Làm giả hồ sơ vay vốn ngân hàng để chiếm đoạt gần một tỷ đồng

16:04 11/04/2018
Các đối tượng lừa đảo tuyên bố chỉ cần khoản kinh phí 6 triệu đồng, sẽ có 1 bộ "hồ sơ đẹp" có thể vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng. Với thủ đoạn đó, các đối tượng đã chiếm đoạt số tiền lớn, hình thành nên một đường dây đa cấp ngay giữa thành phố Hà Nội.


Lợi dụng nhiều người nhẹ dạ cả tin, đang cần vay vốn ngân hàng để làm ăn nhưng không có đủ điều kiện hoặc ngại đi làm hồ sơ để làm hồ sơ vay tín chấp, các đối tượng lừa đảo đã vẽ ra chiêu trò mới, chỉ cần có chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu cùng khoản kinh phí 6 triệu đồng, sẽ có 1 bộ "hồ sơ đẹp" có thể vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng. 

Với thủ đoạn đó, các đối tượng đã chiếm đoạt số tiền lớn, hình thành nên một đường dây đa cấp ngay giữa thành phố Hà Nội.

Từ những lá đơn tố cáo    

Đầu năm 2018, cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) liên tiếp nhận được khá nhiều đơn trình báo tố cáo đối tượng Bùi Thị Mai Sao (33 tuổi, trú tại phường Trung Thành, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã lừa đảo làm giả hồ sơ vay vốn ngân hàng để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Theo đó, những bị hại đều là những người đang cần tiền để làm ăn, kinh doanh, buôn bán, hoặc có nhu cầu làm thẻ tín dụng. Tuy nhiên, để vay vốn ngân hàng hoặc làm thẻ tín dụng, họ phải có hồ sơ vay tín chấp ngân hàng trong đó phải có hợp đồng lao động từ 6 tháng trở lên tùy ngân hàng, ngoài ra phải cung cấp bảng lương có đóng dấu xác nhận cơ quan hay bản sao khi nhận lương bằng thẻ ATM…

Thủ tục làm một bộ hồ sơ như vậy mất khá nhiều thời gian, nhất là khi người có nhu cầu vay phải xác minh được khả năng thu nhập từ nơi làm việc. 

Trong khi nhiều người vay lại là người lao động tự do, không thể chứng minh được tài chính của mình. Vốn là nhân viên tín dụng của một ngân hàng trên địa bàn Cầu Giấy nên Sao thừa hiểu được những bước quan trọng này cũng như nắm rõ nghiệp vụ ngân hàng.

Đối tượng Bùi Thị Mai Sao.

Sau khi nghỉ việc tại ngân hàng này, cuối năm 2016, Sao có quen với đối tượng T. cũng từng là nhân viên ngân hàng. Qua tìm hiểu, Sao được biết một số ngân hàng có chính sách cho vay tín chấp với thủ tục khá đơn giản, không cần thế chấp, chỉ cần có "hồ sơ đẹp" chứng minh được thu nhập của mình có đủ khả năng trả nợ là ngân hàng có thể cho vay.

Sao và T. đã bàn với nhau tìm cách huy động hồ sơ của những người có nhu cầu vay vốn, qua đó chiếm đoạt tiền mà Sao và T. nghĩ ra gọi là "chi phí làm hồ sơ". 

Với cái mác từng làm ngân hàng, lại có nghiệp vụ "chém" của một nhân viên tín dụng nên Sao dễ dàng lấy được lòng của những người nhẹ dạ cả tin.

Sao giới thiệu với mọi người chỉ cần đưa cho mình số tiền 6 triệu đồng cùng chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu, Sao sẽ tự mình làm thủ tục ngân hàng để khách hàng có thể vay từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Giữa Sao và T. cũng phân trách nhiệm, Sao là người thu tiền và giấy tờ, còn T thì tạo lập hồ sơ chứng minh thu nhập.

Phương thức cũ, thủ đoạn mới

Không chỉ lừa đảo khách hàng, Sao còn dùng thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ thêm nhiều "cò mồi" làm trung gian môi giới khách hàng đến cho Sao để hưởng phần trăm hình thành nên đường dây đa cấp lừa đảo lớn ngay giữa thành phố Hà Nội, nâng tổng số bị hại trong vụ việc lên tới hàng trăm người. Trong đó, từ mức giá thu ban đầu 6 triệu đồng/ hồ sơ vay tín chấp của Sao, một số đối tượng trung gian đã đứng ra huy động hồ sơ nhưng nâng mức giá lên 10 triệu đồng/ hồ sơ.

Có những bộ hồ sơ bị đẩy qua nhiều tầng nấc, để những người trung gian ở giữa ăn "hoa hồng" khiến mức giá nhận làm hồ sơ vay vốn ngân hàng lại được đẩy lên đến hàng chục triệu đồng/ hồ sơ. 

Cá biệt, có bị hại tố cáo đã phải nộp số tiền lên tới 70 triệu đồng cho một đối tượng để được làm hồ sơ vay tín chấp ngân hàng từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng.

