Mùa lễ hội Việt Bắc trên Tây Nguyên

21:17 20/02/2019
Lễ hội dân gian văn hóa Việt Bắc ở Tây Nguyên được giới trẻ xem như một phiên chợ tình. Ở đó, họ gặp nhau, tìm hiểu nhau thông qua những đồng cảm về ngôn ngữ và phải lòng nhau bởi cùng một nỗi nhớ quê hương da diết, cháy bỏng.

Khi tiếng khèn, tiếng sáo khai hội ngân lên cũng là lúc những trái tim chộn rộn đi tìm bạn tình.

Câu hát ngân lên giữa trời

Mùa xuân vừa qua, cái rét ngọt và những cơn mưa lất phất của Tây Nguyên khiến cho những đôi chân nhẹ bẫng đi qua các cung đường càng thêm mềm mại, thanh thoát. Những đôi mắt vẫn bao năm dõi về nơi mở hội, để được trở về với "mùi" quê hương ở vùng đất mới. Và mùa lễ hội Việt Bắc trên Tây Nguyên lại bắt đầu.

Xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) được ví như một Tây Bắc thu nhỏ, nơi hội tụ nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Mưu sinh trên vùng đất mới nhưng đồng bào Tày, Nùng vẫn luôn nhớ về quê cũ và lưu giữ bản sắc, nghi lễ của dân tộc. 

Hằng năm, cứ vào mồng 5 Tết, Lễ hội dân gian văn hóa Việt Bắc được tổ chức đều đặn với phần lễ và phần hội rất sôi động, nhộn nhịp. Các bà các chị sau một năm "chân lấm tay bùn" đã một lần bước lên sân khấu, thể hiện những tiết mục văn hóa đặc sắc của đồng bào mình. Họ đã "cháy" bằng tất cả trái tim vào từng tiếng đàn, từng điệu múa và ngân lên các làn điệu thể hiện khát vọng, nỗi nhớ, tình yêu với quê hương bản quán.

Khán giả cổ vũ cuộc đi đẩy gậy.

Ở giữa sân cỏ là một cây nêu cao sừng sững thu hút nam thanh nữ tú ném pao. Tiếng cười dội vào vách núi, vang tận chân mây. Thanh thiếu niên các thôn, buôn tổ chức thành đội thi đấu các trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố, chạy cà kheo... 

Ông Hoàng Văn Thửa, nhà tận xã Ea Kuêh (Cư M'gar) cách Cư Ewi gần 100 cây số có mặt tại lễ hội từ rất sớm. Ông Thửa cho biết, năm vừa rồi con gái lấy chồng ở địa phương gọi điện về mách ở Cư Ewi có Lễ hội của đồng bào Việt Bắc, mong muốn bố mẹ thu xếp công việc về dự. Không cần suy nghĩ, ông Thửa gật đầu ngay. 

Ông rất hào hứng, phấn khởi cho chuyến đi đầu xuân này bởi vì ông sẽ được gặp rất nhiều đồng hương Bắc Kạn. Hơn 20 năm trước, hơn chục hộ gia đình của Ba Bể đã rời quê hương vào Đắk Lắk xây dựng kinh tế mới. 

"Ngày ra đi, chúng tôi không dám quay đầu nhìn lại. Lên xe rồi, vợ tôi vẫn khóc kéo áo tôi bảo quay về. Chúng tôi đi với một ước mong duy nhất là kiếm thật nhiều đất để trồng ngô trồng sắn, để con cái không phải đói ăn nữa. Bao nhiêu năm quần thảo làm lụng, bây giờ đã no đủ rồi thì nỗi nhớ làng quê lại dội về, da diết khó diễn tả lắm. Có Lễ hội Việt Bắc này, tôi như được trở về nhà vậy", ông Thửa trút bầu tâm sự.    

Cách xã Cư Êwi 3 ngọn núi, tại xã Ea Tam (Krông Năng) vào ngày rằm tháng Giêng tiếp tục diễn ra Lễ hội dân gian văn hóa Việt Bắc. Đây là lễ hội được tổ chức quy mô ở khu vực Tây Nguyên. 

Trong lễ hội có nhiều trò chơi và các tiết mục đặc sắc mà không phải người Tây Nguyên nào cũng biết đến như: Cách nấu cất rượu men lá, cách quay heo với lá mắc mật, cách làm bánh dày, bánh khảo, bánh tro bếp, nấu xôi ngũ sắc và xem điệu múa xòe của người Thái, người Nùng. 

Trong phần lễ trang nghiêm, đại diện chính quyền địa phương là người chủ tế đứng ra cúng Thổ công cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân dân no ấm và cày những luống cày đầu tiên trên cánh đồng.

