Mòn mỏi chờ nước sạch và tiền đền bù

10:00 08/09/2015
Năm 2012, người dân các xã Thụy Phú, Hồng Thái, Nam Phong, Văn Nhân, Nam Triều (huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội) hồ hởi giao đất làm dự án cấp nước sạch liên xã đúng thời hạn, với mong muốn sớm có nước sạch sử dụng, khi nguồn nước ngầm đang ngày càng ô nhiễm nặng. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án cấp nước sạch vẫn giậm chân tại chỗ, còn người dân vẫn mòn mỏi chờ tiền đền bù và nước sạch, trong khi đất đã giải phóng mặt bằng hiện vẫn chỉ là những cánh đồng trắng mênh mông nước để… thả cá, chăn vịt, trồng sen…
Bức xúc vì dự án "treo"

Về thôn Lạt Dương, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên những ngày này, hỏi người dân nơi đây về dự án cấp nước sạch, ai cũng lắc đầu ngán ngẩm. Theo phản ánh của nhiều người dân, công trình dự án cấp nước sạch liên xã Thụy Phú, Hồng Thái, Nam Phong, Văn Nhân, Nam Triều được xây dựng trên diện tích hơn 1,5ha đất nông nghiệp của người dân triển khai từ năm 2012, nhưng đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy. Một cán bộ đã về hưu của xã Hồng Thái lắc đầu ngao ngán khi nhắc đến dự án này: "Khi tôi còn làm ở xã, dự án cấp nước sạch đã được triển khai rồi. Đã có đầy đủ bản quy hoạch rồi thiết kế, dự toán chi phí, giải ngân… chi tiết.

Bà con đều đồng thuận giao đất, giao ruộng để triển khai dự án với hi vọng có nước sạch sử dụng. Riêng xã Hồng Thái đã cung cấp gần 5 mẫu ruộng để làm dự án. Nhưng đến nay, người dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù nên rất bức xúc. Có lần, họ kéo lên xã để đòi lại đất. Nhiều người còn làm căng lên rằng không cần nước sạch nữa, chúng tôi đã phải giải thích rất chi tiết, cặn kẽ họ mới xuôi. Gần 5 mẫu ruộng bỏ hoang hai năm nay rồi, mới đây, xã mới giao cho vài hộ trong thôn Lạt Dương làm đầm cá, chăn thả vịt và hằng tháng nộp tiền vào quỹ chung của thôn, xã, phục vụ hoạt động chung của cộng đồng".

Nhưng khi chúng tôi hỏi, người dân hay UBND xã có kiến nghị lên huyện, thành phố nhiều không thì vị cán bộ này cho biết: "Nhiều lần rồi chứ, trong những lần tiếp xúc cử tri, rồi văn bản kiến nghị, chúng tôi đều phản ánh, nhưng vẫn không ăn thua. Cũng chẳng có công văn hay giấy tờ gì trả lời cho người dân biết vì sao chậm trễ tiền đền bù và triển khai dự án".

Một phần đất của thôn Lạt Dương làm dự án cấp nước sạch giờ là nơi... chăn vịt.

Khi chúng tôi nhờ chỉ đường đến khu ruộng nằm trong dự án cấp nước sạch của xã Hồng Thái, bà Vị Kê, một người dân trong thôn Lạt Dương bức xúc hỏi đi hỏi lại: "Liệu báo chí có làm được gì không cháu và liệu dự án có triển khai được không? Các cháu cố giúp dân chứ không mọi người bức xúc lắm, giao đất gần 3 năm nay mà không có tiền đền bù, nước sạch thì chẳng có trong khi phải dùng nước giếng khoan ô nhiễm. Thậm chí là đã có đoàn về đo đạc, khảo sát, thử mẫu nước rồi, nhưng một đi không trở lại, cũng chẳng thấy kết quả hay ý kiến gì. Người dân không đòi lại đất ruộng, chỉ mong sao dự án sớm triển khai và người dân sớm được đền bù thôi".

Thậm chí, bà Kê còn cho biết, nhiều người trong thôn vì bức xúc với dự án "treo" nên dứt khoát không đóng thuế, có người còn "cùn" tới mức bảo muốn thu thuế thì lấy tiền đền bù từ dự án cấp nước sạch chứ dân nhất quyết không đóng.

Quả thật, khi đến khu đất ruộng nằm trong dự án cấp nước sạch của thôn Lạt Dương, nhìn cánh đồng mênh mông nước, chỉ có một túp lều nhỏ để canh đầm cá và đàn vịt, chúng tôi mới hiểu vì sao người dân thôn Lạt Dương lại bức xúc đến thế. Được biết, các xã Thụy Phú, Hồng Thái, Nam Phong, Văn Nhân, Nam Triều là nơi có tình trạng ô nhiễm nước nặng nhất của huyện Phú Xuyên. Dự án cấp nước sạch qua các xã này là một trong 6 dự án cấp nước sạch liên xã tại các vùng có nguồn nước bị ô nhiễm nặng được thành phố Hà Nội ưu tiên thực hiện, nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ.

Bà Vị Kê, thôn Lạt Dương bức xúc khi nhắc đến dự án này.

