Lập tour "chui", thu tiền trái phép điểm du lịch "Cây thông cô đơn"

16:37 20/02/2019
"Cây thông cô đơn", điểm du lịch nổi tiếng miễn phí suốt hàng chục năm qua bỗng bị Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng) phối hợp với Công ty Cổ phần Lâm An (còn gọi là Công ty LAAN) lập chốt chặn, bán vé thu tiền du khách với giá 40.000 đồng/người lớn và 20.000 đồng đối với trẻ em.

Điều đáng nói, đây là tour "chui" chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, thẩm định, chưa có bất cứ dịch vụ, đầu tư nào mà hoàn toàn là rừng thông tự nhiên…

Lập tour "chui" bán vé dịp Tết

"Cây thông cô đơn" nằm sát bờ hồ Đan Kia - Suối Vàng, thuộc tiểu khu 112A, xã Lát, huyện Lạc Dương, cách TP Đà Lạt gần 20km. Đây là khu vực vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xây dựng thành Khu du lịch Quốc gia. 

Địa điểm này trở nên nức tiếng từ sau năm 2010 khi các nhiếp ảnh gia công bố nhiều bức ảnh đẹp được chụp vào những thời khắc khác nhau trong ngày của một cây thông cô độc bên bờ hồ, phía xa xa là dãy Langbiang hùng vĩ. Phần lớn thời gian trong năm, khu vực này bị bao phủ bởi lớp sương dày đặc. 

Dưới chân "Cây thông cô đơn" là những thảm cỏ, mùa Đông cho ra hoa màu hồng, thường bị sương mai phủ trắng nên người ta đặt cho tên gọi khác là cỏ tuyết. Vào mùa du lịch, "Cây thông cô đơn" đón hàng trăm, thậm chí cả nghìn người tới tham quan, cắm trại dã ngoại và chụp ảnh lưu niệm. Hiện có hai cách để đến với địa điểm này. Một là thuê thuyền băng qua hồ Đan Kia - Suối Vàng. Đường còn lại xa hơn nhưng có thể đi xe máy, ôtô vào tận nơi.

Từ Tết Kỷ hợi 2019, cho rằng đường bộ vào khu vực "Cây thông cô đơn" thuộc lâm phần của mình, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đã phối hợp với Công ty LAAN dùng dây thép và những thanh sắt chắn chặn ngang các lối ra vào khu vực. 

Tại đường đi chính, đơn vị này lập lên một chốt bán vé di động được chế từ thùng xe kéo có bốn bánh. Mọi lối đã bị chặn, để vào "Cây thông cô đơn", du khách chỉ còn cách duy nhất là "móc hầu bao" mua vé với giá 40.000 đồng/người lớn và 20.000 đồng đối với trẻ em. Phải bỏ tiền mua vé nhưng không được đơn vị thu tiền cung cấp bất cứ dịch vụ nào nên đã xảy ra cảnh cãi vã nảy lửa giữa khách và nhân viên bán vé.

Khu vực "Cây thông cô đơn".

Anh Nguyễn Trường Giang đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết: "Tôi mới tới đây lần đầu nhưng rất bất ngờ khi biết ở đây bán vé. Bạn bè tôi đi tới đây đều nói là địa điểm này không thu phí dịch vụ gì cả, vào thoải mái mà...". 

Một du khách khác là chị Phạm Phương Thảo, đến từ Nha Trang phản ánh: "Đây chỉ là rừng thông tự nhiên, không có bất cứ một công trình đầu tư nào nhưng lại bắt nhóm chúng tôi phải mua vé mới cho vào, đó là điều rất vô lý!...". 

Theo chị Thảo, nhóm của chị sẵn sàng ủng hộ việc mua vé nếu đơn vị thu tiền có những đầu tư, cung cấp các dịch vụ tương xứng với số tiền du khách bỏ ra. "Không đầu tư, không có dịch vụ, toàn bộ khu vực là rừng tự nhiên mà rừng là tài sản của quốc gia thì chúng tôi phải có quyền được vào chứ!..", một du khách tranh cãi với nhân viên bán vé.

Ông Nguyễn Thanh Việt, Giám đốc Công ty LAAN cho biết, việc bán vé vào điểm du lịch này là do Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà thực hiện bởi đây là lâm phần thuộc vùng quản lý của Vườn Quốc gia. Công ty này chỉ là đơn vị phối hợp thực hiện việc bán vé và đưa đón khách. Hiện tại, đơn vị đang bán vé với mức 40.000 đồng/người lớn, 20.000 đồng/trẻ em. Đối tượng học sinh, sinh viên được giảm 50% giá vé. 

Quy định là vậy nhưng mấy ai là học sinh, sinh viên có thể chứng minh được để mua vé với giá ưu đãi, bởi khi đi chơi rất ít người đem theo thẻ học sinh, sinh viên. Sau khi mua vé, đáng lẽ du khách sẽ được Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và Công ty LAAN dùng xe ôtô, vốn được chế từ chiếc máy cày và lắp thêm các thùng để du khách ngồi lên kéo vượt rừng vào "Cây thông cô đơn". 

