Mưu sinh trên dòng Đà Giang

10:00 21/01/2016
Cây cầu Pá Uôn sừng sững như con rồng khổng lồ bắc ngang Quỳnh Nhai, xẻ dọc dòng Đà Giang. Pá Uôn không chỉ là cầu dài và cao nhất Việt Nam mà còn đứng vị trí số một Đông Nam Á, đó là niềm kiêu hãnh của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, của những con người đã "hy sinh" nhà cửa, bản làng cho công trình trọng điểm quốc gia...


1.Chúng tôi thuê một con thuyền vỏ sắt lướt quanh lòng hồ sông Đà đoạn chảy qua huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) trong một sáng mây ngoạm đỉnh núi, sương giăng ướt mặt. Nước lòng hồ xanh ngăn ngắt, tưởng như xuyên thủng xuống những bản làng đang nằm dưới đáy nước sau ngày thủy điện Sơn La đi vào hoạt động. Lòng hồ có đoạn dài vài chục cây số, kéo đến tận khe núi Pá Láu Thẳm Xưa (ngọn núi hang hổ) và Hua Nghi (đầu nguồn suối Nậm Nghi). Nhìn từ trên cao, Quỳnh Nhai như một biển hồ khổng lồ của đại ngàn Tây Bắc.

Cây cầu Pá Uôn sừng sững như con rồng khổng lồ bắc ngang Quỳnh Nhai, xẻ dọc dòng Đà Giang. Pá Uôn không chỉ là cầu dài và cao nhất Việt Nam mà còn đứng vị trí số một Đông Nam Á, đó là niềm kiêu hãnh của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, của những con người đã "hy sinh" nhà cửa, bản làng cho công trình trọng điểm quốc gia.

Xung quanh lòng hồ Quỳnh Nhai là những con thuyền độc mộc vỏ sắt hoen gỉ, phơi nắng, dầm sương "lam lũ" mưu sinh. Chủ nhân là những dân chài bỏ nhà tái định cư ở bản mới, về cắm sào cạnh lòng hồ, sống bằng con tôm con tép. Những con người này mặc nhiên làm "người lái đò sông Đà" trong thời đại "thủy điện Sơn La".

Những chiếc thuyền neo đậu ven lòng hồ của bà con làm nghề chài lưới.

Người lái đò hôm nay không phải gồng mình đấu vật với tay chèo nữa, tất cả được chạy bằng máy nổ, im ru. Chủ con thuyền chở chúng tôi là Lò Văn Hảo (45 tuổi). Anh Hảo có nước da bánh mật, do dãi nắng nhiều. "Nhà anh ở bản nào?". Anh Hảo chỉ xuống lòng hồ cười: "Nó ở dưới đó". Dưới đó là cả một huyện lỵ Quỳnh Nhai (cũ) chứ đâu riêng gì nhà anh. Nhưng vì sao lại quay trở về đây, sống lênh đênh sông nước thế này? Anh quay đi một lúc mới trả lời: "Ở bản mới đất xấu lắm, trồng lúa không lên, trồng ngô không mọc thì lấy gì mà ăn. Về đây còn có con cá con tôm".

Sau thời gian "cắm bản, gặm đất", đói rã rời, năm 2013, anh Hảo mang cả gia đình quay về bản cũ, lúc này đang nằm đâu đó dưới lòng hồ mênh mông. Vốn liếng có bao nhiêu anh dồn hết để sắm chiếc thuyền sắt, vừa làm nhà ở vừa làm phương tiện kiếm ăn. Ngày anh ngồi chờ xem có đoàn khách du lịch nào muốn đi thăm quan hồ thì đưa đi, đêm anh quăng chài, thả lưới kiếm cá. Sáng ra, vợ anh chọn lọc những con cá nào to, ngon và đẹp nhất mang ra chợ huyện bán. Còn lại con tôm, con tép nhỏ để lại kho mặn cho đàn con ăn cơm.

Đứa con lớn của anh Hảo đang học lớp 5 từ ngày về bến sông đã bỏ luôn vì đường đến trường xa quá. Con thứ hai mới hơn hai tuổi thì vợ anh mang bầu, lại đẻ. "Cũng vì khổ quá mới đẻ nhiều, sau này lớn lên còn có nhân lực đi làm". Anh Hảo gãi đầu đưa ra lý do.

