Làm gì để tận dụng “cơ cấu dân số vàng”?

21:10 18/07/2019
Theo kết quả sơ bộ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019, Việt Nam hiện có 96,2 triệu người, là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.


Đặc biệt, Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) cao gấp đôi nhóm dân số trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên). Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tận dụng cơ cấu dân số này để phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều cơ hội cho phát triển

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, cách đây 10 năm, theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) chiếm 68%; tỷ trọng dân số phụ thuộc (dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên) chiếm 32%. 

Kết quả Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình hàng năm, giai đoạn 2010 - 2018 cũng có xu hướng tương tự. Như vậy, Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” và đang già hóa nhanh. 

Đến khoảng năm 2040, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”. Vì vậy, Việt Nam cần có những chính sách phù hợp về các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: đảm bảo an sinh xã hội cho người già và dễ bị tổn thương, tạo việc làm và phát triển kỹ năng, bảo đảm bình đẳng giới...

Hiện nay, cả nước có hơn 40 tỉnh, thành phố có “cơ cấu dân số vàng”. Nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ sinh đẻ ít, dân nhập cư nhiều, như: TP HCM, Bình Dương… tỷ lệ nhóm dân số trong độ tuổi lao động lên tới từ 75 đến 78%. Ngược lại, các tỉnh có mức sinh cao hoặc xuất cư lớn, như: Lai Châu, Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Trị… tỷ lệ này thấp, chỉ khoảng gần 60%, nghĩa là chưa có “dân số vàng”.

“Cơ cấu dân số vàng” đem lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế-xã hội. Thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” mang lại dư lợi lớn về số lượng lao động. Nếu lấy mốc năm 2016, Việt Nam có gần 93 triệu dân mà tỷ lệ dân số “trong độ tuổi lao động” như năm 1979 thì chỉ có 49,29 triệu người trong độ tuổi này; nhưng thực tế tỷ lệ này đạt tới 68,2% tức là có 63,43 triệu người trong độ tuổi lao động, tức là tăng 14,14 triệu người so với số liệu giả định. 

Đây là dư lợi lớn do “cơ cấu dân số vàng” mang lại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, giai đoạn 2009 - 2019, do số người “trong độ tuổi lao động” tăng lên, hằng năm đã đóng góp trung bình 1,2% cho tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, với dân số hơn 96 triệu dân, trong đó dân số trẻ chiếm tới 2/3, đây sẽ là nguồn lao động bổ sung cho nền kinh tế. Trong đó, nguồn lao động trẻ tiếp thu nhanh, dễ đào tạo, nguồn lực lớn đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Theo đó, sẽ giải quyết được việc làm, khai thác được lợi thế tập trung vào đào tạo công nghệ cao.

Về mặt tác động đối với ngành nghề, thì dân số đông là một lợi thế cho nhiều nhóm ngành hàng trong đó có thương mại điện tử, bán lẻ và cung cấp nguồn lực cho các ngành dịch vụ, công nghệ cao. Tuy nhiên, trước sức ép bùng nổ dân số, cùng với việc già hoá dân số cũng sẽ là sức ép lớn về thất nghiệp, thiếu việc làm. 

Theo công bố của Tổng cục Thống kê thì số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong 6 tháng đầu năm 2019 ước gần 1,06 triệu người, giảm 6,5 nghìn người so với cùng kỳ trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,16% giảm 0,004 điểm phần trăm so với cùng kỳ trước.

Việc già hoá dân số cũng sẽ là sức ép lớn về thất nghiệp, thiếu việc làm.

Cần khuyến khích chuyển đổi cơ cấu lao động

Theo Tổng cục Thống kê, đối tượng lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2019 ước tính là 54,3 triệu người, tăng 0,3% triệu người so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị chiếm 33,0% tăng 1,14 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là lần đầu tiên, lao động làm việc trong khu vực dịch vụ của nền kinh tế cao hơn lao động làm việc trong khu vực nông, lâm, thuỷ sản. 

Với tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động như hiện nay, mục tiêu “đến năm 2030, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%”, có thể “cán đích” trước năm 2030.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, dân số Việt Nam đang bắt đầu đi xuống cuối thời kỳ “dân số vàng”, gần tới dân số già. 

Tốc độ tăng lao động không nhiều, trong khi đó lực lượng lao động trong độ tuổi giảm trong khi lao động già tăng lên. Do vậy, rất cần có những chính sách đối với từng lĩnh vực đối tượng để chuẩn bị dần khi Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già. Trong đó, tập trung vào các chính sách y tế, giáo dục, việc làm…

“Chính sách phải được điều chỉnh linh hoạt và phù hợp với thực tế. Bởi, chất lượng sống của người dân được tăng lên, sức khoẻ tốt hơn, thì đây là lực lượng lao động già chủ động, già khoẻ mạnh nên họ vẫn lao động”, bà Hương cho biết.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, số liệu từ Tổng điều tra 2019 sẽ giúp các cơ quan, chuyên gia có dữ liệu để phân tích xu hướng dân số để có đối sách, chính sách kịp thời để tận dụng thời kỳ dân số “vàng”, giúp dân số Việt Nam không rơi vào tình trạng “chưa giàu đã già” và tránh bẫy thu nhập trung bình, quan tâm tới người yếu thế, những người có thu nhập thấp.

Lưu Hiệp

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Sau gần 1 năm, từ nguồn tiền hỗ trợ của Bộ Công an, hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước. Là địa phương được hỗ trợ 1.000 căn nhà, chỉ trong thời gian khoảng 10 tháng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “về đích” khi những ngôi nhà cuối cùng với thiết kế sáng tạo, linh hoạt đã cơ bản được hoàn thiện để trao tay cho người nghèo an cư, lạc nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文