Nghề bán hàng rong mưu sinh giữa mùa dịch

12:27 04/03/2020
Giữa thời dịch bệnh COVID-19, cảnh buôn bán ế ẩm là tình hình chung, ai cũng bị ảnh hưởng và phải chấp nhận. Nhưng có lẽ, những người bán hàng rong gặp nhiều khó khăn nhất, khi trên tay họ không có nguồn vốn để cầm cự…

1. Khu vực đường Nguyễn Văn Cừ, đoạn qua Trường Đại học Khoa học tự nhiên (quận 5, TP HCM) từ nhiều năm nay được mệnh danh là "chợ" bánh tráng trộn của những người phụ nữ quê miền Trung. Từ 12 giờ trưa mỗi ngày, có hàng chục gánh hàng rong đỗ đáp dưới các gốc cây trên vỉa hè, lề đường. Khách hàng phần lớn là sinh viên, học sinh. 

Từ ngày có dịch bệnh, trường cho sinh viên nghỉ học nên những gánh hàng rong đìu hiu như chợ chiều, thậm chí là không một bóng người ghé lại. Bà Nguyễn Thị Mai (56 tuổi, quê Bình Định) ăn Tết xong là hối hả đón xe vào thành phố bắt đầu cho một năm mưu sinh.

Bà đi trước một tuần để đón lịch học của học sinh, sinh viên nhưng dịch COVID-19 đã làm phá sản dự định của bà cũng như hàng chục đồng hương bán hàng rong ở khu vực này. Những ngày cổng trường vắng tanh, gánh bánh tráng trộn của bà đơn độc dưới gốc cây cổ thụ. 

Bà thở dài não nề: "Ngày tôi bán được vài chục ngàn, chỉ đủ đóng tiền nhà trọ, không có tiền ăn. Sáng tôi ăn bánh tráng, uống nước vào là no đến chiều. Tối chỉ dám mua 5.000 đồng cơm trắng ăn với muối Tây Ninh. Không biết bao giờ thì hết dịch bệnh, cứ kéo dài thì phải về quê chứ không cầm cự nổi".

"Biệt đội" bánh tráng trộn trở về thành phố rất sớm nhưng dịch bệnh đã làm phá sản bao dự định của họ.

"Tiểu đội" bán hàng rong thuê trọ tại một khu nhà xập xệ dưới chân cầu Ông Lãnh (quận 1). Họ phải trả tiền thuê theo ngày, trọn gói là 45 ngàn/ngày. Số tiền đó là để mua chỗ ngủ, chỉ vừa cái chiếu một mét nằm trên gác xép của một ngôi nhà cũ, được chủ cơi nới thành hai lớp. Những người thuê nhà ở đây đều là dân buôn thúng bán bưng. 

Bà Mai và hơn chục bà khác mua được chỗ trên gác có mái tôn chạm đầu. Vì các bà đều đi làm cả ngày, 12 giờ đêm mới về ngủ nên không sợ nóng, chỉ sợ mưa, tôn cũ hoen gỉ bị dột, nước mưa rơi cả vào mặt. Tuy nhiên, những bức bối, tồi tàn của nơi ở không hề làm các bà phiền lòng, ai cũng có tư tưởng đi kiếm tiền thì phải chấp nhận nên họ hài lòng với nơi ăn chốn ở. Trời nắng, bà Mai trùm bọc ni lông choàng qua quang gánh rồi ngồi khum người trong đó, trời mưa cũng thế. Bà cứ ngồi như vậy, bé nhỏ và đơn độc.

Ở gốc cây bên cạnh, bà Lê Thị Tám (65 tuổi, Bình Định) tỏ rõ sự mệt mỏi, phiền não vì không bán được hàng. Bà Tám đã có 20 năm quang gánh mưu sinh ở đất phương Nam này. Bà đã nuôi được hai người con ăn học hết cấp 3, một đứa đã đi lấy chồng nhưng cũng vừa chia tay, ôm con về ở với bà. Đứa khác thì đang nối nghiệp mẹ ở gốc cây đối diện. 

Bà Tám dự định sẽ bán hàng rong thêm 5 năm nữa, khi tuổi đời vừa tròn 70 thì sẽ nghỉ. Bà dự tính, lúc ấy, cháu ngoại vừa học xong cấp 3. Tương lai của nó là vào thành phố này làm công nhân, sẽ tự nuôi sống được bản thân. Các con cháu của bà Tám đều là phận gái, nên bà vẫn giữ quan niệm cũ kỹ của mình là "có học cao hiểu rộng thì mai này cũng sẽ theo chồng, lại tối mặt vào bếp núc, con cái".

Bà Tám vào TP HCM từ ngày mồng 10 Tết, gần một tháng trời bán buôn ế ẩm nên có dự định trở về quê phụ ông nhà cấy vài sào ruộng. Nỗi lo cơm áo vì không bán được hàng khiến người đàn bà vốn dĩ tóc đã bạc trắng, khuôn mặt nhàu nhĩ càng lụ khụ, hom hem và già nua hơn rất nhiều. 

Cả buổi chiều, bà bán được 20 ngàn bánh tráng, 2 trứng vịt và một trái xoài xanh. Bà thở hắt ra tiếng, dự đoán cho tới 12 giờ đêm chắc tình hình không lạc quan là mấy. Ngoài đường, lác đác người đi bộ, ai cũng khẩu trang kín bưng bước vội vã về phía trước.

Bà Mai ngồi cô độc dưới gốc cây.

2. Đêm xuống, những con hẻm trong các khu dân cư sáng đèn nhưng vắng hẳn các hoạt động của con người. Ngày thường, cứ chiều về là tiếng karaoke loa kẹo kéo ầm vang khắp xóm, tiếng cụng li hò zô huyên náo, tiếng trẻ con nô đùa cười sặc sụa, tiếng quát tháo âm ĩ của các bà mẹ... 

