Ngôi làng “sống xanh” bên cạnh vùng ô nhiễm

11:14 12/06/2019
Cùng nhau dọn rác, thu thập pin, trồng cây dọc bờ kênh, hạn chế túi nilon…những hành động rất văn minh, tưởng chừng khó có thể xuất hiện ở những vùng quê cách xa thành phố. Nhưng đó là những hoạt động mà người dân thôn Thụy Lôi (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) đang cùng nhau thực hiện để bảo vệ môi trường sống của chính họ.


Sống bên nguồn ô nhiễm

Thôn Thụy Lôi được ngăn cách với xã Văn Môn (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) chỉ bằng một cánh đồng và Quốc lộ 1A. Trong gần 20 năm nay, Văn Môn nổi tiếng với nạn đốt rác thải, phế liệu đồng nát gây ô nhiễm nghiêm trọng đến không khí, môi trường sống. Cũng trong từng ấy năm, người dân Thụy Lôi phải chịu ảnh hưởng bởi khói bụi từ những cột khói đen ngòm, theo hướng gió từ phía Văn Môn thổi sang.

Có lẽ cũng vì lý do đó, người dân nơi đây hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Họ luôn khao khát một ngày nào đó, họ được sống trong một môi trường xanh sạch đẹp. Và nhiều người dân của Thụy Lôi cũng hiểu rằng, để có một môi trường như thế, chính họ phải tự hành động.

Đầu tháng 1-2017, dưới sự ủng hộ của chính quyền, một nhóm người thuộc Hội các thế hệ sinh viên thôn Thụy Lôi và nhóm yêu môi trường đã thực hiện dọn rác dọc con kênh Long Tửu, một con kênh từng dùng để tưới tiêu, bị ngập trong rác thải kéo dài hơn 1 km. Ròng rã hơn một tháng, kênh Long Tửu và nhiều điểm nóng về rác thải tại Thụy Lôi đã phần nào được dọn sạch.

Kênh Long Tửu trước và sau khi được dọn dẹp.

Anh Nguyễn Vũ, một thành viên năng nổ của hội cho biết, trước khi được dọn sạch, kênh Long Tửu ngập tràn trong rác do người dân vẫn còn giữ thói quen, lề thói cũ nên thường xuyên vứt rác xuống kênh. Các thành viên trong Hội bảo vệ môi trường của thôn Thụy Lôi ngoài việc dọn rác còn tự tuyên truyền đến người dân, giúp họ hiểu được chỉ cần giảm xả rác bừa bãi, nhắc nhở người khác không vứt rác cũng là một cách để bảo vệ môi trường.

“Để làm những công việc này, chúng tôi cũng phải học hỏi kinh nghiệm từ những tổ chức bảo vệ môi trường khác. Là Tiến sĩ khoa học vật liệu, hóa học cũng có chút kinh nghiệm về phân loại rác nên tôi cũng truyền đạt lại cho mọi người trong nhóm, về việc phân loại rác thế nào kể từ khi bắt đầu dọn kênh. Việc dọn sạch kênh Long Tửu cũng làm thay đổi ý thức của người dân đáng kể, mặc dù chưa trọn vẹn…”, anh Vũ nói.

Cũng như bao sự thay đổi khác, việc làm “cách mạng môi trường” tại Thụy Lôi cũng vấp phải sự dị nghị từ chính người dân nơi đây. Nhiều người còn phản ứng gay gắt trước những lời nhắc nhở, khuyên giải của nhóm bảo vệ môi trường. Nhưng sau khi chứng kiến thành quả, nhìn thấy một Thụy Lôi hoàn toàn khác, một hạt giống “xanh” đã được ươm mầm đối với nhận thức của người dân.

Sau 2 năm, phong trào dọn rác, giữ gìn vệ sinh môi trường tại Thụy Lôi đã được lan rộng, không chỉ giới hạn ở nhóm cư dân yêu môi trường như trước. Chứng kiến cảnh làng xóm sạch đẹp, con kênh ô nhiễm, bốc mùi rác thải ngày nào đã “lột xác” thành một con đường sạch sẽ. Ai cũng chung tay giúp đường làng ngõ xóm không còn rác, khiến Thụy Lôi từng bước trở thành một thôn làng “sống xanh”.

Dự án “xanh” đang hình thành

Sau thành công đến từ việc kêu gọi người dân dọn rác, giảm lượng rác thải ra môi trường, nhóm yêu môi trường của Thụy Lôi tiếp tục với những dự án mới và được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân cũng như chính quyền.

Đầu tiên phải kể đến con đường hoa dọc kênh Long Tửu. Sau khi đã “thay áo” mới cho con kênh, người dân đã kêu gọi nhau trồng hàng ngàn cây hoa dọc hai bên đường. Anh Ngô Xuân Sửu, một thành viên năng nổ khác của nhóm cho biết, con đường hoa được chia làm nhiều giai đoạn, nhận được sự đóng góp của nhiều người dân cả về công sức lẫn vật chất. Đầu tháng 1-2019, Hội Phụ nữ xã Thụy Lâm đã ủng hộ 300 cây giống và tự mình phát quang dọc kênh để trồng hoa và Đoàn Thanh niên xã cũng ủng hộ rất nhiều ngày công.

