Lời cảnh tỉnh cho người xuất khẩu lao động
Bất ổn, cướp bóc hoành hành
Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, khoảng 2h ngày 20-5, trong lúc ở nhà trọ tại Angola, anh Nguyễn Trọng Đức (47 tuổi) và chị Trần Thị Thu Hường (40 tuổi, quê xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) bị nhóm cướp tấn công cướp tài sản. Chúng dùng dao đâm hai nạn nhân nhiều nhát dẫn tới tử vong. Hai nạn nhân có quan hệ họ hàng với nhau.
Đây không phải là những người Việt đầu tiên mất mạng ở Angola. Năm 2016, chị Hoàng Thị Văn sang làm việc chui tại Angola bị bọn cướp sát hại. Chị Văn cùng anh Nguyễn Văn Vinh cùng quê Hà Tĩnh và một người Angola đang ngủ trong khu nhà trọ ở tỉnh Huam thì bị cướp vào trấn lột tiền, dùng xăng đốt. Chị Văn tử vong, còn anh Vinh và một người Angola bị phỏng nặng trong tình trạng nguy kịch.
Trước đó, tại tỉnh Uige, anh Đặng Quốc Nghĩa trên đường đi làm về thì bị cướp chặn đường trấn lột. Do không mang theo tiền, anh Nghĩa bị bọn chúng bắn chết. Hai ngày sau, cũng tại tỉnh Uige, anh Nguyễn Viết Hậu bị một nhóm cướp sát hại. Không lâu trước khi anh Hậu tử nạn, ở Luanda, anh Lê Văn Quế cũng bị bọn cướp bắn chết khi đang trên đường đi làm về.
Tình trạng cướp bóc tài sản xảy ra thường ngày khiến cho những lao động ở đây luôn trong tình trạng lo lắng. Liên lạc với chúng tôi qua Facebook, một lao động tên Mạnh (quê Nghệ An), đang làm việc ở Lubango cho biết, anh không dám ra đường vào buổi tối; mỗi khi có việc ra khỏi nhà đều hẹn nhau đi thành nhóm. Mọi người còn dặn dò làm được đồng nào là gửi về nước, tuyệt đối không mang nhiều tiền khi đến nơi làm việc.
Lao động Việt Nam xây dựng tại Angola. |
Khuyến cáo người lao động không nên đi tự do
Angola là một trong những quốc gia giàu nhất châu Phi, nếu có việc làm đầy đủ, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam (chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng) đạt từ 800 - 1.000 USD/tháng. Đây là lý do chính khiến nhiều lao động sang đây bằng mọi giá. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có bất ổn an ninh, cướp bóc hoành hành mà từ năm 2014 đến nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa mở rộng xuất khẩu lao động sang thị trường này sau giai đoạn thí điểm.
Theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, hiện có khoảng 40.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở Angola. Trong đó, ước có khoảng vài ngàn lao động do một số cá nhân đưa sang Angola theo hạn ngạch do các công ty xây dựng của Trung Quốc xin và “bán” lại cho các nhà thầu nhỏ người Việt (xin visa lao động tại Đại sứ quán Angola ở Việt Nam); hoặc đi bằng visa du lịch có thời hạn 3 tháng, sau đó tìm cách “chạy” để chuyển thành visa lao động. Hầu hết lao động đều phải đi qua các đường dây môi giới, “cò” lao động, “chung chi” bình quân 6.500 USD/người, trong đó riêng tiền xin visa lao động khoảng 2.000 USD/người.
Thi thể của một lao động bị giết trong một vụ cướp tại Angola năm 2014. |
Cho dù thu nhập khá nhưng theo Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, do làm việc cho các nhà thầu xây dựng nhỏ nên cũng có không ít người thiếu việc làm, thu nhập bấp bênh. Chưa kể, họ không có bảo hiểm; gặp ốm đau, tai nạn… thì chủ thầu trả chi phí nhưng cũng được chăng hay chớ.
Đáng nói hơn là do sang Angola theo hạn ngạch không chính thức hoặc đi “chui” nên dù có chạy được visa lao động, người lao động vẫn bị coi là bất hợp pháp. Do vậy, nhiều trường hợp bị cảnh sát bắt, phải đút lót từ vài chục hoặc vài trăm USD để được thả. Có người bị đưa vào tù phải trả hàng ngàn USD để không bị trục xuất. Mặt khác, do điều kiện môi trường không phù hợp nên nhiều lao động bị sốt rét, ốm đau, trong khi chi phí chữa bệnh tại Angola rất cao. Thêm vào đó, tình hình an ninh tại Angola không bảo đảm nên đã có một số người Việt Nam bị cướp, thậm chí bị giết để cướp của.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ,TB&XH), cách đây 5 năm có thí điểm cho 6 công ty đưa lao động đi làm việc tại Angola và những hợp đồng ký kết đưa đi (hợp đồng 2 năm) cung ứng số lượng lao động ít và cũng đã xong. Cho đến thời điểm này, Cục Quản lý lao động ngoài nước chưa nhận bất ký đơn cung ứng lao động của doanh nghiệp.
