Làng nghề thúng chai bên dòng Ngân Sơn

10:22 13/04/2017
Đến những làng chài ven biển, ở đâu cũng có hình ảnh chiếc thúng chai – một công cụ gắn bó với ngư dân trong những chuyến đánh bắt hải sản. Chuyện ở làng nghề thúng chai Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An (Phú Yên) đã cuốn hút tôi từ những người thợ chuyên nghề đan thúng chai và ngư dân sử dụng thúng chai…


1. Nơi tôi đến đầu tiên là làng quê Phú Mỹ nằm giữa hai dòng sông Ngân Sơn và Nhân Mỹ, thuộc địa phận xã An Dân, huyện Tuy An. Hai bên bờ sông là những lũy tre xanh tạo thành “lá chắn sống” không chỉ bảo vệ cư dân sinh sống ở đôi bờ khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về, mà còn là nguồn nguyên liệu để nhiều người thợ ở địa phương tạo ra sản phẩm thúng chai độc đáo, luôn hiện hữu trong đời sống ngư dân ở những làng chài ven biển và trên mỗi chiếc tàu đánh cá vươn ra giữa biển khơi.

Đứng bên chiếc thúng chai đan kết dang dở trong lán trại ở phía tả ngạn dòng Ngân Sơn, lão nông Phan Nghĩa ở tuổi bát tuần tâm sự: “Không biết nghề đan thúng chai ở làng quê này có từ khi nào, tui chỉ nhớ từ thời thơ ấu đã nhìn thấy nhiều bậc cha ông căm cụi chặt tre, chẻ nan, đan kết sản phẩm này, nên ước tính làng nghề thúng chai Phú Mỹ đã có ít nhất trên trăm tuổi”.

Hồi đó, nghề đan thúng chai ở đây còn rời rạc vì không có người đặt hàng số lượng lớn để mua đi bán lại, mà thỉnh thoảng mới có ngư dân tìm đến nhà người thân đặt một, hai thúng chai và cũng chỉ cung cấp ở mấy làng biển gần đây.

Ông Nghĩa lý giải: Thời trước trên biển không có nhiều tàu thuyền, ngư dân chỉ đánh bắt hải sản ven bờ bằng ghe xuồng nhỏ, nên nhu cầu sử dụng thúng chai không nhiều. Thời nay kinh tế biển phát triển mạnh, chỉ riêng ven biển miền Trung này mỗi tỉnh có tới vài trăm tàu đánh cá công suất lớn vươn ra khơi xa đánh bắt dài ngày trên biển, trên mỗi tàu cần có năm, bảy thúng chai để hỗ trợ ngư dân hành nghề, nhờ đó hơn chục năm nay, nghề đan thúng chai ở Phú Mỹ trở nên tất bật rộn ràng. Bây giờ, sản phẩm thúng chai ở đây không chỉ đưa đến nhiều làng biển trong nước mà còn vươn ra nước ngoài.

Gần hai giờ thả hồn bên những người thợ cần mẫn thao tác kỹ thuật từng công đoạn sản xuất thúng chai và lắng nghe lão nông Phan Nghĩa diễn giải, tôi mới biết nghề thủ công này cũng rất công phu.

Nguyên liệu chính của thúng chai là cây tre, nhưng phải chọn cây tre rắn chắc, không non, không già, rồi tách chẻ phần cật vỏ từ nửa thân xuống gốc để lấy nan đan bện tấm mê thúng và chẻ lấy thanh tre lớn để dùng hơi nóng của lửa uốn cong, tạo vành thúng.

Tấm mê đan bện bằng những nan tre được đưa xuống hố đất đào sẵn để tạo hình chiếc thúng rồi cắt bỏ phần nan tre thừa trước khi lắp đặt, kết nối vành thúng bằng những sợi cước chuyên dụng, được gọi là khâu lận vành. Mỗi công đoạn đều được người thợ thao tác rất cẩn trọng để độ cong chiếc thúng tròn đều, đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật.

Ngư dân chèo thúng chai ra biển.

Ông Nguyễn Công – một người thợ thâm niên ở làng nghề thúng chai Phú Mỹ cho biết: “Chọn tre không tốt, chẻ gọt không đều sẽ vấp phải khó khăn khi thao tác kỹ thuật đan bện, tạo hình, uốn vành và lắp đặt vành. Ngược lại khi đã có tre tốt, nan mê, vành thúng chẻ đều, nhưng người thợ không lành nghề, thiếu cẩn trọng, thì sản phẩm làm ra không đảm bảo chất lượng”.

Ít ai biết rằng, phân bò và dầu rái cũng là loại nguyên liệu được sử dụng trong sản xuất thúng chai. Sau khi hoàn tất chiếc thúng thô, người thợ sử dụng phân bò tươi đã đánh nhuyễn để bôi, trát bên ngoài lẫn bên trong thúng trước khi đưa ra phơi nắng. Kế đó là công đoạn bôi, trát dầu rái được thực hiện khá kỹ lưỡng.

