Đường cất/hạ cánh sân bay Nội Bài xuống cấp không được sửa chữa:

Muốn an toàn còn phải chờ… cơ chế?

17:03 24/08/2019
Cho đến thời điểm này, việc xuống cấp của hạ tầng khu bay sân bay Nội Bài đang đứng trước giai đoạn được coi là nghiêm trọng. Điều đáng chú ý, thực trạng này đã xảy ra cách đây ít nhất là 2 năm, song vẫn một lý do “vướng” cơ chế nên dù doanh nghiệp có tiền cũng không thể sửa chữa, còn cơ quan chủ quản thì chưa tìm ra nguồn vốn. Trong khi cơ quan chức năng vẫn đang tranh luận để tìm ra phương án giải quyết thì nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn các chuyến bay vẫn hiện hữu…


Mức độ hư hỏng đáng báo động 

Theo thống kê từ 3 năm gần đây, sản lượng bay tại Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài ngày càng tăng với mức tăng bình quân khoảng 11%/ 1 năm. Có thời điểm số chuyến bay cất và hạ cánh lên tới 42 chuyến/ 1 giờ so với năng lực khai thác là 37 chuyến/ 1 giờ; tần suất khai thác của các loại tàu bay và đặc biệt là các tàu bay có trọng tải lớn gia tăng đã dẫn đến hạ tầng khu bay ngày càng xuống cấp với mức độ hư hỏng, mật độ và phạm vi hư hỏng ngày càng tăng.

Cụ thể, tại đường cất hạ cánh (CHC) 11L/29R, xuất hiện hiện tượng hằn vệt bánh tàu bay theo vệt càng sau tàu bay từ đầu 11L đến đường lăn S3 (nhiều nhất trong phạm vi 600m từ đầu thềm 11L), hai vệt hằn bánh tàu bay mỗi vệt hằn rộng 01m cách tim đường CHC về mỗi bên từ 4,5-5m. Tim đường CHC đoạn cách đầu 11L khoảng 200m về phía Đông đến gần đường lăn S5 có thấy hiện tượng nứt dọc tim theo kiểu dạn chân chim với khe nứt 1mm dài 30-50cm ngắt quãng.

Với đường CHC 11R/29L, trên bề mặt thường xuyên xuất hiên hư hỏng như nứt vỡ và phủi bùn; đặc biệt tại các vị trí dãy tấm, một số tấm bê tông xi măng có hiện tượng bị lún, cá biệt có những vị trí độ lệch giữa khe hai tấm bê tông xi măng lên tới 3cm.

Chưa dừng lại, trên bề mặt các đường lăn nối đoạn tiếp giáp đường CHC 11L/29R xuất hiện vệt hằn theo vệt càng sau tàu bay từ đoạn đầu tiếp giáp đường CHC đến hết phạm vi bê tông nhựa. Trên đường lăn S2 có vệt hằn xuất hiện từ đoạn đầu tiếp giáp đường CHC 11L/29R đến vạch dừng chờ lên CHC 11L/29R. Khu vực sửa chữa bê tông nhựa tại đường lăn S3 được đưa vào khai thác từ tháng 8-2018 đến nay đã bị hư hỏng trở lại do nền yếu và phùi bùn lên trên bề mặt.

Và gần đây nhất vào ngày 9-8-2019, Cảng HKQT Nội Bài và Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã phải lập biên bản đóng cửa dừng khai thác đường lăn S3 vì không đảm bảo an toàn cho tàu bay lăn qua; sau 1 tuần khắc phục tạm thời, tính đến ngày 19-8, đường lăn S3 đã được khai thác trở lại, song khai thác ở mức độ hạn chế.

Để khắc phục tình trạng đường lăn S7 xuống cấp nhanh, Cảng HKQT Nội Bài phối hợp làm việc với Công ty Quản lý bay miền Bắc xây dựng phương án khai thác linh hoạt hai đường CHC và đã được Cục HKVN chấp thuận áp dụng từ ngày 17-8-2017, theo đó việc khai thác hiện nay thông thường sử dụng đường CHC 11R/29L cho cất cánh và đường CHC 11L/29R cho hạ cánh nhằm giảm tải khai thác đường lăn S7.

Với phương án này, gần như toàn bộ tàu bay sau khi hạ cánh đều lăn qua đường lăn S2 và S3/S4 để thoát ly đường CHC vào sân đỗ tàu bay; còn đối với tàu bay cất cánh thì lăn trên đường lăn S1 khu vực sân quay đầu Tây hoặc lăn qua S7/S7A để cất cánh. Tuy nhiên, việc khai thác linh hoạt nêu trên lại dẫn đến tình trạng hư hỏng các đường lăn S2, S3 và S1 khu vực sân quay đầu Tây mà hiện nay Cảng thường xuyên phải sửa chữa, khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động bay.

