“Ma trận” tiền ảo

16:07 10/12/2017
Xuất hiện từ năm 2009, bitcoin – một loại tiền ảo mã hóa xuất hiện trên thị trường công nghệ và cho đến nay đã được sử dụng rộng rãi trong thương mại điện tử. Mới đây, giá trị của 1 đồng bitcoin đã lên tới 10.000 USD và ăn theo đó nhiều loại hình thu hút đầu tư để buôn bitcoin đã xuất hiện.


Cùng với đó, cũng có không ít kẻ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để thu hút đầu tư thông qua những đồng tiền ảo, từ đó có hành vi chiếm đoạt tài sản…

Đầu tư thiếu hiểu biết

Mới đây, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt giữ ba đối tượng gồm Thân Thị Toan (50 tuổi, ở tỉnh Bắc Giang), Nguyễn Tuấn Giảng (63 tuổi, ở Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) và Nguyễn Thị Thi (54 tuổi, ở TP Hà Nội) để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua hình thức huy động vốn đầu tư tiền ảo bitcoin (BTC). 

Trước đó, tại địa bàn Bắc Giang, các đối tượng trên đã lập một website để kêu gọi các nhà đầu tư tại địa phương tham gia.

Theo đó, lãi suất được đưa ra với những nhà đầu tư nói trên là vô cùng hấp dẫn, lên tới 15%/tháng và có thể rút gốc sau 180 ngày nếu không muốn tiếp tục tham gia. Đặc biệt, nhóm này còn làm việc theo hình thức “đa cấp” khi những người vào trước, giới thiệu người vào sau sẽ được chi hoa hồng từ 10% – 15% trên tổng số tiền người tham gia sau đầu tư.

Đối tượng Nguyễn Tuấn Giảng tại cơ quan điều tra.

Với những lời kêu gọi, thuyết trình về khả năng thu lợi nhuận khủng như vậy, nhiều người đã bị mờ mắt trước đồng tiền và đổ hàng trăm triệu đồng vào website này.

Cụ thể, trước khi bắt giữ ba đối tượng nói trên, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã nhận được đơn tố cáo của bà Đ.T.N về việc bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng thông qua kêu gọi đầu tư.

Bà Nh. đã góp 400 triệu đồng mua mã AOC với lãi suất 0,5%/ngày và sau đó không thu hồi lại được vốn như các đối tượng đã hứa hẹn. Được biết, hiện nay CQĐT đã ra quyết định khởi tố Nguyễn Tuấn Giảng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tiếp tục mở rộng điều tra.

Trung tuần tháng 11 vừa qua, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội đã nhận được gần 20 đơn thư của bị hại bị lừa đảo, chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng thông qua hình thức huy động vốn đầu tư tiền “ảo” bitcoin.

Vụ việc nói trên đã thể hiện sự đầu tư thiếu hiểu biết của người dân về một loại hình không còn mới nhưng vẫn vô cùng xa lạ như bitcoin. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết đó, các đối tượng đã mê hoặc những nhà đầu tư bằng các bài thuyết trình về lãi suất “khủng”, khả năng thu hồi vốn lãi nhanh…

Những bài thuyết trình mà chúng ta thường thấy tại những công ty đa cấp có dấu hiệu lừa đảo dùng để “tẩy não” người tham gia. Đây cũng là lần đầu tiên một vụ án liên quan đến tiền ảo bị khởi tố, thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn loại tội phạm lừa đảo mới này.

Tiền ảo, thiệt hại thật

Ngoài đồng bitcoin có thật và đang “nóng” thật sự trên thị trường tiền ảo, một số kẻ còn lợi dụng lập nên những đồng tiền ảo khác để kêu gọi nhà đầu tư. Mặc dù rất khó để tìm thông tin về những đồng tiền ảo này trên mạng nhưng một số người vẫn đổ tiền vào điên cuồng bất chấp có bị lừa hay không.

Một điển hình của loại tiền ảo này đó là đồng Onecoin, phổ biến rộng rãi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Cho tới nay, để quảng bá về loại tiền ảo này, đã có nhiều buổi thuyết trình, hội thảo được tổ chức trên khắp cả nước.

Theo những người thuyết trình cho biết, lợi nhuận của loại tiền này có thể lên đến… 1.000% với cách kiếm tiền cực kì hấp dẫn. Sau một năm đầu tư, giá trị của một đơn vị tiền ảo sẽ tăng vọt và nhà đầu tư sẽ thu lãi lên tới hàng chục tỷ đồng.

Giống như chiêu bài của những công ty đa cấp, các nhà đầu tư đều được “bơm” vào đầu thông tin rằng, càng đầu tư sớm càng có lợi. Với viễn tưởng sau khi đồng tiền ảo này tăng giá, chỉ cần ngồi nhà bán coin cũng thu về hàng chục tỷ đồng tiền lãi.

Cùng những lời lẽ làm giàu dễ dàng và khả năng nhận được hoa hồng lớn khi lôi kéo được các thành viên mới, các nhà tư vấn viên này càng cho thấy một mô hình đa cấp thường thấy.