Theo ông Trần Văn Tiến, 59 tuổi – một người thợ có hơn 20 năm hành nghề đan thúng chai cho biết: Dầu rái là loại nguyên liệu không thể thiếu khi sản xuất thúng chai và đóng tàu thuyền vỏ gỗ, có tác dụng chống thấm nước và chịu đựng nước mặn, nắng mưa. Đây là loại nhựa thực vật có màu trắng đục được giới thợ rừng khai thác từ những cây dầu rái cổ thụ. Sau khi bôi, trát thúng chai xong, đưa ra phơi nắng sẽ chuyển màu nâu sẫm, bóng mượt. Ngay cả thao tác trộn dầu rái để bôi, trát thúng chai cũng do những người thợ có nhiều trải nghiệm trong nghề thực hiện mới đảm bảo chất lượng.

Lận vành thúng chai.

2. Tiếp chuyện chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch UBND xã An Dân cho biết: Tuy làng nghề thúng chai ở thôn Phú Mỹ, nhưng tại các thôn Bình Chính, Lệ Uyên, Bình Hòa vẫn có một vài gia đình làm nghề này. Với hơn 40 hộ gia đình làm nghề đan thúng chai xuyên suốt hàng chục năm qua đã giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 200 người, ước tính thu nhập hàng tháng của mỗi người hơn 3 triệu đồng. Số tiền không lớn, nhưng so với đời sống ở vùng nông thôn thì mức thu nhập đó đã hỗ trợ người nông dân thoát khó, giảm nghèo, nguồn lao động nông nhàn được khai thác, sử dụng hiệu quả.

Để giúp những người thợ chủ động nguồn vốn sản xuất thúng chai, Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Phú Yên đã phối hợp chính quyền địa phương xét duyệt cho 15 hộ gia đình có truyền thống lâu đời và giàu kinh nghiệm trong nghề được vay mỗi hộ 20 triệu đồng với mức lãi suất mỗi tháng 0,6% để mua nguyên liệu và đào tạo những người thợ nối nghiệp.

Ông Trương Văn Sơn – một người thợ đan thúng chai sành nghề ở Phú Mỹ tâm sự, nghề này cũng có rủi ro, khi ngư dân được mùa tôm cá thì sản phẩm thúng chai tiêu thụ nhiều, thời gian thu hồi vốn nhanh. Ngược lại, gặp lúc thời tiết biển động, ngư dân mất mùa thì thúng chai bán chậm, thu hồi vốn khó khăn, thậm chí có trường hợp ngư dân né tránh trả tiền. Những năm gần đây phát sinh cuộc cạnh tranh giữa thúng chai với thúng có kết cấu vật liệu compostie, nhưng làng nghề truyền thống Phú Mỹ vẫn tồn tại, vì nhiều ngư dân vẫn ưa thích thúng chai.

Ông Nguyễn Công chia sẻ: “Tui theo nghề này mấy chục năm nay rồi, ngoài 5 người nhà, tui còn thuê thêm 10 lao động khác đảm bảo mỗi tháng sản xuất hơn 40 thúng chai”.

Người đặt hàng tiếp nhận và cung cấp cho những làng biển ở miền Trung, miền Nam. Mỗi chiếc thúng chai tùy theo lớn nhỏ có mức giá dao động từ 1,2 đến 1,6 triệu đồng, cá biệt có chiếc thúng đặt hàng theo yêu cầu có giá tới 4 triệu đồng.

Bôi, trát dầu rái trên thúng chai.

Bằng âm giọng tự hào về làng nghề truyền thống thúng chai, Chủ tịch UBND xã An Dân – bà Nguyễn Thị Bình cho biết, không chỉ có mặt ở những làng biển trong nước, mà 6 năm qua, thương hiệu “thúng chai Phú Mỹ” đã “xuất ngoại” đến thị trường hai quốc gia Thái Lan, Thụy Sĩ thông qua một số doanh nghiệp kinh doanh ở TP Hồ Chí Minh. Nếu như hai năm 2011-2012 đã có 325 chiếc thúng chai xuất khẩu sang thị trường hai nước nêu trên, thì hai năm 2015-2016, các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đặt hàng 2.650 thúng chai xuất khẩu sang Thái Lan, Thụy Sĩ, mở ra một hướng đi khởi sắc cho làng nghề thúng chai Phú Mỹ. Sức hấp dẫn của làng nghề thúng chai Phú Mỹ đã được một số tour du lịch Phú Yên – xứ sở “Hoa vàng trên cỏ xanh” khai thác khi đưa du khách đến tham quan nghề thủ công truyền thống chân chất, mộc mạc như chính con người nông dân ở làng quê này.