“Qua việc khai thác cho thấy mức độ hư hỏng của hạ tầng khu bay tăng tỉ lệ thuận với tần suất khai thác, khu vực nào khai thác nhiều thì sẽ hư hỏng nhiều. Với các dấu hiệu gây mất an toàn cho hoạt động bay này, đường băng có thể phải đối mặt với nguy cơ dừng khai thác bất cứ lúc nào”, lãnh đạo Cảng Hàng không Nội Bài chia sẻ.

ACV có tiền không thể sửa chữa?

Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như hỏng đến đâu đầu tư sửa chữa đến đó. Song ở trường hợp này lại đang tồn tại một nghịch lý đơn vị có khả năng sửa thì không có thẩm quyền, đơn vị chủ quản thì không có vốn vì thiếu cơ chế. 

Ở một khía cạnh khác, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho rằng, thực chất để kêu gọi tư nhân đầu tư vào việc sửa chữa nâng cấp đường cất hạ cánh thì không mấy ai mặn mà, bởi đây là khu vực khó sinh lời. Doanh nghiệp nào bỏ tiền ra làm thi chí ít cũng phải vài chục năm sau mới thu hồi vốn.

Một số hình ảnh xuống cấp, hư hỏng của đường cất, hạ cánh ở sân bay Nội Bài.

Liên quan tới vấn đề này, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, việc đường cất/hạ cánh, đường lăn, cả sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất xuất hiện các vết nứt, xuống cấp đã có từ lâu. Trước đây, kết cấu hạ tầng cảng hàng không được giao cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Song từ 1-4-2016, ACV chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Theo đó, tài sản tại khu phục vụ hoạt động bay (trừ điểm đỗ) là của nhà nước, không giao doanh nghiệp, nên việc đầu tư, sửa chữa do ngân sách đảm bảo. Cũng bởi do vướng mắc về cơ chế nên ACV không thể thực hiện nâng cấp sửa chữa được. Vì vậy, việc sửa chữa, nâng cấp đều do Bộ GT-VT.

Trước thực trạng trên, Cục Hàng không Việt Nam cũng vừa có văn bản kiến nghị Bộ GT-VT về phương án sửa chữa các hư hỏng mặt đường, đảm bảo an toàn khai thác. Theo đó Cục Hàng không khẳng định, hiện nay, các hạng mục về đầu tư và sửa chữa tài sản khu bay đều tạm dừng do vướng mắc về cơ chế. Để khắc phục tình trạng xuống cấp, hư hỏng mặt đường tiềm ẩn rủi ro về an toàn cao, Cảng HKQT Nội Bài đã lập kế hoạch sửa chữa toàn diện đường lăn S3.

Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức họp đánh giá cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan và có văn bản kiến nghị Bộ GT-VT sớm có ý kiến chỉ đạo về việc giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp để cải tạo, sửa chữa đường lăn S3 cũng như kết cấu hạ tầng không do nhà nước quản lý tại các cảng hàng không, sân bay.

Trước đó, từ năm 2018, Bộ GT-VT từng có văn bản gửi Bộ Tài chính về kiến nghị bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không đường băng 1B của sân bay Nội Bài và đường băng 07L/25R của sân bay Tân Sơn Nhất. Bộ GT-VT đề nghị Thủ tướng xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 từ nguồn dự phòng của Chính phủ với số tiền dự kiến gần 4.500 tỷ đồng.

Bộ GT-VT khi đó cũng cho rằng, trước mắt, để đảm bảo hoạt động khai thác tại cảng hàng không được liên tục, Bộ Tài chính cho phép ACV sử dụng nguồn thu từ hoạt động khai thác kết cấu hạ tầng khu bay để sửa chữa ngay hệ thống sân đường khu bay. Tuy nhiên từ đó đến nay, vấn đề vẫn chưa  tìm được hướng đi.

Mới đây, tại cuộc họp triển khai công tác an toàn an ninh hàng không những tháng cuối năm vừa được tổ chức, một lần nữa Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu sớm xử lý vướng mắc liên quan đến hạ tầng khu bay. 

Theo Phó Thủ tướng, khu bay, cụ thể là đường cất, hạ cánh tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất xuống cấp, trong khi cơ chế lại không cho phép ACV triển khai. "Tiền có mà cơ chế không cho làm là rất vô lý. Cơ chế vô lý, phải tập trung tháo gỡ nhanh", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Phạm Huyền

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

Để đảm bảo TTATGT trên các tuyến đường, trong những ngày lễ 30/4 và 1/5, không quản ngại nắng nóng gay gắt, lực lượng CSGT các địa phương vẫn “đội nắng”, “bám đường”, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát xuyên đêm, xuyên lễ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文