để liên lạc không bị gián đoạn. Sau đó nếu bị hại đang sống cùng gia đình thì đối tượng yêu cầu phải ra chỗ khác, nói chuyện "riêng tư", không để người khác xen vào câu chuyện. Tiếp đó chúng sẽ làm giả các lệnh bắt khẩn cấp của cơ quan chức năng, gửi cho bị hại, khiến bị hại rất sợ hãi.

Trong khi nói chuyện với bị hại qua điện thoại, bọn chúng cũng giả các tiếng động tại cơ quan Công an, thậm chí "livestream" (phát trực tiếp) hình ảnh lực lượng cảnh sát đang làm việc để khiến cho bị hại tin rằng đang nói chuyện với Công an "xịn". Đặc biệt, các đối tượng luôn sử dụng chiêu bài "chuyên án bí mật", phải "lặng lẽ thực hiện", "không được tiết lộ cho ai" nhằm buộc bị hại không dám nói với người khác, không nhận được sự tư vấn của người hiểu biết để lật tẩy màn kịch của chúng.

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội đã phối hợp với Công an nhiều quận huyện và cơ quan, ban, ngành tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân biết, cảnh giác trước thủ đoạn của các đối tượng. Đồng thời phối hợp với các ngân hàng, chi nhánh để đặt các tấm biển cảnh báo tại các chi nhánh. Việc làm này thực sự đã có tác dụng rất tốt, kịp thời ngăn chặn được nhiều vụ lừa đảo giả danh.

Do đó, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền các thủ đoạn mới của đối tượng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì việc nâng cao vai trò của cán bộ, giao dịch viên ngân hàng cũng như việc lắp đặt các bảng thông tin cảnh báo khi có “người lạ” chuyển tiền đang có hiệu quả hết sức tích cực. Có lẽ đây sẽ là bí kíp chống nạn lừa đảo giả danh qua điện thoại và cần khẩn trương được nhân rộng.

Hoàn tất việc lắp đặt bảng thông báo thủ đoạn lừa đảo tại các chi nhánh ngân hàng huyện Gia Lâm

Mới đây, Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội đã hoàn tất việc lắp đặt bảng thông báo – khuyến cáo thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại 100% ngân hàng trên địa bàn.

Trước đó, cùng với Công an nhiều quận huyện, Công an huyện Gia Lâm phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự tổ chức hội nghị tuyên truyền nâng cao kỹ năng, hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội tại các cơ sở kinh doanh vàng - bạc, ngân hàng, điểm giao dịch tiền tệ đông người.

Cùng với đó, cơ quan Công an đã phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn thống nhất sẽ lắp đặt các bảng thông báo cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm giả danh cán bộ cơ quan pháp luật gọi điện thoại, vu vạ và bắt người dân phải chuyển tiền qua tài khoản để… chứng minh sự vô tội. Khi người dân nhận được các cuộc gọi trên, hoặc ra ngân hàng giao dịch thì sẽ được các giao dịch viên thông báo về hình thức lừa đảo và dừng việc chuyển tiền; đồng thời báo đến số điện thoại đường dây nóng của Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Gia Lâm.

Minh Khang

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文