2.Cạnh thuyền nhà anh Hảo là thuyền gia đình ông Đinh Văn Dứ (63 tuổi). Ông Dứ là một trong những người đến lòng hồ này sớm nhất. Hiện gia đình ông đang có ba thế hệ sống trên thuyền. Ông và con cháu đều làm nghề đánh cá, cái nghề duy nhất ở lòng hồ sông Đà này. Mùa mưa, nước thượng nguồn sông Đà tràn về có nhiều cá to, có những con vài chục ký. Gia đình ông cũng no đủ. Mùa khô, nước hồ cạn, sông Đà cạn, nên chỉ có tôm tép và cá tạp. Vợ và con dâu của ông mang ra chợ đổi cho cửa hàng tạp hóa lấy gạo và mắm muối.

Con thuyền "tạp hóa" của gia đình ông Dứ neo đậu bến đò Pá Uôn.

Cho dù mùa no mùa đói thất thường nhưng ông Dứ vẫn cảm thấy yên ổn và vui vẻ chịu đựng. Ít ra mỗi ngày ông vẫn được gần gũi cái bản đã gắn bó với ông gần hết đời người. Có năm mùa khô nước cạn, lòng hồ Quỳnh Nhai hằn rõ đáy, ông Dứ lái thuyền từ bến Pá Uôn ngược dòng lên bản Nghe Tọng, xã Mường Chiên (cũ) mất gần hai tiếng đồng hồ. Đường sông nước xa thăm thẳm nhưng vài ngày ông Dứ lại dong thuyền đi, đến ngắm lại cái hình hài quê hương, bản xứ cho đỡ nhớ thôi, rồi lại dong thuyền về.

Thời cá tôm ít, ông nhận đi chở hàng thuê cho cánh lái buôn từ xã Chiềng Ơn về thị trấn Phiêng Lanh. Những lần đi như thế ông học lỏm được chiêu mua vào bán ra các loại nông sản. Thế là ông tạm gác lại nghề đưa đò để tập tành đi buôn. Ông sang Chiềng Ơn thu mua rau củ quả, trái cây và mắm muối về đổ mối cho các bản tái định cư.

Những ngày diễn ra chợ phiên trên bến sông ở bản Pá Na (xả Tủa Khàn, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên), ông Dứ phải dậy từ lúc nửa đêm, vượt dòng Đà Giang qua địa phận Điện Biên để "hốt" hàng. Ông mua từng sợi chỉ cái kim, ống nước, bánh kẹo, đến tivi, quạt máy… chất đầy lên thuyền kĩu kịt chở về. Những mặt hàng này không bán hết một ngày thì hai ngày, thậm chí cả tháng cả năm, không lo bị thiu  thối.

Nghề "chợ thuyền" đến với ông Dứ như một cơ duyên, vợ và con dâu của ông nhanh chóng trở thành tay buôn như tôm như tép, không thua kém ai. Thực phẩm rau xanh, cá mú, ông bươn thuyền đi bán dọc lòng hồ cho các hộ sống bằng nghề chài lưới. Bán không hết buổi sáng, buổi chiều, vợ con ông chạy xe lên bờ xâm nhập vào các bản, bán tống bán tháo cũng hết veo.

Công việc không nặng nhọc nhưng phải thức khua dậy sớm, phải căng đầu tính toán nên nhiều khí áp lực. Khổ nỗi vợ không biết chữ, con dâu thì học hết lớp 2, chữ "đực chữ cái", có hôm bấm máy tính rồi mà còn sai sót, nhầm lẫn, mất tong một ngày đi buôn, vốn liếng hao hụt. Ông Dứ đêm nằm vắt tay lên trán suy nghĩ: "Đi buôn có lời thật, nhưng cái kiểu "mù chữ" thế này thì chẳng mấy chốc mà phá sản. Chết đói cả lũ".

