Lớp học đặc biệt giữa lòng hồ Trị An

17:37 10/06/2019
Gần 10 năm trước, Sư thầy Thích Chơn Nguyên trở về tu đạo tại chùa Liên Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Ngôi chùa nằm gần hồ thủy điện Trị An, thầy Nguyên thường có dịp đi ngang qua và thấy nhiều đứa trẻ đến tuổi đi học nhưng vẫn phải theo cha mẹ lênh đênh đánh cá trên lòng hồ.


Chuyện của người "mở đường"

Gần 10 năm trước, Sư thầy Thích Chơn Nguyên trở về tu đạo tại chùa Liên Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Ngôi chùa nằm gần hồ thủy điện Trị An, thầy Nguyên thường có dịp đi ngang qua và thấy nhiều đứa trẻ đến tuổi đi học nhưng vẫn phải theo cha mẹ lênh đênh đánh cá trên lòng hồ.

Thầy lân la hỏi chuyện thì biết được họ là những Việt kiều từ Campuchia về, trong tay không tấc đất cắm dùi, không giấy tờ tùy thân. Cha mẹ mù chữ, nên chúng cũng mù chữ. Thầy Chơn Nguyên đi vào từng chiếc bè mong muốn được dạy cho các em đã từng theo học mà bỏ dở giữa chừng.

Sư Chơn Nguyên dạy chữ cho trẻ ở lòng hồ Trị An.

Mục đích của thầy là khôi phục lại kiến thức đã bị thiếu hụt, thầy sẽ giúp các em trở lại trường. Tuy nhiên, phương án này chỉ duy trì được một thời gian ngắn thì dừng bởi các em không muốn học chữ nữa, chúng chỉ thích ra hồ nước quăng mình xuống đó kiếm tôm cá. Học chữ mà cái bụng lép thì không thể "vô chữ" được.

Mãi đến năm 2018, khi cuộc sống của cư dân làng bè Trị An không còn biệt lập nữa, các bậc cha mẹ đã cởi mở hơn với bên ngoài, họ biết giao lưu trao đổi hàng hóa để cuộc sống ổn định hơn. Đây cũng là thời điểm "chín" để thầy kết hợp với Đoàn Thanh niên Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai mở lớp dạy.

Sư thầy và các bạn đoàn viên tới từng nhà kêu gọi cha mẹ cho con đi học chữ. Lớp học là một ngôi nhà bè nổi giữa lòng hồ. Mỗi ngày, cha mẹ chỉ việc chở con tới rồi thầy sẽ nhận. Học với thầy, ngoài chữ ra, các em còn được cho ăn no, cho quà mang về. Quà của thầy là gạo, sữa, quần áo những thứ thiết thực nhất với mỗi gia đình.

Chúng dần quên đi cuộc sống lam lũ, đói khổ mỗi ngày phải phụ thuộc vào tấm lưới tay chài và yên tâm học tập. Lớp học không cố định về thời gian, các em rảnh lúc nào thì đến. Có hôm lớp học nguyên ngày, nhưng cũng có khi chỉ học nửa buổi vì các em phải theo cha mẹ đi đánh cá. Thậm chí, lớp đang học giữa chừng thì một số em xin về để đi thả lưới.

Để duy trì được lớp học ổn định với sĩ số trên 30 em học sinh là cả một quá trình nỗ lực bền bỉ, không quản ngại khó khăn vất vả của sư thầy Chơn Nguyên. Thầy là người bị động, luôn trong trạng thái chờ đợi,  mong trò như trẻ mong mẹ đi chợ về. Để làm được điều đó, chỉ có thể là tình yêu thương quá lớn mà người thầy dành cho học trò.

Trong lớp, sư thầy nắm được hoàn cảnh từng em, hiểu rõ nỗi lòng của cha mẹ các em. Em nào quá khó khăn, phần quà của thầy lúc nào cũng phải nhiều hơn, to hơn. Sợ trò nghỉ học, sư thầy còn phải đến tận nhà nói chuyện với phụ huynh, cho cân đường hộp sữa và cả gạo, nước mắm, đường...

Nhiều người hiểu việc làm của sư thầy đã tự nguyện mang vật phẩm tới đóng góp, giúp thầy duy trì những phần quà mỗi ngày cho học sinh. Ngoài dạy chữ, sư thầy còn rèn luyện các em đức tính lễ phép với người lớn, ý thức về bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi...

Lớp học nằm giữa hồ nên phải di chuyển bằng ghe xuồng.

Hơn một năm mở lớp, giờ đây trẻ em nghèo làng bè hồ Trị An đã có một mái nhà chung rộn rã tiếng cười, ấm no về miếng ăn, con chữ. Những em học sinh 17, 18 tuổi sau khi biết đọc biết viết đã vào đất liền tìm việc làm, dần thoát khỏi cuộc sống bè nổi chênh vênh theo con nước. Em nào không xin được việc thì thầy sẽ đứng ra bảo lãnh với công ty, lo giấy tờ để được vào làm.