Không chỉ lừa đảo làm hồ sơ giả thu tiền của khách hàng, Sao còn giả danh làm cán bộ ngân hàng, trực tiếp nhận hồ sơ vay vốn của khách và hứa hẹn sẽ giải ngân trong thời gian sớm nhất.

Hai đối tượng làm giả giấy tờ chiếm đoạt tiền của hàng loạt ngân hàng.

Để tạo niềm tin với khách hàng, Bùi Thị Mai Sao tự tạo dựng nên một buổi ký kết vay vốn với nhiều khách hàng. Tại đây, Sao đã nhờ một người giả danh nhân viên ngân hàng ký hợp đồng vay vốn với khách hàng, theo đúng nhu cầu của gói vay mà khách hàng đã nộp hồ sơ.

Với chiêu bài nhờ một nhân viên ngân hàng là đồng nghiệp cũ kiểm tra CICB (mã kiểm tra tình trạng nợ xấu của người có nhu cầu vay vốn) của khách hàng do đối tượng môi giới đưa đến, rồi chuyển thông tin kết quả cho qua email cá nhân của họ, Sao đã lấy được niềm tin cho chính khách hàng và các đối tượng môi giới khi biết Sao vẫn đang làm thủ tục vay vốn cho khách hàng, chỉ là do ngân hàng chậm giải ngân. 

Đồng thời trong thời gian này, Sao nhờ một người bạn khác giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho khách hàng của đối tượng môi giới thông báo rằng ngân hàng đã chấp nhận hồ sơ vay vốn, đang kiểm tra hồ sơ để làm thủ tục giải ngân. Tất cả đã tạo thành một cái bẫy hoàn hảo, nhiều người thấy quá dễ dàng và tin tưởng nên càng ra sức quảng cáo về việc cho vay tín chấp này.

Với lời quảng cáo như vậy, nhiều người có nhu cầu vay vốn đã không tiếc tiền nộp khoản phí "nhỏ" như Sao đưa ra để nhờ làm "hồ sơ đẹp" và vay vốn giúp. 

Nhất là khi họ đang cần tiền làm ăn gấp hoặc làm thẻ tín dụng mà không mất công đi làm thủ tục giấy tờ xác minh, nhất là những người lao động tự do, không cơ quan, đoàn thể.

Bởi vậy, chỉ trong 3 tháng từ tháng 12-2016 đến tháng 3-2017, Bùi Thị Mai Sao đã thu tiền và hồ sơ vay vốn ngân hàng của nhiều khách hàng với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Tại thời điểm bị cơ quan công an triệu tập, Sao không nhớ mình đã làm bao nhiêu bộ hồ sơ giả, nhận bao nhiêu hồ sơ giả để thu tiền của khách hàng. Sao chỉ nhớ đã thu khoảng 900 triệu đồng từ những người bị hại.

Cả ngân hàng và khách hàng cần cẩn trọng

Theo chị Nguyễn Thuỳ Giang, cán bộ ngân hàng VP bank thì nhân viên ngân hàng đã xử lý hàng trăm, hàng nghìn bộ hồ sơ vay tín chấp. 

Bằng kĩ năng và nghiệp vụ của mình, nhân viên dễ dàng phát hiện ra bộ nào thật, bộ nào giả. Việc phát hiện không phải quá khó, chỉ cần xác minh địa chỉ công ty là biết chính xác hồ sơ khách hàng có thật hay không.

"Chúng tôi đã từ chối nhiều bộ hồ sơ giả khi xác minh. Những bộ hồ sơ tuy tinh vi và được chuẩn bị kĩ lưỡng nhưng cũng không dễ qua mặt được ngân hàng", chị Giang cho hay.

Tại sao nhiều bị hại lại dễ dàng bị Sao và đồng bọn lừa đảo như vậy? Dễ dàng tìm thấy nhiều người có nhu cầu vay tín chấp ngân hàng thương mại nhưng lại không đủ điều kiện hồ sơ để được cấp khoản vay. 

Đối với các cá nhân như người làm việc theo hợp đồng ngắn hạn, người đi làm hưởng lương không có hợp đồng lao động, người tự kinh doanh không có chứng minh thu nhập,... họ có nhu cầu vay tín chấp nhưng không đáp ứng được các yêu cầu ngân hàng đưa ra. 

Những khách hàng kể trên luôn là đối tượng dễ bị lừa đảo bởi họ đang có nhu cầu vay vốn thật sự. Họ sẵn sàng chi trả cho khoản phí làm giả giấy tờ để hợp thức hóa việc đi vay ngân hàng. 

Các đối tượng lừa đảo đã đánh đúng điểm yếu những người cần vay tiền, cộng thêm thủ đoạn của các đối tượng quá tinh vi khi lấy mác là cán bộ ngân hàng, lại nhờ kiểm tra được thông tin cá nhân của khách hàng tại ngân hàng đó.