Đàn ông đến với lễ hội sẽ tụ tập trong những vò rượu ngô, rượu cần. Khi men rượu đã chếnh choáng, họ nắm tay nhau nhảy múa, hát hò rồi "lăn quay" ra ngủ ngay trên bãi cỏ. Ngày vui, chẳng ai để ý cười cợt họ, gặp nhau chỉ bắt tay và cười mà thôi.

Trò chơi bịt mắt đánh trống.

"Đi đâu cũng có quê hương trong lòng"

Bất cứ ai tham gia lễ hội đều được dân bản địa mời uống ly rượu nấu tại chỗ với 6 loại lá cây rừng, tận mắt xem cách quay heo nhồi lá mắc mật, thưởng thức các loại ẩm thực truyền thống như: Bánh khẩu ri, bánh dầy, tro bếp, sừng bò, bánh trời… Tất cả hòa vào không gian văn hóa lễ hội như chính trên mảnh đất Tây Bắc nơi phên dậu Tổ quốc.

Bà Nông Thị Hiên (57 tuổi) đến từ thị xã Buôn Hồ năm nào cũng tham gia lễ hội với màn hát Then và nấu bánh tro. Khuôn mặt hiện rõ niềm vui, bà Hiên cho biết: "Ở đây, chúng tôi được gặp nhau, trò chuyện và cùng nhau ăn những chiếc bánh được làm từ hạt gạo trên nương. Hạnh phúc nhất chính là tìm được tiếng nói của quê hương mình trên mảnh đất Tây Nguyên này".  

Trên gian hàng ẩm thực của mỗi thôn đều dán dòng chữ: "Dù xa cách mấy trùng dương. Đi đâu cũng có quê hương trong lòng" với trọn vẹn tình cảm của những người con xa xứ. 

Ông Hoàng Văn Lợi (dân tộc Tày, 80 tuổi) nhà cách điểm diễn ra lễ hội gần 70 cây số nhưng vẫn nhờ con trai chở xe máy tới, với mục đích duy nhất là được uống li rượu với những người bạn vong niên. Hơn 30 năm xa quê hương Cao Bằng, ông Lợi chưa bao giờ thôi nỗi nhớ. 

Ông cho biết, mặc dù đất Tây Nguyên cũng có núi đồi, có lúa ngô khoai sắn nhưng vẫn luôn thấy thiếu vắng và thèm cái hương vị rượu ngô quê nhà. "Cái mùi men ấy nó cay xé cuống họng, nóng rực dạ dày nhưng uống vào thì "phê" đắm đuối, say ngất ngây bởi nó được làm từ những trái bắp chắt chiu từng giọt nước, mãnh liệt vươn lên trên vùng đất khô cằn đá núi".  

Một đặc sản không thể thiếu ở lễ hội chính là món thắng cố (nội tạng và thịt ngựa). Đây là món ăn thể hiện nét riêng biệt của người Mông ở vùng cao Tây Bắc, thu hút rất đông người thưởng thức. 

Những người dân tộc Mông sinh sống rải rác ở Tây Nguyên nhưng mùa lễ hội về, họ đều gác lại tất cả việc nương rẫy đồng áng để đi dự lễ hội. Được ăn một chén thắng cố, uống một vò rượu Bắc Hà, với họ còn vui sướng hơn bất cứ một ngày vui nào trong năm.    

Bà con vui quanh cây nêu ném Pao.

Nơi giao duyên đôi lứa

Những người Tày, Nùng, Mông trên khắp Tây Nguyên về tham dự Lễ hội vui chơi và giao lưu văn hóa, nghệ thuật. Mỗi mùa lễ hội qua đi, có không ít cặp đôi phải lòng nhau rồi trở thành vợ chồng. Nông Văn Tới (25 tuổi) hiện đang có một cuộc sống hạnh phúc với người vợ kém 5 tuổi. 

Tới tham gia lễ hội từ năm 2017 của đội văn nghệ huyện Krông Bông. Trong hàng trăm khán giả theo dõi màn trình diễn của đoàn Krông Bông, có cô gái Hoàng Thị Tươi (20 tuổi, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuật). Tươi say đắm thưởng thức tiếng sáo cao vút, bay bổng của Tới rồi chẳng hiểu ngưỡng mộ thế nào mà kết thúc tiết mục, cô nhào lên sân khấu tặng một bó hoa cho Tới rồi nhìn cậu bằng một ánh mắt đầy khát khao. Hai người trao đổi số điện thoại cho nhau và bắt đầu tìm hiểu qua tin nhắn điện thoại. 

Do đường sá cách trở nên những cuộc hẹn hò cũng trở thành xa xỉ. Mê mẩn tiếng sáo của Tới, "say như điếu đổ" giọng hát khỏe khoắn, đầy nội lực của chàng trai dân tộc Tày, Tươi quyết định sẽ đi tìm nhà của Tới. 

