Liên Hợp quốc với những thách thức tuổi 75
Một tổ chức gánh vác nhiều kỳ vọng
Được chính thức thành lập vào tháng 6 năm 1945, tức chỉ hơn 1 tháng sau khi phát xít Đức đầu hàng đồng minh với những thành viên sáng lập là những nước thắng trận, Liên hiệp quốc (LHQ) là một tổ chức liên chính phủ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, hợp tác quốc tế, làm trung tâm điều phối các nỗ lực quốc tế thực hiện các mục tiêu chung.
Nói một cách đơn giản, mục đích hình thành LHQ là để ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới mới có thể xảy ra sau khi nhân loại đã trải qua hai trận đại chiến khốc liệt trong vòng 30 năm trước đó.
Lễ kỷ niệm 75 năm LHQ trong bối cảnh Liên Hợp Quốc đối diện với nhiều thách thức. |
Thế nhưng, mục tiêu cơ bản này của LHQ đã gặp khó ngay từ đầu. Thế đối đầu căng thẳng giữa hai phe thắng trận với một bên là Liên Xô, còn một bên là Mỹ cùng các nước phương Tây đã chia thế giới thành 2 cực rõ rệt. Một cuộc đại chiến thế giới không xảy ra sau đó chủ yếu là do sự ra đời của vũ khí nguyên tử với sức hủy diệt vượt quá sức tưởng tượng của con người hơn là một nỗ lực hòa giải nào của LHQ. Thay vì một cuộc chiến tranh bằng vũ khí nóng thì một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài suốt 40 năm cũng đã bào mòn nhiều nỗ lực của nhân loại trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Trong khi đó, những cuộc xung đột ở các quốc gia, những cuộc chiến tranh khu vực với sự tham gia của nhiều nước chia phe phái rõ ràng là điều mà LHQ đã không thể cản nổi. Cuộc chiến tranh tại Việt Nam với sự can thiệp của Mỹ, cuộc chiến chia cắt Triều Tiên mượn danh LHQ hay những cuộc chiến giữa Israel với các quốc gia Ả Rập là những thất bại rõ ràng của LHQ với tư cách là tổ chức được sinh ra để bảo đảm nền hòa bình cho toàn nhân loại.
Sau khi Liên bang Xô viết tan rã, thế giới dần bước vào giai đoạn toàn cầu hóa, LHQ đã giữ được vai trò lớn hơn của mình trong những vấn đề toàn cầu. Dù không thể ngăn chặn những cuộc chiến ở Kosovo, Iraq hay Lybia, Syria, nhưng với vai trò là nhà điều phối cho những hoạt động nhân đạo ít nhiều cũng nâng cao được vị thế của LHQ. Có điều, những thách thức thì chưa bao giờ buông tha tổ chức lớn nhất hành tinh này, bởi kỳ vọng dành cho họ thì quá lớn nhưng nguồn lực sẵn có thì quá hạn chế.
Tại thời điểm thành lập, LHQ có 51 nước thành viên, còn hiện tại họ có 193 nước thành viên, bao gồm hầu hết quốc gia có chủ quyền trên thế giới. Với bộ máy khổng lồ lên tới 44.000 nhân viên ở khắp các châu lục, LHQ cung cấp một diễn đàn toàn cầu trong đó tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ để có quyền có tiếng nói và được lắng nghe. Nhưng dường như đó cũng chính là điều duy nhất mà LHQ đã làm được: Một diễn đàn của các nhà ngoại giao.
Những thất bại
Năm 2020 sẽ đi vào lịch sử loài người với sự bùng nổ của đại dịch COVID- 19. Lần đầu tiên trong lịch sử, hầu hết các quốc gia trên thế giới đóng cửa để tự tìm cách bảo vệ mình. LHQ bị đẩy ra rìa khỏi những nỗ lực đó và đó cũng chính là thất bại lớn nhất mà LHQ phải hứng chịu trong đúng lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập của mình.
Từ một vị trí là tổ chức điều phối quốc tế, LHQ đánh mất tiếng nói của mình trong hầu hết những vấn đề mà họ đang can dự. Dù là nhà cung cấp viện trợ nhân đạo hàng đầu thế giới, nhưng LHQ không có một nguồn ngân sách riêng ổn định. Ước tính một phần tư tỷ người vẫn bị đói triền miên và một nạn đói khủng khiếp do hậu quả của đại dịch COVID đang ngấp nghé trước mắt.
Các tổ chức quốc tế khác hoạt động dưới sự điều phối của LHQ như WHO (Tổ chức y tế thế giới), UNICEF (Quỹ nhi đồng LHQ), UNHCR (Hội đồng nhân quyền LHQ) hay FAO (Tổ chức lương thực và nông nghiệp LHQ)… thì liên tục bị chỉ trích cũng như gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ cho những hoạt động của mình. Bản thân Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã phải đưa ra một "lời cầu xin" 10 tỷ USD lập quỹ khẩn cấp ứng phó đại dịch nhưng những gì ông nhận lại chỉ là những cam kết mơ hồ cho 20% số tiền đó.
