Nan giải xử lý hướng dẫn viên du lịch “chui”

16:36 18/04/2019
Hướng dẫn viên (HDV) nước ngoài hoạt động “chui” tại Việt Nam thời gian qua xảy ra khá phức tạp. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn hết sức nguy hại khi những HDV này có thể tung tin, xuyên tạc lịch sử và văn hóa Việt Nam.


Riêng địa bàn TP Hồ Chí Minh là nơi hàng ngày có hàng trăm lượt khách nước ngoài đến tham quan. Nhưng gần đây, không khó để bắt gặp những đoàn khách du lịch nước ngoài với những HDV nước ngoài. Dù cơ quan chức năng đã nhiều lần phát hiện và xử phạt nhưng có vẻ thực trạng này vẫn tái diễn…

Thực trạng bức xúc

Sáng ngày 23-3-2019, tại khu vực Hội trường Thống Nhất TP Hồ Chí Minh - nơi có rất nhiều đoàn tham quan du lịch đến đây, một HDV người Bulgaria bị phát hiện đang đứng thuyết minh cho một đoàn khách tham quan.

HDV ngoại quốc này đã bị Thanh tra Sở mời ra làm việc vì theo quy định HDV người nước ngoài không được phép thuyết minh tại các điểm tham quan ở Việt Nam. Đáng nói là ngay lúc đó, HDV người Việt Nam đi cùng đoàn này đã lẳng lặng bỏ trốn.

Sau đó, dù đoàn kiểm tra đã cố gắng liên lạc với người dẫn đoàn bằng số điện thoại HDV người Bulgaria cung cấp, nhưng HDV Việt Nam đang dẫn đoàn vẫn không quay lại theo yêu cầu của Thanh tra Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh. Một lúc sau mới có một HDV du lịch khác được cử đến nhưng người này không tiết lộ tên công ty tổ chức tour. Dù thực tế, theo thông tin tìm hiểu, công ty tổ chức tour này tên Asianwaytravel có trụ sở tại Hà Nội.

Ngoài trường hợp này, trong một buổi sáng cùng ngày, đã có ít nhất bốn trường hợp HDV bị Thanh tra Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh lập biên bản để xử lý vì không có thẻ hành nghề hoặc không đeo thẻ hành nghề tại các điểm tham quan địa bàn thành phố.

Trước đó hai ngày, theo ghi nhận tại khu vực Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP Hồ Chí Minh, nhiều đoàn khách quốc tế cũng có tình trạng sử dụng HDV người nước ngoài không phép…

Một HDV người nước ngoài (áo sẫm màu) tại khu vực Bưu điện TP Hồ Chí Minh.

Theo đại diện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, trong năm 2018, TP Hồ Chí Minh đã đón hơn 36 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 7 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 19%. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của du khách, số HDV du lịch được cấp phép hoạt động chỉ có hơn 3.000 người.

Từ thực tế này, TP Hồ Chí Minh đã và đang xuất hiện tình trạng nhiều HDV du lịch “chui” - đó là những người chưa được cấp phép hành nghề, không đeo biển hiệu, phù hiệu theo quy định, đặc biệt trong đó, có nhiều HDV là người nước ngoài cũng vi phạm. 

Theo đó, các HDV người nước ngoài thoải mái cầm cờ, đeo micro, không đeo thẻ thuyết minh, hướng dẫn giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như Nga, Pháp, Hàn Quốc, Campuchia… tại các điểm tham quan của thành phố. Và mỗi khi thấy lực lượng chức năng hay người lạ, không phải du khách trong đoàn, đến hỏi những HDV này thì họ nhanh chóng tìm cách lảng tránh, cuốn cờ, quay đi. Tình trạng này khá phổ biến, có thể bắt gặp ở nhiều điểm tham quan nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh như kể trên.

Chỉ trong năm 2018, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã phát hiện và xử lý 18 trường hợp HDV du lịch “chui”; tuy nhiên, việc xử lý gặp nhiều khó khăn do nguồn lực cơ quan quản lý có hạn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp lữ hành vẫn đang lờ quy định, cố tình sử dụng hoặc tiếp tay cho hoạt động của các HDV du lịch “chui”.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, thời gian tới sẽ tăng cường công tác giám sát, kiểm tra hoạt động hành nghề của các HDV cũng như các doanh nghiệp lữ hành hướng dẫn tại điểm để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm và cương quyết không để tình trạng HDV du lịch hoạt động trái phép.

Thực tế, việc HDV người nước ngoài núp bóng dưới dạng khách du lịch, trà trộn hành nghề HDV trái phép ở Việt Nam không phải là mới. Tại nhiều địa phương tập trung đông khách du lịch như: Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Ninh… tình trạng này diễn ra khá phổ biến và gây bức xúc dư luận.

Riêng địa bàn TP Đà Nẵng, trong năm 2018, Sở Du lịch cũng đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt 53 trường hợp vi phạm hành chính trong hoạt động du lịch với tổng số tiền phạt gần 400 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu như HDV thuyết minh về du lịch trái pháp luật, dùng thẻ hướng dẫn du lịch giả và không mang thẻ HDV trong khi hành nghề...