Do không biết chạy xe máy, Tươi bắt xe bus từ TP Buôn Ma Thuật về trung tâm huyện Krông Bông rồi bắt tiếp xe ôm về xã Yang Mao. Nhà Tới nằm lẻ loi dưới thung lũng nhỏ, xung quanh chỉ có núi cao và những nương sắn đang vào mùa thu hoạch. Tới e thẹn và có phần ái ngại khi Tươi xuất hiện. 

Buổi ra mắt đột ngột, bất đắc dĩ lại khiến gia đình Tới ngập tràn niềm vui. Bố mẹ Tới hoàn toàn "ưng cái bụng" cô gái đến từ thành phố Cao Nguyên. Trước sự đắm đuối, mê say của Tươi, gia đình Tới đã phải lên nhà cô bàn chuyện người lớn. 

Đám cưới đôi trẻ diễn ra sau 5 tháng. Tươi hạnh phúc bước theo chồng, rũ bỏ những cuộc vui hào nhoáng nơi phố thị để về với núi rừng thâm u, xa ngái, nghèo khó. Bù lại, cô được ở bên người mình yêu. 

Bạn bè của Tươi dè bỉu tại sao lấy chồng vừa quê mùa lại nghèo; Tươi có chút tủi thân nhưng cho đến giờ cô vẫn khẳng định, chưa hối hận về quyết định của mình. Lễ hội năm nay, vợ chồng Tươi có thêm một thành viên mới, một bé trai bụ bẫm, kháu khỉnh. Tới vẫn ở trong đội thổi sáo, Tươi và con đi theo để cổ vũ.

Màn chạy cà kheo thu hút rất đông người tham gia.

Lễ hội dân gian văn hóa Việt Bắc ở Tây Nguyên không phải là một phiên chợ tình nhưng từ lâu, giới trẻ luôn xem như một cơ hội thú vị để tìm bạn tình. Ở đó, họ gặp nhau, tìm hiểu nhau thông qua những đồng cảm về ngôn ngữ và phải lòng nhau bởi cùng một nỗi nhớ quê hương.

"Những lễ hội bao giờ cũng mang nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, cần lưu tâm bảo tồn và phát huy trước những trước sự du nhập của văn hóa ngoại lai. Việc tổ chức các lễ hội của các dân tộc phía Bắc trên mảnh đất Tây Nguyên đã góp phần không nhỏ trong việc giáo dục, khuyến khích người dân biết trân trọng, tự hào và giữ gìn những nét đẹp văn hoá vốn có của dân tộc mình, đồng thời hòa vào dòng chảy văn hóa của các dân tộc trên Tây Nguyên tươi đẹp", ông Đinh Công Hưởng, Bí thư Đảng ủy xã Ea Tam cho biết. 
Ngọc Hoa

Sáng 20/11, tại Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân (ANND) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024). Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện ANND chủ trì buổi lễ. Nhân dịp này, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Ngày 20/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết chuyên án A724p chống tội phạm ma túy. Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng dự và chỉ đạo hội nghị.

Ngày 20/11, Công an thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết đã cùng chính quyền phường Mỹ Xuân phối hợp với Xí nghiệp Phân phối khí thấp áp Vũng Tàu tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty TNHH phát triển Quốc tế Formosa....

Cùng với các địa phương trong cả nước, chính quyền các xã, thị trấn cùng với phụ huynh, học sinh và lực lượng làm nhiệm vụ ở huyện Trường Sa (Khánh Hòa) đã tổ chức buổi gặp mặt thầy, cô giáo tại các trường học trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngày 20/11, Công an TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) cho biết, vừa truy tìm thành công Trần Thành Long (SN 1967, trú xã Trung Hoà, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) khi đối tượng vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là đối tượng liên quan vụ án lừa xin vào làm việc trong ngành Công an cách đây gần 10 năm.

Không chỉ hưởng lợi từ bất ổn chính trị, giá vàng còn tăng do tâm lý kỳ vọng khi Goldman Sachs dự báo giá vàng sẽ đạt 3.000 USD/ounce vào năm 2025.

Ngày 20/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Tiến Lợi (SN 1969, nơi thường trú: khu phố 8, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”

Ngày 19/11, Công an tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Công an tỉnh Lào Cai, Trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai tiếp nhận đối tượng Quan Thị Nhạc, SN 1990, trú tại thôn Bản Lai, xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang do Cục Công an Châu Hồng Hà, Công an huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc bàn giao.

Càng về dịp cuối năm tình trạng sản xuất, buôn bán, tàng trữ pháo nổ càng gia tăng. Trên địa bàn TP Hải Phòng, đi kèm với tình trạng trên là hàng loạt những vụ nổ gây hậu quả đáng tiếc, thậm chí là thảm khốc…

Hội nghị Thượng đỉnh G20, diễn ra từ ngày 18-19/11 tại Rio de Janeiro, Brazil, đã khép lại với một bản tuyên bố chung chứa đựng nhiều cam kết quan trọng. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất vẫn là liệu những cam kết này có được hiện thực hóa hay không.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文