Mới sử dụng bộ lọc nước được 2 tháng, nhưng ông Hoàng ở xã Thụy Phú đã phải thay củ lọc, dù theo quy định 6 tháng mới phải thay một lần. Nguyên nhân là vì nguồn nước ngầm của xã bị ô nhiễm. Ông Hoàng cho biết: "Giếng phải khoan sâu trên 40m thì mới có nguồn nước tạm đảm bảo, nhưng dù thế, khi dùng máy lọc nước thì màng lọc đen quánh lại. Người dân chúng tôi rất lo lắng tình trạng này và mong có nguồn nước sạch tập trung để đảm bảo sức khỏe. Nguồn nước bị ô nhiễm là một trong những nguyên nhân khiến số người bị mắc bệnh ung thư của xã ngày càng tăng trong vài năm trở lại đây".

Còn hộ ông Dương xã Nam Triều (Phú Xuyên) vẫn đang dùng nước giếng khoan nhiều năm nay cũng lo lắng về tình trạng chất lượng nước giếng khoan. "Nước giếng ở đây dùng tanh và hôi lắm. Chỉ lọc được vài ngày là củ lọc đã vàng đặc. Gia đình tôi phải xây bể lớn chứa nước mưa để dùng ăn uống cho đảm bảo sức khỏe; còn lại giặt giũ, rửa bát… thì sử dụng nước giếng khoan", ông Tuân cho biết.

Trước thực trạng trên, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương trong các cuộc tiếp xúc cử tri, các cơ quan báo chí cũng đã phản ánh nhiều lần, tuy nhiên đến nay dự án cấp nước sạch liên xã của huyện Phú Xuyên vẫn nằm im trên giấy, trong khi người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm nặng.

Dài cổ chờ nước sạch

Trao đổi với ông Lê Văn Ấm - Chủ tịch UBND xã Hồng Thái, ông Ấm cho biết: "Dự án cấp nước sạch chạy qua các xã Thụy Phú, Hồng Thái, Nam Phong, Văn Nhân, Nam Triều nằm trong quy hoạch của UBND thành phố Hà Nội. Thành phố đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở giao xuống UBND huyện, UBND huyện lại giao cho Trạm bơm Yên Nghĩa để triển khai. Huyện đã xây dựng toàn bộ hồ sơ và được UBND thành phố phê duyệt. Xã chúng tôi chấp hành đầy đủ, thu hồi đất của người dân, phổ biến đến các xã viên những quyết định của cấp trên về chi tiết dự án, cũng như đền bù giải phóng mặt bằng. Người dân trong xã đều đồng thuận giao đất bởi cho rằng nguồn nước sạch là cần thiết cho xã và tạo điều kiện để Trạm bơm Yên Nghĩa đo đạc, lấy mẫu nước. Hiện dự án đã hoàn thành công tác lập bản vẽ thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán xây dựng công trình".

Người dân nhiều nơi vẫn 'khát nước sạch' - Ảnh minh họa.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc chưa thể đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho dân, ông Lê Văn Ấm cho hay, hiện UBND xã cũng rất đau đầu về vấn đề này vì đã "trót hứa" với dân muộn nhất tháng 2/2014 giải ngân 12 tỷ đồng bởi đã có quyết định hỗ trợ giải phóng mặt bằng từ cấp trên, việc trả tiền đền bù cho người dân chỉ là sớm hay muộn.

Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà đến nay, tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân vẫn chưa có, dự án vẫn chưa được triển khai và UBND xã cũng không nhận được bất cứ văn bản nào lý giải về việc chậm chễ của dự án này, nên cũng không biết "xoa dịu" lòng dân thế nào.

Tranh thủ diện tích đất ruộng bỏ hoang gần hai năm nay, trong khi dự án cấp nước sạch vẫn chưa biết đến khi nào đi vào hoạt động, UBND xã Hồng Thái đành phải tranh thủ giao cho một số hộ dân làm đầm cá, chăn nuôi vịt… và khoán tiền nộp vào ngân sách xã, thôn hằng tháng để làm quỹ chi tiêu chung.

Được biết, trong Kỳ họp thứ 12 HĐND huyện Phú Xuyên diễn ra ngày 25/6/2015, việc triển khai dự án cấp nước liên xã là một trong những vấn đề quan trọng được các đại biểu thảo luận sôi nổi. Kết luận tại kỳ họp, HĐND huyện Phú Xuyên đã ra quyết định đề nghị UBND thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy nước sạch phía Đông huyện Phú Xuyên đã có trong quy hoạch từ 3 năm trước đây.

UBND thành phố Hà Nội cũng thừa nhận, việc triển khai xây dựng các dự án cấp nước cho địa bàn nông thôn còn nhiều bất cập và rất chậm; dự án đã duyệt xong thì không có tiền, dự án có vốn thì lại chưa đủ thủ tục.

Để tháo gỡ khó khăn về vốn, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận đề xuất của các sở, ngành, kêu gọi xã hội hóa đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp nhận đầu tư các dự án cấp nước sạch liên xã, trong đó có dự án cấp nước sạch liên xã thuộc huyện Phú Xuyên.

Dù biết vấn đề nước sạch ở Hà Nội vẫn còn là bài toán nan giải, nhưng bà con các xã "khát nước sạch" ở huyện Phú Xuyên vẫn mong muốn đẩy nhanh tiến độ dự án cấp nước liên xã để sớm có nước sạch sử dụng, đồng thời giải quyết được chế độ đền bù thỏa đáng để người dân yên tâm canh tác.

Ngọc Trâm

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文