Ngoài Onecoin, tại TP Hồ Chí Minh, loại tiền ảo 3M mới xuất hiện cũng kéo theo nhiều người tham gia. Đặc biệt, loại hình này cũng hoạt động theo mô hình đa cấp. Mỗi ngày nhận 100 triệu đồng tiêu xài, mỗi tháng không làm gì cũng có vài tỷ, đó là những lời hoa mỹ mà các tư vấn viên của loại tiền 3M này dùng để mê hoặc người tham gia.

Theo người tư vấn, đây là một loại đầu tư tiền ảo mới nhất, mặc dù mới xuất hiện nhưng số thành viên tham gia đã lên tới con số trăm ngàn người và có khả năng thu hồi vốn cực nhanh.

Cách “chơi” vô cùng đơn giản, khách hàng cần bỏ tiền ra mua bitcoin rồi chuyển qua một loại ví điện tử sang cho nhân viên của 3M. Sau khi nhận được bitcoin, 3M sẽ mở tài khoản cho nhà đầu tư tự quản lý. Mỗi ngày nhà đầu tư sẽ nhận được 3% số tiền hoa hồng và sau 50 ngày, số tiền sẽ tự động… nhân đôi.

Với những ai chưa có bitcoin hoặc không biết cách mua, có thể đóng tiền trực tiếp cho nhân viên để được mở tài khoản. Từ đó hệ thống sẽ kinh doanh hộ khách, khách chỉ việc ngồi chơi và lấy tiền lãi. Theo đó, gói thấp nhất để đầu tư vào tiền ảo 3M là 0,05 bitcoin – tương đương 10 triệu đồng vào thời điểm hiện tại.

Ngoài hai loại tiền ảo nói trên, còn nhiều loại tiền ảo khác nữa đã xuất hiện và thu hút đầu tư. Công khai có, lén lút có nhưng với những lãi suất phi thực tế như trên, liệu những loại tiền ảo này có đáng tin?

Cảnh giác với những chiêu lừa mới

Từ cuối năm 2016 đến nay, các vụ việc lừa đảo trong kinh doanh tiền ảo và những hình thức biến tướng huy động ICO (huy động vốn thông qua việc phát hành token, 1 token sẽ được hoán đổi tương đương 1 coin), lending (cho vay, ủy thác đầu tư) bị phát hiện nhưng nhiều người vẫn lao vào.

Đối tượng Nguyễn Thị Thi.

Theo các chuyên gia tài chính cho biết, việc tăng giá quá mạnh và quá nhanh của đồng bitcoin đã ảnh hưởng đến tâm lý đầu cơ của số đông nhà đầu tư trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, nhiều quốc gia trước đây chối bỏ các đồng tiền số thì nay cũng quay sang chấp nhận, rồi các dự án gọi vốn thành công... kích thích nhiều người tham gia đầu tư, kinh doanh tiền ảo.

Việc tăng giá của các loại tiền ảo, tiền kỹ thuật số thời gian gần đây cho thấy thị trường đang tăng “bong bóng”.

Hiện đi đâu cũng thấy nhiều người lao vào một cách mơ hồ và có thể nói là phát cuồng khi mua các token, tiền ảo với kỳ vọng những đồng tiền này sẽ trở thành đồng tiền thanh toán. Lúc đó giá tăng theo cấp số nhân như đã xảy ra với bitcoin, tăng gấp 10 lần trong vòng 7 tháng.

Chỉ với một vài nhà đầu tư thu được lợi nhuận lớn từ bitcoin hay một số trường hợp người nước ngoài làm giàu nhờ đồng tiền ảo này đã tạo ra hiệu ứng đám đông khiến người khác lao vào. Nhưng nếu một vài trường hợp sụp đổ, đóng cửa, sẽ kéo theo một loại hoạt động ICO sập theo và từ đó các nhà đầu tư không thể thu hồi vốn đã bỏ ra.

Theo các quy định hiện nay, tiền ảo không được thừa nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Các tổ chức, cá nhân phát hành, cung ứng, sử dụng BTC và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Không những vậy mà quy định hiện nay còn xử phạt từ 150 - 250 triệu đồng đối với những hành vi này.

Đối tượng Thân Thị Toan.

Đồng thời kể từ ngày 1-1-2018, theo Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung còn quy định hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp như BTC và các loại tiền ảo tương tự khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trước sự xuất hiện nhiều “nhà đầu tư” nhanh chóng trở thành nạn nhân do đổi tiền thật lấy tiền “ảo”, cơ quan Công an liên tiếp có những cảnh báo tới người dân nâng cao ý thức và nhận thức rõ việc tham gia hình thức đầu tư chính thống về bitcoin phải được sự quản lý của Nhà nước.

Khi tham gia phải nhận thức rõ đang tham gia cái gì, để làm gì? Bởi không có chuyện ngồi chơi không, ném tiền vào một chỗ sẽ thu về nguồn lãi suất cao. Đó chỉ có thể là lừa đảo hoặc kinh doanh đa cấp.

Ngọc Mai-Ngọc Minh

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng đã được Chính phủ ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12. Một trong những điểm mới của Nghị định này là quy định về việc người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文