Ông quyết định cho con dâu đi vào bản đăng ký học xóa mù chữ vào ban đêm. Tập trung học môn toán cho thật giỏi. Sau hai năm đèn sách, con dâu ông Dứ đã thuộc làu bảng cửu chương, biết tính toán cơ bản. Vốn kiến thức toán học đủ để bươn chải ở chợ đời, con dâu bắt đầu theo cha chồng "lăn xả" đi buôn.

Bây giờ cuộc sống của gia đình ông Dứ tuy không giàu nhưng đủ ăn. Ông trao lại mối buôn cho hai vợ chồng con trai, còn mình quay về với nghề quăng chài đánh cá và đưa đò. Sức khỏe yếu, ông không ra giữa dòng Đà Giang đánh cá to được, ông chỉ quanh quẩn ở ven bờ Quỳnh Nhai nhặt nhạnh những con cá bé, có ngày chỉ được dăm ba con đủ bữa ăn. Nhưng ông vui và không chịu từ bỏ nghề, bởi ông yêu cái lòng hồ này, mãi hoài niệm về những chứng tích đời sống đã trở thành hoang phế dưới đáy hồ.

3.Mặc dù có cầu Pá Uôn bắc qua, nhưng những cư dân sống lấp lửng quanh lòng hồ Quỳnh Nhai vẫn chọn phương tiện di chuyển bằng thuyền bè vừa nhanh, vừa tiện. Và người lái đò như ông Dứ vẫn có đất sống. Ông nhận chở hàng, chở người, chở xe máy, nói chung là chở tất tần tật những thứ con người mang theo, từ bến này sang bến khác, từ quả đồi này sang quả núi kia. Biết tài lái đò của ông, bà con bên kia bờ sông Đà rất tin tưởng, nhiều ca chở người đi cấp cứu trong đêm, rồi đưa bà đẻ đi bệnh viện phải vượt những chỗ thác ghềnh, vũng xoáy, ông đều hoàn thành tốt. 

Cầu Pá Uôn bắc ngang sông Đà qua lòng hồ Quỳnh Nhai.
Bè nuôi cá của người dân dưới lòng hồ.

Hồ Quỳnh Nhai bình yên là thế, nhưng đầu năm 2015, một vụ chìm đò làm 4 người đàn ông lực lưỡng mất tích đã ám ảnh những tay lái đò kỳ cựu như ông Dứ. Ông Dứ còn nhớ rõ tiếng gào khóc thê lương của người thân trong đêm, tiếng thầy mo cúng vái hương khói rầm rầm kêu gọi những oan hồn mau nổi lên mặt nước.

Công tác tìm kiếm gặp vô vàn khó khăn, do mưa phùn giá rét kèm theo sương mù. Thầy cúng thì quả quyết người mất tích là do hà bá, thủy thần, bởi con sông Đà nổi tiếng hung dữ này năm nào chả "nuốt" vài mạng người để tế thần linh. Đó âu cũng là cách để trấn an lòng người, xoa dịu đi sự mất mát theo hướng tâm linh.

Còn ông Dứ, dù luật tục của đồng bào có nhiệm màu bao nhiêu thì với người lái đò dày dạn sương gió, ông nhận định đó là một tai nạn thương tâm, do thiếu kinh nghiệm sông nước. Ông phân tích rất cụ thể, chi tiết: "Nhìn mặt hồ phẳng lặng, sóng lăn tăn êm ả nhưng ở dưới đáy luôn có những dòng xoáy ngầm, rất hung tợn. Khi nước từ thượng nguồn sông Đà đổ về sẽ thúc những dòng xoáy cuộn lên, chìm xuống tiềm ẩn nhiều hiểm họa. Người lái đò phải thuộc các luồng lạch, phải tinh thông dòng chảy và phải tỉnh táo trong mọi hoàn cảnh".

Dù không dũng mãnh như ông lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, nhưng những người lái đò sông Đà ngày hôm nay vẫn toát lên một thứ gì đó vừa dung dị vừa huyền thoại. Họ sống bằng xương bằng thịt, bằng mồ hôi nước mắt trên "biển hồ". Cuộc đời của họ, tương lai của họ, của con cháu họ rồi chẳng biết sẽ đi về đâu, khi con tôm con cá mai này cạn kiệt.

Ngọc Thiện

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文