Nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vì gây phức tạp xã hội

13:36 22/11/2019
Cấm hay không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê là một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm, khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Chính phủ đề nghị đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; đồng thời đề nghị có quy định xử lý chuyển tiếp đối với các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện nay.


Trước đó, Bộ Công an, UBND TP.HCM cũng đề nghị cấm dịch vụ này nếu không sẽ gây hậu quả phức tạp cho xã hội. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về nội dung trên, phóng viên Chuyên đề Cảnh sát toàn cầu đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Ninh Bình.

Phóng viên: Thưa ông, Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) đang trình Quốc hội cho ý kiến có đề xuất đưa ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh đầu tư quan điểm của ông về vấn đề này?

Đại biểu Bùi Văn Phương: các ngành nghề kinh doanh có điều kiện dù đã có quy định quản lý chặt chẽ, song đã bị biến tướng nhiều, như là ngành nghề kinh doanh cầm đồ, cho vay tài chính… Mặc dù nhiều tên gọi khác nhau song về bản chất đại biểu cho rằng đây là kinh doanh cho vay nặng lãi, mà đằng sau đó là hoạt động của “xã hội đen”, là mầm mống của nhiều tội phạm.

Đại biểu Bùi Văn Phương.

Khi cho vay, trên giấy tờ có thể ghi cho vay 10 triệu nhưng thực chất người vay chỉ được cầm 7 triệu đồng, không nói gì đến lãi. Do đó, cơ quan chức năng cho rằng khó xử lý được nếu căn cứ vào hợp đồng, giấy tờ.

Nếu chỉ nhìn trên giấy tờ thì rõ ràng các đối tượng cho vay “nhân văn” quá, vay không lấy lãi, nhưng thực chất đó là mức lãi “cắt cổ”. Nhưng, đằng sau những dịch vụ cho vay này cũng chính là dịch vụ kinh doanh đòi nợ, mà về bản chất làm hoạt động theo kiểu xã hội đen, gây nhiều hệ luỵ cho xã hội.

Tôi được biết, việc xử lý các đối tượng này rất khó khăn vì lực lượng Công an không có căn cứ. Khi đi tiếp xúc cử tri, người dân kiến nghị cho rằng việc cắt lãi này là đương nhiên, nếu đại biểu đi vay sẽ biết. Như vậy, rõ ràng là có tội phạm nhưng không xử lý được, lại gây nhiều hệ luỵ cho xã hội, là mầm mống của tội phạm, mà cái lợi lại chưa thấy đâu.

Vấn đề thứ 2 liên quan đến người cho vay, tức là người có tiền, có tài sản. Để bảo toàn, sinh lợi tài sản của mình thì anh phải “chọn mặt gửi vàng” chứ không thể đồng tiền, tài sản mình bỏ ra một cách dễ dàng. Nhưng hiện nay, vì có đòi nợ thuê nên kích thích người có tiền, có tài sản dễ có lòng tham, khi người vay hứa hẹn lãi cao nên đã bất chấp để cho vay lấy lãi cao. Khi không đòi được nợ thì sẽ thuê xã hội đen đến đòi.

Từ hai vấn đề trên, tôi cho rằng cấm dịch vụ đòi nợ thuê là đúng và rất cần thiết.

Phóng viên: Nhưng nếu khi người dân có nhu cầu “vay nóng” lại không thể giải quyết được, thưa ông?

Đại biểu Bùi Văn Phương: Hiện nay, khi người dân có nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì việc vay ngân hàng khá thuận lợi, dễ dàng, lãi suất thấp. Còn nhu cầu “vay nóng”, với mức lãi suất rất cao, thậm chí lên đến hàng nghìn phần trăm, bạn nghĩ, có thể sản xuất, kinh doanh gì để có mức lãi suất đó? Như vậy, có thể thấy rõ ràng là không bình thường.

Đối tượng đòi nợ thuê đến “áp đảo” gia đình nạn nhân.

Tôi có thể phân tích, khi ngân hàng cho vay với lãi suất thấp mà làm ăn chưa chắc đã có lãi, nếu vay với lãi suất cao thì sẽ làm gì để trả? Chính vì vậy, đa số những người có nhu cầu “vay nóng” với lãi suất cao thì dùng vào những việc không rõ ràng, không hợp pháp.