Chị Trịnh Thị Út Hiền – một du khách đến từ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Những lần ra biển tôi đã nhìn thấy ngư dân vung vẩy tay dầm, chèo chiếc thúng chai lắc lư trên sóng nước. Bây giờ tận mắt chứng kiến người thợ thao tác các công đoạn sản xuất thúng chai, tôi mới hiểu rằng để có được sản phẩm này không hề đơn giản, đồng thời tự hào về một trong những nghề truyền thống thủ công của các bậc cha anh”.

Không chỉ có thế, ông Phan Đình Phùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: Từ nhiều năm qua, thúng chai đã có mặt tại các lễ hội truyền thống đua thuyền trên đầm Ô Loan ở huyện Tuy An, lễ hội sông nước Tam Giang ở thị xã Sông Cầu, lễ hội sông nước Đà Nông ở huyện Đông Hòa với những cuộc thi lắc thúng chai hấp dẫn, sôi động và đậm chất văn hóa dân gian.

Đề cập đến chuyện chèo, lắc thúng chai, ông Đỗ Văn Phụng – ngư dân ở làng biển Phú Câu, phường 6, TP Tuy Hòa, chủ nhân và cũng là thuyền trưởng tàu đánh cá PY-90260 TS cho biết, thúng chai gắn bó với ngư dân từ bao đời nay. Đó là phương tiện đi lại trên đầm, vịnh và vùng biển ven bờ để ném chài, giăng lưới đánh cá, chuyển tải vật dụng từ bờ ra tàu đánh cá và là ngư cụ hỗ trợ trên những chuyến tàu vươn ra khơi xa để ngư dân câu mực làm mồi câu cá ngừ đại dương…

Thông thường ngư dân dùng dầm chèo bằng gỗ để bơi thúng chai, khi quên mang dầm thì lắc thúng bằng tay ở cự ly ngắn. Trông đơn giản nhưng phải lành nghề mới có thể chèo, lắc thúng chai. Đã có không ít trường hợp nửa đêm ngư dân mất mạng khi đang câu mực trên biển, bất ngờ bị giông gió, sóng lớn xô đập lật úp thúng chai. Dẫu vậy, chiếc thúng chai luôn gắn bó trong đời sống của ngư dân như duyên nợ máu thịt không thể thiếu được mỗi khi ra biển…

Rời làng nghề thúng chai Phú Mỹ khi lũy tre bên bờ sông Ngân Sơn mạnh mẽ vươn mình trước những cơn gió giật, bất chợt tôi nhớ đến những câu thơ trong bài thơ “Cây tre Việt Nam” của Nguyễn Duy: “Tre xanh/ Xanh tự bao giờ? Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh/”. Vâng! Cây tre Việt Nam đã có từ ngàn xưa và là nguồn nguyên liệu làm ra nhiều công cụ phục vụ đời sống sản xuất của ngư dân, nông dân và cũng là chất liệu để những nghệ nhân tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo khác, trong đó chiếc thúng chai là một công cụ sản xuất mang tính nghệ thuật độc đáo của cư dân vùng biển Việt Nam.

Phan Thế Hữu Toàn

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ biểu dương Đảng uỷ Cục CSGT đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, đã lãnh đạo Đảng bộ hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cục đề ra.

Nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, ngày 8/1, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper có buổi gặp gỡ sinh viên, giảng viên và lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU). 

Sau 1 tuần Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực với việc tăng nặng xử phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông đã tạo ra được bộ mặt mới về giao thông với việc ý thức của người nâng cao rõ rệt, tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược, đi trên vỉa hè… giảm mạnh.

Ra đường với cái đầu “nóng”, khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người không cần biết đúng sai, nhẹ thì chửi bới, nặng thì lao vào ẩu đả, hung hăng xuống tay đánh đập dã man người khác. Chỉ một phút côn đồ mà vướng vòng lao lý, để lại vết nhơ cả cuộc đời…

Nhiều tài xế xe máy ở Hà Nội đi vào đường Vành đai 2 trên cao (tuyến đường dành cho ô tô di chuyển với tốc độ tối đa 80km/h), đã đưa ra nhiều lý do như "không chú ý biển báo", "đi nhầm đường"... để biện minh cho hành vi vi phạm. Với hành vi vi phạm nêu trên, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì tài xế còn bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Sau hai ngày TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng đồng phạm, chiều 8/1, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội và đề nghị hình phạt đối với các bị cáo.

Ngày 8/1, Đảng bộ Phòng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an tỉnh Khánh Hòa tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030. Đây là đơn vị được Tỉnh ủy và Đảng bộ Công an tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo tổ chức đại hội điểm, nhiệm kỳ 2025-2030. 

Đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng này đã thành lập trên 80 công ty nhưng không tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh thực tế nào mà chỉ để thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng khống trị giá hơn 10 nghìn tỷ đồng…

Thứ trưởng Phạm Thế Tùng yêu cầu, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược phát triển lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm mục tiêu đưa lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文