Điều phối một lực lượng gìn giữ hòa bình khổng lồ có mặt ở hơn một chục khu vực bất ổn nhưng LHQ đã không thể chấm dứt những cuộc nội chiến dai dẳng ở Syria, Yemen hay Libya. Thống kê cho thấy trong một thập niên vừa qua thế giới có tới 80 triệu người phải bỏ nhà cửa vì những cuộc chiến tranh. Lời kêu gọi ngừng lại những cuộc chiến toàn cầu để tập trung phòng chống đại dịch cũng trở nên vô dụng.
Những nỗ lực vì nền hòa bình thế giới của LHQ đang đứng trước thách thức nghiêm trọng. |
Israel vẫn tiếp tục chiếm lãnh thổ của người Palestine bất chấp những nghị quyết của LHQ. Ngay cả vấn đề hạt nhân Iran mà LHQ làm trung gian cũng bị đối tác lớn nhất của họ là Mỹ bỏ ngoài. Những căng thẳng tại biển Đông, biển Hoa Đông có dấu hiệu leo thang không ngừng. LHQ cũng không đưa ra được tuyên bố nào về những điểm nóng ở Hồng Kông, Belarus, đảo Síp hay biên giới Trung Quốc - Ấn Độ trong thời gian qua. Có cảm giác, giờ đây, nhiều quốc gia cảm thấy mình không cần đến sự can thiệp của LHQ nữa.
Tất cả cho thấy vai trò của LHQ trong đời sống quốc tế đang ngày càng trở nên mờ nhạt, đến mức đã có nhiều ý kiến thắc mắc về sự tồn tại của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này.
Thách thức thể chế
Xung đột giữa Israel và Palestine có tuổi đời dài bằng LHQ vẫn chưa giải quyết và có lẽ sẽ không bao giờ giải quyết được bởi cơ chế bỏ phiếu của tổ chức này. Rất ít quyền lực được dành cho Đại hội đồng với 193 thành viên trong khi quyền quyết định được 5 thành viên - phủ quyết trong Hội đồng bảo an đưa ra. Như vậy, chỉ cần 1 trong 5 nước Hội đồng Bảo an này bỏ phiếu chống thì 192 nước thành viên còn lại cũng không thể làm gì được.
Cơ chế đồng thuận biến thành trở ngại cho những quyết sách quan trọng nhất của LHQ. Năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an dĩ nhiên đều không muốn thay đổi cơ cấu quyền lực này, bởi đó là thứ đặc quyền làm cho họ đứng cao hơn các thành viên khác. Nhưng điều đó cũng tạo nên tình trạng bế tắc kinh niên trong những vấn đề hóc búa nhất.
Sự vươn lên của những cường quốc như Đức, Nhật Bản hay Ấn Độ trong những năm qua đã đem đến đòi hỏi thay đổi cơ chế này nhưng cho đến giờ, những suy nghĩ về sự thay đổi đó vẫn chỉ là ý tưởng.
Bản thân Hiến Chương LHQ còn chứa đựng một mâu thuẫn lớn không thể hóa giải được. Một mặt Hiến chương LHQ đề cao chủ nghĩa đa phương, mặt khác lại nhấn mạnh vào chủ quyền quốc gia không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi nước. Mỗi quốc gia vì vậy đều vì lợi ích riêng mà lờ đi những giá trị quốc tế. Đại dịch COVID càng khiến các quốc gia "hướng nội" nhiều hơn và nó như sự phủ nhận vai trò của LHQ trong việc kết nối thúc đẩy các giá trị toàn cầu.
Cuối cùng là sự thay đổi vai trò của các nước lớn đang làm ảnh hưởng đến LHQ. "Nước Mỹ trên hết" của tổng thống Donald Trump đang rút ra khỏi vị trí lãnh đạo toàn cầu trong khi Trung Quốc thì không ngừng gia tăng ảnh hưởng trong chính các tổ chức của LHQ. Điều này vô hình chung biến LHQ trở thành một chiến trường giữa hai cường quốc tạo nên sự rối loạn từ bên trong của tổ chức này.
Như vậy, sau 75 năm thành lập, LHQ thay vì đóng vai trò ngày càng lớn trong những vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế lại đang đứng trước thách thức về giá trị sự tồn tại của mình. Điều này càng đòi hỏi các nước thành viên phải nỗ lực cố gắng hơn trong việc đóng góp cho tổ chức lớn nhất hành tinh này, bởi nếu mất đi diễn đàn lớn nhất thế giới này, thế giới sẽ rất có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng lớn hơn khi những tiếng nói nhỏ bé không được lắng nghe còn các cường quốc có thể trở về với lối hành xử của mình.