“Không chỉ tình hình an ninh tại Angola không đảm bảo mà môi trường Angola không phù hợp, nên nhiều lao động bị sốt rét, ốm đau, trong khi chi phí chữa bệnh tại Angola rất cao, chính vì vậy người lao động thận trọng đi thị trường này, nhất là lao động chui sẽ gặp rất nhiều rủi ro”, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh trao tiền hỗ trợ cho gia đình 2 nạn nhân. |
Một vấn đề nữa cũng rủi ro cho lao động, đó là việc rất khó khăn khi gửi tiền về nhà, bởi hệ thống ngân hàng Angola không kết nối với hệ thống ngân hàng nước ngoài. Chính vì vậy, lao động nước ngoài tại Angola thường giữ tiền trong người. Đây chính là một trong những nguyên nhân để bị cướp.
Thực tế thì doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam cũng rất thận trọng khi khai thác thị trường này bởi tình hình an ninh khá phức tạp. Đại diện Công ty Vinaconex cho biết, trước đây công ty cũng nhận được những lời mời hợp tác, đưa lao động sang Angola. Tuy nhiên, khi thỏa thuận ký kết lao động dài hạn, chế độ bảo hiểm lúc ốm đau, bệnh tật phía đối tác không đảm bảo nên cho tới nay công ty vẫn chưa đưa người sang Anglola. Thêm vào đó tình hình an ninh bất ổn khiến doanh nghiệp không dám mạo hiểm.
Là địa phương có tới 4.000 người đang sinh sống và làm việc tại Angola, ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cho biết số này chủ yếu đi theo con đường du lịch, thăm thân. Theo ông Dũng, lao động đang làm việc tại Angola hết sức khó khăn, nguy hiểm bởi tình hình bất ổn về an ninh, tỉ giá đồng tiền Angola giảm mạnh so với đồng USD.
“Để hạn chế lao động sang làm việc "chui" tại Angola nói riêng và một số thị trường lao động khác, Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu được thị trường lao động phức tạp ở Angola”, ông Dũng nhấn mạnh.
Đại sứ quán Việt Nam tại Angola cho biết, người Việt đang sinh sống làm việc tại Angola có thể chia thành 3 nhóm: Thứ nhất, đó là các chuyên gia y tế, nông nghiệp và giáo dục đã sang Angola làm việc theo các thỏa thuận về hợp tác lao động đã ký giữa hai Chính phủ từ nhiều năm trước. Các chuyên gia này đã sang Angola được 20-30 năm, thu nhập của họ rất cao, trung bình 2.500-4.000 USD/tháng (tùy thuộc vào bằng cấp, học vị). Số chuyên gia Việt Nam hiện ở Angola là 183 người. Thứ hai, là họ hàng, người thân của các chuyên gia Việt Nam được bảo lãnh để cư trú hợp pháp. Nhóm này chủ yếu làm ở những lĩnh vực buôn bán, kinh doanh nhỏ (mở cửa hiệu làm ảnh, photocopy, dịch vụ chuyển tiền, bán hàng tạp hóa chủ yếu tập trung ở chợ Sao Paolo- Luanda…) và thầu xây dựng nhỏ. Thứ ba, là những lao động phổ thông hoặc biết chút ít về xây dựng, sang Angola trong thời gian một vài năm gần đây. Đa phần những lao động này làm trong lĩnh vực xây dựng và chủ yếu là lao động bất hợp pháp, bao gồm cả trường hợp nhập cảnh bằng visa du lịch và ở lại làm việc hoặc nhập cảnh bằng visa lao động nhưng làm việc cho chủ sử dụng khác với chủ sử dụng có tên trên visa lao động. Vì vậy, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Angola đều không có thông tin cụ thể về số lao động này. Trong cộng đồng người Việt ở Angola, bên cạnh đội ngũ chuyên gia y tế, giáo dục Việt Nam được phía Angola đánh giá cao, còn tồn tại khá nhiều vấn đề như nhiều lao động không có giấy tờ hợp pháp, cờ bạc, vay mượn, hoạt động băng nhóm xã hội đen (trấn lột, cướp bóc, kinh doanh mại dâm…). Ngoài ra, mỗi năm có khoảng 20 - 30 người Việt chết do bệnh tật (sốt rét, sống vàng da), tai nạn lao động. Phía Angola cũng khẳng định luật pháp không cho phép người nước ngoài nhập cảnh vào Angola bằng visa du lịch được chuyển đổi sang visa lao động trong thời gian ở Angola. Hiện có rất nhiều lao động Việt Nam đang làm việc tại Angola, nhất là trong lĩnh vực xây dựng. Đại bộ phận lao động này đã sang Angola bằng visa du lịch và ở lại làm việc bất hợp pháp tại đây. |