Các hoạt động của bà con khu phố chính là nguồn sống của những người bán đồ nhậu và đồ ăn vặt bám trụ hàng chục năm ở thành phố. Anh Lê Văn Tình (48 tuổi, quê Bắc Giang) đã có 10 năm bán bánh giò, xôi cúc ở khu vực phường Tân Phong (quận 7). Tiếng rao đêm của anh Tình đã trở thành âm thanh quá đỗi quen thuộc.

Từ ngày có dịch bệnh, xe bánh giò, xôi cúc của anh Tình ế thảm hại. Có hôm, người ta ngoắc anh lại để mua bánh. Khi anh vừa thò tay lấy chiếc bánh nóng hổi được bọc kỹ trong nồi ra thì vị khách bỗng hốt hoảng xua tay, bà nói thật to như quát vào mặt anh: "Trời ơi, ông đi bán bánh mà không đeo khẩu trang thì truyền hết bệnh qua bánh rồi, ăn vào để chết à. Thôi tôi không mua nữa". 

Anh Tình ngơ ngác, nghẹn bứ trong cổ họng. Hôm sau anh đeo khẩu trang đi bán nhưng tiếng rao không còn thanh thoát, bay bổng vì bị khẩu trang cản phía trước. Lần này thì bi hài hơn, cũng đang lấy bánh ra cho khách thì anh lại bị từ chối với lý do không đeo găng tay, lỡ con virus bám vào tay rồi truyền sang bánh. 

Anh Tình cố gắng giải thích, là bánh giò đã được bọc qua nhiều lớp lá, không thể truyền qua được. Khách quát vào mặt anh: "Ông đi bán bánh giò chứ không phải là bác sĩ, nếu nó truyền qua thì ông chịu trách nhiệm được à".

Ngày hôm sau, anh Tình thực hiện rất quy củ việc bảo hộ. Anh đeo găng tay, bịt khẩu trang đầy đủ nhưng vẫn ế đến nửa nồi bánh giò, còn xôi cúc thì hầu như không bán được. 

Anh Tình thử đổi địa bàn, chuyển sang khu vực quận 8 nhưng tình hình không khá là bao. Người dân ngại ra khỏi nhà, hạn chế ăn đồ vặt vào ban đêm và sợ tiếp xúc với những người bán hàng rong vì lo ngại họ đi khắp nơi, gặp nhiều người sẽ mang mầm bệnh theo.

Cảm giác như bị cắt hết nguồn sống, bế tắc không tìm ra lối thoát, anh Tình nói với tôi đã mua vé tàu, hai ngày nữa về quê. Anh không thể biết được khi nào thì hết dịch bệnh nên đã trả phòng trọ, thu gom đồ nghề qua nhà người quen gửi. Về quê thì làm gì trong thời dịch bệnh này? 

Tôi hỏi, anh Tình buồn rầu đáp: "Trước mắt cứ về đã, ở đây buôn bán không được cũng chẳng có gì ăn, không kham nổi tiền thuê nhà mỗi tháng. Khi nào hết dịch bệnh lại vào bán tiếp, tôi đã theo nghề này chục năm rồi, nói dứt bỏ thì khó lắm".   

Những gánh hàng rong vắng khách trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5, TP HCM).

3. Anh Tình còn có nhà, có gia đình để trở về, còn mẹ con bà Nguyễn Thị Cẩm Lan (51 tuổi, Phú Yên) thì có quê nhưng chẳng có nhà để về. Cách đây 3 năm, chồng bà Lan mắc bệnh hiểm nghèo, bà quyết định bán ngôi nhà cấp 4 để chữa chạy cho chồng. Bao nhiêu lần ngược Nam, xuôi Bắc nhưng rồi ông nhà vẫn không qua khỏi. 

Chồng mất, nhà mất, bà Lan cùng cậu con trai 21 tuổi dắt nhau vào TP HCM lập nghiệp. Bà thuê căn phòng trọ trong hẻm trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) và lập nghiệp bằng nghề bán bánh xèo xe đẩy. Bà bán giá bình dân, hương vị bánh xèo miền Trung chính hiệu nên lượng khách kha khá, mỗi tháng trừ hết vốn đi cũng lời được 5 -7 triệu đồng. 

Con trai của bà chạy xe ôm công nghệ thu nhập ổn định. 3 năm rời quê ra đi, mẹ con bà Lan chưa một lần trở về ăn Tết vì nghĩ mặc cảm không nhà cửa. Mỗi năm đến ngày giỗ chồng, mẹ con bà về mượn nhà của em trai chồng làm giỗ, xong lại tất tả vào Nam.

Hơn một tháng nay, ngày nào bà Lan cũng bán ế, làm ít đi vẫn ế, lỗ vốn triền miên. Con trai bà chạy xe ôm thì đỡ hơn nhưng so với ngày trước khi có dịch cũng sụt giảm đáng kể. 

Thấy mẹ buồn bã, con trai khuyên mẹ về quê ít ngày cho khuây khỏa. Lòng bà Lan nặng nề, về phải ở nhờ nhà người ta thì tủi lắm, không thoải mái. Bà quyết định sẽ đóng cửa quán, đi giúp việc để có tiền trang trải cuộc sống cho qua cái mùa dịch này.

Ngọc Thiện

Tối 23/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, lúc 15h30 cùng ngày, đã tiếp nhận điều trị 5 ca bị bỏng và bị thương nặng được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Tân Biên. Có 4/5 nạn nhân đã được Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với M.V.S về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文