Tương tự, các tỉnh, thành khác cũng từng xử phạt hàng chục trường hợp vi phạm tương tự, chủ yếu là HDV người Trung Quốc, Hàn Quốc…

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm

Trên phạm vi cả nước, thời gian qua, Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đã phối hợp với thanh tra chuyên ngành ở các địa phương kiểm tra trên 120 công ty và chi nhánh công ty kinh doanh lữ hành quốc tế tại một số địa bàn du lịch trọng điểm như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang; đã xử lý và thu hồi 7 giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, tước 30 giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, dừng hoạt động 143 thẻ HDV du lịch quốc tế; phát hiện và lập biên bản, lập hồ sơ chuyển vụ việc có yếu tố nước ngoài cho cơ quan Công an xử lý vi phạm, buộc xuất cảnh đối với 50 người nước ngoài hành nghề trái phép trong lĩnh vực du lịch…

Theo một số liệu hiện nay, cả nước có hơn 14.800 HDV quốc tế và hơn 8.600 HDV trong nước, tập trung chủ yếu ở các điểm du lịch lớn và đa phần là HDV tiếng Anh. Nếu chia đều cho lượng khách nước ngoài vào Việt Nam (khoảng 15 triệu lượt khách quốc tế năm 2018) thì mỗi HDV quốc tế phải phục vụ khoảng 1.000 du khách mỗi năm. Con số này cao gấp nhiều lần mức bình quân của các nước trên thế giới. 

Không chỉ thiếu hụt về số lượng, đội ngũ HDV Việt Nam hiện nay còn mất cân đối nghiêm trọng về cơ cấu, nhiều thị trường như: Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Nga… thường xuyên không đủ số lượng HDV để đáp ứng.

Và chính sự thiếu hụt và mất cân đối như vậy đã khiến nhiều đơn vị lữ hành buộc phải sử dụng các HDV bản địa dù biết là không được pháp luật Việt Nam cho phép. Thực trạng này, ngoài việc gây ảnh hưởng đến nguồn thu của cộng đồng HDV người Việt, thì còn có thể dẫn đến hậu quả hết sức nguy hại, khi các HDV người nước ngoài có thể xuyên tạc lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Ai cũng biết rằng du lịch là hành trình khám phá những miền văn hóa thông qua cầu nối chính là các HDV. Và HDV được xem là “đại sứ” du lịch của một quốc gia. Bởi vậy, nếu việc quản lý hoạt động hướng dẫn du lịch còn lỏng lẻo, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy phát sinh.

Theo Hội HDV du lịch Việt Nam (VTGA), tất cả các HDV nước ngoài hoạt động ở Việt Nam đều không được phép. Theo quy định của Luật Du lịch 2017, điều kiện cấp thẻ HDV du lịch phải đáp ứng một số điều kiện, trong đó HDV phải có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Như vậy, theo luật thì người nước ngoài không được làm HDV du lịch tại Việt Nam.

Du lịch là hành trình khám phá những miền văn hóa thông qua cầu nối chính là các HDV. (hình minh họa).

Tuy nhiên, thực tế trong một vài năm qua nhiều địa phương tình trạng HDV nước ngoài hoạt động “chui”, không phép vẫn diễn ra. Nguyên nhân là vì có sự “bảo kê”, câu kết của các công ty lữ hành.

Vì thế, để giải quyết hiệu quả vấn đề này, lực lượng chức năng cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt phải xử lý nghiêm đối với các trường hợp HDV vi phạm. Trong trường hợp cần thiết, phải trục xuất, thậm chí là cấm nhập cảnh trong thời hạn nhất định để đủ sức răn đe, tránh tái diễn. 

Theo định hướng đến năm 2020, Việt Nam muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách thì việc nâng cao chất lượng HDV cũng như quản lý, chấn chỉnh các hoạt động du lịch trái phép, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch cũng cần phải được thực hiện nghiêm minh và quyết liệt.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2018, Trung tâm Điều hành HDV Việt Nam đã được ra mắt, với mong muốn bảo vệ quyền lợi HDV du lịch và phát hiện ra các sai phạm, đưa hoạt động hướng dẫn đi vào khuôn khổ.

Từng bước chuẩn hóa trong công tác quản trị đội ngũ HDV. Các tổ nghiệp vụ HDV được tái cơ cấu nhằm tạo điều kiện cho HDV phát triển theo hướng chuyên sâu, củng cố khả năng thích nghi nhiều thị trường làm việc, nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới. 

Phú Lữ

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Trong cuộc sống, thiếu vắng đi người cha, người mẹ, đó là nỗi đau không thể bù đắp của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, xoa dịu nỗi đau cho các em nhỏ mồ côi, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những người mẹ đỡ đầu là hội viên của các cấp Hội phụ nữ trong Công an tỉnh Lạng Sơn đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 6/5, theo nguồn tin riêng của phóng viên, Công an tỉnh Thanh Hoá đang tích cực điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của 2 mẹ con trong ngôi nhà đang cháy xảy ra tại phố Kiều Đại 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Thanh Huệ (SN 1982; trú tại thôn 8, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 6/5, Cục CSGT cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Châu (Sơn La) đã ra Lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lái xe đầu kéo vi phạm nồng độ cồn mức kịch khung đi không đúng phần đường gây tai nạn khiến 1 người chết, 7 người bị thương.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文