Tuy nhiên, do chiếc xe chế này chưa được cơ quan chức năng thẩm định, chưa đủ các điều kiện dùng để vận chuyển hành khách nên khi vừa đưa vào sử dụng đã bị Công an huyện Lạc Dương tới kiểm tra, đình chỉ hoạt động. Thành thử, sau khi bỏ tiền mua vé, nhiều du khách vẫn phải di chuyển bằng xe cá nhân của mình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, với giá vé từ 20.000 - 40.000 đồng/người, trong đợt Tết vừa qua, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và Công ty LAAN đã thu về một lượng tiền không nhỏ mà không phải đầu tư bất cứ dịch vụ gì. Đến nay, mặc dù đợt cao điểm du khách tới Đà Lạt - Lâm Đồng đã qua nhưng mỗi ngày vẫn có hàng trăm người tìm đến với "Cây thông cô đơn".

Chốt chặn đường vào "Cây thông cô đơn" bán vé thu tiền của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà.

Ai là chủ của "Cây thông cô đơn"?

Trong khi Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà chặn đường, lập chốt bán vé vào "Cây thông cô đơn" vì cho rằng đây là lâm phần thuộc sự quản lý của đơn vị thì UBND huyện Lạc Dương lại cho rằng "Cây thông cô đơn" nằm ngoài Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Còn nhớ, vào đầu tháng 12-2018, khu vực trên đã bị các đối tượng đào hố nham nhở với mục đích trồng cây, lấn chiếm đất rừng. 

Trả lời PV thời điểm đó, ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà khẳng định vị trí bị lấn chiếm nằm ngoài sự quản lý của đơn vị, tức thuộc Hạt kiểm lâm huyện Lạc Dương và Ban Quản lý rừng. 

Điều này phù hợp với sự trả lời của ông Lê Chí Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương: "Cây thông cô đơn" không thuộc lâm phần của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Vậy mà nay, cũng chính ông Lê Văn Hương nhảy vào xí phần "miếng bánh ngon" này là thuộc sự quản lý của đơn vị nên tổ chức lập chốt chặn bán vé thu tiền.

Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà chặn lối vào "Cây thông cô đơn" để yêu cầu khách phải mua vé.

Ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, ngay khi biết Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà có chủ trương lập trạm bán vé vào khu vực "Cây thông cô đơn" mà không đầu tư, xây dựng gì, hoàn toàn dựa vào tự nhiên và chưa được cơ quan chức năng cấp phép, ngày 23-1-2019, UBND huyện đã có văn bản gửi Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đề nghị tạm dừng tour du lịch này. 

Văn bản của UBND huyện Lạc Dương nêu rõ: "Đối với khu vực cây thông cô đơn thuộc tiểu khu 112A, Khu du lịch quốc gia Đan Kia - Suối Vàng, đây là khu vực nhạy cảm đã từng xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, đào hồ để trồng cây trái phép, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên trong thời gian diễn ra Lễ hội Cỏ hồng Lang Biang 2018. 

Ngoài ra, UBND huyện Lạc Dương đang phối hợp chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc vận chuyển trái phép khách du lịch bằng đường thuỷ sang khu vực "Cây thông cô đơn". Vì vậy, việc tổ chức đưa khách tham quan dã ngoại tại khu vực này sẽ gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn huyện. 

Đây cũng là khu vực thuộc Khu du lịch Quốc gia Đan Kia - Suối Vàng đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch và đang được UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể. UBND huyện Lạc Dương đề nghị Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà tạm thời không tổ chức các tuyến du lịch tại khu vực "Cây thông cô đơn" thuộc tiểu khu 112A…".

Cũng theo ông Hoài, huyện Lạc Dương rất hoan nghênh các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tham gia vào việc đầu tư, khai thác hoạt động du lịch tại địa phương. "Tuy nhiên, việc khai thác du lịch phải tuân thủ các quy định, đảm bảo an toàn cho du khách. Các dịch vụ kèm theo phải thật sự tương xứng với đồng tiền du khách đã bỏ ra!..", ông Hoài nói.

Xe máy cày chế không đủ điều kiện để vận chuyển du khách đã bị Công an đình chỉ.

Bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết, đã yêu cầu Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đình chỉ hoạt động của tour du lịch "chui" tại tiểu khu 112A, xã Lát, huyện Lạc Dương mà đơn vị này phối hợp với Công ty LAAN tổ chức. Theo bà Nguyên, ngành du lịch chưa có chủ trương mở tour vào "Cây thông cô đơn" để bán vé, thu tiền; tour, tuyến này cũng chưa từng được Sở thẩm định. 

Bà Nguyên khẳng định muốn bán vé tham quan phải đảm bảo an toàn cho du khách, phải có dịch vụ, sản phẩm kèm theo tương xứng. Trước khi đưa vào khai thác phải làm các thủ tục pháp lý để được thẩm định. Do không đủ các điều kiện nên Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch  Lâm Đồng đã yêu cầu Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đình chỉ tour du lịch chui này kể từ ngày 15-2 sau khi có buổi làm việc với các bên liên quan.

Liên quan đến sự việc trên, ông Phan Văn Đa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện Lạc Dương tổ chức kiểm tra thực tế, làm việc với Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và các tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ tình hợp pháp, hợp lý của việc tổ chức bán vé vào "Cây thông cô đơn".

Ngô Khắc Lịch

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文