Trở lại vấn đề, nếu những người có tiền thì cũng tự thấy rằng, cho người khác vay với lãi suất cao như thế thì  người ta sẽ làm gì để trả nợ? Rõ ràng tự mình cũng biết rõ ràng việc vay nợ có vấn đề nhưng vẫn cho vay.  Cho những người “có vấn đề” vay thì rõ ràng phải biết rằng việc đòi nợ sẽ khó khăn, phải có sự can thiệp của đòi nợ thuê để đòi nợ, gây phức tạp xã hội.

Phóng viên: Nhưng đối với đối tượng học sinh, sinh viên – những người không có tài sản thế chấp thì khi có nhu cầu vay sẽ rất khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, thưa ông?

Đại biểu Bùi Văn Phương: Đối tượng là sinh viên thì hiện nay Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho vay học phí với lãi suất rất thấp và thời hạn trả nợ lâu, tạo điều kiện hết mức để cho các em được học tập, sau đó, ra trường đi làm mới phải trả nợ.

Đối tượng sinh viên là con em gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo cũng có ưu đãi riêng về học phí và cho vay.

Những trường vay “tín dụng đen” thường là các cháu chơi bời, lêu lổng. Nếu không siết lại mà để các cháu này vay tiền dễ dàng, tiêu tiền thoải mái sẽ dẫn đến hậu quả rất lớn. Từ không có tiền trả nợ sẽ dẫn đến trộm, cướp, thậm chí giết người cướp của.

Còn đối tượng cho vay tín dụng đen thì rõ ràng biết các đối tượng này không có tiền, không có khả năng trả nợ. Nhưng vì sao chúng vẫn cho vay? Bởi sau khi cho vay, chúng sẽ đến tận trường gây áp lực, thậm chí đến tận nhà đòi nợ.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, khi xã hội có nhu cầu thì nên tạo điều kiện, bởi việc kiện ra toà án để đòi nợ thường lâu nhưng không hiệu quả. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Bùi Văn Phương: Tôi cho rằng, cần phải có đánh giá kỹ về hiệu quả kinh tế - xã hội, về trật tự an ninh đối với hai loại hình kinh doanh đòi nợ và dịch vụ cho vay tài chính, để từ đó có chính sách quản lý phù hợp. Nên so sánh cái được (chẳng hạn về việc làm, thu nhập, ngân sách) với những hậu quả để lại về xã hội, an ninh trật tự… Nếu thực sự loại hình này thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, lành mạnh về ANTT thì quá tốt. Nhưng bản chất loại hình này là cho vay nặng lãi, nên nếu đánh giá loại hình kinh doanh này đem lại hậu quả nhiều hơn hiệu quả thì nên cấm.

Phóng viên: Nhiều người cho rằng, quyền cho vay – đi vay là quyền tự do cá nhân, là giao dịch dân sự được pháp luật công nhận, nếu cấm thì không hợp lý. Quan điểm của ông thế nào?

Đại biểu Bùi Văn Phương: Quyền cho vay – đi vay là quyền tự do. Rõ ràng pháp luật không cấm. Nhưng, vấn đề ở đây là tay không đi vay tiền, thì rõ ràng có sự không bình thường. Nếu cứ để  cho việc không bình thường tồn tại thì sẽ rất nguy hiểm. Chính vì vậy, điều cấm ở đây là cấm cho vay lãi nặng, cấm đòi nợ thuê. Nhà nước phải cấm những việc ảnh hưởng đến sức khoẻ, tài sản của cộng đồng, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn xã hội. Loại hình này đang ảnh hưởng đến TTATXH thì Nhà nước mới cấm. Có gì mà không đúng.

Một kiểu khủng bố nhà con nợ của đối tượng đòi nợ thuê.

Phóng viên: Hiện đang có một số ý kiến cho rằng việc quản lý các công ty kinh doanh đòi nợ khó khăn nên “không quản được thì cấm”. Ông có ý kiến gì về việc này?

Đại biểu Bùi Văn Phương: Tôi không đồng tình với quan điểm này. Không phải là không quản được thì cấm, mà rõ ràng đây là hoạt động gây ảnh hưởng đến ANTT và không tác động gì đến phát triển kinh tế, chỉ tạo điều kiện cho một số người, đặc biệt là các cháu thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên ăn chơi, cá độ, vi phạm pháp luật. Vì thế, nó không mang lại hiệu quả gì.

Nếu ai cho rằng, việc cấm kinh doanh đòi nợ không đúng thì phải chứng minh được hiệu quả của tín dụng đen, kinh doanh đòi nợ tác động tốt, mang lại hiệu quả kinh tế. Còn nếu không mang lại hiệu quả gì mà phức tạp xã hội thì phải cấm. 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Phương Thuỷ (Thực hiện)

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文