Cẩn trọng với những lời mời chào làm hồ sơ vay tín chấp ngân hàng. (Ảnh minh họa)

Thế nhưng nghiệp vụ ngân hàng dễ dàng phát hiện ra hồ sơ giả. Bên cạnh đó cũng không ngoại trừ những trường hợp nhân viên ngân hàng thoái hoá biến chất, tiếp tay với kẻ xấu để lừa đảo khách hàng, hoặc chiếm đoạt tiền từ ngân hàng. 

Đã có nhiều vụ việc nhân viên ngân hàng làm giả hồ sơ, lợi dụng niềm tin của khách hàng để rút ruột tiền tài khoản của khách. Những bài học nhãn tiền đó nhắc nhở khách hàng luôn phải cẩn trọng, cảnh giác với bất kì lời mời làm hồ sơ từ bên ngoài. Tất cả giao dịch với ngân hàng nên tự mình đi làm, không nên đặt niềm tin vào nhân viên ngân hàng mà ủy thác lại toàn bộ cho họ.

Không chỉ người dân mà chính các ngân hàng cũng luôn phải cẩn trọng với hồ sơ vay vốn từ chính các khách hàng. Bởi hiện nay thủ đoạn làm giả con dấu, tài liệu khá tinh vi. 

Trong khi đó, nhiều ngân hàng có nhiều chính sách cho vay vốn như mua nhà, ôtô, trả góp… Lợi dụng điều đó, nhiều đối tượng làm giả hồ sơ chiếm đoạt tài sản của các ngân hàng.

Đầu tháng 1-2018, TAND thành phố Hà Nội vừa tuyên phạt với hai bị cáo Nguyễn Anh Thắng và đồng phạm về việc giả mạo hồ sơ vay vốn, làm giả giấy tờ tùy thân, đăng ký ôtô chiếm đoạt nhiều tỉ đồng của hàng loạt ngân hàng.

Theo điều 139 BLHS: trường hợp người sử dụng hợp đồng lao động (HĐLĐ) giả vay tín dụng để chiếm đoạt tài sản của NH có giá trị từ hai triệu trở lên thì bị xử lý hình sự về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trường hợp người sử dụng HĐLĐ giả không có ý thức chiếm đoạt, gây thiệt hại về tài sản cho NH mà chỉ có ý định sử dụng HĐLĐ giả để được vay tiền nhanh, bản thân người vay nghiêm túc và có đủ khả năng trả nợ cho ngân hàng thì bị xử lý hình sự về tội "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Người bán/cung cấp HĐLĐ giả thì bị xử lý hình sự về tội "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Trường hợp biết người sử dụng HĐLĐ giả có mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của NH hoặc tổ chức, cá nhân khác mà vẫn cung cấp HĐLĐ giả thì còn có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với vai trò đồng phạm.

Mai - Minh

Công an TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai đồng bộ, đúng tính chất cao điểm (mục tiêu đặt ra cao hơn, cường độ công tác cao hơn, biện pháp quyết liệt hơn) các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, tấn công, trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là 5 loại tội phạm đã được nhận diện còn tiềm ẩn nguy cơ, diễn biến phức tạp…, thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước.

Sau hơn một thập niên nội chiến, Syria đang bước vào giai đoạn chuyển giao nhạy cảm khi chính quyền của ông Bashar al-Assad sụp đổ, tạo ra khoảng trống quyền lực và khởi đầu cho cuộc đua giành ảnh hưởng giữa các cường quốc quốc tế và các lực lượng địa phương.

Cảnh sát Nam Phi mới đây đã phát hiện số lượng lớn ma túy đá được giấu trong một chiếc bàn bi-a bằng gỗ sắp được xuất khẩu sang Australia. Cơ quan chức năng sở tại đang tiếp tục điều tra xác định nguồn gốc số ma túy và những nghi phạm có liên quan.

Sông Sa Lung (Quảng Trị) có chiều dài gần 60km, chảy qua nhiều làng mạc, ruộng đồng của huyện Vĩnh Linh, hòa vào sông Bến Hải trước khi đổ ra biển. Thời gian qua, người dân các xã trên địa bàn huyện này phản ánh, ô nhiễm từ sản xuất công nghiệp và chăn nuôi ở đây không chỉ khiến nước sông bị ô nhiễm, mà còn khiến không khí có mùi hôi thối rất khó chịu.

Nhiều người tưởng uống rượu ngâm củ ấu tàu tốt cho sức khoẻ nên đã ngâm cả bình để uống hay dùng lá hẹ nấu cháo cho trẻ ăn để chữa ho nhưng lại nấu nhầm hoa thuỷ tiên, thậm chí còn ăn hoa chuông để chữa bệnh loét dạ dày, chữa ho… và phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc, có trường hợp nặng phải thở máy.

Trước tình trạng thanh, thiếu niên ngổ ngáo tụ tập mang theo hung khí, sử dụng xe mô tô, xe máy điện dàn hàng ba, hàng tư không đội mũ bảo hiểm gây náo loạn trên các tuyến phố trong thời gian gần đây, Công an TP Hà Tĩnh đã lập các tổ công tác, tuần tra kiểm soát xuyên đêm trên địa bàn để phát hiện, ngăn chặn.

Để biến tiềm năng du lịch đường sông thành hiện thực, các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển toàn diện.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文