Sư thầy Thích Chơn Thành cho biết, nguyện vọng lớn nhất của thầy là phổ cập chữ cho toàn bộ trẻ em làng bè. Sau này nếu em nào có chí hướng tiếp tục vào bờ theo học cao hơn thì thầy sẽ tài trợ, giúp sức đến cùng. 

Thầy sẽ tiếp tục vận động nguồn lực để mở thêm một lớp học nữa, nhằm giúp việc dạy chữ cho người lớn và trẻ em được tốt hơn. Hiện nay chỉ có một lớp nên người lớn học thì trẻ em phải nghỉ và ngược lại. "Mong ước của tôi không chỉ dừng lại ở việc dạy các em biết đọc, biết viết mà còn lo cho các em có một tương lai tốt hơn", Sư Chơn Nguyên chia sẻ.

Lớp học của những học sinh đặc biệt

Mong ước của thầy Chơn Nguyên đã phần nào hiện thực hóa khi mới đây, Đoàn Thanh niên khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai tiếp tục mở lớp học xóa mù chữ cho người lớn tại làng bè Trị An. Học sinh trong lớp, mái tóc đều đã điểm bạc nhưng họ chỉ học những cuốn sách của trẻ lớp 1, lớp 2.

Lớp học do anh Nguyễn Hoàng Nam, Bí thư đoàn Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai phụ trách, học một tuần 2 buổi vào chiều thứ 2 và thứ 3. Sĩ số lớp lúc đầu được 7 người, sau đó lên được 10 người. Trong căn nhà được chắp vá bằng những miếng sắt hoen rỉ và vài tấm ván cũ kỹ, tiếng đánh vần của các cụ ông, cụ bà vang lên, xóa tan bầu không khí oi ả ngày hè.

Lớp học của những người khuôn mặt khắc khổ, có người đã rụng hết răng, móm mém đọc chữ khiến bất cứ ai chứng kiến cũng cảm thấy chạnh lòng. Trong lớp học có cả bố chồng 71 tuổi, học chung với con dâu 47 tuổi. Họ học với tất cả niềm hăng say của những người cả đời không biết chữ, đang khát khao được ra với thế giới văn minh.

Sau khi bỏ Biển Hồ (Campuchia) trở về Việt Nam, những Việt kiều này chật vật xây dựng cuộc sống mới giữa lòng hồ Trị An. Tuy nhiên, việc không biết chữ đã gây trở ngại rất lớn cho họ. Chỉ riêng việc tính toán con cá, mớ rau để trả tiền cũng khó khăn. Nhiều ông bà muốn ra tới chợ huyện, đứng bên đường chờ xe bus nhưng chịu chết vì không thể đọc được chữ ghi trên xe, không biết bắt xe nào về nơi cần đến.

Hiện sống trên lòng hồ đang có 1.200 hộ với 6.000 nhân khẩu, trong đó trên 70% là Việt kiều. Thầy giáo "tay ngang" Nguyễn Hoàng Nam cho biết: "Ý tưởng mở lớp đưa ra được mọi người ủng hộ cao nhưng khó khăn lớn nhất là việc tập hợp được học sinh đến lớp. Đa phần các ông bà đã lớn tuổi, họ vất vả mưu sinh hàng ngày. Họ không có thời gian rảnh rỗi để đi học. Sau khi tuyên truyền, vận động, cũng có vài người chịu đến lớp. Người nọ động viên người kia vượt qua khó khăn, mặc cảm mà đi học".

Lòng hồ mênh mông nước, cuộc sống của dân chài biệt lập với đất liền.

Trong những ngày đứng lớp, anh Nam không thể quên hình ảnh của bác dân chài tất tả ôm manh lưới trở về nhà, chỉ kịp thay bộ quần áo là chạy ào tới lớp học. Đôi bàn tay của bác vẫn còn bám chặt bùn đất, hơi thở của bác thoang thoảng mùi cá. Nhưng khi vào học, bác hăng say đánh vần, chịu khó hỏi han. 

Học sinh già nhất trong lớp là ông Nguyễn Văn Lời (71 tuổi). Học sinh đặc biệt này rất chăm chỉ tới lớp, hầu như không bỏ buổi học nào. Mục đích lớn nhất của ông Lời là biết chữ để đọc được biển hiệu xe ôtô, có đi đâu thì thoải mái chủ động chứ không phải dày mặt ra hỏi người ta.

Hơn hai tháng đi học, ông Lời đã biết đánh vần và đọc được "lai rai" câu đúng câu sai. Hành trình học chữ khó gấp trăm lần việc đánh cá trên hồ nhưng ông Lời sẽ quyết tâm học tới cùng. Sau buổi học trở về nhà, các ông bà lại được con cháu kèm cặp thêm nên có sự tiến bộ nhanh chóng.

Mỗi khi bóng tối tràn về phủ kín lòng hồ mênh mông, thay vì phải nghe tiếng cá quẫy nước, tiếng côn trùng rỉ rả dưới lòng bè thì nay, tiếng học bài của ông bà, con cháu chộn rộn vang lên. Chỉ có khát khao con chữ mới đủ sức thôi thúc họ làm được những điều tưởng như không thể như vậy.

Ngọc Hoa - Mai Hiền

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文