Các bạn trẻ thu gom pin tại điểm thu gom tập trung.

Mỗi buổi chiều, người dân Thụy Lôi lại gọi nhau ra làm cỏ, tưới cây và chăm sóc con đường hoa. Những người đi tập thể dục dọc con đường kênh cũng xắn tay áo xuống trợ giúp. Công việc chăm sóc đường hoa đã trở thành việc chung của người dân nơi đây, không kể bạn là giáo viên, nông dân, đầu bếp hay công chức.

Chị Ngô Thị Thu, giáo viên Trường tiểu học Thụy Lâm cho biết: “Chiều nào tôi cũng cùng 5-7 anh chị em trong thôn tham gia tưới cây, trồng cây. Cứ ai rảnh thì tham gia, không có gì ép buộc, nhiều lúc người đi tập thể dục qua đây cũng xuống hỗ trợ cho vui. Khi lên lớp, tôi cũng lấy những ví dụ của thôn mình ra để dạy cho các em, tuyên truyền cho các phụ huynh giúp bảo vệ môi trường. Cũng vì thế, phong trào bảo vệ môi trường của Thụy Lôi ngày càng được ủng hộ và có sự tham gia của nhiều bạn trẻ”.

Cũng nhờ sự tham gia của các bạn trẻ, tại Thụy Lôi cũng đã thành lập được 4-5 điểm thu thập pin, đồ điện tử đã qua sử dụng để chuyển đến điểm tập kết tái chế. Riêng tại nhà anh Sửu, một quán cà phê nằm sát kênh Long Tửu cũng là một điểm thu thập pin lớn. Sau một vài ngày, hàng chục cân pin cũ lại được tập trung để anh Nguyễn Vũ mang đến điểm thu gom của chương trình “Việt Nam tái chế” nằm trong trung tâm Hà Nội.

Em Ngô Trương Tài - sinh viên năm thứ 2 Học viện Ngân hàng chia sẻ: “Trước khi có hoạt động bảo vệ môi trường, mức độ ô nhiễm tại làng khá là bẩn. Nhiều người thiếu ý thức, đặc biệt trong việc bảo vệ môi trường. Nhưng kể từ ngày có phong trào này, ý thức người dân có cải thiện, nhiều cô bác tham gia cùng”. 

Mỗi ngày, hoạt động bảo vệ môi trường ở Thụy Lôi ngày càng phát triển. Ngoài các hoạt động nói trên, người dân nơi đây đã dần thay đổi nếp sống sinh hoạt thường ngày. Họ bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhặt như dùng làn, túi vải để đi chợ thay vì sử dụng túi nilon, sử dụng cặp lồng inox hay thủy tinh để thay cho hộp nhựa. Một số khác không thể bỏ túi nilon hoàn toàn thì lại có thói quen tích trữ túi nilon để tái sử dụng.

Tại Thụy Lôi cũng có những quán ăn, quán cháo để sẵn hộp thủy tinh, cặp lồng để mua mang về. Chủ quán cũng là một người tuyên truyền, giải thích cho người mua về việc giảm túi nilon, giảm hộp nhựa không chỉ bảo vệ môi trường mà còn bảo vệ chính bản thân họ khỏi sự độc hại. Tuy nhiên, cũng có một số ít người không tiếp thu hoặc không chịu tiếp thu, đó cũng là điều hết sức bình thường trong cuộc “cách mạng xanh” thay đổi thói quen thường nhật của nhiều người này.

Phong trào bảo vệ môi trường của Thụy Lôi cũng trở thành một làn sóng lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều thôn xóm lân cận đã nhen nhúm phong trào dọn rác, giảm rác thải sinh hoạt, hạn chế túi nilon. Phong trào này lan tỏa mạnh đến mức, có những chủ doanh nghiệp là người dân Thụy Lôi đi làm ăn xa, biết đến và đóng góp kinh phí cho việc bảo vệ môi trường của thôn như Công ty An Phát hay Công ty khóa Việt - Ý. Trước đó, để có kinh phí hoạt động, hoàn toàn nhờ vào sự đóng góp tự nguyện của người dân cũng như sự hỗ trợ phần nào của các hội, nhóm thuộc chính quyền.

Với thông điệp bảo vệ môi trường, “sống xanh” cho thế hệ mai sau, Thụy Lôi dần trở thành một điểm sáng cho phong trào này. Với việc ngày càng có nhiều người tham gia, từ già đến trẻ và đủ các ngành nghề trong xã hội, chúng ta có quyền hy vọng về một Thụy Lôi “xanh” hoàn toàn với 100% người dân hiểu và biết tự bảo vệ môi trường trong tương lai. Đó cũng trở thành một đốm lửa lan tỏa phong trào “sống xanh” đi khắp mọi địa phương khác trên cả nước, giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất, bảo vệ chính cuộc sống của mỗi chúng ta.

Trâm Hiền

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文